1. Để đạt điểm cao, bài văn phải được trình bày sáng sủa, sạch đẹp. Vì vậy, trong quá trình triển khai ý làm bài, các em nên trình bày mỗi ý thành một đoạn văn, được phân biệt với nhau bởi các dấu chấm xuống dòng.
Cụ thể : Mở bài viết 1 đoạn, thân bài viết THÀNH NHIỀU ĐOẠN VĂN, mỗi luận điểm viết thành một đoạn, kết bài viết 1 đoạn.
Bài văn tối thiểu phải có 6-7 đoạn trở lên. Tuyệt đối không được viết cả bài thành 1 đoạn, bởi trong đáp án chấm bao giờ cũng có điểm trình bày. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận 0,5 điểm.
Bài văn nghị luận xã hội cũng trình bày thành nhiều đoạn, trừ khi yêu cầu của đề : Hãy viết đoạn văn… thì các em viết thành 1 đoạn, nếu đề chỉ yêu cầu : Trình bày suy nghĩ của anh/ chị,… thì mình hiểu là phải viết thành bài văn, có mở bài kết bài đầy đủ.
Nếu trong trường hợp hết giờ mà chưa hết ý, chúng ta viết ngắn gọn phần thân bài lại và kết luận luôn, dù kết bài viết vội vàng, không hay, nhưng đủ 3 phần Mở bài- Thân Bài- Kết bài thì các em cũng không bị mất 0.5 điểm phần bố cục.
Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn thì bị trừ 0.5 điểm
2. Tránh viết lan man, xa đề, nhớ đâu viết đấy. Bài viết cần có luận điểm phù hợp, nên gạch ý ra giấy nháp trước khi triển khai. Đáp án chấm của Bộ :Xác định đúng vấn đề cần nghị luận 0,5 điểm. Tức là bài văn viết lan man sẽ bị mất 0.5 điểm ở yêu cầu này
Khi xuống dòng, cũng nên viết chữ đầu tiên lùi vào vài chữ, tính từ lề. Cách trình bày như thế vừa giúp bài văn sạch đẹp hơn, gây được thiện cảm của người chấm, các ý trong bài nổi bật hơn, người chấm không thể bỏ sót ý, nên bài văn có lợi hơn về điểm số.
3 Cần hết sức tránh việc tẩy xóa, để tránh cho bài làm không bị xấu và bẩn. Trong trường hợp bất khả kháng, bắt buộc phải bỏ phần vừa viết, cách tốt nhất và duy nhất là dùng thước kẻ gạch đè lên để bỏ đi, rồi viết tiếp. Chỉ gạch một nét, với độ đậm mực vừa phải, không ấn bút vì dễ làm rách giấy, hoặc làm xấu bài thi. Các em tuyệt đối không được dùng bút xóa, vì dễ bị nghi là đánh dấu bài. Cũng không nên gạch bằng tay, không nên dùng các móc ngoặc để đánh dấu đoạn văn bỏ đi, và viết thêm chữ bỏ ở lề, vì như thế sẽ khó nhìn. Khi chấm bài, nhiều khi giám khảo đọc hết đoạn văn các em viết, cho điểm xong mới nhìn thấy chữ “bỏ” viết lí nhí ở dưới, như vậy rất ức chế. Bài nào làm sai thì gạch chéo 1 đường cho giám khảo khỏi mất công đọc. Cũng đừng làm 2 lần một bài, nếu làm lại thì gạch bài lúc trước đi.
4. Chữ viết : cũng rất quan trọng. Các em nên cố gắng viết rõ ràng, dễ đọc. Chữ đẹp thì càng tốt, còn nếu ai chữ xấu thì cố gắng viết rõ, và không được viết tắt,( trừ trường hợp các chữ được phép, ví dụ : WTO, ASEAN…).Không viết những từ ngữ teen trong bài thi. Đáp án của Bộ yêu cầu :Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm), nếu bài viết sai nhiều, tẩy xoá nhiều, các em bị trừ 0.5 điểm.
5. Xưng hô : các em có thể xưng “tôi” trong bài nghị luận xã hội, hoặc xưng “chúng ta”, “ta”, trong những bài kêu gọi.
6 Sáng tạo : Sáng tạo 0,5 điểm
Bài văn cần có ý mới mẻ, ngoài đáp án, ngoài những ý thầy cô dạy trên lớp, các em cần có chính kiến , quan điểm và cảm nhận riêng.Các em được tự do trình bày cảm nhận của mình ,có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
Yêu cầu này không phải ai cũng đạt được, đây là điểm phân hoá học sinh khá giỏi với học sinh trung bình. Chăm chỉ tìm tòi, suy nghĩ và thêm chút năng khiếu cảm thụ văn chương, bài văn mới có thể được điểm sáng tạo.
7. Tránh điểm liệt như thế nào ? Để tránh điểm liệt , cần:
+ Không học tủ, đặc biệt là phần Nghị luận văn học. Với mỗi bài cần nắm được nội dung chính và đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm.
+ Không bỏ giấy trắng: Trong quá trình làm bài cần cố gắng suy nghĩ, và làm đủ 3 phần trong bài thi. Không viết quá ngắn. Vì thông thường giám khảo phải cân nhắc thật kĩ trước khi đặt bút cho điểm liệt. Bao giờ thầy cô cũng đọc kĩ những gì các em viết, cố tìm ra 1 ý để cho điểm.
+ Đừng bao giờ bỏ cuộc nếu mình vẫn còn thời gian, cơ hội để cố gắng.