Hướng dẫn

Tham khảo những ý sau cho bài viết:

– Giải thích:

+ "Lá": hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng cho con người.

+ "Lành": nghĩa đen là còn nguyên, không bị sứt mẻ, rách hoặc tổn thương; nghĩa bóng là đầy đủ, giàu có, sung sướng…

+ "Rách": đối lập lại với lành.

+ "Đùm": nghĩa đen là bọc tạm hoặc buộc túm lại; nghĩa bóng là bao bọc, che chở, giúp đỡ…

Câu tục ngữ nói về việc những người có cuộc sống đầy đủ, sung sướng nhưng không giữ điều đó cho riêng mình mà quan tâm, chia sẻ, đùm bọc, giúp đỡ những người nghèo khó, bất hạnh. Đó là một truyền thống đạo lí tốt đẹp của nhân dân ta từ xưa đến nay.

– Phân tích, chứng minh:

+ Trong xã hội luôn có sự phân hoá giàu nghèo. Bên cạnh những người giàu có nhưng ích kỉ, thì cũng có nhiều người có cuộc sống giàu sang, phú quý nhưng luôn biết chia sẻ tiền bạc, của cải, tình cảm… của mình đối với những người kém may mắn, nghèo khó để giúp họ có cái ăn, cái mặc hoặc vững tin để vượt qua những giai đoạn khó khăn trong đời sống, vươn lên có cuộc sống no đủ.

Đó là truyền thống nhân đạo hay tinh thần tương thân, tương ái của nhân dân ta.

+ Trong xã hội hiện nay, có nhiều việc làm từ thiện của những người giàu có thành đạt hoặc của những người tuy không giàu có nhưng luôn muốn san sẻ những gì mình có, dù ít ỏi, cho những người nghèo khổ, kém may mắn hơn mình (do thiên tai, ốm đau, thất nghiệp,…).

+ Tục ngữ còn có câu: Một miếng khi đói bằng một gói khi no, Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, Thương người như thể thương thân… Một sự chia sẻ, đùm bọc, giúp đỡ.:, về vật chất và tinh thần (dù ít ỏi) đối với những người sa cơ lỡ vận hoặc khó khăn luôn là nguồn động viên, an ủi, khích lệ để họ tiếp tục duy trì cuộc sống và vươn lên. Hơn nữa, việc chia sẻ, giúp đỡ người khác cũng làm "người cho" nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc.

– Bàn luận, đánh giá:

Câu tục ngữ đã nêu lên một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Truyền thống đó vẫn luôn được giữ gìn và phát huy cho đến ngày nay. Mỗi người hãy biết sống vì người khác, "mình vì mọi người, mọi người vì mình", tránh thái độ thờ ơ, vô cảm, lạnh lùng, ích kỉ trước những cảnh đời bất hạnh, nghèo khổ để làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Bài làm tham khảo

Thực tế lịch sử đã cho thấy trong bốn ngàn năm sống còn trên dải đất bên bờ biển Đông đầy sóng gió này,dân tộc Việt Nam chúng ta đã từng gánh chịu biết bao là thiên tai,dịch họa vô cùng ác liệt.Phép lạ nào đã giúp tổ tiên chúng ta vượt qua được mọi khó khăn,điêu đứng ấy để đứng vững cùng bè bạn năm châu? Phải chăng là ở sức mạnh của tinh thần đoàn kết,tương trợ lẫn nhau? Phải chăng là nhờ nhân dân ta đã thực hiện đúng như câu tục ngữ mà từ bao đời nay cha ông ta đã truyền đời: “Lá lành đùm lá rách”?

Nội dung chứa đựng trong câu ấy có thể xem như một bài học về đạo lí làm người,đồng thời phản ánh mối quan hệ tình cảm đậm đà trong xã hội ta ngày trước.

Đọc câu tục ngữ ấy lên,chúng ta hình dung được ngay một hiện tượng rất bình thường trong sinh hoạt hàng ngày của nhân dân ta.Đó là dùng lá cây-lá chuối chẳng hạn-để gói hàng.Nếu lá bị rách,người ta sẽ lấy một tấm lá khác lành lặn bọc lại bên ngoài cho thêm chắc chắn.

Đó là nghĩa đen,nghĩa thực của câu tục ngữ.Thế nhưng về mặt nghĩa bóng thì sao? Hình ảnh “lá lành”,”lá rách” ở đây tượng trưng cho con người trong những hoàn cảnh riêng khác nhau.”Lá lành” chỉ con người lúc yên ổn,thuận lợi,cuộc sống xuôi chèo mát mái.Trái lại “lá rách” chỉ con người lúc khó khăn,sa cơ lỡ vận.Bằng lối nói tượng trưng,dùng hình ảnh cụ thể và giản dị ấy,câu tục ngữ ngụ ý khuyên chúng ta nên biết chia sẻ,giúp đỡ,thông cảm,xót thương những người bị rơi vào cảnh ngộ cùng quấn,gieo neo.

