Tham luận Giải pháp nâng cao chất lượng đầu mạnh và tăng số điểm TB, Khá
GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐẦU MẠNH
VÀ TĂNG SỐ ĐIỂM TRUNG BÌNH, KHÁ
So sánh đề thi tham khảo THPTQG năm 2018 với đề thi THPTQG (chính thức) năm 2017
Giữ nguyên
– Thời gian làm bài: 120 phút
– Cấu trúc đề và điểm thành phần:
+ Phần đọc hiểu (3,0 điểm): 01 ngữ liệu, 04 câu hỏi.
+ Phần làm văn (7,0 điểm):
/ Câu 1 (2,0 điểm): nghị luận xã hội (01 đoạn văn khoảng 200 chữ, nội dung kết nối với phần đọc hiểu)
/ Câu 2 (5,0 điểm): nghị luận văn học.
– Có tính phân loại…
Đổi mới. Sự thay đổi quan trọng nhất là ở câu nghị luận văn học:
– Phạm vi kiến thức: có kiến thức Ngữ văn lớp 11.
– Mức độ yêu cầu: 02 mức độ yêu cầu rõ rệt:
+ Mức 01: cơ bản
+ Mức 02: nâng cao để phân loại rõ hơn. Từ lớp 12 liên hệ với lớp 11 để nhận xét về một vấn đề nào đó.
Giải pháp nâng cao chất lượng đầu mạnh và tăng số điểm TB, Khá
II.1. Giải pháp nâng cao chất lượng đầu mạnh
Sự cần thiết phải nâng cao chất lượng đầu mạnh
Nâng cao chất lượng đầu mạnh để đáp ứng được nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngữ văn
Muốn nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngữ văn phải nâng cao chất lượng toàn diện nghĩa là bao gồm nhiều mặt, nhiều khâu… trong đó có nâng cao chất lượng đầu mạnh. Định hướng chung, cái đích của đổi mới phương pháp dạy học hiện nay là phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong quá trình lĩnh hội kiến thức, rèn luyện về tư duy, tình cảm, tâm hồn…Tính tích cực, chủ động, sáng tạo chủ yếu lại tập trung ở đầu mạnh. Điều đó đồng nghĩa với việc khi nâng cao chất lượng đầu mạnh là ta đang thực hiện mục tiêu giáo dục đầy khó khăn này…
Nâng cao chất lượng đầu mạnh để đáp ứng được yêu cầu thực tế tuyển chọn
Kì thi THPTQG năm học trước và năm học này là kì thi hai trong một. Điểm số của học sinh sẽ được dùng để xét tuyển vào các trường Đại học – Cao đẳng trong cả nước. Điểm số càng cao cơ hội vào trường HS yêu thích càng nhiều. Mà thực tế điểm cao sẽ chỉ tập trung ở đầu mạnh. Và như vậy lẽ hiển nhiên khi nâng cao chất lượng đầu mạnh là chúng ta trao tay cơ hội cho các em học sinh. Cơ hội tạo bước ngoặt của cả cuộc đời…
Giải pháp nâng cao chất lượng đầu mạnh
2.1. Phân loại học sinh
Muốn nâng cao chất lượng đầu mạnh trước hết GV phải phân loại được chính xác HS. Căn cứ để phân loại là việc học trên lớp, các bài kiểm tra, khả năng và tinh thần tự học, chất vốn có… Nếu thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng đầu mạnh đối với HS không phù hợp cả thày và trò đều dở khóc dở cười…
2.2. Giải pháp nâng cao chất lượng đầu mạnh
Để nâng cao chất lượng đầu mạnh GV cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực nhằm nâng cao năng lực đọc hiểu, cảm thụ.. và năng lực viết bài cho HS. Tham luận này chỉ đề cập đến một số giải pháp nâng cao chất lượng đầu mạnh để đáp ứng kịp thời yêu cầu của kỳ thi THPTQG năm 2017 đang đến gần.
