Ôn thi THPT Quốc gia môn văn. Hướng dẫn ôn tập bài Đàn Ghi ta của Lor ca ( Thanh Thảo).
Đề bài:
Cảm nhận về hình tượng tiếng đàn trong bài thơ Đàn ghi ta của Lorca của Thanh Thảo. Từ đó, trình bày suy nghĩ của anh/chị về sức sống bất diệt của nghệ thuật chân chính.
Đáp án :
Giới thiệu tác giả Thanh Thảo, bài thơ
Giói thiệu vấn đề: Ý nghĩa của hình tượng tiếng đàn trong bài thơ Đàn ghi ta của Lorca của Thanh Thảo và suy nghĩ về sức sống bất diệt của nghệ thuật chân chính.
Mở bài tham khảo :
Trên thế gian này, vạn vật đếu sợ thời gian bời nó có sức mạnh ghê gớm. Nó tàn phá và huỷ diệt tất cả những trên đường đi của mình. Bụi thời gian sẽ xoá mờ bao kỉ niệm và đẩy tất cả vào quên lãng. Thế nhưng, thời gian lại phải lùi bước và nghiêng mình trước những giá trị nghệ thuật đích thực. Thời gian càng lùi xa, thì giá trị những tác phẩm ấy càng được khẳng định……….. (dẫn dắt tiếp vào vấn đề nghị luận )
Thân bài :
* Cảm nhận về hình tượng tiếng đàn
– Bao trùm tác phẩm là âm thanh của tiếng ghi-ta. Tiếng đàn là hình tượng xuyên suốt bài thơ, là một biểu tượng đa nghĩa.
– Tiếng đàn là biểu tượng cho đất nước Tây Ban Nha cùng với hình ảnh áo choàng đỏ. Tiếng đàn ghi-ta góp phần khẳng định và ca ngợi vẻ đẹp nổi bật của con người và đất nước Tây Ban Nha: phóng khoáng, sôi nổi, giàu nhiệt huyết, yêu tự do và lãng mạn.
– Tiếng đàn gắn liền với hình ảnh Lorca, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn và cuộc đời người nghệ sĩ. Tiếng đàn nói lên tình cảm gắn bó với quê hương đất nước (tiếng ghi ta nâu). Tiếng đàn gửi gắm tình yêu của thi sĩ dành cho cô gái ấy. Tiếng đàn vỡ tan gợi lên số phận mong manh của người nghệ sĩ. Tiếng đàn gắn liền với Lorca ở những giây phút ngắn ngủi cuối cùng của cuộc đời (tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy).
– Tiếng đàn tượng trưng cho sự bất tử của người nghệ sĩ chân chính, của nghệ thuật chân chính (tiếng đàn như cỏ mọc hoang).
– Hình tượng tiếng đàn với nhiều tầng nghĩa đã liên kết các khổ thơ, khơi gợi mạch cảm xúc dạt dào của tác giả. Đây cũng là hình tượng thơ được sáng tác theo phong cách tượng trưng, siêu thực, góp phần làm nên thành công đặc biệt của bài thơ.
– Nghệ thuật: Lối thơ không viết hoa đầu dòng tạo mạch thơ liên tục, hình ảnh tượng trưng, siêu thực, hình tượng sáng tạo…
* Suy nghĩ về sức sống bất diệt của nghệ thuật chân chính
– Nghệ thuật chân chính là sự kết tinh và thăng hoa của tài năng và tâm hồn người nghệ sĩ. Đó cũng chính là sự phản ánh cái đẹp cao cả nói chung của cuộc đời.
– Nghệ thuật chân chính luôn có sức sống kì diệu và bất tử, người nghệ sĩ không thể sống mãi với thời gian nhưng những giá trị tinh thần đích thực mà họ để lại luôn được đông đảo nhân dân ngưỡng mộ và gìn giữ, lưu truyền đến muôn đời.
– Nghệ thuật chân chính mang những giá trị chân, thiện, mĩ đến cho cuộc đời. Nó khẳng định một chân lí của nghệ thuật: dù ở thời đại nào, ở quốc gia nào, trong hoàn cảnh nào con người vẫn sẽ luôn tôn sùng nghệ thuật chân chính.
Kết bài :
Thật khó để có thể tiếp nhận những tác phẩm theo trường phái trừu tượng như bài thơ Đàn ghita của Lorca. Mỗi người đọc lại liên tưởng và cảm nhận bài thơ theo một chiều hướng khác nhau. Quả thật đây là một tác phẩm nghệ thuật đích thực bởi lẽ nó không chấm hết ở dòng cuối cùng mà lại mở ra cho ta những suy tưởng về cuộc đời…Hình tượng tiếng đàn tượng trưng cho sức sống bất diệt của nghệ thuật trong cuộc sống.
Xem thêm tuyển tập đề thi về bài Đàn ghi ta của Lorca của Thanh Thảo :