Tài liệu ôn thi THPT Quốc gia môn văn. Bộ đề thi thử THPT Quốc gia của nhiều trường trên cả nước. Đề thi về Bài Tây Tiến -Quang Dũng

ĐỀ THI THỬ KỲ THI THPT QUỐC GIA Môn: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 120 phút (Đề thi gồm có 2 trang)

PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:
Cái quý giá nhất trên đời mà mỗi người có thể góp phần mang lại cho chính mình và cho người khác đó là “năng lực tạo ra hạnh phúc”, bao gồm năng lực làm người, năng lực làm việc và năng lực làm dân.
Năng lực làm người là có cái đầu phân biệt được thiện – ác, chân – giả, chính – tà, đúng – sai…, biết được mình là ai, biết sống vì cái gì, có trái tim chan chứa yêu thương và giàu lòng trắc ẩn. Năng lực làm việc là khả năng giải quyết được những vấn đề của cuộc sống, của công việc, của chuyên môn, và thậm chí là của xã hội. Năng lực làm dân là biết được làm chủ đất nước là làm chủ cái gì và có khả năng để làm được những điều đó. Khi con người có được những năng lực làm việc này thì sẽ thực hiện được những điều mình muốn. Khi đó mỗi người sẽ trở thành một “tế bào hạnh phúc”, một “nhà máy hạnh phúc” và sẽ ngày ngày “sản xuất hạnh phúc” cho mình và cho mọi người.
Xã hội mở ngày nay làm cho không ai là “nhỏ bé” trên cuộc đời này, trừ khi tự mình muốn “nhỏ bé”. Ai cũng có thể trở thành những “con người lớn” bằng hai cách, làm được những việc lớn hoặc làm được những việc nhỏ với một tình yêu cực lớn. Và khi biết chọn cho mình một lẽ sống phù hợp rồi sống hết mình và cháy hết mình với nó, mỗi người sẽ có được một hạnh phúc trọn vẹn. Khi đó, ta không chỉ có những khoảnh khắc hạnh phúc, mà còn có cả một cuộc đời hạnh phúc. Khi đó, tôi hạnh phúc, bạn hạnh phúc và chúng ta hạnh phúc. Đó cũng là lúc ta thực sự “chạm” vào hạnh phúc.

(Để chạm vào hạnh phúc – Giản Tư Trung, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, 3/2/2012)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 2. Nêu ngắn gọn nội dung của đoạn trích.
Câu 3. Tại sao tác giả lại cho rằng: Xã hội mở ngày nay làm cho không ai là “nhỏ bé”?
Câu 4. Anh/Chị chọn cách “chạm” vào hạnh phúc bằng việc “làm những việc lớn” hay “làm những việc nhỏ với một tình yêu cực lớn”. Vì sao?
PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần đọc hiểu: “Và khi biết chọn cho mình một lẽ sống phù hợp rồi sống hết mình và cháy hết mình với nó, mỗi người sẽ có được một hạnh phúc trọn vẹn ”.
Câu 2 (5.0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp riêng của hai đoạn thơ sau:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

(Tây Tiến- Quang Dũng, Ngữ Văn 12, tập 1, NXBGDVN, 2012)

Có biết bao người con gái con trai

Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước

(Đất nước- Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ Văn 12, tập 1, NXBGDVN, 2012)

Đáp án
Hướng dẫn chung
– Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của Hướng dẫn chấm thi để đánh giá tổng
quát bài làm của thí sinh. Do đặc trưng của môn Ngữ văn nên giám khảo cần linh hoạt trong quá trình chấm, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Việc chi tiết hóa điểm số của các câu (nếu có) trong Hướng dẫn chấm thi phải
đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của mỗi câu và được thống nhất trong hội đồng chấm thi.
Hướng dẫn chấm cụ thể
Phần I. Đọc hiểu(3.0 điểm)
Yêu cầu về kĩ năng:
– Thí sinh có kĩ năng đọc- hiểu văn bản.
– Diễn đạt rõ ràng, không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Yêu cầu về kiến thức:
Câu 1 (0.5 điểm)
Phương thức biểu đạt chính là nghị luận
Điểm 0.5 : Trả lời đúng ý trên.
Điểm 0 : Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 2 (1 điểm)
Nội dung chính của đoạn trích: Bàn về năng lực tạo ra hạnh phúc và cách thức để chạm đến hạnh phúc của con người.
Điểm 1 : Trả lời đúng, đủ các ý trên.
Điểm 0.5: Trả lời được nửa các ý trên.
Điểm 0 : Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 3 (0.75 điểm)
Theo tác giả, Xã hội mở ngày nay làm cho không ai là “nhỏ bé”, bởi vì:
Ai cũng có thể trở thành những “con người lớn” bằng hai cách, làm được những việc lớn hoặc làm được những việc nhỏ với một tình yêu cực lớn.
Điểm 0.75 : Trả lời đúng ý trên.
Điểm 0 : Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 4 (0.75điểm)
– Trình bày được sự lựa chọn lối sống theo quan điểm riêng của bản thân: hoặc làm những việc lớn, hoặc làm những việc nhỏ với một tình yêu cực lớn, hoặc kết hợp cả hai tùy vào từng thời điểm trong cuộc đời.
– Nêu lí do thuyết phục để khẳng định sự lựa chọn theo quan điểm riêng của bản thân.
Điểm 0.75 : Trả lời đúng, bày tỏ được quan điểm, suy nghĩ của bản thân về tinh thần trách nhiệm với cộng đồng
Điểm 0.25: Trả lời sơ sài.
Điểm 0 : Trả lời sai hoặc không trả lời.
Phần II. Làm văn (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng:

– Thí sinh biết cách viết đoạn văn nghị luận xã hội;
– Vận dụng tốt các thao tác lập luận
– Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp;
– Khuyến khích những bài viết sáng tạo.

  1. Yêu cầu về kiến thức:

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần làm nổi bật các ý sau đây:
Giải thích (0.5đ)
– Lẽ sống : thể hiện quan niệm sống, cách sống có ý nghĩa
Câu nói khẳng định cách thức để con người chạm tay vào hạnh phúc thực sự là phải có cách sông thật ý nghĩa->
Bình luận: (0.75đ)
– Không phải ai cũng chọn được cho mình một lẽ sống phù hợp : làm việc lớn hoặc làm
việc nhỏ với tình yêu cực lớn
– Để làm được việc lớn hoặc làm việc nhỏ với tình yêu cực lớn cần phải sống hết mình và
cháy hết mình, biết cho đi và dâng hiến
-Hạnh phúc trọn vẹn không đến từ việc chờ đợi ta nhận được gì mà từ việc cho đi và được lan tỏa từ niềm vui, hạnh phúc của mọi người
Liên hệ: (0.25đ)
– Thực tế hiện nay: con người sống ích kỉ, vụ lợi, cuốn theo vòng xoáy của đồng tiền mà coi thường lẽ sống đẹp.
Bài học nhận thức và hành động(0.5)
– Cần xây dựng và vun đắp cho mình một lẽ sống có ý nghĩa
– Sống trong niềm vui và sự đam mê khi làm việc nhỏ cũng như việc lớn
Câu 2.(5.0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng: Nắm vững phương pháp làm bài nghị luận văn học. Bố cục rõ

ràng, thuyết phục, có khả năng phân tích, khái quát, tổng hợp vấn đề. Diễn đạt trôi chảy, câu văn sáng rõ, giàu cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp.

  1. Yêu cầu về kiến thức:

MB:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm
– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận (0.5 điểm)
TB:
Cảm nhận về 2 đoạn thơ: (2.5 điểm)
– Đoạn thơ trong bài Tây Tiến:
Thí sinh có thể có những cách trình bày khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được tinh thần
yêu nước, anh dũng và sự hi sinh bi tráng của người lính Tây Tiến. Những nấm mồ rải rác thầm lặng, lẻ loi nơi xa xôi, hoang vắng. Tinh thần dũng cảm, sẵn sàng cống hiến tuổi trẻ cho đất nước. Cái chết đơn sơ nhẹ nhàng, thanh thản. Lời ai điếu dữ dội của thiên nhiên tiễn đưa linh hồn tử sĩ. Ngòi bút vừa hiện thực vừa lãng mạn, giọng điệu vừa bi thương vừa hùng tráng, nói giảm nói tránh, thể thơ thất ngôn với ngôn ngữ trang trọng, cổ kính qua hệ thống từ Hán Việt….
– Đoạn thơ trong bài Đất nước:
Thí sinh có thể có những cách trình bày khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được sự khám
phá về đất nước dưới góc nhìn lịch sử. Trong đó nhà thơ bộc lộ lòng trân trọng ngợi ca, biết ơn với nhân dân- những người anh hùng vô danh đã cống hiến, hi sinh một cách tự nguyện, thầm lặng để làm nên đất nước. Thể thơ tự do với những câu dài ngắn linh hoạt, ngôn ngữ bình dị…Giọng điệu tâm tình nhẹ nhàng, sâu lắng…
Chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt để thấy được vẻ đẹp riêng của mỗ đoạn:
(1.5 điểm)
Thí sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được:
– Sự tương đồng:
Hai đoạn thơ cùng ngợi ca tinh thần yêu nước của những người đã ngã xuống trong công
cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước. Họ hi sinh một cách tự nguyện, thanh thản, nhẹ nhàng mà thầm lặng.
– Sự khác biệt :
+ Đoạn thơ trong bài “Tây Tiến”, ra đời vào thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống
Pháp, khắc họa vẻ đẹp rất hào hùng, bi tráng của người lính Tây Tiến, họ là những con người cụ thể- những chàng trai xuất thân từ Hà Nội, lần đầu lên miền Tây hoang vu, xa xôi để chiến đấu với lí tưởng cao đẹp. Giọng điệu vừa bi thương vừa hùng tráng, biện pháp nói giảm. nói tránh, thể thơ thất ngôn với ngôn ngữ trang trọng, cổ kính, thể hiện rõ hồn thơ Quang Dũng tinh tế, hào hoa, đậm chất lãng mạn.
+ Đọan thơ trong đoạn trích “Đất nước” ra đời trong kháng chiến chống Mĩ, khắc họa hình
ảnh tập thể (nhân dân) dưới góc nhìn lịch sử, trân trọng những người bình dị, vô danh nhưng đã làm ra đất nước. Thể thơ tự do, bộc lộ rõ phong cách thơ Nguyễn Khoa Điềm: giàu chất suy tư, cảm xúc lắng đọng, thể hiện tâm tư của người trí thức đứng về nhân dân.
KB: Khẳng định lại vấn đề (0.5 điểm)
Cách cho điểm:
Điểm 4: Đáp ứng tất cả các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng, có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả, diễn đạt.
Điểm 2.5-3: Đáp ứng phần lớn các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng, có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả, diễn đạt.
Điểm 1.5-2: Đáp ứng được một phần yêu cầu về kiến thức và kĩ năng, mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.
Điểm 1: Chưa hiểu kĩ đề, mắc nhiều lỗi diễn đạt, dùng từ.
Điểm 0: Lạc đề hoàn toàn hoặc không làm bài.
=====Hết====
Xem thêm :

  • Tuyển tập đề thi về bài Tây Tiến- Quang Dũng : Tây Tiến- Quang Dũng
  • Tuyển tập đề thi về bài Đất nước- Nguyễn Khoa Điềm : Đất nước- Nguyễn Khoa Điềm
  • Những bài văn hay về Dạng đề so sánh văn học : Dạng đề so sánh văn học
  • Bài viết gợi ý: