“Đại học có phải là con đường duy nhất để thành công?”. Chỉ cần có 1 trường hợp như Bill Gates thì câu trả lời nghiễm nhiên là “Không”. Vậy thì lý ra tỉ lệ trả lời “Không” phải là 100% mới đúng. Dường như những ai trả lời “Có” là chẳng biết gì. Nhưng quay trở lại với bàn luận phía trên, tôi đang thực sự băn khoăn rằng gộp cả những người chọn “Có” và “Không”, bao nhiêu người xác định được một con đường khác cho mình khi bước vào đời ngoài việc đi học một cái gì đấy?

Giới truyền thông luôn tích cực ca ngợi những tấm gương vượt khó. Nhân dân lúc nào cũng thích những hình tượng đi lên từ bùn đen, có một quá khứ đau thương hay bần cùng rồi vươn vai hoá thành anh hùng, hơn là những ông hoàng nứt mắt ra đã được truyền ngai vàng. Người đau khổ mong cổ tích là thật, mơ có tiên bụt đến cứu rỗi đời mình. Đó là lý do Susan Boyle trở thành hiện tượng tại Britains Got Talent 2009. Chính vì thế, với một câu hỏi như “Đại học có phải là con đường duy nhất để thành công?” thì tôi sẽ bất ngờ nếu phần đông chọn “Có”.

Trước hết với một câu hỏi có nhiều thứ chung chung như vậy, chúng ta nên thu hẹp phạm vi của nó, tránh trường hợp ông nói gà, bà nói vịt. Tôi nghĩ chúng ta đang bàn luận chủ đề này với bối cảnh tương đối là nước Việt Nam và đối tượng tương đối là người Việt Nam. Nếu nói riêng tại Việt Nam thì tỉ lệ những người như Bill Gates có lẽ còn thấp hơn nhiều vì chúng ta có 1 xã hội còn nặng về giáo điều và bằng cấp. Bạn dự định gì khi bạn 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp phổ thông, nếu không phải là tiếp tục học? Loại trừ trường hợp bạn được thừa kế ngai vàng, bạn có nghĩ bạn sẽ có 1 công việc gì đó mà không cần phải học? Và nếu lựa chọn, giữa một công việc chân tay nặng nhọc với một công việc trí não, bạn nghiêng về cái nào hơn?

Năm tôi 18 tuổi, tôi không rõ mình hợp với công việc gì. Không ai ép buộc, tôi chọn Bách Khoa vì tôi thấy ngôi trường này có tiếng là thu hut nhiều người tài. Tôi cũng muốn được công nhận là người tài. Tôi chẳng thích hay ghét công việc nào, nên tôi đã quyết định như vậy.

Những năm cấp I, II, III, có thể nói tôi là người học khá. Nhưng bắt đầu để vào đại học thì con đường của tôi chật vật hơn nhiều. Trong lần thi đại học đầu tiên, tôi trượt và bị bố xỉ vả không tiếc lời. Lòng tôi hỗn độn giữa nỗi buồn và một ngọn lửa âm ỉ muốn phục thù, muốn sau này mình sẽ thành công vang dội cho mọi người sáng mắt. Có lẽ tôi kém tài, tôi không có ý định nào hơn là thi lại năm sau. Từ đó, những đợt thi cử mà người khác chỉ cần 1 lần thì tôi mất đến 2, 3 lần. Tôi mải chơi và thường bỏ học đi lang thang cùng bạn bè. Tôi lơ đễnh và kém tập trung. Tôi học công nghệ thông tin, nhưng tất cả kiến thức đã trôi tuột khỏi đầu từ trước lúc ra trường. Với một người theo chuyên ngành kỹ thuật thì tương lai của tôi thực sự mơ hồ.

Có thể nói, chính những thời điểm rong chơi, làm những gì mình thích lại trở thành cứu cánh đối với tôi. Tham gia các hoạt động cộng đồng và viết blog cho tôi nhiều bạn bè, nhiều mối quan hệ. Người ta nói “Giàu vì bạn”. Tôi may mắn vì đi đâu cũng được anh chị em thương mến. Điều đó khiến tôi thấy mình là người hạnh phúc nhất thế giới.

Điều đó gần như thay đổi hoàn toàn vị thế của tôi. Từ một sinh viên bình thường, tương lai không rõ ràng, tôi lại nhận được những đề nghị công việc hấp dẫn mà không cần làm hồ sơ, không cần thi tuyển hay phỏng vấn. Tôi làm việc ở những vị trí hoàn toàn không liên quan đến chuyên ngành đại học của tôi. Nếu nói về chuyên môn, tôi không có bằng cấp. Tôi phải vừa làm vừa học từ thực tế và chịu nhiều sức ép. Nó khác hẳn với lời khuyên của chị dâu tôi trước đây, là gắng kiếm một bảng điểm tử tế để chắc chân trong một cơ quan nhà nước.

Tới hôm nay, khi tôi chưa tròn 27 tuổi, chưa có thành tựu đáng kể nào để xem là một người thành công, trước mắt sẽ là con đường rất dài, cũng không có gì có thể nói trước. Tuy vậy, tôi hãnh diện vì được làm những gì mình đam mê.

Tôi thực sự nghĩ mình cần học tập, cần có kiến thức để đáp ứng cho công việc mình tham gia, có thể là trường, có thể là lớp, có thể là thầy, có thể là bạn, có thể là rèn luyện qua thực tế. Đại học có thể không là con đường duy nhất để thành công nhưng học hỏi dường như là điều không thể thiếu của những người thành công. Tôi tin như vậy.

“Đại học có phải là con đường duy nhất để thành công?”

Cuối cùng, xin bàn một chút về từ “thành công”. Trước khi nói thành công hay không thì chúng ta nên hiểu như thế nào là thành công? Thành công với mỗi chúng ta không giống nhau. Thành công có khi là trở thành 1 thương gia thành đạt và giàu có (cớ Bill Gates); Thành công có khi là trở thành chính trị gia giúp đất nước đi lên; Thành công có khi là trở thành nghệ sĩ nổi tiếng, có nhiều fan hâm mộ; Thành công có khi là nhà văn có cuốn sách đoạt giải Nobel để lại cho muôn đời; Thành công có khi là vận động viên giành huy chương vàng Olympic; Thành công có khi là chiến thắng bệnh tật; Thành công có khi là cưới được người mình yêu; Thành công có khi là tích góp xây được căn nhà; Thành công có khi là một mái ấm gia đình, hoà thuận và rộn tiếng cười…

Tôi nghĩ chúng ta sẽ thành công khi tin vào cuộc sống tươi đẹp này!

Bài viết gợi ý: