Bàn về thơ, nhà thơ Ấn Độ R.Tagore viết:
Cũng như nụ cười và nước mắt, thực chất của thơ là phản ánh một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong.
Anh (chị) hãy bình luận và làm sáng tỏ ý kiến trên qua một số bài thơ giai đoạn 1945-1975 đã học trong chương trình 12
Gợi ý:
Yêu cầu.
Về kĩ năng.
– Trên cơ sở những kiến thức lí luận về đặc trưng thơ, học sinh biết vận dụng kết hợp các thao tác nghị luận để giải quyết vấn đề theo định hướng của đề bài.
– Bài làm có bố cục hợp lí, lập luận chặt chẽ, hành văn mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ.
Về kiến thức.
Học sinh có nhiều cách trình bày nhưng cơ bản cần đảm bảo những yêu cầu sau:
Giải thích:
– Nụ cười và nước mắt: là những trạng thái cảm xúc của tâm hồn, là niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc và đau khổ… Đó là những cung bậc, sắc thái phong phú đa dạng của tâm hồn, là biểu hiện của thế giới “bên trong” con người.
– Phản ánh một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong: là cảm xúc đã đến độ chín, cao hơn, là sự thống nhất giữa cảm xúc và lí trí, giữa tư tưởng và tình cảm của nhà thơ. Thơ là tình nhưng không phải là những cảm xúc hời hợt mà là lí trí đã chín muồi, nhuần nhuyễn. Bài thơ nào cũng gói ghém bên trong một chiều sâu suy nghĩ, tư tưởng, chứa đựng ít nhiều chân lí của cuộc đời.
=> Câu nói của Tagore đã nêu chính xác bản chất, đặc trưng của thơ là sự bộc lộ tình cảm, cảm xúc mãnh liệt đã được ý thức, được lắng lọc qua cảm xúc thẩm mĩ của nhà thơ.
– Lí giải vì sao thực chất của thơ là phản ánh một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong:
+ Vì văn học bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, phản ánh cuộc sống trực tiếp hoặc gián tiếp. Tuy nhiên, không phải đơn giản là mô phỏng, sao chép, miêu tả sự vật bên ngoài, các sự kiện xảy ra mà là sự tái tạo thông qua thế giới chủ quan của người nghệ sĩ.
+ Do đặc trưng của thơ ca: Nói đến thơ là nói đến cảm xúc, nhà thơ tái hiện cuộc sống thông qua những rung động của chủ thể trữ tình, bằng những xúc cảm mãnh liệt. Tình cảm mãnh liệt ở đây không phải là những khóc cười ồn ào bên ngoài mà là sự rung động mãnh liệt ở bên trong, sự giày vò, chấn động trong tâm hồn. Nhà thơ phải sống rất sâu vào tâm hồn mình, lắng nghe các xao động, đau đớn, sướng vui với những xúc động nội tâm. Thiếu tình cảm mãnh liệt và sâu sắc thì sẽ không có thơ. Độ chín của cảm xúc nhà thơ làm nên chiều sâu của sự thể hiện cuộc sống và lay động tâm hồn người đọc.
Chứng minh:
Thí sinh cần lấy được dẫn chứng tiêu biểu (một số bài thơ đã học trong chương trình 12) và phân tích một cách thuyết phục để làm sáng tỏ các khía cạnh của vấn đề nghị luận.
Đánh giá, bình luận:
– Câu nói của R.Tagore đã nêu chính xác đặc trưng nội dung của thơ là sự thổ lộ tình cảm mãnh liệt đã được ý thức, là những rung động rất sâu ở bên trong tâm hồn nhà thơ, là tấc lòng, tư tưởng tình cảm mà thi sĩ kí thác, gửi gắm. Đó không phải là sự bộc lộ tình cảm một cách bản năng, trực tiếp mà là tình cảm nảy sinh từ những tiếp xúc với cuộc sống, là tình cảm được ý thức, được lắng lọc qua những xúc cảm thẩm mĩ, gắn liền với sự tự ý thức của nhà thơ về mình và cuộc đời.
– Thơ là kết quả của sự thăng hoa cảm xúc, là sự kết tinh vốn văn hoá, thể hiện cái nhìn về cuộc đời và biểu hiện những trạng thái xúc cảm của nhà thơ.
Tình cảm trong thơ phải là tình cảm lớn, cao đẹp, cao thượng, mang tư tưởng sâu sắc, thấm nhuần chất nhân văn, mang giá trị Chân- Thiện- Mĩ… thì thơ mới có sức vang động trong lòng người, tạo nên sức sống lâu bền.
– Ý kiến của Tagore mới chỉ nhấn mạnh đến đặc trưng nội dung của thơ là tình cảm đã được ý thức, mang đậm tính cá thể mà chưa đề cập đến đặc trưng hình thức của thơ. Thơ là tình đời, tình người ngân lên trong những âm vang ngôn ngữ, kết cấu, hình ảnh, giọng điệu, nhịp điệu… Sự hoàn thiện từ bên trong cần được biểu hiện bằng sự hoàn thiện của hình thức nghệ thuật để có thơ hay.
Xem thêm :
- Tuyển tập đề thi học sinh giỏi môn văn
- Nghị luận ý kiến bàn về văn học