HƯỚNG DẪN CHẤM THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH
NĂM HỌC 2016 – 2017
Môn: Ngữ văn – Lớp 12
Câu 1 (4,0 điểm)
Cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ sau:
Nắng trong mắt những ngày thơ bé
Cũng xanh mơn như thể lá trầu
Bà bổ cau thành tám chiếc thuyền cau
Chở sớm chiều tóm tém
Hoàng hôn đọng trên môi bà quạnh thẫm
Nắng xiên khoai qua liếp vách không cài
Bóng bà đổ xuống đất đai
Rủ châu chấu, cào cào về cháu bắt
Rủ rau má, rau sam
Vào bát canh ngọt mát
Tôi chan lên suốt dọc tuổi thơ mình…
(Thời nắng xanh, Trương Nam Hương)
* Yêu cầu về kĩ năng:
Thí sinh biết cách làm bài cảm nhận văn học, kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận. Hành văn mạch lạc, lưu loát, giàu chất văn.
* Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh có thể có những cảm nhận riêng, song cần nêu được những ý sau:
– Về nội dung:
Đoạn thơ là những hồi ức sinh động của nhân vật trữ tình về một “Thời nắng xanh”- thời thơ ấu hồn nhiên, trong trẻo. Đó là một tuổi thơ:
+ Gắn liền với bà, do đó, “Nắng trong mắt những ngày thơ bé/ Cũng xanh mơn như thể lá trầu”.
+ Hình ảnh người bà: gắn với thói quen ăn trầu dân dã, cổ truyền (Bà bổ cau thành tám chiếc thuyền cau/Chở sớm chiều tóm tém), gương mặt bà trong ráng chiều (Hoàng hôn đọng trên môi bà quạnh thẫm), sự tần tảo đồng áng (Bóng bà đổ xuống đất đai)… Cuộc đời vất vả dãi dầu nhưng chính sự tần tảo của bà đã đem lại cho cháu một không gian bình yên để mơ mộng, để lớn lên. Bà đã trở thành một miền hoài niệm. Bà gắn với những gì đẹp đẽ nhất, trong trẻo nhất, làm nên “thời xanh nắng” của cháu.
+ Gắn với bà là hình ảnh quê hương: Một quê hương nghèo khó nhưng thanh bình: Nắng xiên khoai qua liếp vách không cài, một vùng quê thuần nông với châu chấu, cào cào, rau má, rau sam… Sự gắn bó hòa quyện sâu sắc đến mức người cháu không thể nhận ra bà hay chính là quê hương, không thể hình dung ra tuổi thơ nếu không có bà và hình bóng quê hương.
+ Gắn với những trò chơi tinh nghịch, dân dã (rủ châu chấu, cào cào về cháu bắt), gắn với những món ăn đơn sơ mà như đã trở thành cao lương mĩ vị khi cháu hồi tưởng lại (Rủ rau má, rau sam/Vào bát canh ngọt mát/Tôi chan lên suốt dọc tuổi thơ mình).
=> Qua những hồi ức về tuổi thơ của nhân vật trữ tình, ta nhận ra vẻ đẹp của bà: truyền thống, tần tảo, luôn bao bọc chở che để cháu có một tuổi thơ hồn nhiên theo đúng nghĩa. Đồng thời, ta còn nhận ra vẻ đẹp tâm hồn nhân vật trữ tình: nhạy cảm, tinh tế, giàu tình yêu thương.
– Về nghệ thuật:
Một trong những điều làm nên nét đặc sắc nhất của đoạn thơ nói riêng, bài thơ nói chung, ấy chính là tác giả đã tạo dựng được một “bầu khí quyển” dân dã, đượm sắc màu cổ tích qua những hình ảnh đẹp, đầy sáng tạo. VD: Hình ảnh Xanh mơn: màu xanh mơn man rười rượi, nắng xanh mơn: cái nắng được lọc qua hồi ức về một người bà luôn tóm tém nhai trầu, vì thế mà nó càng trở nên lung linh, huyền thoại.
Thơ Trương Nam Hương giàu hình ảnh, các biện pháp nghệ thuật so sánh, ẩn dụ, điệp, lối nói lạ hóa làm nên sức hấp dẫn cho đoạn thơ.
– Đánh giá chung:
Những câu thơ của Trương Nam Hương đã cho ta “một vé đi tuổi thơ”, khơi gợi trong tâm hồn ta tình yêu với quê hương, với người thân, biết trân trọng quá khứ, nguồn cội, trân trọng những kỉ niệm tuổi thơ. Đó là những tình cảm thường trực trong tâm hồn mỗi người song phải có những câu thơ hay mới đủ sức lay động trái tim.
* Biểu điểm:
– Điểm 3-4: Có những cảm nhận tinh tế, sắc sảo, hành văn trong sáng, có cảm xúc.
– Điểm 2-3: Hiểu nội dung đoạn thơ song chưa thật sâu sắc, còn một số lỗi về diễn đạt, chính tả.
– Điểm 1-2: Không hiểu đề hoặc hiểu còn mơ hồ, bài viết mắc nhiều lỗi diễn đạt.
– Điểm 0: Không làm bài hoặc lạc đề.
Giám khảo có thể chấm theo ý – điểm nội dung kết hợp với hình thức.
Ý 1: 2,5 điểm
Ý 2: 1 điểm
Ý 3: 0,5 điểm
Câu 2 (6,0 điểm)
Trên hành trình chinh phục con cá kiếm, ông lão Santiago trong tác phẩm Ông già và biển cả của Ernest Hemingway đã khẳng định:
“Con người được sinh ra không phải để dành cho thất bại. Con người có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị đánh bại”.
Suy nghĩ của anh/chị về câu nói trên.
* Yêu cầu về kĩ năng:
Thí sinh biết cách làm bài nghị luận xã hội, kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận. Hành văn lưu loát, không mắc lỗi dùng từ, ngữ pháp.
* Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh có thể có những cảm nhận riêng, song cần nêu được những ý sau:
Giải thích
“Con người được sinh ra không phải để dành cho thất bại. Con người có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị đánh bại”.
– Giải thích từ ngữ:
Hủy diệt: sự mất mát, tan biến, bị tàn phá, diệt vong về thể xác.
Thất bại, đánh bại: chỉ sự đầu hàng số phận, sự tê liệt về ý chí, tinh thần.
…có thể bị …nhưng không thể bị …: quan hệ nhượng bộ – tăng tiến, nhấn mạnh, khẳng định vế thứ 2.
– Ý nghĩa của câu nói:
Khẳng định ý nghĩa sự tồn tại đích thực của con người. Con người sinh ra không phải để đầu hàng hoàn cảnh mà là để chiến thắng chính mình, vượt lên số phận. Con người có thể chịu đau thương, mất mát, bị tàn phá về thể xác nhưng tinh thần, ý chí luôn phải kiên cường, vững vàng.
=> Khẳng định, cổ vũ con người phải luôn giữ vững ý chí, nghị lực, niềm tin, vươn lên trong cuộc sống.
Bàn luận
– Tại sao lại nói: “Con người được sinh ra không phải để dành cho thất bại. Con người có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị đánh bại“?
+ Vì khi con người chịu đau đớn, mất mát, bị tàn phá về thể xác, con người vẫn là chính mình. Trái lại, khi con người mất ý chí, niềm tin, đầu hàng số phận, họ sẽ đánh mất chính mình, tức là mất tất cả.
+ Ý chí, nghị lực, niềm tin giúp con người chiến thắng mọi hoàn cảnh khó khăn, kiên cường đứng lên sau vấp ngã… để gặt hái được những thành công.
+ Có ý chí, nghị lực, niềm tin, con người khám phá được khả năng thực sự của bản thân và tự hoàn thiện mình, được mọi người tôn trọng, yêu mến.
– Dẫn chứng minh họa:
+ Trong văn học: Thí sinh có thể liên hệ ngay đến hành trình chinh phục con cá Kiếm của ông lão Santiago trong tác phẩm “Ông già và biển cả” để thấy ông lão chính là biểu tượng cho nghị lực, niềm tin, sự kiên cường của con người trong hành trình chống lại “vận rủi” của số phận.
+ Trong đời sống: Có thể lấy những tấm gương của quá khứ như Helen Keller, Moda, Edison…, những tấm gương của đời sống đương đại như lực sĩ khuyết tật Lê Văn Công, Nick Vujjic, những tấm gương kiên trì, bền bỉ kiên trì theo đuổi mục tiêu như Hoàng Xuân Vinh, Ánh Viên…, và dẫn chứng chính bằng trải nghiệm của thí sinh.
– Phê phán những kẻ yếu đuối, hèn nhát, tiêu cực… dễ bị sa ngã, đánh mất mình, bị mọi người coi thường.
– Khẳng định ý chí, nghị lực, niềm tin có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng con người cũng cần linh hoạt, tỉnh táo trong hành động, tránh sự chủ quan, võ đoán, duy ý chí.
- Bài học
– Dù trong bất kì hoàn cảnh nào, chúng ta không được đánh mất mình, cần phải giữ vững ý chí, nghị lực, niềm tin trong cuộc sống.
– Sống tích cực, lạc quan, chuẩn bị đầy đủ hành trang cho cuộc sống, sẵn sàng hành động, nắm bắt thời cơ… giúp con người không dễ bị đánh bại, có thể làm chủ cuộc đời mình.
* Biểu điểm:
– Điểm 5- 6: Có hiểu biết phong phú về đời sống, kiến thức vững vàng, kĩ năng nghị luận tốt. Hành văn trong sáng, có cảm xúc.
– Điểm 3-4: Hiểu đề, đáp ứng được khoảng ½ yêu cầu trên, còn một số lỗi về diễn đạt, chính tả.
– Điểm 1-2: Không hiểu đề hoặc hiểu còn mơ hồ, bài viết mắc nhiều lỗi diễn đạt.
– Điểm 0: Không làm bài hoặc lạc đề.
Giám khảo có thể chấm theo ý – điểm nội dung kết hợp với hình thức.
Ý 1: 1,5 điểm
Ý 2: 3,5 điểm
Ý 3: 1,0 điểm
Câu 3 (10 điểm)
Bàn về truyện ngắn, Tô Hoài nói: “Dựng nhân vật là điều khó khăn nhất đối với người viết”. Nguyễn Minh Châu lại khẳng định: “Dựng được một tình huống đặc sắc là vấn đề sống còn với người viết truyện ngắn” (Các nhà văn nói về văn – NXB Tác phẩm mới, HN, 1985).
Từ truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân, anh /chị hãy làm sáng tỏ hai ý kiến trên.
* Yêu cầu về kĩ năng
Thí sinh biết cách làm bài nghị luận văn học, phối hợp tốt các thao tác lập luận, kết hợp nhuần nhuyễn kiến thức lí luận và cảm thụ. Bố cục rõ ràng, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi về chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
* Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể triển khai bài viết theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những nội dung sau:
Giải thích
a, Là gì?
– Ý kiến của Tô Hoài : “Dựng nhân vật là điều khó khăn nhất đối với người viết”
+ Nhân vật: Là hình tượng nghệ thuật (có thể là con người, con vật, đồ vật…) được nhà văn xây dựng trong tác phẩm bằng những phương thức, phương tiện đặc thù (ngôn ngữ, hình ảnh, kết cấu…).
+ Dựng nhân vật là điều khó khăn nhất đối với người viết: Khẳng định trong lao động nghệ thuật của nhà văn, xây dựng nhân vật là khâu khó khăn và quan trọng bậc nhất.
=> Câu nói khẳng định nhân vật có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng.
-Ý kiến của Nguyễn Minh Châu: “Dựng được một tình huống đặc sắc là vấn đề sống còn với người viết truyện ngắn”.
+ Tình huống: Tình huống truyện là sự kiện đặc biệt của đời sống được nhà văn xây dựng theo lối “lạ hóa”, là hoàn cảnh có vấn đề mà tác giả đặt nhân vật vào để nhân vật được thử thách và bộc lộ tính cách, số phận…
+ Vấn đề sống còn: Là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, cốt tử, quyết định tạo nên sự thành công của truyện ngắn.
=> Ý kiến của Nguyễn Minh Châu đề cập đến yêu cầu sống còn với người viết truyện ngắn là dựng được tình huống truyện.
b, Tại sao?
– “Dựng nhân vật là điều khó khăn nhất đối với người viết”. Vì:
+ Nhân vật là linh hồn của tác phẩm. Để nhân vật thực sự là “linh hồn”, nhà văn phải xây dựng sao cho tâm lí, tính cách, hành động…của nhân vật trở nên chân thực, sống động, thậm chí “thực hơn cả con người thực ngoài đời”. Điều này đòi hỏi nhà văn phải là những “tiểu hóa công”, phải có vốn sống, vốn ngôn ngữ dồi dào, năng lực quan sát và miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, cá thể hóa nhân vật qua những chi tiết đặc sắc…
+ Nhân vật là phương tiện để nhà văn phản ánh hiện thực đời sống, qua đó thể hiện tư tưởng, tình cảm, quan điểm…của nhà văn, góp phần quan trọng làm nên giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.
Vai trò lớn lao như vậy nhưng nhà văn lại phải có tài để không biến nhân vật trở thành cái loa phát ngôn cho tư tưởng của mình, hơn thế, mỗi nhân vật lại phải là “một thế giới sống, rất sống”, đòi hỏi nhà văn phải không ngừng sáng tạo. Do đó, “Dựng nhân vật là điều khó khăn nhất đối với người viết”.
– “Dựng được một tình huống đặc sắc là vấn đề sống còn với người viết truyện ngắn” vì:
Truyện ngắn là “một lát cắt của đời sống”, là “người khổng lồ tí hon”. Đặc trưng của truyện ngắn là dung lượng nhỏ nhưng lại phải phản ánh đời sống ở “bề sâu, bề sau, bề xa”. Viết truyện ngắn thực chất là “cưa lấy một khúc” của đời sống, song từ lát cắt ấy, khúc cưa ấy, nhà văn phải cho người đọc thấy được “âm vang cuộc đời thảo mộc mấy trăm năm”. Muốn vậy, nhà văn phải chọn được một lát cắt điển hình nhất để từ đó đặc điểm tính cách, số phận của nhân vật, tư tưởng chủ đề của tác phẩm được “nổi hình nổi sắc”. Điều này đòi hỏi nhà văn phải có tài năng khám phá, phát hiện những khía cạnh nghịch lí của đời sống, có vốn sống, sự trải nghiệm sâu sắc để nhận ra những gì là bản chất, là cốt lõi của cuộc đời. Đó chính là vấn đề sống còn mà không phải nhà văn nào cũng đạt được: xây dựng tình huống truyện.
=> Mỗi nhà văn đề cập đến một yếu tố làm nên sức hấp dẫn và giá trị đặc sắc của truyện ngắn. Đó là hai yếu tố có vị trí riêng song chúng có mối quan hệ với nhau: nhân vật tạo tình huống, tình huống làm nổi bật nhân vật .
2- Chứng minh qua “Vợ nhặt” của Kim Lân
– Nhân vật: thông qua những chi tiết đặc sắc về ngoại hình, hành động, số phận, diễn biến tâm trạng…, Kim Lân tạo nên sự sinh động, tự nhiên; gây ấn tượng, cảm xúc sâu đậm, khó quên trong người đọc; thể hiện nội dung tư tưởng tác phẩm…(thí sinh có thể chọn một hoặc kết hợp phân tích cả ba nhân vật trong tác phẩm để chứng minh, miễn là làm rõ vấn đề)
+ Nhân vật có diễn biến tâm trạng, hành động rất sinh động, tự nhiên, hợp lí: người vợ được khắc họa có chiều sâu, để lại ấn tượng khó quên; Tràng hiện lên chân thật, thú vị; bà mẹ khiến ta cảm động …
(Thí sinh có thể chọn một số chi tiết để làm sáng tỏ tính chất sinh động, tự nhiên, chân thực của nhân vật. VD các chi tiết Kim Lân cá thể hóa nhân vật về ngoại hình, tâm lí, như: Thị ăn liền một chặp bốn bát bánh đúc chẳng chuyện trò gì, ăn xong quệt đôi đũa ngang miệng, thở, nén một tiếng thở dài, ngồi mớm ở mép giường…; bà mẹ: tiếng ho húng hắng, dáng đi lọng khọng, trong kẽ mắt kèm nhèm rỉ xuống hai dòng nước mắt...)
+ Nhân vật gây ấn tượng, cảm xúc sâu đậm trong người đọc: cô gái tưởng chừng cong cớn, chao chát, chỏng lỏn nhưng khi trở thành vợ trở lại đúng là “người phụ nữ hiền hậu, đúng mực”; Tràng dù nghèo đói vẫn thể hiện tấm lòng vị tha, bao dung, lá rách ít đùm lá rách nhiều; bà mẹ mừng con, thương dâu, vun vén hạnh phúc, hi vọng tương lai…
+ Nhân vật góp phần thể hiện nội dung tư tưởng: trong đói khổ, cận kề cái chết, con người vẫn yêu thương, đùm bọc nhau, vẫn khát khao hạnh phúc, hi vọng tương lai…; tấm lòng tác giả với con người…; tố cáo xã hội… – Tình huống: tình huống bất ngờ, độc đáo nhưng tự nhiên, hấp dẫn, có sức cuốn hút người đọc; thể hiện sâu sắc nội dung tư tưởng tác phẩm.
+ Tình huống bất ngờ, độc đáo: người đàn ông nghèo khổ, thô vụng bỗng dưng có vợ theo không; Tràng lấy vợ giữa lúc không ai lại đi lấy vợ; đám cưới thiếu tất cả những nghi thức cần thiết nhưng lại có cái quan trọng nhất, đó là sự gắn bó, yêu thương…
+ Tình huống hấp dẫn, tự nhiên: đùa mà không đùa, đám cưới nhỏ nhoi giữa đám ma khổng lồ; cuộc hôn nhân thiếu tất cả nhưng lại đầy đủ tất cả; cuộc giao tranh giữa ánh sáng và bóng tối, phần thắng thuộc về ánh sáng…
+ Tình huống thể hiện sâu sắc giá trị nội dung, tư tưởng của tác phẩm: giá trị hiện thực (phản ánh chân thực, sinh động nạn đói 1945 và những tác động ghê gớm của nó tới con người), giá trị nhân đạo, nhân văn (khẳng định sức sống, khát vọng hạnh phúc mãnh liệt của con người, đề cao vẻ đẹp tình người dù rơi vào cảnh ngộ “thảm đạm đến cùng cực”), giá trị nghệ thuật của tác phẩm: xây dựng nhân vật, tài dựng truyện, dẫn truyện.
– Quan hệ giữa nhân vật và tình huống:
+ Nhân vật góp phần thể hiện tình huống truyện độc đáo hấp dẫn.
+ Tình huống chi phối tâm trạng, hành động nhân vật, giúp nhân vật bộc lộ tính cách…
- Khái quát, đánh giá
– Khẳng định vai trò của tình huống và nhân vật với truyện ngắn nói riêng, sáng tác văn tự sự nói chung.
+ Các nhà văn lớn thường gắn với những nhân vật lớn mà họ sáng tạo. VD: Nhắc tới Xecvantec ta nhớ tới Đôn-ki-hô-tê, nhắc tới Sec-xpia ta nhớ tới Hăm- lét, Ô- ten-lô, nhắc tới Nam Cao ta nhớ tới Chí Phèo, Bá Kiến…Nhân vật lớn không chỉ tôn vinh nhà văn lớn mà còn làm rạng danh dân tộc đã sinh ra nó.
+ Tình huống truyện là “thứ nước rửa ảnh” làm “nổi hình nổi sắc” tâm lý, tính cách, số phận… của nhân vật, góp phần bộc lộ tư tưởng, chủ đề của tác phẩm, là thước đo tin cậy tài-tâm- tầm vóc của nhà văn. Nhắc đến những nhà văn lớn, ta không quên những tình huống truyện độc đáo mà nhà văn đó sáng tạo trong tác phẩm.
– Đóng góp của Kim Lân qua Vợ nhặt trong văn học Việt Nam hiện đại.
– Bài học cho người sáng tác và tiếp nhận:
+ Với người sáng tác: Xây dựng nhân vật và tình huống truyện có ý nghĩa sống còn như vậy nên đòi hỏi nhà văn phải không ngừng sáng tạo, phải luôn luôn trau dồi vốn sống, năng lực sử dụng ngôn ngữ, cá thể hóa nhân vật, chọn lọc chi tiết đặc sắc, dựng truyện, dẫn truyện khéo léo…
+ Với bạn đọc: phải là những người tri âm, đồng điệu với những sáng tạo của nhà văn.
* Biểu điểm:
– Điểm 9-10: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, lập luận chặt chẽ, văn viết có cảm xúc, dẫn chứng chọn lọc, chính xác, có sức thuyết phục, có thể mắc một vài sai sót không đáng kể.
– Điểm 7-8: Đáp ứng phần lớn những yêu cầu trên, lập luận tương đối chặt chẽ, dẫn chứng chọn lọc, chính xác. Có thể mắc những lỗi nhỏ.
– Điểm 5-6: Đủ ý tuy còn sơ sài, biết chọn và phân tích dẫn chứng, còn mắc một số lỗi.
– Điểm 3-4: Chưa thật hiểu yêu cầu của đề, nội dung sơ sài.
– Điểm 1-2: Hiểu sai đề, diễn đạt yếu.
Giám khảo có thể chấm theo ý – điểm nội dung kết hợp với hình thức.
Ý 1: 2,0 điểm.
Ý 2. 7,0 điểm.
Ý 3: 1,0 điểm.
Giám khảo nắm yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh. Cần khuyến khích những bài viết có chất văn, có những suy nghĩ sáng tạo.
Xem thêm những đề về vợ nhặt : Vợ nhặt