Đề đọc hiểu : Đâu rồi chuyện tử tế
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ 5 đến 8:
“Tháng 4-2009, một cô sinh viên người Hàn Quốc đã viết thư cho Tuổi Trẻ thể hiện sự “không hiểu nổi” về việc chẳng thấy những người đến căng tin của Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) khi đó chịu xếp hàng.
Ngay lập tức diễn đàn về văn hóa xếp hàng được mở ra, nhiều người thấy chuyện kỳ cục đó và đã có một vài nơi người ta biết xếp hàng.
Nhưng hơn bốn năm sau, việc xếp hàng đang khiến nhiều người nghĩ rằng đó chỉ là trào lưu, qua từng đợt rồi đâu lại vào đó. Đến những nơi công cộng hiện nay, nỗi sợ hãi vô hình của nhiều người vẫn là cảnh chen lấn, giành chỗ.
Một nhà báo sống tại Pháp có thẻ VIP khi đi máy bay kể lại cảnh “ấn tượng” tại một số sân bay ở VN: “Mặc dù được ưu tiên không phải xếp hàng làm thủ tục nhưng cảnh chen lấn thiếu ý thức từ những vị khách VIP cũng luôn xảy ra. Có lần tôi làm thủ tục ở quầy, chỉ có vài khách đang đợi đến lượt. Vậy mà một ông từ đâu xộc tới chen vào trước chỗ tôi đứng với vẻ mặt tỉnh queo. Cô nhân viên phải nhắc nhở anh ta mới chịu lùi xuống xếp hàng. Nhưng thái độ thì không có gì là mắc cỡ. Có vẻ như đó là thói quen của vị khách VIP này…”
(Đâu rồi, chuyện tử tế? Nguyễn Nghĩa, báo Tuổi trẻ)
Câu 5. Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn văn. (0.25 điểm)
Câu 6. Vấn đề xã hội nào được đề cập trong đoạn văn? Tác giả thể hiện thái độ gì khi bàn về vấn đề này. (0.5 điểm)
Câu 7. Anh/chị hãy đề xuất một vài biện pháp để nâng cao ý thức của mọi người trong vấn đề được tác giả đề cập đến trong đoạn văn.
Câu 8. Thậm chí có người còn cảm thấy băn khoăn với suy nghĩ tử tế chỉ có thiệt thòi, có người thì xem những chuyện không tử tế chẳng liên quan gì đến mình, chuyện thiếu tử tế lại nhiều hơn… Anh/Chị suy nghĩ như thế nào về điều đó.
Câu 5. Phong cách ngôn ngữ của đoạn văn: Báo chí (0.25 điểm)
Câu 6.
– Vấn đề xã hội được đề cập trong đoạn văn: chuyện xếp hàng ở những nơi công cộng
– Tác giả thể hiện thái độ khi bàn về vấn đề này:
+ Khó chịu khi thấy mọi người (có cả những khách được trao thẻ VIP) cũng không có thói quen này
+ Sợ hãi mỗi khi phải đến những nơi công cộng và phải chứng kiến thói quen không chịu xếp hàng mà chen lấn, xô đẩy, giành chỗ của một số người.
Câu 7. Anh/chị hãy đề xuất một vài biện pháp để nâng cao ý thức của mọi người trong vấn đề được tác giả đề cập đến trong đoạn văn.
– Áp dụng cách mà nhiều nơi (như bệnh viện) đã từng làm: lấy số thứ tự và ngồi chờ đến lượt
– Nâng cao ý thức bằng cách tuyên truyền, nêu gương điển hình ở mọi nơi, mọi lúc.
Câu 8. Thậm chí có người còn cảm thấy băn khoăn với suy nghĩ tử tế chỉ có thiệt thòi, có người thì xem những chuyện không tử tế chẳng liên quan gì đến mình, chuyện thiếu tử tế lại nhiều hơn… Anh/Chị suy nghĩ như thế nào về điều đó.
Gợi ý :
Đồng tình vì: Khi những chuyện chen lấn, giành chỗ diễn ra ở hầu khắp những nơi công cộng,mỗi ngày đi ra đường, chúng ta đều phải chứng kiến những hiện tượng như vậy, thì việc kiên nhẫn đứng xếp hàng sẽ khiến chúng ta trở nên ngớ ngẩn, lạc loài, và sẽ không bao giờ đật được thành công, sẽ không làm được việc. Đứng giữa đám đông hỗn loạn, chen lấn xô đẩy, chúng ta không còn cách nào khác là phải chen chân, giành giật. Đó là sự lựa chọn duy nhất.
Phản đối vì :Nếu ai cũng chen lấn xô đẩy và giành giật thì sẽ tạo ra cảnh hỗn loạn, mất trật tự an ninh, thậm chí xảy ra mâu thuẫn, xô xát. Xếp hàng cũng là một cách để mang lại sự công bằng: ai đến trước được trước. Nếu mình là người đã từng có hành vi đẹp, có văn hóa thì hãy làm thường xuyên, liên tục và nhắc nhở mọi người cùng làm theo để xã hội ngày càng văn minh hơn.
Đề xuất ý kiến đúng đắn : Cần nâng cao văn hóa xếp hàng nơi công cộng để cuộc sống tốt đẹp hơn.
Xem thêm :
tuyển tập bộ đề đọc hiểu ôn thi thpt quốc gia môn ngữ văn