I. Kể chuyện đã nghe, đã đọc về cái đẹp

1. Gợi ý

a. Những truyện nói về cái đẹp:

- Ca ngợi cái đẹp của tự nhiên (Chim hoạ mi – truyện An-đec-xen)

- Truyện ca ngợi những cô gái đẹp người đẹp nết (Cô bé Lọ Lem – truyện cổ Grim)

- Truyện giáo dục quan niệm về cái đẹp (Con vịt xấu xí – truyện An-đéc-xen)

b. Những chuyện nói về cuộc đấu tranh giữa cái đẹp với cái xấu, cái thiện với cái ác:

- Truyện về những người tốt bị người xấu ghen ghét, hãm hại, đã vượt qua mọi thử thách , cuối cùng được hưởng hạnh phúc (Tấm Cám, Sọ Dừa – Truyện dân gian Việt Nam)

- Truyện về người thật thà được hưởng hạnh phúc, người tham lam bị trừng trị (Cây khế - truyện dân gian Việt Nam)

- Truyện người nghèo đấu trí thắng người giàu hay người có quyền thế (Cây tre trăm đốt – truyện dân gian Việt Nam)

- Truyện con vật yếu thắng con vật manh ác (Trâu đoàn kết giết hổ - truyện dân gian Việt Nam, Gà trống và cáo – Truyện ngụ ngôn La Phông-ten,…)

2. Dàn bài chung

- Giới thiệu về câu chuyện

+ Tên truyện là gì?

+ Em đã đọc hoặc được nghe câu chuyện trong hoàn cảnh nào?

- Kể lại câu chuyện

+ Câu chuyện bắt đầu ra sao?

+ Diễn biến như thế nào?

+ Kết thúc truyện ra sao?

- Ý nghĩa câu chuyện và bài học em rút ra

3. Bài kể chuyện tham khảo:

a. Kể một câu chuyện em đã được nghe, được đọc ca ngợi cái đẹp:

“Cô gái nói ra hoa, ra ngọc” là một câu chuyện cổ của Việt Nam rất hay. Hồi bé mình đã được nghe bà kể rồi lớn lên khi biết đọc lại trong một cuốn sách được bố tặng, mình lại bắt gặp nó trong những trang sách. Đó là một câu chuyện về cái  đẹp mà đến giờ mình vẫn còn nhớ và thấy ấn tượng. Để mình kể lại cho các bạn cùng nghe nhé.

Ngày xưa có một cô bé đẹp người, đẹp nết; cô hiền lành, nhân hậu và đảm đang việc nhà. Cô bé sớm mồ côi mẹ, phải sống với bố và mẹ kế. Bà mẹ kế hung dữ có một cô con gái riêng. Bố cô làm lụng nuôi sống gia đình chẳng để ý đến bà vợ kế đanh ác hà hiếp con gái. Bà mẹ kế cưng chiều cô con gái riêng vừa xấu người vừa xấu nết bao nhiêu thì đày đọa con chồng bấy nhiêu. Cô bé mồ côi ấy làm tất cả việc nhà và còn phải gánh nước, chặt củi... toàn những việc nặng nhọc. Với bản tính hiền lành và rất giỏi việc nhà, cô bé ấy chịu thương chịu khó lẳng lặng làm tất cả không than vãn một lời, cô thương bố vất vả nặng nhọc nên không muốn bố biết tí gì. Không chỉ thế, cô bé đối xử với mọi người một lòng thương yêu, hòa nhã. Trước hai mẹ con bà mẹ kế đỏng đảnh và ác độc, cô bé im lặng làm việc, chẳng nói một lời.

Cho đến một hôm, trời nắng chang chang, mặt đường như bốc lửa, cô múc đầy hai thùng nước toan đặt gánh lên vai để gánh về nhà thì có một bà lão gầy còm, héo hắt, ăn mặc rách rưới đi về phía cô. Bà lão xin cô nước uống. Vội vàng, cô thả cây đòn gánh xuống sân giếng, dìu bà lão ghé vào bóng cây gần giếng. Mắt bà lão kèm nhèm, mặt mũi đen xì bụi đất, người bà lão bốc mùi hôi thối. Cô ái ngại xót thương bật thốt:

- Nắng nóng quá! Bà ngồi tạm đây, con múc nước giếng mới sạch và mát cho bà nhé!

Nói đoạn, cô quảy gánh trở về giếng nước. Cô múc lên một gàu nước mát, đến cạnh bà lão

- Bà ạ, chẳng có một cái ly, cái chén gì ở đây cả. Tay con rửa sạch rồi, con vốc nước mát cho bà uống nhé!

Ân cần, cô dùng tay vốc nước đưa lên miệng bà lão. Bà lão chép môi uống nước. Phải vài lần như thế, bà lão mới qua cơn khát. Bà lão thở dài khoan khoái:

- Bà đỡ mệt rồi. Quả tiếng đồn không sai, cô quả là một cô bé hiền lành, đôn hậu.

Bà lão cầm đôi tay nhỏ bé của cô:

- Con sẽ trở nên xinh đẹp và ta ban cho con một phép màu: mỗi lời con thốt từ miệng sẽ nở ra hoa và ngọc bởi tấm lòng của con chính là tinh hoa thơm ngát dâng đời và vốn quý ngọc ngà của nhân loại.

Chớp mắt, bà lão hoá vầng hào quang, biến mất. Cô bé ngẩn ngơ tưởng như mộng như mơ. Nhìn gánh nước, cô sực tỉnh quảy gánh về nhà. Về đến nhà, cô nghe mụ dì ghẻ chì chiết:

Có mỗi gánh nước, mày trốn biệt ngoài giếng làm gì mà giờ này mới gánh về.

Cô lễ phép:

- Thưa dì...

Chưa nói được lời thưa, hai mẹ con bà mẹ kế và chính cô vô cùng kinh ngạc khi thấy từ miệng cô những đóa hoa thơm ngát và những viên ngọc lấp lánh rơi ra. Bà mẹ kế vặn hỏi, cô thật thà kể lại câu chuyện mình gặp bà lão ăn xin. Trưa hôm sau, bà mẹ kế bảo cô để cho cô chị con riêng của bà đi gánh nước. Cô chị lười biếng nào muốn làm cái chuyện nặng nhọc ấy nhưng thấy cô em trở nên xinh đẹp nên cũng muốn gặp bà lão. Cô chị múc nước vào thùng xong thì bà lão xuất hiện. Bà lão cũng phều phào mấy tiếng xin nước uống. Cô chị ghê tởm nhìn bà lão:

- Bà chân tay dơ bẩn thế này uống nước trong thùng làm tôi mất công múc thùng nước khác bây giờ. Gàu đây, bà tự múc nước mà uống.

Bà lão khua gậy, lần đi, miệng lẩm bẩm:

- Người đâu mà độc ác, dữ dằn. Ngươi sẽ nhận hậu quả vì lòng dạ ích kỉ, độc ác của mình.

Cô chị vội vã gánh nước về nhà để tránh xa bà lão dơ bẩn. Vừa đặt gánh xuống, bà mẹ đon đả:

- Sao hả con, con có gặp bà già đó không?

Cô chị ngúng ngấy, trề môi:

- Xì...

Cô vừa “xì” một tiếng, một mùi hôi thối tanh nồng từ miệng cô bốc ra và rắn, rết, cóc, nhái nhảy ra từ miệng cô. Hai mẹ con hốt hoảng nhảy tránh rắn rết. Cô chị bụm lấy miệng, càng than khóc thì rắn rết, cóc nhái lại càng nhảy ra, lổm ngổm đầy nhà. Xóm giềng không chịu nổi rắn rết nhảy ra từ miệng cô con gái riêng bà mẹ kế. Ai nấy đều lánh xa họ. Tủi hổ, hai mẹ con dắt díu nhau đi đâu mất tăm. Cô bé mồ côi hiền đức đem số ngọc rơi ra bán đi lấy tiền nuôi cha già và bà con nghèo khổ. Tiếng lành đồn đến tai Hoàng tử, Hoàng tử về đến làng. Chàng nhìn thấy nhan sắc thùy mị dịu dàng của cô sinh lòng yêu mến và cưới cô làm vợ.

Kể một câu chuyện em đã được nghe, được đọc phản ánh cuộc đấu tranh giữa cái đẹp với cái xấu, cái thiện với cái ác

Ngày xưa có một tên nhà giàu hà tiện, bủn xỉn thuê được một anh người làm khỏe mạnh, được việc. Dù làm được việc nhưng lão ta không muốn trả công nên đã đánh lừa anh chàng nọ, nói với anh ta rằng nếu chịu khó làm lụng trong ba năm thì lão ta sẽ gả con gái cho anh chàng. Vốn thật thà nên anh chàng nọ lập tức tin lời của lão nhà giàu. Suốt ba năm liền anh làm việc không quản nắng mưa, làm ra bao của cải vật chất cho lão hà tiện, khiến cho cơ ngơi của lão ngày càng lớn, tiền bạc ngày càng nhiều. Nhưng đến thời hạn ba năm giao ước thì lão ta lại tính kế nuốt lời.

Lão nhà giàu nói với anh người làm nghèo rằng hãy vào rừng kiếm cho được cây tre trăm đốt mang về để lão ta làm đũa mời cỗ cả làng. Vẫn tin vào lời của lão nhà giàu, anh chàng vội vã mang theo dao và những dụng cụ cần thiết vào rừng tìm tre. Trong khi anh chàng vào rừng tìm tre thì ở nhà lão nhà giàu đã tổ chức đám cưới linh đình cho con gái mình cùng với một người nhà giàu trong thôn, không khí vô cùng tấp nập, huyên náo. Ở trong rừng, anh chàng nhà nghèo tìm hết cây tre này đến cây tre khác, chặt ngã rất nhiều cây tre nhưng không có cây tre nào có đủ một trăm đốt.

