ĐỀ THI KẾT THÚC HỌC KÌ I MÔN NGỮ VĂN 11

Đề đọc hiểu, Phân tích bi kịch của Chí Phèo (trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao) từ khi sinh ra cho tới trước khi gặp Thị Nở.

Thời gian: 90′

Phần I: Đọc hiểu (3đ)

Đánh giá đời sống của mỗi người cao hay thấp hãy nhìn vào thời gian nhàn rỗi của họ. Có người làm việc đầu tắt mặt tối không có lấy chút nhàn rỗi. Có người phung phí thời gian ấy vào cuộc nhậu nhẹt triền miên. Có người biết dùng thời gian ấy để phát triển chính mình. Phải làm sao để mỗi người có thời gian nhàn rỗi và biết sử dụng hữu ích thời gian ấy là một vấn đề lớn của xã hội có văn hóa. Đánh giá đời sống một xã hội cũng phải xem xã hội ấy đã tạo điều kiện cho con người sống với thời gian nhàn rỗi như thế nào. Công viên, bảo tàng, thư viện, nhà hát, nhà hàng, câu lạc bộ, sân vận động, điểm vui chơi…là những cái không thể thiếu. Xã hội càng phát triển thì những phương tiện ấy càng nhiều, càng đa dạng và càng hiện đại. Xã hội ta đang chăm lo các phương tiện ấy nhưng vẫn còn chậm, còn sơ sài, chưa có sự quan tâm đúng mức, nhất là ở các vùng nông thôn. Thời gian nhàn rỗi chính là thời gian của văn hóa và phát triển. Mọi người và toàn xã hội hãy chăm lo thời gian nhàn rỗi của mỗi người.

(Theo Hữu Thọ, Ngữ văn 11 nâng cao, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011, tr.94)

Câu 1. Đoạn trích trên chủ yếu sử dụng phương thức biểu đạt nào? ( 0.5 đ)
Câu 2 . Tìm thành ngữ được sử dụng trong đoạn trích trên và nêu ngắn gọn nghĩa của thành ngữ đó. (1điểm)
Câu 3. Hãy chỉ ra câu văn thể hiện thông điệp của văn bản. (0.5 điểm)
Câu 4 .Anh/ chị hãy nêu ít nhất 3 biện pháp để sử dụng thời gian nhàn rỗi của bản thân để phát triển chính mình? (1điểm)
II: Làm văn (7đ)
Phân tích bi kịch của Chí Phèo (trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao) từ khi sinh ra cho tới trước khi gặp Thị Nở.
Đáp án và thang điểm
Câu 1. Phương thức nghị luận
Câu 2. Chỉ ra được thành ngữ : Đầu tắt mặt tối . 0.5 điểm
Giải thích nghĩa : tình trạng phải làm lụng vất vả liên miên, hết việc này đến việc khác, không có lúc nào được nghỉ ngơi. 0.5 điểm
Câu 3. Chỉ ra được câu văn Mọi người và toàn xã hội hãy chăm lo thời gian nhàn rỗi của mỗi người. 0.5 điểm.
HS chép thêm câu khác nữa: không cho điểm
Câu 4. HS chỉ ra được ít nhất 3 biện pháp đúng : cho 1 điểm
Chỉ ra 2 biện pháp đúng: 0.5 điểm
Chỉ ra được 1 biện pháp đúng : 0.25 điểm
Sau đây là 1 số gợi ý :
+ Dành thời gian rảnh rỗi để đi dụ lịch, khám phá các vùng văn hóa mới.
+ Chơi thể thao để rèn luyện sức khỏe.
+ Đi bộ thư giãn ở công viên, thăm vườn bách thú, đến bảo tàng nhà hát hay các câu lạc bộ thể thao, nghệ thuật,…
+Dành thời gian chăm sóc gia đình, quan tâm đến những người xung quanh,…
+ …
Phần 2
a. Yêu cầu về kỹ năng:
– Biết cách làm bài văn nghị luận . Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt rõ ràng; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
– Bài văn có đủ ba phần có hình thức và nội dung
– Xây dựng luận điểm – luận cứ – luận chứng rõ ràng
b. Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh có thể đưa ra những ý kiến riêng và trình bày theo nhiều cách lí lẽ và dẫn chứng phải hợp lí, cần làm rõ được các ý chính sau:
Ý khái quát :
“Chí Phèo” là truyện viết về người thật, việc thật ở làng Đại Hoàng – quê hương của tác giả trước Cách mạng tháng Tám.
Truyện ngắn “Chí Phèo” lúc đầu có tên là “Cái lò gạch cũ”. Khi in thành sách lần đầu (1941), Nhà xuất bản Đời mới Hà Nội tự ý đổi tên là “Đôi lứa xứng đôi”. Năm 1946, khi in trong tập “Luống cày”, tác giả đặt lại tên là “Chí Phèo”.
Phân tích nhân vật Chí Phèo
Cuộc đời cùng quẫn của Chí Phèo
+Hoàn cảnh của Chí Phèo
– Chí Phèo là một đứa con hoang bị bỏ rơi ở một cái lò gạch cũ….
– Lớn lên, Chí Phèo làm canh điền cho nhà Lí Kiến.
+Chí Phèo trước khi đi tù
– Là người canh điền khỏe mạnh, siêng năng. Chí Phèo cũng có những ước mơ giản dị như bao người lao động hiền lành khác: Chí “ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”.
– Chí phèo là người có lòng tự trọng. Bà ba nhà Lí Kiến cứ hay gọi Chí lên để bóp chân. Chí Phèo lấy đó làm nhục.
– Lí Kiến (khi đó chưa là Bá Kiến) ghen bóng gió và đã đẩy Chí Phèo vào nhà tù. Một người thanh niên hiền lành vô tội đã bị đẩy vào tù.
+Chí Phèo sau khi ở tù về: Thay đổi nhân hình và nhân tính
– Diện mạo bên ngoài của Chí hoàn toàn thay đổi, khiến cho cả làng lúc đầu không ai biết hắn là ai. “Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng. Hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chuỳ, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!”
– Hành động của Chí cũng hoàn toàn thay đổi. “Về hôm trước, hôm sau đã thấy ngồi ở chợ uống rượu với thịt chó suốt từ trưa đến xế chiều”. Hành vi này quả thật không bình thường đối với một người bình thường. Đúng là như vậy, sau khi bị Bá Kiến biến thành tay sai. Chí Phèo trở thành kẻ đâm thuê, chém mướn, rạch mặt ăn vạ. Không mua được rượu vì chủ quán không bán chịu, Chí Phèo liền đốt quán ngay. Người dân làng Vũ Đại coi Chí Phèo là một “con quỷ” không hơn không kém. Không ai coi Chí là một con người. Thấy Chí Phèo, người ta tránh như gặp phải một con quỷ. Chí Phèo vẫn triền miên trong cơn say. Say trong lúc ăn, say trong lúc ngủ…
( HS phân tích được ý nghĩa tiếng chửi đầu truyện )
Ý nghĩa hình tượng Chí Phèo :
+Qua truyện ngắn này, Nam Cao khái quát một hiện tượng xã hội ở nông thôn Việt Nam trước cách mạng: một bộ phận nông dân lao động lương thiện bị đẩy vào con đường tha hoá, lưu manh hoá.
+ Nhà văn đã kết án đanh thép cái xã hội tàn bạo tàn phá cả thế xác lẫn tâm hồn người nông dân lao động.
* Lưu ý:
– HS có thể trình bày theo những kết cấu khác nhau và có những cảm nhận riêng của mình miễn là đáp ứng được yêu cầu đề.
– Khuyến khích thêm điểm cho những bài là có năng lực cảm thụ văn chương, có sáng tạo.
– Nếu học sinh phân tích toàn bộ nhân vật Chí Phèo ( khi gặp Thị Nở, giết Bá Kiến, tự sát,…) thì trừ điểm tùy vào mức độ lạc đề. Những bài văn không xác định được yêu cầu đề thì cho không quá 4 điểm. Trường hợp HS kể về nhân vật mà chưa khái quát được ý nghĩa hình tượng nhân vật: cho không quá 4 điểm.
BIỂU ĐIỂM:
– Điểm 6-7: Đáp ứng tốt các yêu cầu của đề, bố cục sáng rõ, văn viết mạch lạc, có cảm xúc, cảm nhận độc đáo, sâu sắc, sáng tạo.
– Điểm 5-6: Đáp ứng khá tốt các yêu cầu của đề, bố cục hợp lí, cảm nhận khá nhưng lập luận chưa sắc sảo, có một số lỗi về diễn đạt
– Điểm 3-4: Đáp ứng ở mức trung bình các yêu cầu của đề.
Điểm 1-2: Hiểu đề chưa thấu đáo, bài làm còn chung chung, diễn đạt thiếu trôi chảy Chưa hiểu đề, bài làm hoặc quá sơ sài, hoặc lan man, kiến thức thiếu chắc chắn, diễn đạt hạn chế
– Điểm 0: Không làm bài, bỏ giấy trắng
Xem thêm :

  1. Tuyển tập đề thi Ngữ văn 11
  2. Những đề thi về bài Chí Phèo- Nam Cao: Chí Phèo
  3. Những bài văn hay : Bài văn mẫu

Bài viết gợi ý: