ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN: Ngữ văn
Thời gian làm bài: 180 phút
(Đề thi gồm 2 phần, 3 câu trong 02 trang)
Phần I: Đọc – hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi (từ câu 1 đến câu 4).

Học trò con trai ma qủy
học trò con gái thần tiên
thầy bắt thần tiên ngồi kèm ma qủy

Bén hơi ma qủy ghẹo thần tiên
lập lòe đom đóm vĩnh cửu
ô mai đổi kẹo bạc hà

Lấm láp trang đời mỗi dày mỗi kịch
tuổi học trò đồng nghĩa với trang thơ
thời gian không mất trắng bao giờ

Câu chuyện học trò không đầu không cuối
tình ý học trò quả me chua loét
lưu bút mùa hoa phượng cháy không nguôi

Lá thư học trò vu vơ dấm dúi
nỗi nhớ học trò chấp chới suốt đời nhau
đẹp như là không đâu vào đâu

(Kính gửi tuổi học trò – Nguyễn Duy)

  1. Bài thơ trên được tác giả viết theo thể thơ nào? (0,25 điểm)
  2. Tìm các từ ngữ, hình ảnh gợi nhắc về kỉ niệm tuổi học trò trong bài thơ trên? (0,25 điểm)
  3. Biện pháp nghệ thuật nào được sử dụng trong hai câu thơ: Học trò con trai ma quỉ- học trò con gái thần tiên? Nêu hiệu quả của biện pháp nghệ thuật ấy. (0,5 điểm)
  4. Câu thơ “nỗi nhớ học trò chấp chới suốt đời nhau”gợi cho anh/chị suy nghĩ gì? (trả lời bằng một đoạn văn từ 5 đến 7 dòng). (0,5 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi (từ câu 5 đến câu 8)
Chúng ta ai cũng đều biết, khoa học công nghệ với sự phát triển chóng mặt đã kéo theo sự ra đời của các trang mạng xã hội. Nói đến chúng, ta không thể không nhắc đến Facebook- một cái tên chẳng còn xa lạ với tất cả mọi người. Facebook là một trang mạng xã hội cho phép người dùng đăng tải những thông tin cá nhân, kết bạn, giao lưu, tương tác với mọi người. Chẳng cần bàn cãi hay bình luận gì thêm, chúng ta đều không thể phủ nhận được những lợi ích và vai trò to lớn mà Facebook mang lại. Còn gì kì diệu hơn khi mà nhờ nó, hai con người ở hai vùng miền khác nhau, xa cách về địa lí, không gian, vậy mà lại có thể quen nhau, kết bạn với nhau trong sự tương hợp về sở thích, mục tiêu chỉ bằng một chiếc điện thoại có kết nối Internet. Thú vị gì hơn khi mọi tin tức về giới showbis, thần tượng, bạn bè, người thân đều được chúng ta cập nhật từng phút, từng giây? Bao nhiêu lợi ích không nhỏ của Facebook đã đủ trở thành chiếc nam châm thu hút mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Càng dùng Facebook, càng có nhiều bạn, càng có nhiều điều hấp dẫn, thú vị mời gọi. Mải mê theo những cảm xúc ảo, ít ai nhận ra Facebook như là một con dao hai lưỡi mà những mặt trái của nó đang dần bộc lộ. Và một trong số đó là căn bệnh nghiện Facebook đã và đang diễn ra phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ.
(…) Việc nghiện Facebook còn khiến cho cuộc sống của người dùng bị đảo lộn. Các hoạt động vui chơi ngoài trời cùng bạn bè, thể dục thể thao được thay thế bằng việc lên Facebook. Bị thu hút vào cái màn hình màu xanh hấp dẫn với những hình ảnh kia thì liệu còn thời gian đâu mà ăn uống hợp lí, thời gian cho bạn bè, cho người thân? Họ sẽ đắm chìm trong thế giới ảo mà quên đi hiện tại. Thế có nghĩa là, họ có thể kết bạn với biết bao bạn bè trên mạng nhưng lại đang bỏ qua những mối quan hệ thực tế, những tình cảm thực mà mọi người dành cho mình. Cùng với đó, các kỹ năng giao tiếp, ứng xử cũng dần bị mất đi. Vì thế, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi mà một người nghiện Facebook có thể chém gió thỏa thích không chán với bạn bè khắp nơi nhưng lại khó có thể giao tiếp trực tiếp với mọi người. Cứ thế, họ trở thành “anh hùng bàn phím” và dần sống ảo với những tình cảm không thực tế.
(Nguồn: baigiangvanhoc.com)

  1. Văn bản trên được viết theo phương thức biểu đạt chính nào? (0,25 điểm)
  2. Nêu nội dung chính của văn bản trên. (0,5 điểm)
  3. Vì sao tác giả lại dùng hình ảnh “chiếc nam châm thu hút mọi người” để nói về mạng xã hội Facebook? (0,25 điểm)
  4. Câu văn “họ có thể kết bạn với biết bao bạn bè trên mạng nhưng lại đang bỏ qua những mối quan hệ thực tế, những tình cảm thực mà mọi người dành cho mình” gợi cho anh/ chị suy nghĩ gì? Từ đó nêu cách sử dụng mạng xã hội một cách phù hợp. (Trả lời trong một đoạn văn từ 7 đến 10 dòng). (0,5 điểm)

Phần II: Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1 (3,0 điểm)
Bày tỏ suy nghĩ của anh chị về bài học cuộc sống rút ra từ bức tranh sau (bài viết khoảng 600 từ).

Câu 2 (4,0 điểm)
Phân tích nhân vật người vợ nhặt trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân và nhân vật Mị trong truyện Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài để chứng minh rằng: Trong bất kỳ hoàn cảnh sống nào, chỉ cần có cơ hội, con người đều hướng về những điều tốt đẹp chứ không buông thả hoặc chấp nhận hoàn cảnh.
—————————————————————

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NINH BÌNH
TRƯỜNG THPT YÊN KHÁNH A
HDC THI THỬ THPT QUỐC GIA
MÔN: Ngữ văn
Thời gian làm bài: 180 phút

Phần I: Đọc – hiểu (3,0 điểm)

  1. Bài thơ được viết theo thể thơ tự do (0,25 điểm)
  2. Các từ ngữ, hình ảnh gợi nhắc về kỉ niệm tuổi học trò trong bài thơ: ô mai, kẹo bạc hà, quả me chua loét, mùa hoa phượng, lá thư học trò (0,25 điểm)

(Thí sinh phải trả lời được từ 3 hình ảnh trở lên mới cho 0,25 điểm)

  1. – Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu thơ: Học trò con trai ma qủy- học trò con gái thần tiên: Thí sinh chỉ ra được 1 biện pháp nghệ thuật cũng khuyến khích cho 0,25đ

+ Nghệ thuật thuật đối con trai – con gái, ma qủy – thần tiên
+ Nghệ thuật so sánh: con trai – ma quỷ, con gái – thần tiên
+ Nghệ thuật lặp cấu trúc: học trò con trai… học trò con gái…
– Hiệu quả: Thể hiện vẻ đẹp của tuổi học trò, vừa nghịch ngợm vừa duyên dáng, trong sáng, hồn nhiên. (0,25 điểm)

  1. Thí sinh viết một đoạn văn (từ 5 đến 7 dòng) đáp ứng đúng yêu cầu về nội dung và hình thức của một đoạn văn. Có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, sau đây là gợi ý:

– Tuổi học trò là quãng thời gian đẹp nhất trong đời người: sống hồn nhiên, trong sáng trong tình thầy cô, bè bạn… Tuổi học trò để lại nhiều kỉ niệm đẹp, trở thành “nỗi nhớ suốt đời” của mỗi con người
– Cần biết trân trọng, nâng niu quãng thời gian tươi đẹp này
– Phê phán những kẻ không biết trân trọng tình bạn, tình thầy cô…, đánh mất tuổi học trò ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

  1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Nghị luận (0,25 điểm)
  2. Nội dung chính của văn bản: Những lợi ích của mạng xã hội Facebook và những tác hại của tình trạng “nghiện Facebook”. (0,5 điểm)
  3. Hình ảnh “chiếc nam châm thu hút mọi người” cho thấy sức hút lớn lao của mạng xã hội Facebook đối với mọi người, nhất là giới trẻ.
  4. Thí sinh viết một đoạn văn (từ 7 đến 10 dòng) đáp ứng đúng yêu cầu về nội dung và hình thức của một đoạn văn với 2 ý cơ bản sau:

– Suy nghĩ từ câu văn: “họ có thể kết bạn với biết bao bạn bè trên mạng nhưng lại đang bỏ qua những mối quan hệ thực tế, những tình cảm thực mà mọi người dành cho mình”: cho thấy tác hại của việc “nghiện Facebook”. Con người sống trong thế giới ảo mà quên đi thế giới thực, kĩ năng giao tiếp xã hội kém, trở nên xa lạ với mọi người xung quanh… (0,25 điểm)
– Cách sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả: (0,25 điểm)
+ Sử dụng với mục đích lành mạnh: chia sẻ và tìm kiếm thông tin, lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ, những sự kiện lớn trong đời…
+ Tự tiết chế thời gian, không để lôi cuốn vào thế giới ảo làm ảnh hưởng tới công việc, học tập và cuộc sống thực
+ Biết cân nhắc, có trách nhiệm với những bài đăng, những bình luận, chia sẻ của bản thân trên mạng xã hội…
Phần II: Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1 (3,0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm một bài văn nghị luận xã hội với nội dung rút ra từ 1 bức tranh; kết cấu chặt chẽ, lập luận thuyết phục, không mắc các loại lỗi.
  2. Yêu cầu về kiến thức: Đây là một đề mở, thí sinh có thể có nhiều cách kiến giải khác nhau nhưng cần có sức thuyết phục, đảm bảo các ý cơ bản sau.

* Giới thiệu vấn đề cần nghị luận:
* Giải quyết vấn đề:
– Trình bày cách hiểu về bức tranh: Bức tranh vẽ hình một chú thỏ đang đi nhổ cà rốt. Trên gùi của chú đã có khá nhiều cà rốt nhưng lần này chú gặp được một củ cà rốt khổng lồ. Chú thỏ đang cố hết sức để nhổ củ cà rốt nhưng thật khó khăn. => Củ cà rốt khổng lồ kia là thành quả lớn lao mà con người sẽ thu hái được nếu không bỏ cuộc giữa chừng.
=> Ý nghĩa của bức tranh: Phần này thí sinh có thể rút ra nhiều bài học khác nhau nhưng phải có lập luận thuyết phục. Giám khảo linh hoạt chấm điểm, trân trọng phát hiện của các em.. Sau đây là gợi ý
+ Có một ngày, bạn cảm thấy cuộc sống thật gian nan, nhưng như vậy thì thành quả gặt hái có thể sẽ rất to lớn
+ Đừng cố gắng làm 1 việc quá sức của mình một cách vô ích (chú thỏ sẽ mãi mãi ko thể nhổ củ cà rốt khổng lồ ấy nếu vẫn nhổ theo lối cũ…)
+ Phải tìm hiểu kĩ lưỡng công việc mình làm để có biện pháp phù hợp (chú thỏ nhổ củ cà rốt thấy khó khăn thì nên vạch đất xem nó lớn thế nào để có biện pháp phù hợp…)
………………..
– Bàn luận: (Gợi ý)
+ Cuộc sống chứa đựng những khó khăn và cả những phần thưởng bất ngờ. Con người chỉ có thể thu được thành quả lớn lao nếu có đủ lòng quyết tâm đi đến tận cùng con đường mình đã chọn. Khó khăn càng nhiều thành quả đạt được càng lớn.
+ Nếu nản chí đầu hàng, ngại khó, ngại khổ con người sẽ tự đánh mất đi cơ hội.
+ Tuy nhiên, có những thử thách không thể một mình vượt qua, không thể làm theo lối cũ… đòi hỏi phải có sự trợ giúp của nhiều người và sáng tạo những cách làm mới (như trong hình vẽ, sức lực của mình chú thỏ khó có thể nhổ được củ cà rốt khổng lồ và cũng không thể nhổ củ cà rốt ấy theo cách truyền thống)
+ Phê phán những con người thiếu ý chí, thấy khó khăn đã vội đầu hàng, bỏ cuộc.
– Liên hệ bản thân, rút ra bài học: Cần rèn luyện bản lĩnh sống, dám đối mặt, đương đầu với những khó khăn trước mắt để đạt được thành quả lớn lao, lâu dài.
* Kết thúc vấn đề:

  1. Thang điểm:
  • Điểm 3: Đáp ứng tốt những yêu cầu trên, có nhiều sáng tạo, diễn đạt lưu loát, thuyết phục, mắc một vài lỗi diễn đạt không đáng kể
  • Điểm 2: đáp ứng hơn ½ yêu cầu trên, lập luận thuyết phục, mắc một số lỗi về diễn đạt, cú pháp.
  • Điểm 1: bài sơ sài, thiếu nhiều ý, mắc nhiều lỗi diễn đạt, cú pháp
  • Điểm 0: không làm bài hoặc lạc đề hoàn toàn

  • Câu 2 (4 điểm)

    1. Yêu cầu về kĩ năng: Thí sinh biết cách làm một bài văn nghị luận văn học so sánh 2 nhân vật để làm sáng tỏ một nhận định, kết cấu chặt chẽ, lập luận thuyết phục, không mắc các loại lỗi
    2. Yêu cầu về kiến thức:

    * Giới thiệu về tác giả, tác phẩm:
    – Kim Lân là nhà văn am hiểu về nông thôn, có nhiều trang viết chân thực và xúc động về cảnh và người nông thôn. Truyện ngắn Vợ nhặt xây dựng trên bối cảnh nạn đói năm 1945 có tiền thân là tiểu thuyết Xóm ngụ cư được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng truyện còn dang dở và thất lạc bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại (1954), Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết lại. Truyện được in trong tập Con chó xấu xí.
    – Tô Hoài là nhà văn có vốn hiểu biết phong phú, sâu sắc về phong tục, tập quán nhiều vùng khác nhau của đất nước. Tác phẩm Vợ chồng A Phủ (1953) là kết quả của chuyến Tô Hoài đi cùng bộ đội giải phóng Tây Bắc, in trong tập Truyện Tây Bắc.
    * Giải thích vấn đề: Trong mỗi con người đều tiềm ẩn khuynh hướng vươn đến những gì mang tính chất hướng thiện, phục thiện và những gì tốt đẹp. Chỉ cần có điều kiện, cơ hội là quá trình vươn tới những gì tốt đẹp sẽ được hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể.
    * Chứng minh qua từng nhân vật:
    – Nhân vật người vợ nhặt và quá trình vươn đến những điều tốt đẹp khi có cơ hội:
    + Cảnh ngộ cụ thể: là nạn nhân của cái đói, cái đói làm cho biến đổi cả nhân hình lẫn nhân tính
    + Cơ hội: Hai lần gặp Tràng là cơ hội để thị có thể thoát được cái chết đang bủa vây, là cơ hội để có một mái ấm gia đình…
    + Hướng đến những điều tốt đẹp…:

  • Trước hết, đó là niềm khát khao được sống, được tồn tại: Khát khao này chìm sau sự chao chát, chỏng lỏn, liều lĩnh để có được miếng ăn nhằm tồn tại qua nạn đói. Điều này biểu hiện đậm nét hơn trong bữa cơm đầu trong tư cách nàng dâu khi điềm nhiên và cháo cám vào miệng như một sự dấn thân, tuyên chiến với đói nghèo.
  • Sau đó, là khát khao hạnh phúc:
  • Điều này cũng ẩn sâu dưới tâm hồn của một con người không muốn người khác đọc được nội tâm của mình, ẩn thoáng đằng sau việc người vợ nhặt đón nhận những câu nói đùa của nhân vật Tràng và cả trong vẻ ngại ngùng, xấu hổ, bẽ bàng khi theo Tràng về.
  • Khát khao hạnh phúc bộc lộ rõ ở nhân vật qua thái độ, hành xử trong buổi sáng đầu tiên ở nhà chồng (trở nên hiền hậu, đúng mực, có ý thức chăm lo, vun xới tổ ấm: cùng mẹ chồng quét dọn nhà cửa, vườn tược, phơi áo quần…).
  • – Nhân vật Mị và quá trình vươn đến những điều tốt đẹp khi có cơ hội:
    + Cảnh ngộ cụ thể: Thân phận con dâu gạt nợ nhưng thực chất là số kiếp nô lệ, tôi đòi.
    + Cơ hội: Mùa xuân đến, Mị muốn đi chơi; đêm mùa đông Mị cứu A Phủ và bỏ trốn khỏi nhà Pá Tra.
    + Hướng đến những điều tốt đẹp…:

  • Khát khao hạnh phúc bộc lộ rõ ở nhân vật trong đêm tình mùa xuân qua một loạt diễn biến tâm trạng lẫn hành động khác thường (thấy phơi phới trở lại, lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước, nhận ra mình còn trẻ, còn muốn đi chơi ngày Tết, muốn chết vì nhận ra hoàn cảnh đau khổ, rơi vào tâm trạng đan xen giữa qúa khứ và hiện tại, xắn miếng mỡ bỏ vào đĩa đèn cho sáng, quấn lại tóc, lấy cái váy hoa để đi chơi Tết, bị trói vào cột vẫn “như không biết mình đang bị trói”, vẫn thả hồn theo tiếng sáo, có ý thức “vùng bước đi”…).
  • Hành động đi theo A Phủ ẩn chứa mong ước hạnh phúc (sau này trở thành hiện thực ở Phiềng Sa) chứ không chỉ dừng lại là sự chạy trốn khỏi Hồng
  • * Đánh giá:
    – Quá trình hướng tới điều tốt đẹp ở cả hai nhân vật (trong hai cảnh ngộ khác nhau) đều được kể và miêu tả cụ thể, ấn tượng.
    – Kể và miêu tả điều đó, cả hai nhà văn đều thể hiện được tài nắm bắt tâm lí sắc sảo.
    – Đằng sau cảnh ngộ của các nhân vật là tấm lòng của các nhà văn dành cho những số phận bất hạnh.

    1. Thang điểm:
  • Điểm 3 – 4: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc, mắc vài lỗi không đáng kể về chính tả, diễn đạt
  • Điểm 2: đáp ứng khoảng ½ yêu cầu, bố cục rõ ràng, còn mắc lỗi về chính tả, diễn đạt, cú pháp…
  • Điểm 1: bài sơ sài, thiếu nhiều ý, lúng túng trong triển khai vấn đề, mắc nhiều lỗi về diễn đạt, cú pháp, chính tả
  • Điểm 0: không làm bài hoặc lạc đề hoàn toàn.
  • Bài viết gợi ý: