Cảm nghĩ bài ca dao
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
Bài ca dao là một bức tranh đầy chất thơ và nét nhạc tả cảnh Tây Hồ. Bằng vài nét cấm phá, cảnh Hồ Tây hiện lên như một bức tranh thủy mặc Phương Đông, mang sắc thái cổ điển, êm đềm mà sinh động, tạo nên bởi hình ảnh và âm thanh.
- Một loạt hình ảnh gợi tả: cành trúc la đà, khói tỏa ngàn sương, mặt gương Tây Hồ:
• La đà khiến cành trúc như thực hơn và làn gió trở nên hữu tình hơn. Tả cành trúc lay động mà nói lên được tính chất nhẹ nhàng của làn gió, từ đó gợi lên vẻ yên ả của cảnh vật: thiên nhiên sống nhưng không động.
• Trên mặt Hồ Tây, sương tuy mịt mù thành rừng khói mà chỉ nhẹ nhàng lan tỏa. Nghệ thuật miêu tả tô đậm cảm giác tĩnh lặng, thanh bình của cảnh vật Hồ Tây. Mặt hồ ẩn trong khói sương mịt mù chợt hiện ra như một tấm gương long lanh dưới ánh nắng mai. Trước cảnh đêm chuyển dần về sáng, người ngắm cảnh tựa hồ cảm nhận được bước đi êm ả của thời gian.
- Một loạt âm thanh nhịp nhàng vang vọng từ tiếng chuông chùa, tiếng gà gáy đến tiếng chày giã giấy cũng báo hiệu cho một ngày mới.
Lời ca dao ghi nhận những cảm xúc nhẹ nhàng nhưng sâu lắng của một tâm hồn nghệ sĩ yêu cái đẹp thanh thoát của cảnh vật quê hương, yêu cuộc sống trong lành của con người trong một thời đại thanh bình. Bài ca dao còn thấm đượm một tình cảm gắn bó cảnh vật của những con người không bận lòng vì những toan tính lợi danh...