Đề thi học sinh giỏi môn văn : Quan niệm của anh/chị về sự bình yên trong cuộc sống. Chữ bầu lên nhà thơ. Tự tình II (Hồ Xuân Hương) và Tây Tiến (Quang Dũng),

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THANH HÓA

ĐỀ CHÍNH THỨC

Số báo danh:
………………….


KỲ THI CHỌN ĐỘI TUYỂN DỰ THI HSG QUỐC GIANĂM HỌC 2014 – 2015

MÔN THI: NGỮ VĂN
Ngày thi: 09/10/2014
Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
(Đề gồm 02 câu, có 01 trang)

Mục Lục

  • 1 Câu 1 (8,0 điểm)
  • 2 Câu 2 (12,0 điểm)
  • 3 HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI CHỌN ĐỘI TUYỂN HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA LỚP 12 THPT
  • Câu 1 (8,0 điểm)

    Sự bình yên
    Một vị vua treo giải thưởng cho nghệ sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình yên. Nhiều họa sĩ đã cố công thể hiện tài năng của mình. Nhà vua ngắm tất cả các bức tranh nhưng chỉ thích có hai bức và ông phải chọn lấy một. Một bức tranh vẽ hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng. Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là một bức tranh bình yên thật hoàn hảo. Bức tranh kia cũng có những ngọn núi, nhưng những ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá. Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút kèm theo sấm chớp. Đổ xuống bên vách núi là dòng thác nổi bọt trắng xóa. Bức tranh này trông thật chẳng bình yên chút nào. Nhưng khi nhà vua ngắm nhìn, ông thấy đằng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây một con chim mẹ đang xây tổ. Ở đó giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ, con chim mẹ đang bình thản đậu trên tổ của mình… Bình yên thật sự. “Ta chấm bức tranh này!” – Nhà vua công bố.
    (Dẫn theo nguồn từ Internet)
    Từ ý nghĩa câu chuyện đến quan niệm của anh/chị về sự bình yên trong cuộc sống.

    Câu 2 (12,0 điểm)

    Nhà thơ Lê Đạt cho rằng:
    Chữ bầu lên nhà thơ.
    Bằng cảm nhận về hai bài thơ: Tự tình II (Hồ Xuân Hương) và Tây Tiến (Quang Dũng), anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.
    ……………………………………………HẾT…………………………………………..

    HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI CHỌN ĐỘI TUYỂN HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA LỚP 12 THPT
    SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
    THANH HÓA


    NĂM HỌC 2014 – 2015
    MÔN THI: NGỮ VĂN
    Ngày thi: 09/10/2014
    (Đáp án gồm có 04 trang)

    CâuÝNội dungĐiểm
    1 Từ ý nghĩa câu chuyện Sự bình yên đến quan niệm của anh/chị về sự bình yên trong cuộc sống.8,0
    Yêu cầu chung
    – Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận xã hội của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ thái độ, chủ kiến của mình để làm bài.
    – Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng, được tự do bày tỏ quan niệm riêng của mình, nhưng phải có thái độ chân thành nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.
    Yêu cầu cụ thể
    a.Giải thích ý nghĩa câu chuyện1,5



    – Chỉ ra ý nghĩa của hai bức tranh vẽ về sự bình yên:
    + Bức tranh thứ nhất: vẽ hồ nước yên ả -> Bình yên là sự êm ả, tĩnh lặng do không gian ngoại cảnh đem lại.
    + Bức tranh thứ hai: vẽ bên trong khung cảnh dữ dội là hình ảnh một con chim mẹ đang xây tổ, bình thản đậu trên tổ của mình -> Bình yên là sự yên an, bình thản, tĩnh lặng trong tâm hồn trước giông bão của cuộc sống.
    – Ý nghĩa của câu chuyện: từ sự lựa chọn bức tranh thứ hai của nhà vua, câu chuyện chia sẻ một quan niệm về sự bình yên. Sự bình yên trong tâm hồn mới là sự bình yên đích thực.



    b.Bày tỏ quan niệm của bản thân về sự bình yên trong cuộc sống 5,0
    Từ nhận thức và những trải nghiệm riêng, thí sinh có thể bày tỏ quan niệm của mình về sự bình yên trong cuộc sống: quan niệm ấy có thể giống, không giống hoặc chỉ giống một phần với quan niệm được rút ra từ ý nghĩa của câu chuyện. Dù quan niệm như thế nào cũng phải có lí lẽ, căn cứ xác đáng và có thái độ bàn luận nghiêm túc, thiện chí.


    c.Bài học sống1,5
    Từ quan niệm về sự bình yên trong cuộc sống, thí sinh cần nêu lên được định hướng nhận thức và hành động để bản thân có thể đạt được sự bình yên đích thực.
    2 Cảm nhận về hai bài thơ: Tự tình II (Hồ Xuân Hương) và Tây Tiến (Quang Dũng) để bình luận ý kiến của Lê Đạt: Chữ bầu lên nhà thơ.12,0
    Yêu cầu chung
    – Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về lí luận văn học, tác phẩm văn học, kĩ năng tạo lập văn bản, khả năng cảm nhận văn chương của mình để làm bài.
    – Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ, căn cứ xác đáng.

    Yêu cầu cụ thể
    a.Giải thích ý kiến3,0
    * Cắt nghĩa ý kiến:
    – Chữ: không chỉ hiểu đơn giản là vỏ âm thanh mà quan trọng đó chính là ngôn ngữ được sử dụng, tổ chức một cách nghệ thuật.
    – Chữ bầu lên nhà thơ: là khẳng định vai trò của ngôn ngữ đối với nhà thơ. Ngôn ngữ góp phần: chuyên chở điệu hồn thi nhân; khẳng định tài năng, phong cách của người nghệ sĩ; tôn vinh vị thế nhà thơ.
    1,5
    * Lí giải ý kiến:
    – Ngôn ngữ là chất liệu, yếu tố đầu tiên của văn học. Ngôn ngữ thơ là tinh hoa tối cao của ngôn ngữ, là kiến trúc ngôn từ đặc biệt.
    – Bản chất của thơ là trữ tình. Tiếng lòng của nhà thơ chỉ có thể được vang lên, được hữu hình hóa thành câu chữ, âm thanh, nhịp điệu.
    – Lao động thơ thực chất là lao động chữ nghĩa, đòi hỏi tài năng, sự sáng tạo và tâm huyết của nhà thơ.
    1,5
    b.Cảm nhận về hai bài thơ: Tự tình II (Hồ Xuân Hương) và Tây Tiến (Quang Dũng)7,0
    * Thí sinh không phải cảm nhận toàn bộ bài thơ mà chỉ tập trung cảm nhận những nét đặc sắc trong cách sử dụng, tổ chức ngôn ngữ ở hai tác phẩm để thấy được vai trò của nó trong việc tôn vinh mỗi nhà thơ.
    – Cảm nhận bài thơ Tự tình II:
    + Sử dụng các từ thuần Việt giàu hình ảnh, màu sắc, đường nét với sắc thái đặc tả mạnh: những động từ chỉ tình thái (dồn, trơ, xế, xiên ngang, đâm toạc,…), những tính từ chỉ trạng thái (say, tỉnh, khuyết, tròn,…).
    + Phối hợp, tổ chức ngôn ngữ một cách sáng tạo: nghệ thuật đối, đảo ngữ, cách ngắt nhịp,…
    => Bằng cách sử dụng, tổ chức ngôn ngữ sáng tạo, tài tình, Hồ Xuân Hương đã bộc lộ được tâm trạng bất mãn với cuộc đời, số phận và niềm khát khao hạnh phúc lứa đôi.
    – Cảm nhận bài thơ Tây Tiến:
    + Phối hợp, hòa trộn nhiều sắc thái phong cách ngôn ngữ với những lớp từ vựng đặc trưng. Có ngôn ngữ trang trọng mang màu sắc cổ kính (đoàn binh, viễn xứ, biên cương, khúc độc hành,…); lại có ngôn ngữ thông tục, sinh động của tiếng nói hàng ngày (bỏ quên đời, cọp trêu người, không mọc tóc, chẳng tiếc đời xanh,…).
    + Kết hợp từ độc đáo, mới lạ tạo nghĩa mới hoặc sắc thái mới cho từ ngữ (nhớ chơi vơi, súng ngửi trời, mưa xa khơi, hoa đong đưa, dáng kiều thơm,…).
    + Sử dụng hệ thống các địa danh vừa tạo ấn tượng về tính cụ thể, xác thực của bức tranh thiên nhiên và cuộc sống con người lại vừa gợi được sự hấp dẫn xứ lạ phương xa.
    + Sử dụng thể hành với những câu thơ phối hợp đan xen thanh điệu bằng, trắc tạo nên giọng điệu thơ bi tráng.
    => Những nét đặc sắc, tài hoa trong cách sử dụng ngôn ngữ của Quang Dũng đã khắc họa nỗi nhớ da diết của nhà thơ về người lính Tây Tiến hào hùng và hào hoa trên nền thiên nhiên miền Tây hùng hiểm và thơ mộng.
    5,0


    2,5









    2,5
    * Đánh giá vai trò của ngôn ngữ ở hai bài thơ trong việc “bầu lên nhà thơ”:
    – Cách sử dụng, tổ chức ngôn ngữ độc đáo trong bài Tự tình II đã góp phần tôn vinh nhà thơ Hồ Xuân Hương xứng đáng là nhà thơ của phụ nữ, “Bà chúa thơ Nôm” (Xuân Diệu).
    – Những nét đặc sắc trong nghệ thuật sử dụng chất liệu ngôn từ ở bài thơ Tây Tiến đã góp phần khẳng định sự tài hoa, tinh tế của nhà thơ Quang Dũng – “áng mây trắng xứ Đoài”.
    2,0
    c.Bình luận ý kiến2,0
    – Lời chia sẻ của Lê Đạt chính là tâm niệm sâu sắc của người nghệ sĩ luôn ý thức cao về nghề: chọn lựa chữ, nghiêm khắc với chữ trong thơ cũng chính là sự chọn lựa của tình yêu và trách nhiệm với ngòi bút của mình.
    – Ý kiến cũng là một định hướng, gợi mở cho người đọc khi đến với thơ: đọc thơ cần giải mã được cấu trúc ngôn từ để lắng nghe điệu hồn thi nhân; để trân trọng tài năng, sự lao động sáng tạo của nhà thơ.
    – Tuy nhiên, khẳng định vai trò của ngôn ngữ với nhà thơ không có nghĩa là coi việc làm thơ chỉ là gò câu, đúc chữ, rơi vào chủ nghĩa hình thức cực đoan.
    Lưu ý chung
    1. Đây là đáp án mở, thang điểm không quy định chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm của phần nội dung lớn nhất thiết phải có.
    2. Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu mỗi câu, đồng thời phải được triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.
    3. Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Chấp nhận bài viết không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.
    4. Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng.
    5. Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.

    ……………………………………………HẾT…………………………………………..

    Xem thêm :

    1. Tuyển tập đề thi học sinh giỏi môn Văn
    2. Tuyển tập đề thi về bài Tự tình– Hồ Xuân Hương
    3. Tuyển tập đề thi về bài Tây tiến- Quang Dũng

    Bài viết gợi ý: