Bộ đề Đọc hiểu và Nghị luận xã hội 200 chữ luyện thi THPT Quốc gia môn văn.
Đề đọc hiểu tích hợp Nghị luận xã hội 200 chữ : Sức mạnh của đồng tiền
Phần I: Đọc – hiểu (3 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
Nhiều người cho rằng có tiền là có tất cả. Tiền bạc quả thật có sức mạnh lớn lao. Nhưng tiền bạc không phải là vạn năng.
Nó có thể mua được chiếu giường, nhưng không mua được giấc ngủ.
Nó có thể mua được châu ngọc, nhưng không mua được sắc đẹp
Nó có thể mua được giấy bút, nhưng không mua được ý thơ
Nó có thể mua được nhà cửa, nhưng không mua được gia đình
Nó có thể mua được thức ăn, nhưng không mua được sự ngon miệng
Nó có thể mua được trò chơi, nhưng không mua được niềm vui
Nó có thể mua được xu nịnh, nhưng không mua được lòng trung thành
Nó có thể mua được cánh hẩu, nhưng không mua được tình bạn
Nó có thể mua được sự phục tùng, nhưng không mua được lòng kính trọng
Nó có thể mua được quyền thế, nhưng không mua được trí tuệ
Nó có thể mua được thể xác, nhưng không mua được tình yêu
Nó có thể mua được vũ khí, nhưng không mua được hòa bình.
(Theo Thác-cơ-rê, dẫn theo Ngữ văn 11 Nâng cao, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr. 17)
Câu 1 Đoạn trích trên sử dụng thao tác lập luận nào?( 0,25 điểm)
Câu 2 Tác giả sử dụng thao tác lập luận đó nhằm mục đích gì?( 0,5 điểm)
Câu 3 Hãy nêu cách hiểu của anh/ chị về một lí lẽ được nêu trong đoạn trích trên.
(1,0 điểm)
Câu 4 Anh/ Chị có đồng tình với quan điểm “tiền bạc không phải là vạn năng” không? Vì sao? (1,25 điểm)
Phần II: Làm văn (7 điểm )
Câu 1 (2 điểm):
Từ nội dung của đoạn trích trên, anh/ chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề: Nếu không có tiền…
Đáp án tham khảo
1, Đoạn trích trên sử dụng thao tác lập luận bác bỏ
2, Thao tác lập luận bác bỏ được tác giả sử dụng để bác bỏ quan niệm ” có tiền là có tất cả”. Đây là quan niệm của nhiều người nhưng không phải lúc nào quan niệm đó cũng đúng. Tiền bạc có thể mua được những giá trị vật chất nhưng không mua được những giá trị tinh thần.
3. HS có thể chọn một lí lẽ được nêu trong đoạn trích và nêu lên cách hiểu của mình. Chẳng hạn, với lí lẽ tiền bạc “có thể mua được chiếu giường, nhưng không mua được giấc ngủ”, “chiếu giường” là vật dụng ( vật chất) để người ta nằm ngủ và người ta có thể dùng tiền để mua, nhưng “giấc ngủ” thì không dùng tiền để mua, bởi nhiều người mặc dù có, “chiếu giường” đầy đủ, sang trọng nhưng vẫn ” mất ngủ” vì buồn phiền, lo lắng, mệt mỏi( tinh thần).
4, HS có thể đồng tình hoặc phản đối ( hoặc vừa đồng tình vừa phản
đối ) quan niệm “tiền bạc không phải là vạn năng”.
– Nếu đồng tình: Tiền bạc có thể mua được các giá trị về vật chất nhưng không mua được các giá trị tinh thần.
– Nếu phản đối: Nếu không có tiền thì ngay cả những nhu cầu vật chất tối thiểu con người cũng không thể chi trả.
* Yêu cầu về hình thức:
– Viết đúng 01 đoạn văn, khoảng 200 chữ.
– Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu,…
* Yêu cầu về nội dung:
Học sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau.Tuy nhiên, có thể tham khảo một số gợi ý sau:
– Con người trước hết phải tồn tại bằng vật chất cơm ăn, áo mặc, nhà ở…Nếu không có tiền thì ngay cả những nhu cầu vật chất tối thiểu con người cũng không thể chi trả, do đó, sẽ khó có thể tồn tại, khó có được cuộc sống hạnh phúc.
– Tiền bạc không phải là vạn năng nó có thể mua được các giá trị vật chất nhưng không mua được các giá trị tinh thần.
Đề sưu tầm.
Xem thêm : Bộ đề đọc hiểu luyện thi THPT Quốc gia soạn theo cấu trúc mới :
Bộ đề Nghị luận xã hội 200 chữ luyện thi THPT Quốc gia soạn theo cấu trúc mới :