Đề bài: Nói về truyện ngắn Vợ Nhặt, nhà văn Kim Lân tâm sự “ Cái đói hành hạ tất cả mọi người nhưng không át được sức sống đơn sơ trong tâm hồn họ. Đói. Nó vừa cay đắng, vừa đớn đau, đồng thời một mặt nào đó lại lóe lên những tia sáng về đạo đức, danh dự. Truyện ngắn Vợ Nhặt khai thác khía cạnh sau cùng của các bi kịch đó”.
Bằng những hiểu biết về truyện ngắn Vợ Nhặt của nhà văn Kim Lân, hãy giải thích và làm sáng tỏ ý kiến trên.
Bài làm:
Bài viết của bạn Cao Thị Mơ, cộng tác viên của website
Mở bài: Kim Lân là cây bút chuyên viết về nông thôn và đời sống của người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Truyện ngắn Vợ Nhặt được coi là đứa con tinh thần tiêu biểu nhất của nhà văn Kim Lân viết về hiện thực nạn đói năm 1945, đồng thời thể hiện khát vọng, niềm tin bất diệt của người dân lao động. Khi kể về quá trình sáng tác truyện ngắn nhà văn Kim Lân chia sẻ:“Cái đói hành hạ tất cả mọi người . . . khai thác khía cạnh sau cùng của bi kịch đó”.
Truyện ngắn Vợ Nhặt có tiền thân là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” được nhà văn Kim Lân ấp ủ và viết từ trước cách mạng tháng Tám, khi cách mạng nổ ra thì bản thảo đã bị thất lạc và còn dang dở. Thế nhưng cảnh tượng và những con người năm đói luôn hằn sâu trong tâm trí Kim Lân, ngay sau khi hòa bình lập lại ông đã nhớ lại cốt truyện của tiểu thuyết và viết lại thành truyện ngắn Vợ Nhặt. Tác phẩm được in trong tập “Con chó xấu xí” xuất bản năm 1962.
Lời tâm sự của nhà văn Kim Lân vừa là chìa khoá để người đọc hiểu nội dung tác phẩm : đây là truyện ngắn miêu tả nạn đói khủng khiếp năm 1945, vừa khẳng định vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất và danh dự của những người nông dân trong nạn đói. Mặc dù lấy bối cảnh là nạn đói năm 1945 nhưng Kim Lân không nhấn mạnh vào cái nghèo, cái khổ, mà thông qua cái đói, ông ngợi ca vẻ đẹp và sức sống kì diệu của con người.
Cái đói hành hạ tất cả mọi người, nó vừa cay đắng, vừa đớn đau: “Người chết như ngả rạ. Không một buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba, bốn cái thây nằm còng queo bên đường”. Hình ảnh người sống thì có tới hai lần được ví với những bóng ma: “họ đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, nằm ngổn ngang khắp các lều chợ” rồi “dưới những gốc đa, gốc gạo xù xì, bóng những người đói đi lại lặng lẽ như những bóng ma”. Cái đói còn được miêu tả gián tiếp qua hình ảnh “ngã tư xóm chợ về chiều lại càng xơ xác, heo hút”, “hai bên dãy phố úp xúp, tối om, không nhà nào có ánh đèn ánh lửa”. Không khí thì “vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”, mùi đốt đống rấm khét lẹt. Và âm thanh của bức tranh cuộc sống ấy là tiếng khóc hờ và tiếng quạ kêu từng hồi thê thiết. Chỉ bằng vài chi tiết nhỏ dưới ngòi bút của nhà văn Kim Lân đã hiện lên bức tranh xóm ngụ cư ngày đói vừa cay đắng lại vừa đớn đau.
Cái đói hành hạ tất cả mọi người. Cái đói khiến anh Tràng trở nên thô kệch, ủ rũ . Nó khiến thị trở thành người đàn bà chao chát, chỏng lỏn,kém duyên. Khi gặp Tràng lần thứ hai trên tỉnh, thị ở đâu sầm sập chạy tới trách cứ Tràng, khi được Tràng mời ăn thì thị đã “ngồi sà xuống ăn liền một chặp bốn bát bánh đúc chẳng chuyện trò gì” và theo không Tràng về. Cái đói khiến bà cụ Tứ xuất hiện với dáng vẻ tảo tần, húng hắng ho.
Cái đói hành hạ tất cả mọi người nhưng không át được sức sống đơn sơ trong tâm hồn họ. Khác hẳn với nhưng nhà văn cùng thời, khi viết về cái đói họ thường viết về cái thê thảm, cái khốn cùng của con người trong nạn đói nhưng Kim Lân khi viết về đề tài này ông lại khai thác khía cạnh sau cùng của nhưng bi kịch đó. Trên nền hiện thực tăm tối ấy, Kim Lân đã phát hiện và trân trọng phẩm giá con người, ngòi bút nhân đạo của nhà văn đã cho ta thấy sức sống đơn sơ nhưng vô cùng mãnh liệt trong tâm hồn người lao động, làm lóe lên những những tia sáng về đạo đức, danh dự.
Tràng ngỏ ý đưa thị về ở cùng trong cảnh “tối sầm lại vì đói khát”. Tràng “chợn nghĩ” rồi “chậc kệ” đưa thị về ở cùng với vẻ mặt phớn phở, vênh lên tự đắc trong đại nạn đói trước cặp mắt tò mò của dân xóm ngụ cư. Điều này xuất phát từ khao khát hạnh phúc đã có từ lâu trong Tràng , đồng đó cũng là sự đùm bọc, che chở của anh đối với những người đồng cảnh ngộ và những số phận bất hạnh. Điều đó đã thổi một là gió mát vào xóm ngụ cư khiến những khuân mặt hốc hác, u tối của họ rạng rỡ hẳn lên.
Khát khao hạnh phúc đã làm Tràng thay đổi rất nhiều, thay đổi từ cách ăn nói đến suy nghĩ rồi đến hành động. Khi gặp thị trên tỉnh Tràng đã tỏ ra là một anh Tràng cực kì lịch sự và hào phóng: Tràng mời thị “hãy ngồi xuống ăn miếng giầu cái đã”, rồi “đấy, muốn ăn gì thì ăn” , lại còn vỗ vỗ vào túi “rích bố cu”. Khi thưa chuyện với bà cụ Tứ Tràng lại trở thành một người ăn nói cực kì khéo léo và thông minh “Nhà tôi nó về làm bạn với tôi đấy u ạ! Chúng tôi phải duyên, phải kiếp với nhau . . . chẳng qua nó cũng là cái số cả”. Trong buổi sáng ngày hôm sau Tràng trở thành con người hoàn toàn khác, hắn thấy hắn nên người, thấy có bổn phận lo lắng cho vợ và con sau này, hắn muốn làm một việc gì đó để tu sửa lại căn nhà. Tràng đã thực sự thay đổi, thực sự trưởng thành.
Nhân vật thị nhờ cảm nhận được tình cảm của Tràng và bà cụ Tứ mà trở thành người phụ nữ hiền hậu đúng mực, người vợ đảm đang, người con dâu biết cư xử đúng mực. Trên đường theo Tràng về nhà thị cũng rón rén, e thẹn như người dâu mới về nhà chồng: “cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt” rồi “chân nọ bước díu cả vào chân kia”. Khi thấy gia cảnh nhà Tràng cũng dúm dó, xiêu vẹo thị đã “nén một tiếng thở dài” nghĩa là thị chấp nhận, thấu hiểu cảnh ngộ của Tràng để cùng Tràng bắt đầu một cuộc sống mới. Trong buổi sáng ngày hôm sau, thị đã cùng mẹ chồng thức dậy sớm dọn dẹp và chuẩn bị bữa cơm đầu tiên. Dưới bàn tay của thị thì ngôi nhà của Tràng đã mang dáng dấp của một ngôi nhà hạnh phúc. Khi bà cụ Tứ bê lên món “chè khoán ngưng thực chất là “cháo cám”, đón lấy bát “chè khoán” từ tay bà cụ, mắt thị đã “tối lại” nhưng vẫn “điềm nhiên” và miếng cám đắng chát, nghẹn bứ vào trong miệng.
Bà cụ Tứ trước cảnh con mình có được vợ thì “cái mặt bủng beo u ám hàng ngày rạng rỡ hẳn lên”. Người mẹ thương con ấy có tấm lòng thơm thảo, bà không bi lụy mà lạc quan. Khi Tràng bất ngờ đưa thị về ra mắt, trong cảnh đói khát, khó khăn bà không quở trách mà còn đồng ý cho thị và Tràng nên vợ nên chồng trong sự hài lòng, mãn nguyện. Bà không hề có sự rẻ khinh, coi thường đối với thị, ngược lại bà còn đề cao thị, điều đó xuất phát từ tình thương, sự thấu hiểu những người đồng cảnh ngộ.Trong bữa cơm ngày đói thảm hại bà cụ kể toàn những chuyện vui, những chuyện làm ăn sung sướng về sau khiến không khí bữa cơm rất vui vẻ. Bà bê món “chè khoán” nhưng thực chất là cháo cám lên vừa múc cho các con ăn, vừa cười vừa khen ngon đáo để đã khiến cho thị dù “tối mắt lại” nhưng vẫn điềm nhiên và vào miệng. Khi các con bà bắt đầu bước đi trên con đường đời mới, bà đã động viên, an ủi, gieo vào đầu các con niềm tin, ánh nhìn lạc quan vào một tương lai tươi sáng.
Kết thúc tác phẩm là hình ảnh đám người đói đi trên đê Sộp, phía trước có lá cờ đỏ sao vàng. Kim Lân cho ta hình dung ngay sau đó Tràng sẽ đến với cách mạng, sẽ tham gia vào đoàn người đói đi phá kho thóc Nhật chia cho dân nghèo. Đến với cách mạng không chỉ là con đường cho Tràng, thị hay bà cụ Tứ mà đó còn là lối thoát chung cho những người nông dân khốn khó trước cách mạng.
Đói nghèo có thể đe doạ sự sống của người dân lao động nhưng không thể dập tắt tình người, niềm tin vào cuộc sống của họ. Rõ ràng ngay trên bờ vực của cái đói nghèo, của cái chết, người lao động vẫn vui sống, vẫn yêu thương đùm bọc nhau hướng về sự sống, vẫn lạc quan, tin tưởng vào tương lai.
Từ giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm, nhà văn đã thể hiện được quan điểm, tư tưởng của mình về khát vọng và số phận của người nông dân Việt Nam.
Xem thêm :
Những bài văn hay về Vợ nhặt Ngữ văn 12
Tuyển tập đề thi về các tác phẩm lớp 12