Với nội dung vừa nói,câu tục ngữ trên đã biểu hiện mối quan hệ tình cảm tốt đẹp,đậm đà của nhân dân ta từ xưa trong xã hội.Thật vậy,đoàn kết tương thân tương ái vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.Ngoài câu tục ngữ trên,người xưa còn truyền đời các câu:

“Chị ngã em nâng”.

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

“Bầu ơi! thương lấy bí cùng Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”…

Các câu trên đều khuyên nhủ ta hễ là đồng bào thì nên đoàn kết,hợp tác,chặt chẽ với nhau trong tinh thần tương thân tương ái,không nên thờ ơ,ngoảnh mặt,quay lưng trước nỗi bất hạnh của người khác mà trái lại phải luôn luôn quan tâm giúp đỡ,đùm bọc,chở che người khó khăn,thất thế.Những người giàu có nên thương yêu giúp đỡ cho những người nghèo khổ nhất là trong những khi họ gặp hoạn nạn tai ương như lụt lội,cháy nhà,bệnh tật…

Những người có địa vị cao,trách nhiệm lớn nên tạo điều kiện,giúp đỡ quần chúng được sống một đời no ấm hạnh phúc.Đúng như tinh thần của người xưa đã từng khuyên dạy:

“Thấy ai đói rách thì thương Rét thường cho mặc,đói thường cho ăn”.

Trong đời sống xã hội,hoàn cảnh con người dễ thay đổi bất thường khi thành công,khi thất bại.Có cái tính thương người như thể thương thân ấy,thì cuộc sống xã hội mới tránh được mầm mống chia rẽ,xung đột,xây dựng được tình đoàn kết,tương thân,tương ái.Điều đó đủ cho thấy lòng nhân ái hay tình cảm nhân đạo chính là một phẩm chất tốt đẹp mà mỗi cá nhân cần phải có để lấy đó làm nền tảng xây dựng nên một xã hội bình đẳng,thân ái.Cũng phải thấy rằng thờ ơ trước nỗi đau bất hạnh của kẻ khác là một thói xấu,một thái độ ích kỉ,vô lương tâm.

Trong đời sống còn nhiều khó khăn của buổi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay,hơn lúc nào hết,lòng nhân ái,tình cảm thương yêu,đùm bọc lẫn nhau ấy phải được nâng lên thành ý thức tự giác ở mỗi con người chúng ta.

Câu tục ngữ được truyền tiếp bao đời nay đủ khẳng định truyền thống cao quý trong đạo lí làm người của dân tộc ta.Chính nhờ sự đoàn kết keo sơn,tinh thần tương thân tương ái đậm đà nên trải qua bao đời Bắc thuộc,Pháp thuộc,và Mĩ thuộc,nhân dân ta vẫn bảo vệ được nền độc lập,bảo vệ được sự sống còn vững mạnh cho đến ngày nay.

Tuy nhiên chúng ta cần phải nhận định,đánh giá đúng tinh thần của câu tục ngữ này.Lá lành đùm lá rách nghĩa là người khỏe mạnh,bình yên phải giúp đỡ người yếu đuối,khó khăn là một bổn phận cần thiết nhưng phải không được xuất phát từ động cơ cá nhân thấp hèn và cũng không phải là hành động ban ơn trịch thượng kiểu bố thí mà nhất thiết phải bắt nguồn từ lòng nhân ái hay tình cảm nhân đạo mà chúng ta vừa phân tích ở trên.Cả người được giúp đỡ cũng vậy,không nên ỷ lại,hoàn toàn sống nhờ vào tình thương xót của người khác để trở nên thụ động,biếng lười.Họ phải vươn lên xứng đáng để làm nên mối quan hệ bình đẳng thân ái với người khác.

Tóm lại,tình yêu thương đùm bọc nhau là một truyền thống đẹp đẽ về đạo lí làm người đã được dân tộc ta giữ vững và phát triển qua nhiều thế hệ,trải qua các giai đoạn lịch sử của đất nước,nhất là trong khó khăn,hoạn nạn,dịch họa,thiên tai.

Ngày nay, truyền thống ấy cần được kế thừa và phát huy mạnh mẽ hơn nữa.Mỗi người chúng ta phải có ý thức đoàn kết tương ái,tương thân,tương trợ nhau trong sinh hoạt,học tập và sẵn sàng tích cực tham gia các công tác cứu trợ xã hội.Tuy nhiên,hơn ai hết,thanh niên chúng ta cần chống tư tưởng ỷ lại,đề cao tinh thần tự lực cánh sinh.

Bài viết gợi ý: