Tập làm văn lớp 5: Tả một người thân (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị) của em.
Bài làm
“Bà ơi bà, cháu yêu bà lắm!”
Em thích nhất là câu hát này trong bài hát “Cháu yêu bà”.
Bà em là một người phụ nữ tần tảo, đầy nghị lực. Bà luôn phải chống chọi với căn bệnh cao huyết áp, thế mà chẳng bao giờ em thấy bà chịu nghỉ ngơi. Bà làm việc luôn chân luôn tay. Từ lúc trời còn tờ mờ sáng, bà đã thức dậy để giặt quần áo. Còn mùa đông, bà dậy sớm đun nước để khi cả nhà thức dậy đã có ngay nước ấm đánh răng, rửa mặt.
Dáng người cùa bà em hơi thấp, bà thường bước đi một cách nhẹ nhàng, chậm rãi. Bà luôn nhìn em bằng ánh mắt trìu mến, đầy tình thương yêu. Tóc của bà bạc đi rất nhiều. Em thường hay nhổ tóc sâu cho bà. Vuốt nhẹ mái tóc bạc trắng cùa bà, em càng cảm nhận rõ những vất vả, nhọc nhằn mà bà đã phải chịu. Trên khuôn mặt bà đã có nhiều nếp nhăn lắm rồi nhưng bà vẫn có những nét đẹp của thời con gái. Đó là khuôn mặt trái xoan, sống mũi cao và miệng cười rất hiền từ. Em nghe mọi người kể hồi còn trẻ bà đẹp nhất làng. Bà thích ăn trầu. Lúc nhai trầu, môi bà đỏ tươi như là thoa son vậy.
Tối thứ bảy, chủ nhật nào em cũng đấm lưng, bóp chân, bóp tay cho bà và em lại được nghe bà kể chuyện cổ tích. Trong thế giới của những câu chuyện cổ tích ấy, có nàng Bạch Tuyết xinh đẹp, bảy chú lùn tốt bụng, dễ thương và cô Tấm dịu hiền... Thế rồi, điều em không mong muốn đã xảy ra, bà em bị ốm nặng. Hôm ấy, mẹ cho em vào nằm với bà một lúc. Em chườm khăn cho bà. Nghe tiếng bà ho mà em rơm rớm nước mắt. Em thấy thương bà quá. Nếu lúc này có một điều ước, em sẽ ước bà chóng khỏe để em được sà vào lòng bà, nghe bà kể chuyện cổ tích.
Em rất yêu qúy, kính trọng bà bởi em luôn hiểu: tình thương yêu bà dành cho em là vô tận.
Phạm Thị Ngọc Điệp - Nam Định
Nhận xét của giáo viên:
1. Những ưu điểm cần học tập
Ngọc Điệp mở bài bằng một câu hát quen thuộc “Bà ơi bà, cháu yêu bà lắm" và bạn thể hiện tình cảm ấy trong suốt bài văn miêu tả của mình.
Không đi theo trình tự miêu tả thông thường, bạn bắt đầu tả bà của mình bằng các chi tiết tiêu biểu về hoạt động để làm nổi bật hình ảnh của bà - “một người phụ nữ tần tảo và đầy nghị lực”, luôn sống hết lòng vì người thân. Có lẽ nhờ thế mà hình ảnh người bà cùa bạn đã để lại ấn tượng sâu sắc với người đọc. Tiếp sau đó bạn tả hình dáng bà cùa mình. Với bạn, bà vẫn luôn là người phụ nữ đẹp nhất.
Thành công của bạn trong bài văn là bạn đã tả bà trong mối quan hệ bà cháu gắn bó, thân thương. Nhiều chi tiết khiến chúng ta thực sự xúc động: “Vuốt nhẹ mái tóc bạc trắng của bà, em càng cảm nhận rõ những vất vả, nhọc nhan mà bà đà phải chịu”, “tối thứ bảy, chủ nhật nào em cũng đấm lưng, bóp chân, bóp tay cho bà và em lại được nghe bà kể chuyện cổ tích”, “Nghe tiếng bà ho mà em rơm rớm nước mắt”...
Đọc bài văn, ta thấy Ngọc Điệp không chỉ yêu bà, hiểu bà mà còn biết cảm thông với những vất vả của bà. Do đó, em dã viết được một bài văn chân thật và cảm động.
2. Những hạn chế cần rút kinh nghiệm
- Đôi chỗ bạn còn dùng từ chưa chính xác.
- Phần thân bài viết chưa hết ý, gây hụt hẫng cho người đọc.
Bài luyện tập:
1. Trong bài văn, bạn không chỉ tả bà mà còn thể hiện tình cảm sâu nặng với bà. những chi tiết nào cho em biết diều dó?
2. Bạn Điệp miêu tả bà theo trình tự nào? Em có thể miêu tả theo trình tự nào nữa?
3. Chỉ ra lỗi dùng từ trong các câu văn sau và chữa lại cho đúng:
a. Trên khuôn mặt bà đã có nhiều nếp nhăn nhưng bà vẫn có những nét đẹp của thời con gái.
b. Vuốt nhẹ mái tóc bạc trang của bà, em càng cảm nhận rõ những vất vả, nhọc nhằn mà bà đã phải chịu.
c. Đó là khuôn mặt trái xoan, sống mũi cao và hàm răng đen nhánh thẳng tắp.
4. Em hãy tưởng tượng và viết thêm một sổ câu văn bổ sung vào cuối phần thân bài cho trọn ý.
5. Viết đoạn mở bài hoặc đoạn kết bài cho bài văn trên theo cách của em.
Tham khảo thêm những bài văn tả người thân khác tại đây:
Tả một người thân trong gia đình em
Tả một người thân (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị...) của em