GỢI Ý ĐÁP ÁN NGỮ VĂN ĐỀ THI MINH HỌA CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Phương thức biểu đạt nghị luận/phương thức nghị luận/nghị luận.
Câu 2. Theo tác giả, đừng giữ thái độ cầu toàn trong mọi sự vì sự trưởng thành của con người luôn song hành cùng những vấp ngã và sai lầm.
Câu 3. Sau một bước tiến xa luôn tồn tại một bước lùi gần vì đó là hai thái cực luôn song hành trong cuộc sống của mỗi con người. Chúng ta tiến xa đó là biểu hiện của sự trưởng thành hoặc có những thành công nhất định trong cuộc sống. Tuy nhiên, cuộc sống không ngừng thay đổi. Nếu chúng ta tự mãn, ỷ lại hay chủ quan thì mọi thứ có thể dẫm chân tại chỗ và rồi sẽ thụt lùi.
Câu 4. Có thể đồng tình hoặc không đồng tình với quan niệm: “trên con đường trưởng thành của mình, mỗi người cần phải học cách chấp nhận người khác và chấp nhận bản thân như vốn có”. Tuy nhiên, cần trả lời từ 5-7 câu hợp lí, có chính kiến thuyết phục.
– Gợi ý nếu là đồng tình:
+ Nếu không chấp nhận người khác là do suy nghĩ “duy chỉ có mình mới đúng, ai khác với mình, người đó sai!”. Đó là suy nghĩ của kẻ “ếch ngồi đáy giếng”, tưởng rằng bầu trời chỉ tròn như cái miệng giếng, nằm gọn trong tầm mắt ta nên không tin vào một ai khác.
+ Phải chấp nhận bản thân vì có thể chúng ta đã nỗ lực hết sức và làm được nhiều nhiều điều tốt đẹp. Đó cũng chính là cách sống của người cầu toàn.
II. LÀM VĂN
Câu 1. Suy nghĩ về ý nghĩa của sự trải nghiệm trong cuộc sống.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận
Ý nghĩa của sự trải nghiệm trong cuộc sống.
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Học sinh lựa chọn thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ ý nghĩa của sự trải nghiệm trong cuộc sống. Có thể theo hướng sau:
– Trải nghiệm đem lại hiểu biết và kinh nghiệm thực tế; giúp chúng ta mau chóng trưởng thành về cách nghĩ, cách sống, bồi đắp tình cảm, tâm hồn.
– Trải nghiệm giúp chúng ta dấn thân, thử nghiệm để sáng tạo; biết cách vượt qua những trở ngại khó khăn, tôi luyện bản lĩnh, ý chí để thành công.
– Thiếu trải nghiệm cuộc sống của tuổi trẻ sẽ nghèo nàn, thụ động, nhàm chán, vô ích.
– Thực tế, nhiều bạn trẻ chưa coi trọng hoạt động trải nghiệm để bản thân trưởng thành. Một số khác lại đắm chìm trong thế giới ảo.
– Cần nhận thức được vai trò quan trọng và cần thiết của trải nghiệm, biết trải nghiệm tích cực để giúp bản thân trưởng thành, vững vàng và sống đẹp hơn.
d. Chính tả, dung từ, đặt câu
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo
Có cách diễn đạt mới mẽ, thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận.
Câu 2. Cảm nhận về hình tượng người lái đò trong cảnh vượt thác (“Người lái đò Sông Đà” – Nguyễn Tuân. Từ đó liên hệ với nhân vật Huấn Cao trong cảnh cho chữ (“Chữ người tử tù” – Nguyễn Tuân) để nhận xét quan niệm của nhà văn về vẻ đẹp con người.
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
Mở bài giới thiệu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quá được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận
Hình tượng người lái đò trong cảnh vượt thác (“Người lái đò Sông Đà” – Nguyễn Tuân. Từ đó liên hệ với nhân vật Huấn Cao trong cảnh cho chữ (“Chữ người tử tù” – Nguyễn Tuân) để nhận xét quan niệm của nhà văn về vẻ đẹp con người.
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
* Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm và nhân vật người lái đò trong cảnh vượt thác.
* Cảm nhận hình tượng người lái đò.
Học sinh có thể cảm nhận theo nhiều cách nhưng cần đáp ứng các yêu cầu sau:
Lai lịch, ngoại hình:
– Quê ở ngã tư sông sát tỉnh Lai Châu, gần bảy mươi tuổi, có kinh nghiệm làm nghề chở đò dọc sông Đà và chỉ huy một con thuyền có 6 mái chèo đã ngược xuôi sông Đà trăm chuyến, chở da trâu, xương hổ, chè, cánh kiến về xuôi, ông nắm vững từng con thác, cái ghềnh, nắm chắc binh pháp thần Sông, thần Đá.
– “Thân hình gọn quánh như chất sừng, chất mun”, “tiếng nói ào ào như sông nước”, nhỡn giới ông cao vòi vọi, “hai tay dài lêu nghêu như cái sào lái đò”, “hai chân khuỳnh khuỳnh như đang kẹp chặt cái cuống lái trong tưởng tượng, trên ngực của ông nổi lên một số “củ nâu” thương tích trên “chiến trường Sông Đà”.
Phẩm chất, vẻ đẹp:
Sự từng trải, giàu kinh nghiệm, có sự hiểu biết sâu sắc Sông Đà.
– Trí nhớ ông được rèn luyện cao độ bằng cách “lấy mắt mà nhớ tỉ mỉ như đóng đanh vào lòng tất cả những luồng nước của tất cả những con thác hiểm trở”.
– Sông Đà, đối với ông lái đò, như “một trường thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc đến cả những cái chấm than, chấm câu và những đọan xuống dòng”.
– Chính vì vậy “ông lái đã nắm chắc được binh pháp của thần sông, thần đá, thuộc qui luật phục kích của lũ đá”
-> Một con người gắn bó với lao động, yêu nghề sông nước, từng trải và giàu kinh nghiệm.
Sự thông minh, dũng cảm như một viên tướng tài ba, như một nghệ sĩ trong nghệ thuật vượt thác sông Đà.
-Trùng vi thạch trận thứ nhất:
+ Ông lái đò xung trận với khí thế nghênh chiến quyết thắng: “thạch trận dàn bày vừa xong thì cái thuyền vụt tới”.
+ Thạch trận có năm cửa, có bốn cửa tử và một cửa sinh, cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn.
+ Những hòn đá “bệ vệ oai phong lẫm liệt được nước thác reo hò làm thanh viện, chúng liều mạng xông vào mà đá trái, thúc gối vào bụng và hông thuyền…, có lúc chúng đội cả thuyền lên”.
– Ông lái đò vẫn “bình tĩnh hai tay giữ chặt mái chèo”. Ngay cả lúc bị con thủy quái này đánh miếng đòn hiểm nhất “bóp chặt lấy hạ bộ” đau điếng nhưng ông đò vẫn “hai chân vẫn kẹp lấy cuống lái, dù mặt méo bệch vì đau đớn nhưng tiếng chỉ huy của ông vẫn sắc lạnh, tỉnh táo”, đưa con thuyền thoát khỏi nguy hiểm.
-> Ông lái đò lão luyện, bình tĩnh, có sức chịu đựng phi thường.
– Trùng vi thạch trận thứ hai:
+ Sông Đà lại bố trí nhiều cửa tử hơn, cửa sinh lệch sang phía bờ hữu ngạn nhằm đánh lừa con thuyền.
+ “Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá”.
+ Ông lái đò “nắm chặt được cái bờm sóng đúng luồng rồi”, cho con thuyền “phóng nhanh vào cửa sinh mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy”. Bọn tướng đá, đứa thì “ông tránh mà rảo bơi chèo lên”, đứa thì bị “ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến”.
+ Cuối cùng, bọn đá tướng thất bại thảm hại đưa cái mặt “tiu nghỉu, xanh lè thất vọng”.
-> Ông lái đò nhiều kinh nghiệm, có hành động chuẩn xác, mau lẹ, quyết đoán.
– Trùng vi thạch trận thứ ba:
+ Bên phải bên trái đều là luồng chết cả, cửa sinh nằm giữa bọn đá hậu vệ của con thác.
+ Ông lái đò mưu trí “phóng thẳng con thuyền, chọc thủng trùng vây rồi vút qua cổng đá cánh mở cánh khép. Chiếc thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được. Thế là hết thác.”
-> Nghệ thuật chèo thuyền lái đò vượt thác đạt đến trình độ điêu luyện, nghệ thuật chèo đò, ông lái đò là một nghệ sĩ sông nước, tay lái ra hoa. Qua đó, ta thấy ông lái đò oai phong lẫm liệt như một vị danh tướng, trí dũng song toàn, quyết đoán và quyết thắng.
– Nghệ thuật: Nguyễn Tuân đã tung ra một đội quân ngôn ngữ thật hùng hậu, đa dạng, biến ảo thần kì với liên tục những phép tu từ vô cùng sinh động: so sánh ngầm, nhân hóa, cường điệu …, câu văn trùng điệp tạo ra một bức tranh hòanh tráng. Nhà văn đã dụng tâm diễn tả cuộc chiến giữa ông lái đò với dòng sông theo hướng thọat đầu tưởng như không cân sức. Nhưng cuối cùng phần thắng đã thuộc về con người nhờ sự thông minh và dũng cảm. Cuộc vượt thác thật ngoạn mục, ông lái đò thực sự là một người nghệ sĩ tài hoa.
Sự khiêm nhường, bình dị, phong thái ung dung mang cốt cách nghệ sĩ:
– Đối với người lái đò, hiểm nguy trên dòng sông cũng chính là một phần trong cuộc sống của ông .
– Khi vượt qua gian nguy, sóng nước lại tan xèo xèo trong trí nhớ “sông nước lại thanh bình”.
– “Đêm ấy nhà đò đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam, và tòan bàn về cá anh vũ, cá dầm xanh …, chẳng thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua.”
-> sự khiêm nhường, bình dị, ung dung bởi vì “ngày nào cũng giành lấy cái sống từ tay những cái thác , nên nó cũng không có gì là hồi hộp đáng nhớ.”
-> Cái phi thường đã trở thành bình thường, phẩm chất chiến sĩ đã hòa quyện với phong thái tài tử, nghệ sĩ.
=> Người lái đò Sông Đà được miêu tả trong tác phẩm vừa có tư thế của một người lao động trí dũng, vừa có phong thái của một nghệ sĩ tài hoa như “thứ vàng mười đã qua thử lửa” của Tây Bắc. Hình tượng người lái đò thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân ở giai đoạn sau Cách mạng Tháng Tám: người lái đò dù là người lao động bình dị vẫn hiện lên với chất tài hoa, nghệ sĩ – biểu tượng cho con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước – bằng việc vận dụng kiến thức của nhiều ngành khoa học khác nhau; ngôn ngữ sinh động, giàu hình ảnh.
* Liên hệ với nhân vật Huấn Cao trong cảnh cho chữ “Chữ người tử tù”:
– Nét chung:
+ Nguyễn Tuân vẫn tiếp cận con người ở phương diện tài hoa, nghệ sĩ.
+ Vẫn là ngòi bút tài hoa, uyên bác, lịch lãm, vận dụng tri thức tổng hợp của nhiều ngành văn hóa nghệ thuật khác nhau trong miêu tả và biểu hiện.
+ Vẫn sử dụng vốn ngôn từ hết sức tinh lọc, phong phú, độc đáo. Khả năng tổ chức câu văn xuôi đầy giá trị tạo hình, có nhạc điệu trầm bổng, biết co duỗi nhịp nhàng. Các phép tu từ được nhà văn phối hợp vô cùng điêu luyện.
– Nét riêng:
+ Trước Cách mạng tháng Tám, con người Nguyễn Tuân hướng tới và ca ngợi là những “con người đặc tuyển, những tính cách phi thường”. Sau Cách mạng tháng Tám, nhân vật tài hoa nghệ sĩ của Nguyễn Tuân có thể tìm thấy ngay trong cuộc chiến đấu, lao động hàng ngày của nhân dân.
+ Trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân là một người tài tử, thích chơi “ngông”, mắc cái bệnh ham mê thanh sắc, thích chiêm ngưỡng, chắt chiu cái Đẹp và nhấm nháp những cảm giác mới lạ. Sau Cách mạng tháng Tám, nhà văn nhạy cảm với con người mới, cuộc sống mới từ góc độ thẩm mĩ của nó. Nhưng không còn là một Nguyễn Tuân “nghệ thuật vị nghệ thuật” nữa. Ông đã nhìn cái đẹp của con người là cái đẹp gắn với nhân dân lao động, với cuộc sống đang nẩy nở sinh sôi, đồng thời lên án, tố cáo chế độ cũ, khẳng định bản chất nhân văn của chế độ mới.
d. Chính tả, dung từ, đặt câu
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo
Có cách diễn đạt mới mẽ, thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận.
FB thầy Phan Thế Hoài
(Bài viết có tham khảo của ThS. Cao Thị Nhân An, THPT Bình Hưng Hòa, TP.HCM)