I. THÍ NGHIỆM CHỨNG MINH HIỆN TƯỢNG HÔ HẤP Ở CÂY
1. Thí nghiệm của nhóm Lan và Hải
- Chúng ta đã biết, khi để nước vôi trong ở ngoài không khí sau 1 thời gian sẽ xuất hiện 1 lớp váng trắng đục mỏng trên bề mặt vì trong không khí có khí cacbonic.
- Thí nghiệm:
+ Lấy 2 cốc thủy tinh đựng nước vôi trong giống nhau. Đặt lên hai tấm kính.
+ Dùng 2 chiếc chuông A và B úp lên 2 tấm kính
+ Trong chuông A có đặt một chậu cây. Chuông B chỉ có cốc nước vôi trong.
+ Chuyển 2 chuông vào trong tối.
+ Sau 6 tiếng thu được kết quả: như hình vẽ
- Nhận xét và giải thích:
Cốc nước vôi A bị đục, có váng trắng dầy: vì trong chuông A có nhiều khí cacbonic hơn: ngoài khí cacbonic của không khí còn có khí cacbonic do cây tạo ra.
Cốc nước vôi B vẫn trong, có váng trắng rất mỏng: vì trong chuông B có ít khí cacbonic của không khí.
- Kết luận: Khi không có ánh sáng cây có hiện tượng tạo ra khí cacbonic
2. Thí nghiệm 2 của nhóm An và Dũng
- Dựa trên cơ sở: không khí thiếu oxi thì không duy trì được sự cháy.
- Chuẩn bị: túi giấy đen, cốc thủy tinh to, cây trồng trong cốc, diêm, đóm, tấm kính
+ Bước 1: Đặt chậu cây vào trong cốc
+ Bước 2: Đậy tấm kính lên miệng cốc, dùng giấy bóng đen bọc kín lại trong 4 tiếng
+ Bước 3: Bỏ túi bóng ra, dùng que đóm đang cháy sau đó đưa vào miệng cốc.
- Hiện tượng: que đóm đang cháy bị tắt → trong cốc không có khí oxi
- Giải thích: cây đã hút hết khí oxi trong cốc và thải ra khí cacbonic → que đóm bị tắt.
* Kết luận: cây có hô hấp: sử dụng khí oxi để hô hấp và nhả ra khí cacbonic.
II. KHÁI QUÁT VỀ HÔ HẤP Ở CÂY
- Cây cũng có hiện tượng lấy khí oxi và thả khí cacbonic như ở người và động vật.
- Cây sử dụng khí oxi để phân giải các chất hữu cơ → tạo năng lượng cung cấp cho các hoạt động sống của cây, đồng thời thải ra khí cacbonic và hơi nước. Hiện tượng đó gọi là hô hấp.
- Sơ đồ tóm tắt quá trình hô hấp của cây:
Khí oxi + chất hữu cơ → năng lượng + khí cacbonic + hơi nước
- Cây hô hấp suốt ngày đêm, khi không có ánh sáng ta dễ phát hiện.
- Mọi cơ quan của cây (rễ, thân, lá, hoa, quả, hạt …) đều tham gia hô hấp và trao đổi khí trực tiếp với môi trường bên ngoài → cây phát triển.
- Khi các cơ quan của cây hô hấp mà không tiếp xúc trực tiếp với không khí sẽ gặp nhiều khó khăn. Ví dụ: khi đất thiếu không khí hạt không nảy mầm, rễ có thể chết vì sự trao đổi khí bị ngừng.
→ Trong trồng trọt, người ta sử dụng nhiều biện pháp làm cho đất thoáng (chứa nhiều không khí) → hạt và rễ hô hấp thuận lợi.
- 1 số biện pháp làm cho đất thoáng khí:
+ Điều kiện bình thường: xới, xáo đất thường xuyên để đất tơi xốp và phơi ải trước khi cấy giúp cho đất chứa được nhiều không khí hơn.
+ Khi ngập úng: cần tháo bớt nước, sau đó cũng phải xới, xáo cho đất tơi xốp, thoáng khí.
- Ý nghĩa: tạo điều kiện thuận lợi cho hạt mới gieo trồng và rễ hô hấp tốt (lấy được không khí), góp phần nâng cao năng suất cây trồng.