2.2.1. Đọc hiểu
Để được điểm TB ở phần đọc hiểu hầu như với đa số HS là không khó nhưng được điểm gần tối đa hoặc tối đa lại không dễ (Từ 2,5 điểm → 3,0 điểm). Và lẽ dĩ nhiên chỉ HS Khá, Giỏi mới chạm tới được. Muốn chinh phục được ngưỡng điểm ấy, HS cần phải được trang bị từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng nghĩa là từ bước lĩnh hội kiến thức đến tạo ra sản phẩm.
Trang bị, ôn luyện những kiến thức đọc hiểu cho HS.
Khi trang bị, ôn luyện những kiến thức đọc hiểu cho HS, GV cần đặc biệt chú ý hướng dẫn cách để HS nhận diện, tìm ý từ đó trả lời trúng ý, đủ ý và sâu sắc.
– VD 1: Để nêu đầy đủ nội dung của đoạn trích HS cần phải trả lời được ít nhất 02 câu hỏi sau:
+ Đoạn trích viết về cái gì, vấn đề gì? Nó được hiện lên như thế nào?
+ Cái nhìn, quan điểm, thái độ, tình cảm của người viết ?
– VD 2: Có nhiều cách đặt nhan đề cho đoạn trích. GV nêu các cách để HS biết và vận dụng đặt nhan đề cho thật trúng: đặt theo nội dung tư tưởng, theo hình ảnh chính hay theo từ khóa…
– VD 3: Để tránh tình trạng không rõ ràng, thiếu ý khi phân tích biện pháp tu từ nghệ thuật, GV định hướng cho HS nắm được các bước làm và cách tìm ý:
+ Chỉ rõ biện pháp tu từ.
+ Phân tích tác dụng, ý nghĩa: Các biện pháp tu từ thường có 02 tác dụng, ý nghĩa chính: diễn tả điều gì và bộc lộ quan điểm, tư tưởng tình cảm của tác giả. Tuy nhiên từng biện pháp lại có ý nghĩa đặc thù nên HS cần phải được trang bị những ý nghĩa đó để viết cho tương đối đầy đủ.
/ Nhân hóa: Làm cho vật trở nên sinh động, có hồn, gần gũi…
/ Phép điệp: Nhấn mạnh, làm nổi bật, gây ấn tượng và tạo nên giọng điệu…
/ So sánh, ẩn dụ: Làm tăng tính hình tượng, truyền cảm cho câu văn, câu thơ…
Rèn kĩ năng đọc hiểu và trả lời
– Bình tĩnh đọc kĩ ngữ liệu và thật kĩ cả 04 câu hỏi trước khi trả lời. Tuyệt nhiên không nên đến đâu biết đến đó hoặc chỉ nhăm nhăm, nhảy cóc tìm câu trả lời. HS cần nắm được chính xác tinh thần của cả đoạn trích và vì đôi khi câu hỏi này sẽ là gợi ý cho câu hỏi khác…
– Gạch chân các từ ngữ quan trọng trong ngữ liệu và trong các câu hỏi.
– Trả lời lần lượt từng câu, không bỏ sót. Câu trả lời phải rõ ràng, ngắn gọn, mạch lạc, hỏi gì đáp nấy, thật trúng ý, đủ ý; những câu hỏi thông hiểu, vận dụng cần phải sâu sắc…
Thời gian làm bài
Nếu theo đúng số điểm, thời gian trả lời 04 câu hỏi này khoảng gần 40 phút. Nhưng thường HS không bao giờ làm tận thời gian. Nhiều hay ít thời gian là tùy thuộc vào từng HS và mức độ khó dễ của đề.
2.2.2. Câu nghị luận xã hội
Dù thời gian làm bài giảm, số điểm giảm nhưng thiết nghĩ các bước làm đối với dạng đề này vẫn nên đảm bảo song bắt buộc phải viết thật gọn, ngắm thẳng hồng tâm. Trên thực tế chúng tôi thường rèn cho HS viết đoạn văn theo các bước chính như sau:
– Xác định kiểu trình bày của đoạn văn. HS nên trình bày theo kiểu diễn dịch hoặc quy nạp.
– Xây dựng đoạn văn:
+ Câu mở đầu đoạn: Tùy vào kiểu trình bày của đoạn văn mà có cách xây dựng câu chủ đề.
+ Các câu thân đoạn: Lần lượt viết theo từng bước:
/ Giải thích từ ngữ quan trọng và nêu nội dung ý kiến.
/ Bình: Sử dụng những lí lẽ và dẫn chứng thực tế thật gọn mà tương đối đủ, sâu để khảng định tính đúng, sai của ý kiến. Muốn vậy GV phải trang bị kĩ năng cho HS.
/ Bàn luận mở rộng. Đôi khi bước này chỉ cần 1-2 dòng nhưng là chỗ đắt để phân loại HS bởi thường chỉ HS Khá, Giỏi mới có thể bàn thêm cho sâu sắc, toàn vẹn một vấn đề.
/ Bài học nhận thức và hành động. Cần trả lời thẳng, trực tiếp vào câu hỏi: Từ nhận thức sâu sắc về vấn đề HS, thế hệ trẻ cần phải làm gì? Tuy nhiên tránh hô hào, hịch…
+ Câu kết đoạn: Cũng phụ thuộc vào kiểu trình bày của đoạn văn mà có những cách xây dựng câu chủ đề..
2.2.3. Câu nghị luận văn học
Muốn được điểm cao phải có chất văn.. Chất văn trong bài làm của HS lộ rõ nhất ở Phần làm văn. Riêng Phần đọc hiểu có thể phát hiện chủ yếu ở câu trả lời về biện pháp tu từ và viết đoạn văn ngắn… Chất văn trong bài văn NLXH hay NLVH không khác nhau. Bản tham luận chỉ bàn đến việc bồi dưỡng kĩ năng nâng cao chất văn ở câu NLVH.
Thế nào là chất văn?
Nói đến chất văn là nói đến cái hay, cái đẹp. Cái hay, cái đẹp phải biểu hiện ở cả hai mặt hình thức và nội dung. Có như thế mới làm nên cái hay, cái đẹp song hợp. Chất văn ở cả bề nổi và bề sâu:
– Ở nội dung tư tưởng sáng rõ, lí trí sắc sảo, ở nội dung tình cảm, cảm xúc thẩm mỹ mãnh liệt trước một vấn đề xã hội hay một vấn đề văn học, ở tầm hiểu biết sâu rộng.
– Ở tính liên kết, mạch lạc của bài viết.
– Ở lối hành văn lôi cuốn, đầy đam mê, hút hồn người đọc…
Suy cho cùng, chất văn trong bài viết là ở sự sáng tạo của HS. Tạo chất văn cho bài viết của mình là HS đang sáng tạo, sáng tạo cái hay, cái đẹp…
Bồi dưỡng kĩ năng nâng cao chất văn
Trên cơ sở HS đã nắm vững kiến thức cơ bản, biết giải quyết tốt đề bài, biết cách trình bày khoa học, rõ ràng… GV có thể nâng cao chất lượng bài viết cho HS bằng việc hướng dẫn HS viết lời bình lôi cuốn đầy chất văn; viết văn hình ảnh và thực hiện thao tác liên hệ, mở rộng, so sánh, khái quát, nâng cao vấn đề. Điều quan trọng là GV hướng dẫn phương pháp, cách thức thực hiện, dạy các em học cách nâng cao chất văn như thế nào từ những ví dụ minh họa cụ thể.
b.1. Hướng dẫn HS viết lời bình lôi cuốn đầy chất văn
Tác giả cuốn Phương pháp dạy học văn (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội) đã khẳng định: Ai biết bình và bình giỏi, giờ giảng văn sẽ hứng thú, mang màu sắc cảm xúc văn học rõ rệt. Không có một giờ Văn nào thành công mà lại thiếu được lời bình của giáo viên. Như vậy, xây dựng lời bình hay là để tăng chất văn cho giờ học. Và hướng dẫn HS xây dựng lời bình lôi cuốn đầy chất văn là để khơi dậy chất văn trong bài văn NLXH và NLVH.
Làm thế nào để có một lời bình lôi cuốn đầy chất văn? Từ cách bình thơ, bình văn của Xuân Diệu, Hoài Thanh, Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đăng Xuyền, Đỗ Kim Hồi, Chu Văn Sơn…cùng với sự tìm tòi các nhà lí luận dạy học đã rút ra một số cách xây dựng lời bình mà GV hoàn toàn có thể sử dụng và hơn nữa cần hướng dẫn cho HS cách viết lời bình. Khi hướng dẫn cho HS, ở mỗi kiểu lời bình, GV có thể lấy lời bình của Xuân Diệu, Hoài Thanh, Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đăng Xuyền, Đỗ Kim Hồi, Chu Văn Sơn…phân tích cho HS thấy được cái hay, cái đẹp trong lời bình, từ đó HS có thể học tập để xây dựng cho bài viết của mình những lời bình lôi cuốn đầy chất văn. Tham luận này người viết chủ yếu sử dụng lời bình của Đỗ Kim Hồi trong cuốn Giảng văn văn học Việt Nam làm VD minh họa.
* Kiểu lời bình là lời bộc lộ trực tiếp cảm xúc
Muốn viết được kiểu lời bình này HS phải học văn bằng cả trái tim. Văn có lời bình bộc lộ trực tiếp cảm xúc dễ đi vào lòng người nhưng lời viết phải tự nhiên, chân thành, có hồn, xưng hô đúng mực. Đỗ Kim Hồi khi đọc Vợ nhặt của Kim Lân đã bộc lộ: Đọc tác phẩm của Kim Lân, tôi cứ quý mãi cái câu bà cụ nhẹ nhàng nói với nàng dâu mới: “Thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng”…Và tôi cũng cứ thích mãi cái câu mà nhà văn đã tìm được cho bà cụ, nó vừa có cái vẻ dớ dẩn, không đâu vào đâu của người già, lại vừa lột tả đúng cái thần thái của một tấm lòng vị tha cao qúy đang ngượng ngập, vụng về tìm cách giấu dòng nước mắt xót thương vì sợ phiền cho chính người mình thương xót: “Có đèn đấy à? Ừ thắp lên một tí cho sáng sủa…Dầu bây giờ đắt gớm lên mày ạ”. Những câu như thế, tôi nghĩ, nói với ta về lòng nhân từ của những người nghèo khổ còn thấm thía hơn bao nhiêu bài thuyết giảng dài dòng.
* Kiểu lời bình là một lời nhận xét trực tiếp
Lời bộc lộ trực tiếp cảm xúc hay một lời nhận xét trực tiếp là hai kiểu lời bình đứng về phía HS mà nói là dễ viết nhất và trên thực tế HS cũng đã khá quen với kiểu lời bình này. Khi hướng dẫn HS viết kiểu lời bình là một lời nhận xét trực tiếp GV có thể dùng lời bình về tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Đỗ Kim Hồi làm mẫu: Xét về vẻ đẹp văn chương thì nửa Phiềng Sa nhất định phải chịu nửa Hồng Ngài. Chính cái nửa Hồng Ngài này mới thật là nơi tập trung anh hoa của ngòi bút Tô Hoài về Tây Bắc. Không chỉ vì nó đem lại hương sắc lạ về cảnh trí con người. Những trang viết về Hồng Ngài đẹp còn vì, và chủ yếu bởi vì nó kết đọng một tình cảm nhân đạo đậm đà, một khả năng phân tích tinh tế những diễn biến đầy mâu thuẫn của nội tâm; và bao trùm lên tất cả chính là điều mà sau này Tô Hoài cảm thấy: một chất thơ vời vợi bay lên từ cảnh vật và nhân vật của nơi rừng núi tuyệt vời thơ mộng ấy.
* Kiểu lời bình đưa yếu tố tự sự, tâm tình vào
Đây là một kiểu lời bình tương đối khó đối với HS. Chọn yếu tố tự sự, tâm tình nào là cả một vấn đề. Yêu cầu đặt ra là một lời tâm sự, một câu chuyện tưởng là chủ quan nhưng lại phải có tác dụng khêu gợi sâu xa. Đỗ Kim Hồi đã sử dụng kiểu lời bình này khi bình về văn Nguyễn Thi: Đã có một lần nào, tôi thử điểm lại trong trí nhớ của mình tên những tác phẩm chính của Nguyễn Thi: Người mẹ cầm súng, Mẹ vắng nhà, Những đứa con trong gia đình, Những sự tích ở đất thép, Ước mơ của đất, Chuyện xóm tôi, Ở xã Trung Nghĩa… Để rồi sực nghĩ ra rằng: hình như làm nên một Nguyễn Thi trong nền văn học của chúng ta không phải là cảm hứng về những gì lạ lẫm, xa vời, bay bổng, mà là Mẹ, là Đất, là Quê hương làng xóm, những cái gắn bó ruột rà, thân thiết với đời sống thuần hậu và còn rất nhiều cực khổ của con người.
* Kiểu lời bình: Bình trên lời bình
VD: Sau khi tiến hành các thao tác hướng dẫn HS tìm hiểu đoạn trích bài thơ Việt Bắc …GV có thể chốt lại bằng kiểu lời bình này: Nhà thơ Chế Lan Viên hoàn toàn có lí khi quả quyết rằng: Thơ Tố Hữu là thơ cách mạng chứ không phải là thơ tình yêu… nhưng thơ anh là thơ của một tình nhân. Anh nói các vấn đề bằng trái tim của một người say đắm.
* Kiểu lời bình theo con đường liên hệ, mở rộng, so sánh, đối chiếu.
Muốn viết kiểu lời bình này HS phải có vốn. Dùng vốn và tư duy so sánh để nâng bài viết. Trên thực tế các nhà phê bình thường hay sử dụng cách thức bình này. Thày Chu Văn Sơn đã so sánh ba đỉnh cao thơ mới: Trong các nhà thơ mới, Xuân Diệu thì mới nhất, còn Nguyễn Bính quen nhất, trong khi Hàn Mặc Tử lại lạ nhất. Về sắc điệu trữ tình, một người là thi sĩ của tình yêu, một là thi sĩ của thương yêu, còn người kia là thi sĩ của đau thương…
Trên thực tế, sự phân loại kiểu lời bình chỉ mang tính tương đối. Ngoài các kiểu lời bình trên, GV có thể hướng dẫn HS làm quen với một số kiểu lời bình khác để bài viết thêm chất văn…Bình là một công việc khó khăn, tế nhị như đánh đàn đệm cho người ta hát. Với HS, hứng thú, vốn, khả năng…là những điều kiện cần. Nếu HS làm tốt thao tác này bài viết sẽ có chất!
b.2. Hướng dẫn HS viết văn có hình ảnh
GV hướng dẫn HS sử dụng linh hoạt các kiểu câu; phong phú, chính xác, tinh tế, độc đáo về ngôn ngữ; viết lời dẫn, lời chuyển ý sao cho khéo léo, uyển chuyển, mượt mà…và viết văn có hình ảnh để nâng cao chất văn cho bài viết
– Viết văn có hình ảnh vừa làm nổi bật ý cần nói, vừa làm tăng tính thuyết phục cho bài, vừa tạo được chất văn.
– Tạo cách diễn đạt hình ảnh, người ta hay sử dụng biện pháp so sánh, ẩn dụ…
+ VD 1: Khi hướng dẫn HS tìm hiểu về sức sống trỗi dậy ở Mị, để giúp HS cảm nhận được sức sống càng lúc càng mạnh mẽ và để tăng tính hình ảnh cho lời văn, GV yêu cầu HS tìm hình ảnh có thể đem ra dùng để so sánh. So sánh như sau sẽ tạo chất văn: Sức sống trỗi dậy mạnh mẽ ở Mị tựa như những đợt sóng ào ạt, đợt sau mạnh mẽ hơn đợt trước. Từ những cảm xúc, suy nghĩ, ý muốn đi đến những hành động. Hành động này thúc đẩy hành động khác như một phản ứng dây chuyền.
+ VD 2: Khi tìm hiểu hình ảnh Tnú bị giặc đốt mười đầu ngón tay ta có thể sử dụng hình ảnh ẩn dụ, ẩn dụ kết hợp với so sánh: Âm mưu thâm độc của kẻ thù chỉ có thể làm Tnú đau đớn về thể xác chứ không đốt cháy được chất vàng mười trong người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi này. Chất vàng mười càng sáng hơn giống như vàng đã qua thử lửa.
+ VD 3: HS có thể tham khảo, học tập cách ví von của nhiều tác giả câu nói khi làm NLXH:
/ Lão Tử: Cây lớn một ôm khởi sinh từ một cái mầm nhỏ, đài cao chín tầng khởi đầu từ một sọt đất, đi xa ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân.
/ Max Winston Stone: Cây trái chỉ chín, quả hạt chỉ mẩy tròn khi được hấp thụ đủ cái lạnh của sương giá. Cuộc sống cũng vậy, chỉ tươi đẹp và đầy ý nghĩa khi đã nếm trải những nỗi buồn đau.
/ Alexander Graham Bell: Khi một cánh cửa khép lại, sẽ có một cánh cửa khác mở ra. Nhưng chúng ta lại thường tiếc nuối ngoái nhìn lại cánh cửa đã đóng mà không nhận ra rằng cánh cửa đang mở kia là để chào đón mình.
b.3. Hướng dẫn HS thực hiện tốt thao tác liên hệ, mở rộng, so sánh, khái quát, nâng cao vấn đề
* Điều kiện để HS thực hiện: được trang bị kiến thức Ngữ văn 11 và 12, cách tư duy so sánh, khái quát, nhận xét vấn đề…
* Phạm vi:
– Liên hệ, mở rộng, so sánh: Rất rộng, phong phú, linh hoạt.
+ Liên hệ, mở rộng, so sánh với sáng tác của cùng tác giả.
+ Liên hệ, mở rộng, so sánh với sáng tác của các tác giả khác, tác phẩm đã học trong chương trình Ngữ văn 11 và 12 hoặc tác phẩm mới có cùng một đề tài…Liên hệ, mở rộng, so sánh có thể để thấy điểm tương đồng hoặc điểm khác biệt từ đó làm nổi bật vấn đề cần nghị luận.
– Khái quát, nâng cao vấn đề: Có thể khái quát, nâng cao vấn đề từ liên hệ, mở rộng, so sánh. Khái quát, nâng cao thường nên đáp vào:
+ Tư tưởng, tình cảm và tài năng của tác giả.
+ Một vấn đề lí luận văn học…
Các thao tác này cần vận dụng linh hoạt, vừa phải, không qua nhiều, không cứng nhắc, máy móc, đúng yêu cầu của đề… Tác phẩm nào cũng có thể thực hiện thao tác này.
* Một số VD cụ thể:
– Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài: Liên hệ, mở rộng, so sánh hành động Mị chạy ra ngoài trời trong đêm tối với hành động của chị Dậu trong Tắt đèn: Buông tay, chị vội choàng dậy, mở cửa chạy té ra sân. Trời tối như mực và như cái tiền đồ của chị. Mục đích so sánh chủ yếu là để thấy được sự khác biệt, từ đó phải chỉ ra đây là sự khác biệt trong hướng vận động, phát triển và kết thúc của Văn học trước Cách mạng tháng Tám và sau Cách mạng tháng Tám.
+ Giống nhau: Cùng chạy ra ngoài trời trong đêm tối, cùng là những hành động diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt…
+ Khác nhau: Mị chạy ra ngoài trời trong đêm tối để thoát khỏi bóng tối đến với ánh sáng, thoát khỏi đêm đen nô lệ đến với ánh sáng tự do, thoát khỏi thung lũng đau thương đến với cánh đồng vui… Còn cái tiền đồ của chị Dậu vẫn tối đen như mực, cuộc sống vẫn bế tắc…
– Vợ nhặt của Kim Lân và Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu: Khi hướng dẫn HS tìm hiểu vẻ đẹp tâm hồn của các nhân vật: bà cụ Tứ, người đàn bà hàng chài…để nâng tầm bài viết GV có thể hướng dẫn HS luyện thao tác khái quát, nâng cao vấn đề về công việc, thiên chức, sứ mệnh cao quý của nhà văn và hành trình sáng tác của văn học như Thạch Lam và Nguyễn Minh Châu đã nói:
+ Thạch Lam trong Theo dòng đã từng bộc bạch quan niệm của mình: Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phải hiểu cái đẹp ở chính chỗ mà không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức.
+ Nguyễn Minh Châu quan niệm: hành trình sáng tác của nhà văn là hành trình kiếm tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người…
– Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành: Khi nói đến bản lĩnh kiên cường, hiên ngang, bất khuất ở Tnú ngay cả khi bị giặc đốt mười đầu ngón tay HS có thể liên hệ với hình ảnh những người anh hùng trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc và không thể không dẫn những câu thơ rất hay của Tỗ Hữu trong bài Việt Nam máu và hoa nói về vẻ đẹp con người Việt Nam:
Chúng muốn đốt ta thành tro bụi
Ta hóa vàng nhân phẩm lương tâm
Chúng muốn ta bán mình ô nhục
Ta làm sen thơm ngát giữa đầm…
Hoặc khi nói đến sự tiếp nối của các thế hệ người dân Tây Nguyên ta nhớ đến ý thơ trong Bài thơ trên báng súng của Hoàng Trung Thông:
Ta lại viết bài thơ trên báng súng
Con lớn lên đang viết tiếp thay cha
Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống
Người hôm nay viết tiếp người hôm qua…
– Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi: Rất cần phải khái quát, nâng cao vấn đề khi tìm hiểu hai nhân vật Chiến, Việt là những đứa con giàu tình yêu thương và cảnh hai chị em khiêng bàn thờ má sang gửi nhà chú Năm. Xây dựng hai chị em là những người giàu tình cảm, tình yêu thương và cảnh hai chị em trước khi lên đường đi đánh giặc đã khiêng bàn thờ má sang gửi nhà chú Năm Nguyễn Thi muốn đối thoại, lên tiếng đính chính cần thiết về bản chất của những người cách mạng Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ do sự tuyên truyền xuyên tạc của kẻ thù, nhiều người nhất là đồng bào vùng tạm bị chiếm miền Nam hiểu nhầm bản chất của những người cách mạng. Họ nghĩ rằng người cách mạng cộng sản khi đã say mê lý tưởng, say mùi hương chân lý thì quên hết gia đình, cha mẹ, chỉ biết cháy bỏng căm thù. Qua những nhân vật và cảnh có khả năng truyền cảm mạnh mẽ này Nguyễn Thi cho thấy người cách mạng Việt Nam không chỉ cháy bỏng căm thù mà còn trĩu nặng yêu thương…-
– Các tác phẩm và vấn đề có thể liên hệ: Tuyên ngôn Độc lập – Chiều tối, Ai đã đặt tên cho dòng sông? – Đây thôn Vĩ Dạ, Chiếc thuyền ngoài xa – Chữ người tử tù….
II.2. Giải pháp tăng số điểm TB, Khá
Phần đọc hiểu: thường xuyên luyện đề để củng cố kiến thức và rèn kĩ năng. Có thể yêu cầu HS tự tìm thêm đề để luyện.
Phần làm văn
– Câu NLXH: hướng dẫn HS nắm vững các bước làm đối với từng dạng đề, tìm một số tư liệu về những vấn đề xã hội, luyện kĩ năng lập dàn ý và viết đoạn.
– Câu NLVH:
+ Chú trọng hơn về việc trần kiến thức cơ bản lớp 12
+ Thực hiện phương châm mưa dầm thấm lâu, cày đi xới lại … để HS nắm được những kiến thức cơ bản nhất…
Trên đây chỉ là một số ý kiến nhỏ bàn về Giải pháp nâng cao chất lượng đầu mạnh và tăng số điểm TB, Khá. Người viết chân thành mong muốn được lắng nghe những ý kiến đóng góp, chia sẻ từ các thày giáo, cô giáo để chúng ta có thể cùng nhau thực hiện tốt những nhiệm vụ của giáo dục!
TỔ NGỮ VĂN
| SINH HOẠT CHUYÊN MÔN CỤM 2017-2018, LẦN 2, MÔN NGỮ VĂN (NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ÔN THI THPT QUỐC GIA NĂM 2018) |