I. ĐỌC HIỂU
Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Bản lĩnh là khi bạn dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt. Muốn có bản lĩnh bạn cũng phải kiên trì luyện tập. Chúng ta thường yêu thích những người có bản lĩnh sống. Bản lĩnh đúng nghĩa chỉ có được khi bạn biết đặt ra mục tiêu và phương pháp để đạt được mục tiêu đó. Nếu không có phương pháp thì cũng giống như bạn đang nhắm mắt chạy trên con đường có nhiều ổ gà.
Cách thức ở đây cũng rất đơn giản. Đầu tiên, bạn phải xác định được hoàn cảnh và môi trường để bản lĩnh được thể hiện đúng lúc, đúng nơi, không tùy tiện. Thứ hai, bạn phải chuẩn bị cho mình những tài sản bổ trợ như sự tự tin, ý chí, nghị lực, quyết tâm… Điều thứ ba vô cùng quan trọng chính là khả năng của bạn. Đó là những kĩ năng đã được trau dồi cùng với tri thức, trải nghiệm. Một người mạnh hay yếu quan trọng là tùy thuộc vào yếu tố này.
Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân, vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh. Khi xây dựng được bản lĩnh bạn không chỉ thể hiện được bản thân mình mà con được nhiều người thừa nhận và yêu mến hơn.
(Xây dựng bản lĩnh cá nhân, theo Tuoitre.vn)
1. Chỉ ra các thao tác lập luận được sử dụng trong đoạn trích
2.Theo tác giả, thế nào là người có bản lĩnh?
3.Theo người viết mỗi người cần làm gì để rèn luyện bản lĩnh của chính mình? Yếu tố nào là quan trọng nhất làm nên bản lĩnh của mỗi cá nhân?
4. Theo anh (chị) vì sao tác giả cho rằng muốn có bản lĩnh mỗi người cần phải kiên trì luyện tập?
II. LÀM VĂN
Câu 1: Từ nội dung đoạn trích phần đọc hiểu, anh (chị) hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý kiến Khi xây dựng được bản lĩnh, bạn không chỉ thể hiện được bản thân mình mà còn được nhiều người thừa nhận và yêu mến.
Câu 2: Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, nhà văn Nguyễn Minh Châu miêu tả hai phát hiện của người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng. Phát hiện thứ nhất về một cảnh đắt trời cho, phát hiện thức hai về cảnh tượng phi thẩm mĩ, phi nhân tính trong gia đình hàng chài. Cảm nhận của anh(chị) về hình ảnh người nghệ sĩ Phùng qua hai phát hiện trên, từ đó làm nổi bật tư tưởng của tác giả về cuộc đời và nghệ thuật.
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I. Đọc hiểu
Câu 1:
Phương pháp: căn cứ các thao tác lập luận đã học
Thao tác lập luận: Phân tích, bình luận
Câu 2: Phương pháp: căn cứ nội dung văn bản
Người có bản lĩnh là người dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt.
Câu 3. Phương pháp: căn cứ nội dung văn bản
- Cách thức rèn luyện bản lĩnh: Đầu tiên, bạn phải xác định được hoàn cảnh và môi trường để bản lĩnh được thể hiện đúng lúc, đúng nơi, không tùy tiện. Thứ hai, bạn phải chuẩn bị cho mình những tài sản bổ trợ như sự tự tin, ý chí, nghị lực, quyết tâm… Điều thứ ba vô cùng quan trọng chính là khả năng của bạn. Đó là những kĩ năng đã được trau dồi cùng với tri thức, trải nghiệm.
- Yếu tố quan trọng nhất: khả năng của bạn, gồm: kĩ năng, tri thức, trải nghiệm. 4.
Câu 4: Phương pháp: phân tích, lý giải, tổng hợp
Muốn có bản lĩnh phải kiên trì tập luyện vì: bản lĩnh con người không phải vốn có, tự sinh ra mà phải trải qua những khó khăn, thử thách, những va vấp trải nghiệm thực tế mới dần dần hình thành. Bởi vậy để trở thành con người có bản lĩnh cũng cần phải kiên trì luyện tập.
II. Làm văn
Câu 1: Phương pháp: phân tích, lý giải, tổng hợp
- Giới thiệu vấn đề: Khi xây dựng được bản lĩnh, bạn không chỉ thể hiện được bản thân mình mà con được nhiều người thừa nhận và yêu mến.
- Bàn luận
- Bản lĩnh: là sự tự khẳng định mình, bày tỏ những quan điểm cá nhân và có chính kiến riêng trong mọi vấn đề. Người bản lĩnh dám đương đầu với mọi thử thách để đạt điều mong muốn.
- Ý nghĩa của việc sống bản lĩnh.
+ Sống bản lĩnh giúp cho bản thân có được sự tự tin trong cuộc sống, từ đó đề ra những mục tiêu và dám thực hiện chúng.
+ Bên cạnh đó, người bản lĩnh cũng dễ dàng thừa nhận những sai sót, khuyết điểm của mình và tiếp thu những cái hay, cái mới.
+ Trước những cám dỗ của cuộc sống, người bản lĩnh hoàn toàn có thể tự vệ và tự ý thức được điều cần phải làm.
=> Sống có bản lĩnh không những khẳng định được giá trị bản thân mà còn được những người xung quanh yêu mến, kính trọng.
Không phải ai sinh ra cũng có được bản lĩnh. Bản lĩnh của mỗi người được tôi luyện qua nhiều gian lao, thử thách. Bằng sự can đảm, học từ những thất bại, đứng dậy từ những vấp ngã,… mỗi chúng ta đang dần tạo nên một bản lĩnh kiên cường.
Câu 2: Phương pháp: phân tích, lý giải, tổng hợp
1. Giới thiệu chung
- Nguyễn Minh Châu là một cây bút văn xuôi tiêu biểu của văn học Việt Nam thời kháng chiến chống Mĩ. Suốt cuộc đời cầm bút, ông không ngừng trăn trở về số phận nhân dân và trách nhiệm của nhà văn.
- Nguyễn Minh Châu đã trở thành một trong những người mở đường xuất sắc cho công cuộc đổi mới văn học nước nhà từ sau 1975. Hành trình sáng tác của ông chia làm hai giai đoạn rõ rệt: Trước thập kỉ 80 ông là ngòi bút sử thi có thiên hướng trữ tình lãng mạn; từ đầu thập kỉ 80 đến khi mất, ông chuyển hẳn sang cảm hứng thế sự với những vấn đề về đạo đức và nhân sinh. “Chiếc thuyền ngoài xa” tiêu biểu cho hướng tiếp cận đời sống từ góc độ thế sự của nhà văn Nguyễn Minh Châu ở giai đoạn sáng tác thứ hai.
- Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” được Nguyễn Minh Châu sáng tác tháng 8 năm 1983 trong thời kì đổi mới, mang phong cách tự sự - triết lí, kể lại chuyến đi thực tế của một nghệ sĩ nhiếp ảnh và những chiêm nghiệm sâu sắc của ông về nghệ thuật và cuộc đời.
Giới thiệu về hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng.
2. Phân tích
2.1 Phát hiện thứ nhất – “cảnh đắt trời cho”
* Chi tiết:
- Khi anh chụp được cảnh biển buổi sáng có sương mà anh đã cảm thấy “suốt một đời cầm máy ảnh chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh đắt trời cho như vậy” bởi vì “Trước mắt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ loè nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào”. Đó là “một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”.
- Anh đã trải qua “cái khoảnh khắc hạnh phúc tràn ngập tâm hồn mình, do cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại”. Đó là niềm hạnh phúc của khám phá và sáng tạo, của sự cảm nhận cái đẹp tuyệt diệu. Anh tự hỏi: “Chẳng biết ai đó lần đầu đã phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức?” Dường như trong hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa, anh đã bắt gặp cái tận Thiện, tận Mĩ.
* Hình ảnh người nghệ sĩ Phùng:
- Là người nghệ sĩ có trách nhiệm:
+ Khi nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng khoác máy ảnh lên đường đến vùng biển miền Trung để thực hiện bức ảnh, sau 1 tuần lễ phục kích cũng đã chụp được vài tấm ảnh tạm ưng ý nhưng vẫn chưa thực sự hài lòng -> Hôm nào cũng dậy sớm ra vùng biển để cố gắng tìm một bức ảnh mà mình thực sự thỏa mãn.
- Là người nghệ sĩ nhạy cảm trước cái đẹp:
+ Khi phát hiện ra cảnh đắt trời cho -> xúc cảm trào dâng: rung động, tâm hồn được thanh lọc, hạnh phúc tràn ngập tâm hồn, lôi máy ảnh ra bấm liên thanh…
2.2 Phát hiện thứ hai – cảnh người đàn bà bị đánh
* Chi tiết:
- Anh phải chứng kiến một cảnh bất ngờ và đầy trớ trêu từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mơ ấy bước ra một người đàn bà xấu xí, mệt mỏi và cam chịu; một lão đàn ông thô kệch, dữ dằn, độc ác, coi việc đánh vợ như một phương cách để giải tỏa những uất ức, khổ đau do đói nghèo.
- Sự việc xảy ra bất ngờ đến mức Phùng kinh ngạc, lao đến can ngăn.
* Người nghệ sĩ có tấm lòng với cuộc đời và con người:
- Lần thứ nhất chứng kiến cảnh bạo hành gia đình: Sẵn sàng vứt chiếc máy ảnh xuống đất để nhào tới can thiệp giúp đỡ người đàn bà khốn khổ mặc dù chiếc máy ảnh rất quý, đặc biệt là đối với người nghệ sĩ như anh, nhất là khi nó còn đang chứa đựng kiệt tác nghệ thuật. Tuy nhiên, hơn cả sự quý giá về vật chất và tinh thần, đó là con người.
- Lần thứ hai chứng kiến cảnh bạo hành gia đình:
+ Tuy đã thực hiện xong nhiệm vụ được giao nhưng vẫn ở lại vì anh quan tâm đến gia đình hàng chài này, thấy mình không thể đứng ngoài cuộc mà phải làm điều gì đó.
+ Khi chứng kiến cảnh bạo hành gia đình lần hai nghệ sĩ Phùng đã lao ra can thiệp kịp thời và bị thương.
+ Nhờ bạn mình là chánh án tòa án huyện giúp đỡ gia đình này.
2.3 Nhận xét tư tưởng của tác giả về cuộc đời và nghệ thuật
- Về cuộc đời và con người: cuộc đời đa sự, con người đa đoan -> nhìn nhận thấu đáo, toàn diện.
- Về nghệ thuật: nghệ thuật chân chính phải gắn liền với cuộc đời, xuất phát từ cuộc đời và quay trở lại phục vụ cho cuộc đời.
3. Tổng kết