Anh ta đốn những cây tre cao nhất, nhưng đếm đi đếm lại cũng chỉ có khoảng bốn mươi đốt. Quá tuyệt vọng nên anh ta đã ngồi ôm mặt khóc nức nở. Bỗng nhiên trước mặt anh ta xuất hiện một ông lão đầu tóc bạc phơ, tay cầm cây phất trần trắng muốt. Tiên ông hỏi anh chàng “Tại sao con lại khóc” thì anh chàng đáp “Con không tìm được cây tre trăm đốt, con đã làm việc vất vả suốt ba năm nhưng nếu không kiếm được cây tre trăm đốt thì con không lấy được vợ”. Thấy vậy, tiên ông mỉm cười và nói với chàng trai hãy đi kiếm một trăm đốt tre lại đây.

Thấy vậy chàng trai vội vàng chặt đủ một trăm đốt tre, tiên ông dạy chàng trai một câu thần chú để gắn kết những đốt tre này lại thành một cây tre trăm đốt. Đó là câu thần chú “Khắc nhập khắc nhập”. Nhưng chàng trai lại buồn rầu vì không thể vác cây tre trăm đốt này về nhà. Tiên ông lại một lần nữa dạy chàng trai câu thần chú “Khắc xuất khắc xuất” để những đốt tre rời ra, dễ dàng mang về nhà. Khi mang tre về nhà, thấy đám cưới linh đình, chàng trai biết lão nhà giàu lừa mình nên đọc câu thần chú khắc nhập, khắc nhập, lão nhà giàu bị dính vào thân cây tre.

Lão ta sợ hãi kêu khóc, van xin tha mạng và hứa sẽ gả con gái cho chàng trai nghèo. Lúc này chàng trai mới đọc thần chú khắc xuất, khắc xuất. Chàng trai nghèo lấy được con gái của lão nhà giàu, họ sống với nhau hạnh phúc mãi mãi.

II. Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia về việc giữ vệ sinh môi trường.

1. Gợi ý:

- Trồng cây, chăm sóc cây.

- Dọn vệ sinh nơi đang sống và học tập.

- Làm đẹp nơi ở và cảnh quan xung quanh.

- Ngăn cản những hành động phá hoại và làm ô nhiễm môi trường.

2. Dàn bài chung:

Mở đầu câu chuyện: Giới thiệu chung về hoạt động (Đó là hoạt động thường xuyên hay không thường xuyên? Mục đích của hoạt động là gì?)

- Diễn biến câu chuyện: Có thể kể về sự tham gia của em hoặc sự tham gia của người khác mà em đã chứng kiến. ví dụ:

+ Tổ chức hoạt động như thế nào?

+ Em (hay người khác) giữ vai trò gì trong hoạt động

+ Những chi tiết nào đáng nói khi tham gia hoạt động

+ Kết thúc câu chuyện (Kết quả của hoạt động, Ý nghĩa của hoạt động)

3. Bài kể chuyện tham khảo

Tôi xin kể cho các bạn nghe câu chuyện ở khu phố tôi hưởng ứng khẩu hiệu “sạch nhà đẹp phố” do ủy ban Nhân dân thị xã phát động tuần trước. Chuyện như thế này.

Sáng chủ nhật hôm ấy, mọi người trong khu phố không hiểu sao tụi nhỏ lại ra đường sớm thế. Trên tay đứa nào đứa nấy đều cầm một cái chổi tàu cau và que gắp, tập trung ở đầu ngõ. Bác Khánh - trưởng khu phố - đi ngang qua hỏi: “Các cháu làm gì mà đứng ở đây?” Tôi nhanh nhẹn trả lời: “Chúng cháu làm vệ sinh khu phố bác ạ!” Bác khen chúng tôi: “Các cháu giỏi quá. Nhớ cẩn thận đừng để xảy ra tai nạn nhé!” Con đường vào khu phố của chúng tôi dài khoảng hai trăm mét. Đứa dùng que gắp các bịch mủ, đứa cầm chổi quét rác vun vào một đống, bỏ vào thùng rác công cộng. Vừa làm chúng tôi vừa chuyện trò rôm rã. Chỉ hơn một tiếng đồng hồ sau, con đường Trâm Bầu đi qua khu phố tôi sạch bóng. Các cô các chú đi ngang qua, ai cũng buông một lời khen: “Tụi nhỏ khu phố mình ngoan thật!” Đứa nào đứa mấy nhìn nhau mỉm cười. Anh Thành học trên tôi một lớp tập trung chúng tôi lại nói: “Từ đây trở đi, đúng vào sáng chủ nhật hàng tuần, mời các bạn tập trung ở đầu ngõ với dụng cụ lao động mà các bạn có hôm nay, chúng ta làm vệ sinh đường phố của mình như hôm nay”

Chuyện làm “sạch nhà đẹp phố” của chúng tôi là thế đấy.Chuyện cũng đơn giản thôi nhưng lại khiến tôi nhớ mãi. Khi được góp một phần công sức bé nhỏ làm việc có ích cho xã hội trong lòng cảm thấy sung sướng, lâng lâng đến kì lạ.

Bài viết gợi ý: