Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:
Con ong làm mật, yêu hoa
Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời
Con người muốn sống, con ơi
Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.
Một ngôi sao chẳng sáng đêm
Một thân lúa chín, chẳng nên mùa vàng
Một người – đâu phải nhân gian
Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi!
( Trích Tiếng ru – Tố Hữu)
- Xác định thể thơ,của đoạn thơ trên. Lí giải vì sao xác định như vậy? (1đ)
- Trong 4 dòng thơ đầu, biện pháp tu từ chủ yếu nào được sử dụng? Tác dụng của biện pháp ấy? (1đ)
- Tác giả đặt tên bài thơ là Tiếng ru. Hãy viết 5-7 dòng để nêu cảm nhận về tiếng ru trong đoạn thơ này. (1đ)
Đáp án
- Thể thơ: lục bát.
Lí giải: số tiếng: 6-8, hài thanh, hiệp vần, ngắt nhịp theo luật thơ lục bát. Trong đoạn thơ: dòng thứ 2 là thơ lục bát biến thể.
Cho 1 điểm: Trả lời đúng như trên.
Cho 0.5 điểm: trả lời đúng tên thể thơ, lí giải thiếu ý.
Cho 00 điểm: Trả lời sai thể thơ hoặc không trả lời.
- Trong 4 dòng thơ đầu, biện pháp tu từ chủ yếu được sử dụng là phép điệp/ điệp cấu trúc/ lặp cú pháp/ điệp từ. Tác dụng: Nhịp thơ thiết tha, nhấn mạnh ý thơ cần nhắn nhủ.
Cho 1 điểm: Trả lời đúng theo một trong các cách trên. Nêu tác dụng đúng ý trên.
Cho 0.5 điểm: Chỉ nêu được biện pháp tu từ, nêu tác dụng chưa chính xác hoặc không nêu.
Cho 00 điểm: Trả lời sai tên biện pháp tu từ hoặc không trả lời.
- Viết 5 – 7 dòng nêu cảm nhận về tiếng ru cũng là lời nhắn nhủ: cần phải sống giàu yêu thương, gắn bó với đồng chí, đồng bào, anh em… để cùng nhau xây đắp cuộc sống tươi đẹp.
Cho 1 điểm: Nêu đúng ý đoạn thơ Tiếng ru và trình bày được cảm nhận của mình.
Cho 0.5 điểm: Chỉ nêu ý đoạn thơ, chưa nêu cảm nhận.
Cho 00 điểm: Hiểu sai ý thơ hoặc không trả lời.
(Tài liệu sưu tầm )
Xem thêm :Tuyển tập bộ đề đọc hiểu ôn thi THPT Quốc gia ngữ văn