Luyện đề đọc hiểu ngữ văn: Cây xanh Hà Nội
Đề thi hay, bám sát đề mẫu của Bộ GD ĐT. Đề thi có 1 câu tích hợp nghị luận xã hội: Trình bày quan điểm, suy nghĩ về vấn đề chặt cây xanh ở Hà Nội năm 2015
Đề 1 :
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
[1] … Năm 1902, Hà Nội trở thành Thủ đô của Liên bang Đông Dương thì tòa đốc lý càng chú ý đến bộ mặt dô thị. Đốc lý Baille Frédéric (nắm quyền từ 1901-1903) ra quy định cây xanh trồng ở Hà Nội phải tuân theo tiêu chí: Có bóng mát, bảo đảm mỹ quan, không có nhựa, không đổ trước các trận bão vừa phải. Bên cạnh đó là tùy theo chiều cao quy định cho các phố để chọn giống cây phù hợp. Quy định cũng có điều khoản phạt tiền với những hành vi phá hoại cây xanh. Và thử thách đầu tiên đối với cây xanh Hà Nội là trận bão mạnh quét qua Hà Nội ngày 7-6-1903 làm gãy và đổ nhiều cây quanh Hồ Gươm và phố Ngô Quyền.
[2] Chính quyền cũng thí điểm qua cây xanh tạo ra kiến trúc đô thị nên phố Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tôn, đầu phố Hàng Bài đã trồng sấu, phố Quán Thánh trồng toàn hoa sữa, phố Lý Thường Kiệt chỉ trồng cây cơm nguội, nửa đầu phố Lò Đúc trồng sao đen…cây xà cừ không ưa ẩm, trồng ở các khu đất cao. Khi cây đã lớn cho bóng mát thì nhiều giống cây đã lộ ra “khuyết điểm”. Cây xà cừ lớn nhanh, tán rộng ở Châu Phi có bộ rễ cọc nhưng khi trồng tại Hà Nội, do đất có độ ẩm cao nên rễ lại ăn ngang, có cây rễ ăn cả vào móng các nhà mặt phố nên khả năng chịu bão kém. Sấu khó trồng, lâu lớn nhưng có ưu điểm thân khá thẳng, tán cũng rộng, dễ ăn mới lan ngang, lá hình mắt nai lại xanh thẫm rất đẹp. Cuối mùa xuân, hoa nhỏ li ti màu trắng nở rụng trắng vỉa hè tỏa mùi thơm dịu, làm ngây ngất người đi qua. Đặc biệt, quả sấu xanh có vị chua được dùng để luộc rau, nấu canh hay ngâm đường làm nước giải khát. Cây sao đen có rễ cọc, chậm lớn nhưng bù lại thân thẳng, hàng sao thẳng tắp nom khỏe khoắn và uy nghi. Cây cơm nguội lại toát lên vẻ chân chất , mùa thu lá vàng rất đẹp nhưng nhược điểm là lâu năm thì thân cây tự mục rỗng, vì thế những năm 70 thế kỷ XX, thành phố đã cưa hang cơm nguội ở phố Lý Thường Kiệt trồng thay vào đó là phượng. Hàng cây sữa ở phố Quán Thánh đến nay cũng đã quá già cỗi, trên ngọn chỉ còn vài ba cành lơ thơ. Muồng sẫm nở hoa vàng rất đẹp nhưng lại giòn, gió lớn dễ bị gãy ngang thân. Cọ nhập từ châu Phi cho cảm giác khát khao bầu trời, khát khao tự do nhưng khi lá rụng rất nguy hiểm. Bàng lâu lớn, có sâu róm nhưng bù lại tán rộng. Còn bằng lăng khi đâm chồi, lá non màu ánh tím rất lạ và đẹp… Họ cũng rút ra bài học cây lá nhỏ như me, muồng lá rụng, không gây tắc cống như những giống lá to.
[3] Có thể nói từ khi cây xanh được trồng trên các tuyến phố, nơi công cộng, vườn hoa, khuôn viên công sở cho đến năm 1945 không chỉ giảm bớt cái nóng mùa hè, không khí thêm trong sạch mà còn làm cho Hà Nội đẹp và lãng mạn hơn. Tuy nhiên, trong 9 năm thành phố bị thực dân Pháp tạm chiếm, các quy định về cây xanh bị chính quyền sao nhãng do chiến tranh, ngân sách bị cắt giảm nên chính quyền đã “xã hội hóa” trồng cây. Nhà nào thích trồng cây gì thì mua về báo cho nhân viên lục lộ đến trồng. Và cây xanh Hà Nội đã không còn như trước…
(Nguồn: Trang hanoimoi.com.vn)
a. Văn bản trên sử dụng phương thức biểu đạt nào? (0,25 điểm)
b. Chỉ ra phép liên kết được sử dụng trong đoạn văn sau: (0,25 điểm)
[1] Có thể nói từ khi cây xanh được trồng trên các tuyến phố, nơi công cộng, vườn hoa, khuôn viên công sở cho đến năm 1945 không chỉ giảm bớt cái nóng mùa hè, không khí thêm trong sạch mà còn làm cho Hà Nội đẹp và lãng mạn hơn. Tuy nhiên, trong 9 năm thành phố bị thực dân Pháp tạm chiếm, các quy định về cây xanh bị chính quyền sao nhãng do chiến tranh, ngân sách bị cắt giảm nên chính quyền đã “xã hội hóa” trồng cây. Nhà nào thích trồng cây gì thì mua về báo cho nhân viên lục lộ đến trồng. Và cây xanh Hà Nội đã không còn như trước…
c. Nội dung của văn bản trên đề cập đến vấn đề gì? (0,5 điểm)
d. Từ văn bản anh/chị có suy nghĩ gì về giá trị của cây xanh đối với thủ đô Hà Nội? (0,5 điểm)
Đề 2. Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Hà Nội và cây…
Lê Thống Nhất
Hà Nội không còn tiếng ve
Không tán cây che hè phố
Hà Nội không mùi hoa sữa
Ban trưa đổ lửa lên đầu
Hà Nội sấu chẳng còn đâu
Ngẩn ngơ nỗi sầu con gái
Hà Nội gió xe trống trải
Nơi đâu sót lại phượng hồng
Hà Nội lạnh ngắt đêm đông
Con gió chạy không gì cản
Hà Nội mùa thu sạch lắm
Lá vàng cũng chẳng hề rơi
Bao bài hát hay một thời
“Xào xạc” thành lời khó hiểu
Bao vần thơ vương nhịp điệu
Hương thầm vắng thiếu trên tay
Bao bức tranh vẽ hôm nay
Chẳng còn bóng cây quen thuộc
Con hè chỉ còn hàng cột
Trên đầu dây buộc ngổn ngang
Hà Nội cây non xếp hàng
Đồng phục là vàng tâm đấy
Tiện lợi và hay biết mấy
Khỏi treo biển nói cây gì…
Thời gian rồi cũng trôi đi
Cây non sẽ thành cổ thụ
Đời chắt học theo sách cũ
Chặt cây mọi phố, lại trồng…
(Nguồn: Facebook Lê Thống Nhất)
a/ Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào? (0,25 điểm)
b/ Ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản trên có đặc điểm gì? (0,25 điểm)
c/ Trong văn bản trên có sự lặp lại nhiều lần của hai từ “không” và “chẳng”. Anh/chị hãy nêu ý nghĩa của hai từ này trong việc thể hiện cảm xúc của tác giả. (0,5 điểm)
d/ Từ hai văn bản đã cho, anh/chị hãy viết đoạn văn ngắn trình bày quan điểm của mình về sự kiện cây xanh Hà Nội bị đốn chặt trong thời gian vừa qua. (0,5 điểm)
ĐÁP ÁN
Vb1 Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Câu a. Văn bản trên sử dụng phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm.
Câu b. Phép liên kết được sử dụng trong đoạn văn:
+ Phép nối bằng các quan hệ từ: Tuy nhiên, và.
+ Phép lặp: Lặp lại các từ cây, trồng cây, cây xanh, Hà Nội, quy định,… + Phép thế: Dùng từ “thành phố” thay cho “Hà Nội”
Câu c. Nội dung của văn bản trên đề cập đến vấn đề cây xanh ở thành phố Hà Nội xưa và nay: những quy định về việc trồng cây xanh, ưu nhược điểm của từng loại cây, tác dụng của việc trồng cây.
Câu d. Suy nghĩ về giá trị của cây xanh đối với thủ đô Hà Nội:
+ Giảm bớt cái nóng mùa hè.
+ Làm cho không khí trong lành, góp phần bảo vệ môi trường.
+ Làm cho Hà Nội đẹp và lãng mạn hơn, làm nên nét riêng, ấn tượng riêng cho đường phố Hà Nội.
Vb2
a. Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
b. Ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản trên có đặc điểm:
– Có tính hình tượng
– Có tính truyền cảm
– Tính cá thể hoá
c. Trong văn bản trên có sự lặp lại nhiều lần của hai từ “không” và “chẳng”. Hai từ này thể hiện sự phản đối, không đồng tình với việc chặt cây của tác giả.
d. Các ý chính:
+ Trong thời gian qua sự việc nhiều cây xanh ở Hà Nội bị đốn chặt một cách bất ngờ được nhiều người quan tâm bàn luận, gây ra nhiều ý kiến trái chiều từ phía người dân.
+ Việc chặt cây gây ra nhiều hậu quả, ảnh hưởng đến môi trường, mĩ quan…
+ Phần đông người dân có thái độ phản đối gay gắt, thậm chí còn tổ chức biểu tình bảo vệ cây.
+ Các cơ quan chức năng cần giải trình rõ lí do chặt cây, có biện pháp trấn an người dân cũng như khắc phục hậu quả. + Mỗi người cần ý thức được rằng: Bảo vệ cây xanh là bảo vệ môi trường sống. Hủy hoại cây xanh là hủy hoại tương lai…
Xem thêm :Tuyển tập bộ đề đọc hiểu ôn thi THPT Quốc gia ngữ văn