KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 12 THPT
Câu (8,0 điểm)
Suy nghĩ của anh/chị về câu chuyện sau:
“Một hôm, có một nhà bác học ngồi trên một con thuyền qua sông. Ngồi không, cảm thấy buồn chán, nhà bác học bèn nói chuyện với người chèo thuyền. Ông ta ngẩng cao đầu, kiêu ngạo hỏi:
– Anh có nghiên cứu triết học không? Đó là thứ học vấn cần thiết nhất trên thế giới đấy!
Im lặng hồi lâu, người chèo thuyền trả lời một cách ngượng ngập:
– Tôi suốt ngày chỉ biết chèo thuyền, không có thời gian nghiên cứu triết học.
– Như vậy là anh đã lãng phí mất nửa cuộc đời rồi – nhà bác học nói. Nói xong ông ta quay mặt ra ngoài, ngắm nhìn sông nước, không nói chuyện với người chèo thuyền nữa.
Nào ngờ, một lúc sau, trời nổi giông bão, con thuyền đã xa bờ, chao đảo trong sóng gió, lúc nào cũng như sắp bị chìm.
Bỗng nhiên, một cơn gió lớn thổi đến, con thuyền nhỏ bị lật, cả nhà bác học và người chèo thuyền đều bị rơi xuống nước.
– Ông có biết bơi không? – Người lái thuyền hét lớn, hỏi nhà bác học.
Lúc này, nhà bác học đã bị chìm đến cổ, lập cập trả lời: – Không biết!
– Vậy thì ông đã lãng phí cả cuộc đời mình rồi! – người chèo thuyền nói.
(Theo “200 bài học đạo lí” – NXB Văn hóa – Thông tin, 2011)
- Yêu cầu về kĩ năng
Thí sinh biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, kết cấu chặt chẽ, luận điểm thuyết phục, diễn đạt lưu loát, ít mắc các lỗi: chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
- Yêu cầu về kiến thức
TS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần nêu bật được các ý chính sau:
– Ý nghĩa câu chuyện: mỗi người đều có điểm mạnh của riêng mình, không thể nào tất cả mọi mặt đều tốt hơn người khác.
– Phát biểu suy nghĩ của bản thân:
+ Không nên lấy điểm mạnh của mình để đo điểm yếu của người khác vì mỗi người đều có điểm yếu riêng. Chúng ta không nên bao giờ cười nhạo, coi thường những người xung quanh.
+ Biết cách nhận thấy và học theo cái mạnh của người khác để bổ sung cái yếu của mình thì mới tiến bộ. Nếu không, kết quả cuối cùng sẽ giống như nhà bác học trong câu chuyện bị chết chìm nơi đáy sông.
+ Bài học về tính khiêm tốn, luôn học hỏi những người xung quanh để bản thân mình ngày càng hoàn thiện.
+ ….
- 3. Cách cho điểm
– Điểm 7-8: Đáp ứng được các yêu cầu trên, có thể còn mắc vài lỗi nhỏ về diễn đạt.
– Điểm 5-6: Đáp ứng được 2/3 các yêu cầu trên, trong đó có phần liên hệ; còn mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt.
– Điểm 3: Chỉ đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên; hoặc các yêu cầu đều đề cập những nội dung sơ sài; diễn đạt yếu
– Điểm 0: bài viết hoàn toàn lạc đề.
Bài viết tham khảo
Bài làm
“Bố đã nhắc con phải gấp chăn sau khi ngủ dậy. Vậy mà con vẫn không thực hiện. Bố rất thất vọng con gái ạ! Nếu chỉ học giỏi trên sách vở mà cuộc sống ngoài đời như vậy là không ổn!”.
Bố.
Đọc tờ giấy ghi lời nhắc của bố để trên đống chăn cuộn tròn nằm trên giường, tôi thấy xấu hổ vô cùng! 18 tuổi, vậy mà những việc đơn giản này tôi cũng để bố phải nhắc. Hình như tôi chỉ chăm chăm vào việc học tập trên lớp mà chẳng chịu trau dồi cho mình những kĩ năng cơ bản nhất phục vụ cho cuộc sống. Câu chuyện “Nhà bác học qua sông” đã khiến tôi giật mình về hậu quả trầm trọng của việc thiếu kĩ năng sống cùng với thói kiêu ngạo, coi thường người khác mà nhà bác học kia đã nhận lấy.
Câu chuyện ngắn gọn mà thấm thía đã cho tôi bài học sâu sắc về cuộc sống. Một nhà bác học kiêu ngạo tự cho rằng thứ triết học mà mình nghiên cứu là “thứ học vấn quan trọng nhất trên đời này”. Ông ta còn tỏ ra coi thường, thậm chí còn đánh giá rằng người chèo thuyền “đã lãng phí nửa cuộc đời” khi nghe người chèo thuyền nói: “Tôi suốt ngày chỉ biết chèo thuyền, không có thời gian nghiên cứu triết học”. Vậy là bằng cái nhìn một chiều và thói tự cao tự đại, cho rằng mình cao quý hơn người bằng thứ học vấn cao siêu, nhà bác học chỉ nhìn thấy sự tầm thường, điểm yếu của người chèo thuyền. Nhưng rồi gió bão ập đến, con thuyền chòng chành và lật nhào, nhà bác học không biết bơi đã ôm thứ triết học cao quý của mình xuống đáy sông. Đúng như người chèo thuyền nói, ông ta đã “lãng phí cả cuộc đời mình”. Triết học cao siêu không thể trở thành chiếc phao cứu sinh giúp nhà bác học thoát chết! Thế mới biết, những thứ mà ta nghĩ mình hơn người khác đôi khi lại là con dao hai lưỡi làm hại chính chúng ta.
“Ai cũng muốn làm điều gì đó lớn lao nhưng lại không nhận ra rằng cuộc sống được tạo nên từ những điều rất nhỏ” (T.A.Clark). Nếu triết học là “điều lớn lao” thì việc biết bơi lại chính là “điều rất nhỏ”. Quả thực, những kĩ năng cơ bản cần thiết mới chính là yếu tố tiên quyết giúp con người sống sót. Nếu không có những kĩ năng cơ bản thì chúng ta không thể tồn tại, nói gì đến làm những gì lớn lao. Kĩ năng sống là điều quan trọng với mỗi con người. Thế giới luôn vận động. Mọi biến cố, những khó khăn, thử thách, thậm chí là những nguy hiểm luôn có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Kĩ năng giúp con người chủ động thích nghi với từng hoàn cảnh, có thể tự bảo vệ mình khi có nguy hiểm xảy đến. Nếu như nhà bác học kia biết bơi để tự cứu mình thì ông ta đã không phải “lãng phí cả cuộc đời” như vậy. Một bài học sâu sắc đối với chúng ta: hãy chuẩn bị cho mình những kĩ năng cần thiết trước khi bắt tay tìm hiểu những điều lớn lao.
Đặt trong bối cảnh đất nước đang trên con đường hội nhập, bài học này lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Một căn bệnh thâm niên của người Việt Nam ta là “nặng về lí thuyết, coi nhẹ thực hành”. Lí thuyết “suông” thì có thể nắm chắc nhưng kĩ năng sống, kĩ năng thực hành thì còn là một vấn đề đáng quan tâm.Giá mà thống kê cho hết số sinh viên Việt Nam ra trường vẫn phải đào tạo lại vì những kiến thức trên giảng đường chưa thể áp dụng vào công việc cụ thể! Giá mà thống kê cho hết những người tốt nghiệp Đại học với tấm bằng loại khá trở lên mà 7,8 năm vẫn không xin được việc làm do không có kĩ năng thực hành!…Đó thật sự là một lãng phí khủng khiếp vì chỉ chú tâm vào những kiến thức sách vở xa vời mà không rèn luyện, trau dồi từ những kĩ năng rất nhỏ. Cho nên một vài năm trở lại đây, hàng loạt những khoá học kĩ năng được mở ra ở Việt Nam: kĩ năng “mềm”, kĩ năng quản lí thời gian, quản lí tài chính, kĩ năng lập kế hoạch, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng đối đầu với thử thách…Học sinh tiểu học, trung học , sinh viên, thậm chí cả những người đã đi làm cũng tham gia để trau dồi cho mình từ những điều đơn giản nhất! Nhưng đâu phải cứ đến những khoá học ấy, con người mới học được kĩ năng sống. Chúng ta có thể tự mình trau dồi qua việc va chạm trong cuộc sống hàng ngày ( Có lẽ, đã đến lúc tôi nên rời khỏi những trang sách dày cộp mà rèn luyện mình bằng việc đơn giản hàng ngày để bố không còn phải nhắc nhở từ việc nhỏ nhất là gấp chăn sau khi ngủ dậy nữa!)
Một bài học khác mà câu chuyện mang đến cho tôi là việc đánh giá người khác và bản thân mình. Con người sinh ra không ai là hoàn hảo. Ai cũng có “gót chân A – sin” của mình. Mỗi chúng ta đều có những điểm mạnh, điềm yếu riêng. Không ai có thể cho rằng mình hơn người khác, Ta có thể nổi trội hơn người khác về một số điểm nhưng cũng có những điểm mà người khác hơn ta rất nhiều. Điểm mạnh của người này là điểm yếu của người kia, đó là sự thật của đời sống. Như người chèo thuyền kia ngày ngày chèo thuyền đưa người qua sông, đó là thế mạnh của ông ta. Nhà bác học trong truyện lại có thế mạnh trong việc nghiên cứu triết học. Bạn học tốt các môn xã hội nhưng lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận các môn tự nhiên. Bạn có thể giải rất nhanh một bài toán hóc búa nhưng có khi ngồi cả ngày bạn vẫn không “nặn” ra câu văn nào. Các bác sĩ chữa bệnh cho rất nhiều người nhưng đưa họ về với đồng ruộng nông thôn thì họ hoàn toàn “bó tay”. Những người lao công không thể nghiên cứu khoa học nhưng nhờ họ mà đường phố mới sạch đẹp. Người nào cũng có những thế mạnh, những công việc thích hợp để nuôi sống bản thân, có ích cho gia đình và xã hội. Không có công việc cao quý, chỉ có những con người cao quý trong nghề nghiệp của mình. Lu-i Pa-xtơ từng nói: “Không phải nghề nghiệp làm nên danh dự cho con người,mà con người mới làm nên danh dự cho nghề nghiệp”. Nhà bác học đã hoàn toàn sai lầm trong việc đánh giá người khác chỉ dựa vào công việc của người lái thuyền, dựa vào tiêu chuẩn ông ta đặt ra cho mình. “Triết học là thứ học vấn cần thiết” nhưng nếu không có người chèo thuyền kia thì sao nhà bác học có thể qua sông. Như vậy, giá trị của một con người thay đổi theo từng hoàn cảnh khác nhau. Chúng ta nên khiêm tốn khi đánh giá bản thân và đừng bao giờ đánh giá thấp người khác! Tự tin vào bản thân không có nghĩa là cho mình hơn người khác và không bao giờ thất bại. Chỉ còn vài tháng nữa kì thi đại học sẽ diễn ra, các bạn học sinh lớp 12 cần xác định rõ đâu là thế mạnh của mình, nghiên cứu thật kĩ tình hình các trường mình có ý định để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất!
Câu chuyện nhỏ mà bài học đặt ra không hề đơn giản chút nào. Tuy vậy, kết thúc câu chuyện lại gợi ra trong tôi một nỗi băn khoăn. Lẽ nào sau khi nói với nhà bác học: “Vậy thì ông đã lãng phí cả cuộc đời mình rồi”, người chèo thuyền lại không có hành động gì để giúp người khách lâm nạn của mình? Liệu ông ta đã làm tròn nhiệm vụ của một người lái đò đưa khách qua sông, hay hơn thế nữa, ông ta đã sống đúng với lương tri của một con người? Nếu được viết tiếp câu chuyện này, nếu tôi là người chèo thuyền kia, sau khi đã “dạy” cho nhà bác học kia một bài học, tôi sẽ lao xuống cứu ông ta. Với tôi khi ấy, câu chuyện mới thực sự mang tính giáo dục và nhân văn hơn cả. Bài học mà nó đặt ra cũng vì thế mà thuyết phục hơn! Con người ai chẳng có lúc sai lầm. Điều quan trọng là ta phải biết cùng nhau sữa chữa, rút kinh nghiệm. Xã hội sẽ tốt đẹp biết bao nếu mỗi cá thể không ngừng hoàn thiện mình và biết bổ sung, lấp đầy những “khoảng trống” của người khác!
“Tay phải của người là tay trái của mình” vì vậy mỗi chúng ta phải nỗ lực tự “làm đầy” mình và học hỏi mọi người ngay từ những điều cơ bản nhất. “Điều cần thiết trong cuộc sống của mỗi người là luôn làm một học trò”. Có như vậy chúng ta mới nâng cao được giá trị bản thân và không bao giờ phải hối hận vì đã “lãng phí” bất cứ giây phút nào trong cuộc đời mình!
Xem thêm : Những bài văn nghị luận xã hội hay lớp 12