Đề bài: Phân tích bài Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa
Bài làm
I - NHỮNG KIẾN THỨC BỔ TRỢ
1. Tri thức về thể loại
Trong khung phân loại các thể loại văn học dân gian, hầu hết các thể loại thuộc phương thức tự sự, chỉ có ca dao là thể loại thuộc phương thức trữ tình. Chức năng cơ bản của thơ ca trữ tình dân gian là biểu đạt một cách trực tiếp những tư tưởng, tình cảm của con người. Đó chính là ưu thế nổi bật nhất của thơ ca trữ tình. Thơ ca dân gian là nơi biểu hiện tập trung nhất tâm hồn dân tộc. Thơ ca trữ tình dân gian của các dân tộc trên thế giới đều là cội nguồn sáng tạo của thơ ca trữ tình sau này. Hê-ghen, nhà triết học lớn của Đức đã nói : "Thơ ca dân gian họp thành một trong những dòng chính của thơ trữ tình".
Nhà thơ Xuân Diệu có nhiều nhận xét rất hay và chính xác về ca dao dân tộc : “Những câu ca dao từ Nam chí Bắc như có đất, có nước, như có cát, có biển, như có mồ hôi người, chúng ta sẽ cảm thấy dần dần tụ lại nơi khoé mắt một giọt ướt sáng ngời. Đó là một giọt tinh tuý chắt ra từ ruột của non sông". Hay : "Thơ ca cổ điển có cái hay của thơ ca cổ điển, nhưng trong thơ ca cổ điển dễ gì có được cái chất tâm hồn người mới cày xới lên, còn tươi rói, bốc hơi, chảy máu". Để hiểu được thơ ca dân gian, phải chú ý đến bản chất trữ tình được bộc lộ một cách trực tiếp như thế nào và điều gì đã khiến thơ ca có thể đi vào trái tim hàng triệu con người trải qua hàng bao thế hệ.
2. Một số điểm cần lưu ý
a) Đặc điểm diễn xướng và chức năng thể loại
Như đã trình bày, khi phân tích ca dao, yếu tố quan trọng bậc nhất là yếu tố ngôn từ, song không thể không chú ý đặc trưng nguyên họp, biểu hiện ở đặc điểm diễn xướng và chức năng thực hành - sinh hoạt của ca dao. Nhân dân ta xưa không sáng tác ca dao để in hay đọc mà sáng tác ca dao để hát hò trong lao động, trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng như lễ hội hay trong các cuộc vui chơi tự do. Do vậy cần phải chú ý đến ba yếu tố gắn bó chặt chẽ trong đặc trưng nguyên hợp, đó là lời hát, lối hát, điệu hát.
- Lời hát : Chính là yếu tố ngôn từ, là chất liệu quan trọng nhất tạo ra ý nghĩa đích thực của tác phẩm.
- Lối hát : Tức là hình thức sinh hoạt, phương thức diễn xướng của ca dao. Ca dao có hai hình thức diễn xướng cơ bản là hát cuộc và hát lẻ, hát trong lễ hội và hát trong sinh hoạt đời thường, hát trơn và hát có nhạc khí kèm theo.
- Điệu hát : Tức là làn điệu của lòi hát, yếu tố âm thanh, những tiếng đệm, đưa hơi, luyến láy để tạo thành nét âm nhạc và những nét âm nhạc đặc thù như dân ca Quan họ, hát Xoan Ghẹo Phú Thọ hay Lí Nam Bộ.
Hoàn cảnh diễn xướng và chức năng sinh hoạt có mối quan hệ chặt chẽ và ảnh hưởng nhất định đến các yếu tố thi pháp của ngôn từ như thể thơ, cấu trúc, cách biểu đạt. Vì thế không thể nghiên cứu ngôn từ một cách biệt lập mà tuỳ từng trường họp, phải chú ý đến những yếu tố ngoài văn bản nhưng lại có tác động chi phối quan trọng đến nội dung, ý nghĩa và tính thẩm mĩ của tác phẩm. Ví dụ khi tìm hiểu nhũng bài hát ru, không thể tách lời hát ra khỏi chức năng diễn xướng của tác phẩm, không thể giảng tác phẩm giống như chức năng của các bài hát giao duyên, như các bài ca nghi lễ vì mỗi tiểu loại bài ca đảm nhiệm những chức năng riêng và chức năng ấy sẽ chi phối đến cấu trúc, thể thơ, thế giới nghệ thuật của tác phẩm.
Đặc điểm diễn xướng như tính chất đối đáp, trò chuyện trong lao động, trong các cuộc hát thử tài, chọn giọng yêu cầu người hát vừa phải có lưng vốn ca dao phong phú, dồi dào vừa phải có tài ứng đáp, sáng tạo khiến cho trong ca dao có sự tồn tại của hàng loạt các công thức truyền thống : các công thức truyền thống mở đầu bài ca, công thức miêu tả thiên nhiên, công thức miêu tả con người,... Ca dao là sáng tác tập thể, truyền miệng, được nhân dân sáng tạo, chọn lựa và nuôi dưỡng nên nó mang tính thẩm mĩ cộng đồng sâu sắc.
b) Kết cấu của ca dao
Kết cấu ca dao thường ngắn gọn, cô đọng, mang tính chất đối đáp, trò chuyện. Kết cấu đối đáp hai vế như kiểu “Bây giờ mận mới hỏi đào...”, “Anh đến tìm hoa thì hoa đã nở...”,... chiếm một số lượng không lớn như kết cấu đối đáp một vê nhưng lại là dạng kết cấu đặc trưng của ca dao. Còn đa số ca dao tồn tại ở dạng một vế nhưng vẫn in rõ dấu ấn lối trò chuyện, đối đáp của nhân dân lao động:
Hỡi cô tát nước bên đàng,
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi.
Như trên đã trình bày, ở ca dao tồn tại một số kết cấu theo công thức truyền thống "Thân em như...", "Chiều chiều...", "Ngó lên...", "Người về...",... Khi tìm hiểu ca dao cần đặt chúng trong hệ thống lối nói, lối nghĩ, lối thể hiện để bài ca âm vang trong hệ thống. Nếu như hệ thống của truyện kể là các típ, môtíp thì hệ thống trong ca dao là các công thức mở đầu hoặc truyền thống tả cảnh, tả người. Văn học dân gian không mang tính cá thể hoá mà nặng về khái quát hoá nên sự tồn tại của các công thức truyền thống là điều dễ hiểu. Tìm hiểu ca dao trong hệ thống đó là tìm được mạch nguồn chung, tìm được tính thống nhất của chủ đề, của cảm hứng trữ tình song lại rất đa dạng, phong phú trong cách diễn tả. Ví dụ, cùng là tiếng hát than thân hoặc tiếng hát nghĩa tình, cùng mở đầu bàng "Thận em..." hay "Nhớ ai..." mà có bao nhiêu hình ảnh khác nhau : "giếng giữa đàng", "miếng cau khô", "tấm lụa đào",...
Ca dao có một số dạng kết cấu phổ biến như kết cấu tưong đồng:
Cây khô chưa dễ mọc chồi,
Bác mẹ chưa dễ ở đời với ta.
Non xanh bao tuổi mà già,
Bởi vì sưong tuyết hoá ra bạc đầu.
Có kết cấu đối lập :
Chồng ta áo rách ta thưong,
Chồng người áo gấm xông hương mặc người.
Có kết cấu tầng bậc, đi từ xa đến gần, đặc biệt phù hợp với lối nói bóng gió của ca dao giao duyên : "Anh đến tìm hoa thì hoa đã nở,...", "Hôm qua tát nước đầu đình...",...
c) Một số biện pháp nghệ thuật trong việc xây dựng hình ảnh
- Biện pháp so sánh được sử dụng nhiều trong ca dao, tạo nên hai vế, cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Biện pháp so sánh tu từ giúp cho việc nhận thức đặc điểm các sự vật, hiện tượng, khắc hoạ một cách cụ thể các trạng thái tình cảm trừu tượng, khó đong đếm, khó diễn đạt như các trạng thái nhớ, thương yêu, giận hờn, trách móc :
+ Nhớ ai bổi hổi bồi hồi,
Như đứng đống lửa, như ngồi đống than.
+ Thân em như giếng giữa đàng,
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.
+ Tình anh như nước dâng cao,
Tình em như dải lụa đào tẩm hương.
- Ẩn dụ nghệ thuật là sự so sánh ngầm dựa trên những nét tương đồng giữa các sự vật nhưng khác với biện pháp so sánh trực tiếp, cái được so sánh ở ẩn dụ ẩn kín đi, chỉ còn xuất hiện cái so sánh nên cách nói này tạo nên các trường nghĩa khác nhau, có nghĩa đen, nghĩa bóng và nghĩa bóng lại tiếp tục phái sinh trong các trường hợp ứng dụng cụ thể. Nếu như so sánh trực tiếp là sự cụ thể hoá đặc điểm các sự vật thì ẩn dụ lại có xu hướng khái quát hoá, mở rộng liên tưởng cho người tiếp nhận. Ca dao là thể loại thuộc phương thức trữ tình nên giá trị biểu cảm và giá trị thẩm mĩ của so sánh và ẩn dụ rất lớn. Có thể nói, những bài ca dao hay nhất trong kho tàng ca dao Việt Nam đã sử dụng thành công phép ẩn dụ nghệ thuật. Nếu như phép so sánh được sử dụng nhiều trong việc biểu đạt các trạng thái tình cảm có sắc thái điển hình rõ nét như nhớ thương, yêu đưong giữa vợ chồng, trai gái ít ra đã có lời ước hẹn thì ẩn dụ giúp con người biểu đạt những trạng thái tình cảm không dễ bày tỏ, không mấy rõ ràng. Đó là những lời trách móc, giận hờn, những tình yêu đon phương, lỡ dở, trái ngang:
Tằm ơi say đắm nơi đâu,
Mà tằm bỏ nghĩa nương dâu chẳng nhìn.
Đã mang lấy cái thân tằm,
Không vương tơ nữa cũng nằm trong tơ.
- Biểu tượng : Ẩn dụ nghệ thuật được sử dụng lặp đi lặp lại, trở nên quen thuộc trong tín hiệu thẩm mĩ cộng đồng, mang tính kí hiệu, được gọi là các biểu tượng nghệ thuật. Biểu tượng nghệ thuật mang đặc điểm dân tộc rõ nét vì những vật biểu trưng bên cạnh tính ước lệ lấy từ các điển cố, điển tích trong văn học viết như rồng mây, trúc mai, loan phượng, hệ thống hình ảnh thường được lấy từ cảnh vật, đối tượng quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày của dân tộc như con cò, con bống, cây đa, bến nước,...
Ra đời trong xã hội cũ còn nhiều xót xa, cay đắng, bất công, những bài ca dao trữ tình là những tiếng hát than thân, yêu thương tình nghĩa của người bình dân cất lên sau luỹ tre làng, bên gốc đa, giếng nước, sân đình,... Sáu bài ca dao được phân tích dưới đây đều nói lên điều đó.
II - PHÂN TÍCH TÁC PHẨM
1. Đặc điểm về nội dung
Bài 1, 2:
Ca dao là sản phẩm tinh thần của tập thể nhân dân, là tấm gương phản chiếu tâm hồn người lao động một cách sâu sắc. Tính chất “đồng sáng tạo” đó đã tạo ra trong ca dao nói riêng, trong văn học dân gian nói chung các công thức truyền thống mang tính thẩm mĩ cộng đồng trong sáng tạo nghệ thuật. Khi tìm hiểu ca dao cần đặt bài ca dao đó trong hệ thống công thức nghệ thuật truyền thống để chúng có thể âm vang trong nguồn mạch chung và thể hiện được sắc thái riêng độc đáo. Trong ca dao có niềm vui và nỗi buồn, có tiếng ca nghĩa tình và tiếng hát than thân. Khi nghĩ về thân phận của mình, người nông dân xưa kia thường cất lên tiếng ca chứa chất nỗi buồn tủi, đắng cay. Trong dòng mạch đó nổi lên rõ nhất là tiếng hát than thân về cuộc đời người phụ nữ mà hai bài ca dao mở đầu bằng hai tiếng "Thân em" là minh chứng.
Cuộc đời người phụ nữ xưa kia có rất nhiều nỗi khổ cực, đắng cay. Nỗi khổ về vật chất, phải thức khuya dậy sớm dãi gió, dầm sương :
Thân em như lá đài bi,
Ngày thì dãi nắng, đêm thì dầm sương,
Ngày ngày hai bữa cơm đèn,
Lấy gì má phấn răng đen hỡi chàng.
Nhưng nỗi khổ lớn nhất của họ vẫn là nỗi khổ tinh thần. Xã hội phong kiến xưa kia với những quan niệm bất công như "tam tòng" (ở nhà phải theo cha, lấy chồng phải theo chồng, chồng chết phải theo con) đã gây ra bao nỗi khổ cực cho người phụ nữ trong suốt cả cuộc đời. Họ không có quyền định đoạt hạnh phúc cũng như cuộc đòi mình. Chính vì thế, khi nghĩ về thân phận của mình, người phụ nữ thường cất lên tiếng hát than thân chứa chất nỗi buồn tủi, đắng cay. Nếu thống kê, ta sẽ thấy số bài ca mở đầu bằng cụm từ "Thân em như" chiếm số lượng khá lớn. Nỗi khổ về thân phận bị phụ thuộc ấy được thể hiện rõ nét qua biện pháp nghệ thuật so sánh quen thuộc của ca dao.
Hai bài ca dao mang nét chung trong biện pháp nghệ thuật và nội dung ý nghĩa. Hai bài đều sử dụng cụm từ mở đầu "Thân em như". Sự giống nhau ở cấu trúc mở đầu là đặc điểm của một số bài ca dao tạo nên một hệ thống lối nói khắc sâu,ấn tượng chung về "thân phận" con người.
Hai bài ca dao đều sử dụng biện pháp so sánh trực tiếp. Hai vế so sánh được nối bởi từ "như" tạo nên sự đối chiếu những nét tương đồng giữa hai đối tượng khác loại, giúp người nghe hiểu đặc điểm của sự vật và cảm thông với tâm sự của nhân vật trử tình.
Thân phận con ngựời có ý nghĩa vô cùng lớn lao lại được tác giả dân gian so sánh với những vật, những đối tượng mong manh, nhỏ bé, bị phụ thuộc, chỉ được đánh giá, xem xét ở giá trị sử dụng, bị "đồ vật hoá" :
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
Đây là một trong số ít bài ca mà người phụ nữ thể hiện rõ sự tự ý thức về vẻ đẹp hình thức của mình. Tấm lụa mềm mại, óng ả lại nổi bật về màu sắc. "Tấm lụa đào" là biểu tượng của tuổi thanh xuân tươi đẹp mà người phụ nữ đã ý thức được một cách rõ ràng. Câu thơ thứ nhất nêu lên hình ảnh so sánh một cách khái quát, còn câu thơ thứ hai mang tính chất bổ sung, làm rõ nghĩa cho câu trên. "Tấm lụa đào" là tấm lụa đẹp về hình thức và có giá trị nhưng lại "phất phơ giữa chợ". Chợ là nơi kẻ qua, người lại, nơi người đời mua bán, trao đổi hàng hoá, vật dụng. Người ta có thể bán, có thể mua. "Tấm lụa đào" trở thành đối tượng sở hữu của bất kì người nào có nhu cầu mua bán, nó không có quyền lựa chọn, định đoạt số phận mình. Hình ảnh ẩn dụ và câu hỏi tu từ "biết vào tay ai" chứa đựng biết bao lo lắng về thân phận phụ thuộc, nổi trôi, mong manh của người phụ nữ trong xã hội xưa.
Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen.
Ai ơi, nếm thử mà xem !
Nếm ra, mới biết rằng em ngọt bùi.
Đày là bài ca dao có nét chung với bài ca dao 1 như trên đã phân tích, nhưng lại có sắc thái riêng độc đáo. Nếu ở bài 1, người phụ nữ ý thức được về vẻ đẹp hình thức thì ở bài 2 này, người phụ nữ muốn khẳng định về vẻ đẹp nội dung, phẩm chất bên trong dẫu bề ngoài không tương xứng. Củ ấu gai có vỏ ngoài đen đúa, xấu xí, gai góc nhưng ẩn chứa sau vẻ ngoài xấu xí ấy là ruột ấu trắng thơm, ngọt bùi. Ai đã một lần ăn chắc sẽ nhớ và càng nhớ hơn bài học tự rút ra về cách đánh giá sự vật trong cuộc đời. Bài ca sử dụng phương pháp đối lập ngay trong một dòng thơ (tiểu đối) với các cặp tương phản : trong - ngoài, trắng - đen "Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen". Lời mời mọc, nhắn gửi của người phụ nữ với người đời vừa là sự tự khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của mình song nghe cũng thật tủi hờn, xót xa :
Ai ơi, nếm thử mà xem !
Nếm ra, mới biết rằng em ngọt bùi.
Với người con gái, sự mời mọc tha thiết và tự khẳng định ấy là sự "vạn bất đắc dĩ" bởi vì vẻ đẹp bên trong - giá trị thực của họ chẳng được ai biết đến. Bài ca dao có sự lựa chọn hình ảnh so sánh rất chính xác, vừa cụ thể vừa biểu cảm, chắc chắn đây phải là người phụ nữ lao động gắn bó với ruộng đồng mới có cái nhìn so sánh giản dị, tự nhiên như vậy. Hình ảnh được so sánh đã cụ thể hoá tâm trạng tủi buồn của người phụ nữ. Bài ca có ý nghĩa nhân văn và ý nghĩa ngầm phê phán những ai không coi trọng giá trị đích thực của con người.
Hai bài ca dao trên bổ sung cho nhau, là sự tự khẳng định một vẻ đẹp bên ngoài, một vẻ đẹp bên trong nhưng bao trùm là cảm hứng ngậm ngùi, xót xa về thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa. Đó là giá trị tố cáo và giá trị nhân đạo sâu sắc trong tiếng hát than thân ướt đầm nước mắt của người phụ nữ.
Các bài ca dao có cùng công thức mở đầu gần gũi nhau bởi nét tương đồng trong nội dung, ý nghĩa và cùng sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh. Bên cạnh đó, mỗi bài có nét riêng trong việc lựa chọn đối tượng miêu tả và biểu hiện. Cũng để diễn tả thân phận chìm nổi của người phụ nữ mà có một loạt hình ảnh khác nhau để so sánh khiến biện pháp nghệ thuật và nội dung diễn đạt càng đa dạng, phong phú, tránh được sự đơn điệu, nhàm chán. So sánh là sự khắc hoạ một cách cụ thể, làm sáng rõ hơn những khái niệm trừu tượng : "Thân em" là khái niệm trừu tượng được thể hiện thông qua những hình ảnh giản dị, gần gũi vói cuộc sống con người : "tấm lụa đào", "giếng giữa đàng", "miếng cau khô", "hạt mưa sa",... Những vật thể rất khác nhau ấy được xích lại gần nhau nhờ những nét tương đồng bởi sự lựa chọn của biện pháp so sánh. Điều này giúp việc khắc hoạ sâu hon đặc điểm đối tượng đuợc đem ra so sánh mà vẫn giàu giá trị biểu cảm. Ta có thể thấy nhu có tiếng thở dài cam chịu, giọt nước mắt đắng cay của bao kiếp người phụ nữ xưa kia.
Trong ca dao còn có rất nhiều bài khác cũng sử dụng biện pháp nghệ thuật này để thể hiện nội dung tưong tự. Bởi vì ca dao là sáng tác của nhân dân lao động, được diễn xướng trong lao động, trong hát đối đáp nơi hội hè, đình đám. Từ đời này qua đời khác, ca dao được lưu truyền, khắc hoạ rõ thêm tâm tình người lao động :
- Thân em như cái quả xoài trên cây,
Gió đông gió tây, gió nam gió bắc
Nó đánh lúc la lúc lắc trên cành.
- Thân em như chổi đầu hè
Phòng khi mưa gió đi về chùi chân.
- Thân em như nước giếng trong
Để cho bèo tấm, bèo ong lọt vào.
Thân em như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.
- Chàng ơi phụ thiếp làm chi
Thiếp như com nguội đỡ khi đói lòng.
Tiếp mạch cảm nghĩ chung về thân phận phụ thuộc, mỏng manh, nổi nênh của người phụ nữ trong ca dao, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã khắc hoạ rõ nét hon trong tiếng thơ đầy bản sắc của bà tạo nên một tiếng nói chung, một mạch tiếp nối giữa văn học dân gian và văn học viết :
Thân em vừa trắng lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
Những bài ca dao trên cho ta hiểu hơn về nỗi khổ của cuộc đời người phụ nữ xưa, giúp ta thêm yêu cuộc sống hiện nay. Người phụ nữ hiện đại vẫn giữ những nét dịu dàng, khiêm nhường của người phụ nữ truyền thống nhưng họ
không còn phải cam chịu cuộc sống phụ thuộc mà đã ý thức được về vị thế xã hội của mình, chủ động và xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn :
Một buổi sớm mai trớm bước chân mình trên cát
Người mẹ cho ra đời những Phù Đổng Thiên Vương
Dầu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng
Là bác học hay là ai đi nữa
Cũng là con của người phụ nữ
Người đàn bà rất bình thường không ai biết tuổi tên.
(Xuân Quỳnh)
Bài 3:
Trong ca dao có một số lượng khá lớn những bài ca mở đầu bằng công thức "Trèo lên". Như : "Trèo lên cây bưởi hái hoa...", "Trèo lên cây gạo cao cao...", "Trèo lên trái núi Thiên Thai...",... Các bài ca mở đầu theo kiểu này thường gây nên không ít cách hiểu khác nhau, tạo nên những tranh luận thú vị trong cảm hiểu thơ ca dân tộc. Bài "Trèo lên cây bưởi hái hoa" là một ví dụ, làm tốn không ít giấy mực của các nhà nghiên cứu và độc giả yêu thích thơ ca. Thơ ca tồn tại sâu đậm trong tâm hồn con người phải chăng cũng có phần bởi sự mơ hồ, không dễ giải thích bằng lời ấy:
Trèo lên cây khế nửa ngày,
Ai làm chua xót lòng này, khế ơi!
Hỏi khế rằng ai đã làm chua xót lòng khế thì quả là một câu hỏi tu từ quá đỗi tài tình. Không ít người thấy câu này khó hiểu ! Phải chăng theo kinh nghiệm dân gian, trèo hái khế nói riêng, hái quả nói chung giữa nắng trưa quá mái thì quả sẽ bị chua hơn ? Phương pháp nghệ thuật nổi bật ở hai câu mở đầu này là phương pháp nhân cách hoá. Nhân cách hoá có hai hình thức : một là gọi những vật vô tri vô giác mà trò chuyện, bộc bạch với chúng như với những người bạn ; hai là gửi gắm vào các sự vật vô tri vô giác ấy những hành động, cảm xúc của con người khiến thế giói vật thể vô hồn trở nên sống động, tràn ngập cảm xúc như con người. Hai câu thơ này đã sử dụng tài tình cả hai hình thức ấy. Lựa chọn khế để hỏi vị chua là một sự lựa chọn tài tình bởi trong lòng khế (trừ khế ngọt) chẳng bao giờ hết chứa đựng vị chua. Hai câu đầu nghe sao da diết, xót xa. Lối nói ẩn dụ, kín đáo, bóng bẩy càng làm cho người nghe cảm nhận được nỗi lòng đau đớn khôn nguôi của kẻ phải chịu lỡ dở duyên tình, ở đây ẩn chứa sự tương đồng kín đáo : khế chua - lòng người chua xót. Đại từ phiếm chí “ai" và câu hỏi tu từ "ai làm chua xót" mang ý nghĩa khái quát và mở ra nhiều trường liên tưởng, giống như câu hỏi hờn giận duyên phận trong một bài ca khác "Ai làm cho bướm lìa hoa". Ai có thể là hoàn cảnh khách quan, là xã hội, là người ngoài cuộc, cũng có thể là người trong cuộc tự chia xa. Chỉ biết rằng nhân vật trữ tình (ở đây có thể nghiêng về cách hiểu là chàng trai giống như chàng trai trong bài ca dao "Trèo lên cây bưởi hái hoa") dù duyên tình lỡ dở nhưng vẫn hoài niệm, ngóng vọng, thương nhớ khôn nguôi “người ấy” qua sự bộc bạch nỗi lòng ở nhũng câu tiếp theo :
Mặt trăng sánh với mặt trời,
Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng.
Tác giả đã lựa chọn hàng loạt hình ảnh ẩn dụ mang ý nghĩa biểu trung cho con người, tình người. Các hình ảnh thiên nhiên, vũ trụ biểu tượng của sự vĩnh cữu, tương ứng với nhau đồng thời cũng biểu tượng của sự cách xa vô vọng. Các cặp hình ảnh đối sánh : mặt trang - mặt trời, sao Hôm - sao Mai như em và anh luôn tương xứng dẫu phải xa cách. Hai lần từ "sánh với" được lặp lại và kèm thêm tính từ "chằng chằng" khẳng định dù phải cách xa nhưng hai ta vẫn đẹp đôi vừa lứa. Mặt trời lặn, mặt trăng lên là quy luật tự nhiên bất biến ; sao Hôm và sao Mai vốn chỉ là một, đó là sao Kim (khi mọc vào buổi sáng thì gọi là sao Mai, mọc vào buổi chiều thì gọi là sao Hôm). Lấy hình ảnh thiên nhiên vĩnh cửu, vô cùng vô tận để khẳng định tình yêu son sắt không đổi thay là biện pháp nghệ thuật so sánh có hiệu quả cao. Đó là những vật thể vĩnh cứu, tương xứng trong vũ trụ dẫu đối lập về thời gian xuất hiện nhưng chúng luôn là sự hồi âm, phản chiếu của nhau.
Câu kết trong ca dao giao duyên thường là lúc nỗi lòng được bộc lộ trực tiếp hơn. Dường như nhân vật trữ tình không còn kìm nén lòng mình được nữa :
Mình ơi! Có nhớ ta chăng ?
Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời.
Đại từ nhân xưng mình - ta quen thuộc trong ca dao đã xuất hiện trực tiếp. Nỗi nhớ không kìm nén được đã bật tuôn trào theo lôgíc tình cảm rất tự nhiên. Hỏi người (mình) có nhớ ta chăng và tiếp theo là lời khẳng định tình yêu son sắt của ta dẫu duyên kiếp không thành - “Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời”. Sao Vượt cũng là sao Hôm hay sao Mai. Sao Vượt mọc rất sớm từ lúc chiều hôm. Khi sao Vượt lên đến đỉnh của bầu trời thì trăng mới mọc, vậy mà sao Vượt vẫn "chằng chàng" ngóng đợi trăng lên. Sự chờ đợi, ngóng vọng dẫu cô đon nhưng kiên định biết bao. Bài ca nói về nỗi xót đau lỡ dở duyên phận, nói về sự vô vọng của kẻ thất tình mà sao người nghe vẫn thấy ấm áp tình đời. Sự ấm áp ấy toả ra từ niềm tin yêu vào sự thuỷ chung son sắt của tình yêu lứa đôi, của tình người cao đẹp.
Bài 4:
Bài ca dao diễn tả nỗi nhớ thưong da diết, bồn chồn của một cô gái đang yêu. Trạng thái yêu thương, mong nhớ, giận hờn, nhất là trong tình yêu trai gái là những trạng thái tình cảm trừu tượng nhưng con người luôn mong muốn được giãi bày, chia sẻ. Ca dao có rất nhiều cách diễn tả các trạng thái tình cảm phong phú, tinh tế thảm sâu trong tâm hồn con người. Có nỗi nhớ thương được diễn tả trực tiếp : “Tôi thương người ấy nhiều nhiều - Người ấy thương lại bao nhiêu mặc lòng”. Có nỗi nhớ được so sánh trực tiếp bằng sự cụ thể hoá, vật chất hoá các trạng thái tình cảm vốn ở dạng trừu tượng "Nhớ ai bổi hổi bồi hồi - Như đứng đống lửa, như ngồi đống than”. Bài ca dao Khăn thương nhớ ai này lại có nét riêng, độc đáo trong cách diễn tả. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã nhận xét: “Tôi cho đây là một trong những bài ca dao hay nhất Việt Nam” (tạp chí Văn nghệ, số 1, 1982).
Nét độc đáo của bài ca dao này là lối biểu đạt vừa giản dị, kín đáo vừa tinh tế, sâu sắc. Nghệ thuật nhân cách hoá, việc sử dụng điệp từ, điệp ngữ và sự lựa chọn hàng loạt các biểu tượng khăn, đèn, mắt đã góp phần diễn tả tâm trạng cô gái đang yêu.
Bài ca sử dụng năm lần câu hỏi thì ba lần vang lên điệp khúc hỏi khăn, từ khăn xuất hiện liên tiếp sáu lần ở vị trí mở đầu dòng thơ. Trong ca dao giao duyên, khăn hay được nhắc đến bởi nó là vật thể quen thuộc thường quấn quýt bên người : khi đội đầu, khi chùi nước mắt hoặc là kỉ vật thiêng liêng gợi hình bóng, lưu giữ “hơi hương” của người thương, trai gái trao tặng khăn cho nhau kín đáo gủi gắm lời thề nguyền, ước hẹn:
- Gửi khăn gửi áo gửi lời,
Gửi đôi chàng mạng cho người đàng xa.
- Nhớ khi khăn mở trầu trao,
Miệng thì cười nụ biết bao nhiêu tình.
Ở bài ca dao Khăn thương nhớ ai, biện pháp nhân cách hoá quen thuộc được sử dụng tài tình. Nỗi nhớ thưong của nhân vật trữ tình được gửi gắm kín đáo qua các vật thể quen thuộc, gần gũi với cuộc sống con người. Lựa chọn biểu tượng khăn để gửi gắm nỗi nhớ đã là sự lựa chọn chính xác, song điều đáng chú ý ở đây là sự biểu hiện trạng thái của cái khăn. Khăn không nằm yên một chỗ mà luôn vận động trong các trạng thái đa chiều, đối lập : rơi xuống, vắt lên, chùi nước mắt,... Trạng thái vận động của khăn biểu trưng cho nỗi nhớ thương bồn chồn, khắc khoải, ngồi đứng không yên của nhân vật trữ tình. Nhiều bài ca dao đã diễn tả sinh động nỗi lòng tương tư, sầu muộn của những kẻ đang yêu : “Nhớ ai nhớ mãi thế này - Nhớ đêm quên ngủ, nhớ ngày quên ăn", “Đêm nằm lưng chẳng dính giường - Mong cho đến sáng, ra đường gặp em”.
Cô gái hỏi khăn rồi hỏi đèn. Đèn là hình ảnh biểu tượng của thời gian về đêm với sự ngóng vọng, đợi chờ. Nếu khăn rơi xuống, vắt lên, chùi nước mắt xô lệch trong không gian đa chiều thì đèn biểu trưng cho sự chuyển hoá của thời gian. Nỗi nhớ từ ngày chuyển sang đêm thường được biểu trưng bằng hình ảnh ngọn đèn trong ca dao :
- Đèn thương ai mà đèn chẳng tắt,
Ta thương mình nước mắt nhỏ sa.
Đêm khuya thắp chút dầu dư,
Tim lan cháy lụn, sầu tư một mình.
- Đêm qua thắp đọi dầu đầy,
Bấc non chẳng cháy, oan mày dầu ơi.
Và cuối cùng cô gái hỏi mắt :
Mắt thương nhớ ai,
Mắt ngủ không yên.
Nếu những câu hỏi dồn dập trên đây hỏi khăn, hỏi đèn thể hiện qua biện pháp ẩn dụ, nhân cách hoá, thì tâm trạng nhân vật trử tình đến lúc này được bộc lộ trực tiếp. Dường như cô gái không kìm giữ được tiếng lòng thổn thức của mình nữa mà nỗi nhớ được trào dâng theo sự bộc lộ tự nhiên. Sự lựa chọn hình tượng để biểu đạt tâm trạng thật họp lí, nhất quán. Từ khăn đến đèn rồi đến mắt. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Tác giả dân gian đã dùng phép hoán dụ, lấy mắt để chỉ nhân vật trử tình. Đèn không tắt vì thương nhớ, làm sao mà mắt có thể ngủ yên khi khăn, đèn cũng thao thức, khắc khoải, cũng chính là những hình ảnh biểu đạt cụ thể nhất của tình yêu.
Đại từ phiếm chỉ ai được sử dụng trong bài ca này rất phù họp với lối biểu đạt tâm trạng kín đáo của con người. Thể thơ bốn chữ gọn, chắc chuyển tải những câu hỏi dồn dập. Lối gieo vần thiên về thanh trắc đất, vắt, mắt, tắt khá độc đáo đan xen với thanh bằng ai tạo nên sự đối xứng nhịp nhàng.
Hai câu thơ cuối nói về nỗi lo âu chính đáng của người con gái trong xã hội cũ :
Đêm qua em những lo phiền,
Lo vì một nỗi không yên một bề...
Đến đây ta hiểu thêm vì sao cô gái dằn vặt, nhớ thương, phấp phỏng nhường ấy. Ngoài nỗi nhớ thương, cô còn lo cho tình yêu, cho duyên phận. Một cô gái tinh tế, kín đáo, có tình yêu ngập tràn và sâu sắc thế thì làm sao không lo âu cho duyên phận của mình khi trong xã hội xưa, mỗi lần nghĩ đến thân phận của mình là người phụ nữ lại cất lên tiếng hát than thân ướt đẫm nước mắt.
Biện pháp nhân cách hoá với hệ thống biểu tượng được chọn lọc, cách diễn tả tài tình, giàu sắc thái biểu cảm là những biện pháp nghệ thuật nổi bật của bài ca dao. Thiên nhiên là chất liệu nghệ thuật đắc lực giúp sự biểu đạt tình cảm đầy hiệu quả. Năm lần lặp lại năm câu hỏi chỉ thay bằng ba hình tượng khác nhau khăn, đèn, mắt theo sự bộc lộ tình cảm tăng dần. Đại từ phiếm chỉ ai quen thuộc giúp cho lối nói ẩn dụ diễn tả được đối tượng cần hướng tới vừa mơ hồ vừa gợi cảm. Chỉ mười dòng thơ, mỗi dòng bốn chữ cùng với các cặp lục bát cuối bài, các câu hỏi tu từ dồn dập đã diễn đạt thật tài tình nỗi nhớ thương, bồn chồn, da diết của cô gái.
Bài 5:
Ứớc gì sông rộng một gang,
Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi.
Để hiểu được bài này, cần đặt bài ca dao trong hệ thống những câu hát mở đầu theo công thức truyền thống "Ước gì" và môtíp “cái cầu” quen thuộc. Khi yêu nhau người ta có nhiều ước muốn nhưng ước muốn cháy bỏng nhất đối với những đôi lứa cách xa nhau là được ở bên nhau:
- Ứớc gì em hoá ra dưa,
Để cho anh tắm nước mưa chậu đồng.
- Ước gì anh hoá ra hoa,
Để em nâng lấy rồi mà cài khăn.
Ước gì anh hoá ra chăn,
Để cho em đắp, em lăn, em nằm.
Ước gì anh hoá ra gương,
Để cho em cứ ngày thường em soi.
Ước gì anh hoá ra coi,
Để cho em đựng cau tươi, trầu vàng.
Trong ước muốn đó, có ước muốn hai bên trai gái được vượt qua đôi bờ xa cách. Cái cầu trở thành biểu tượng của những sứ giả nối liền tình yêu. Cái cầu xuất hiện trong ca dao khá đa dạng. Ngoài những cây cầu có thực như cầu tre lắt lẻo, cầu ván đóng đinh,... thì trong ca dao còn một loạt hình tượng những cây cầu ảo, chỉ tồn tại trong tưởng tượng như cầu cành hồng, cầu ngọn mùng tơi, cầu cành trầm :
- Đôi ta cách một con sông
Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang.
- Gần đây mà chẳng sang chơi,
Để em ngắt ngọn mùng tơi bắc cầu.
- Sợ rằng chàng chẳng đi cầu,
Cho tốn công thợ, cho sầu lòng em.
Đặt trong hệ thống những bài ca ấy thì chiếc "cầu dải yếm" trong bài ca này độc đáo nhất. Những "cầu cành hồng", "cầu ngọn mùng toi" là những cây cầu ảo, biểu tượng cho điều không thể có dẫu đẹp như cành hồng, dẫu thơm, quý như "cầu cành trầm" thì cũng chỉ là cách nói vừa biểu đạt sự trân trọng vừa là lối nói vui trong đối đáp giao duyên. Chưa có cái cầu nào độc đáo như "cầu dải yếm" trong sự mong ước cũng khôn cùng - “Ước gì sông rộng một gang”. "Cầu dải yếm" mềm mại, gợi cảm về vẻ đẹp đặc trưng của người phụ nữ, có sức gợi bao nhiêu cho những điều không thể gợi bằng lời, vừa tinh nghịch hồn nhiên trong ước vọng tình yêu mà nhân vật trữ tình là người con gái dám thổ lộ. Chúng tôi cho rằng khi tìm hiểu bài ca dao này, không nên coi đây hoàn toàn, bắt nguồn từ một cảm hứng nghiêm túc mà là câu hát đùa vui trong đối đáp chứ không hẳn để nói thầm vói một chàng trai nào đó. Nó vừa thật vừa ảo tồn tại trong tình cảm con người:
Bao giờ rau diếp làm đình,
Gỗ lim làm ghém thì mình lấy ta.
Điều cần khẳng định rằng, chỉ bàng hai dòng thơ lục bát ngắn gọn, lối biểu hiện trực tiếp với cảm hứng đậm chất dân gian hồn nhiên, đầy ngẫu hứng sáng tạo, bài ca đã hát lên thật mãnh liệt ước vọng của tình yêu.
Bài 6:
Lấy những sự vật quen thuộc, phổ biến trong tự nhiên để diễn tả tình cảm nhớ mong, thề nguyền, ước hẹn là thủ pháp nghệ thuật tiêu biểu của ca dao. Ở những bài ca dao trên, tác giả dân gian chọn những biểu tượng mặt trăng, mặt trời, sao Hôm, sao Mai, khăn, đèn, mắt,... để diễn tả tình yêu đôi lứa. Còn ở bài ca dao này, những vật được nhắc đến lại là những vật rất bình dị: muối, gừng. Muối, gừng là những gia vị trong bữa ăn hằng ngày của mỗi người, mỗi gia đình (không cao sang, đắt đỏ nhưng vô cùng cần thiết). Vị mặn của muối, vị cay nóng của gừng không thay đổi theo thời gian, ngược lại, thời gian càng làm cho nó thêm được thử thách vói những thuộc tính vốn có của nó, trở thành biểu tượng của những gì không thay đổi:
- Bao giờ muối lạt chanh thanh
Em đây mói dám bỏ anh lấy chồng.
- Gừng già, gừng rụi, gừng cay,
Anh hùng càng cực càng dày nghĩa nhân.
- Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay.
Vì những đặc tính ấy mà muối, gừng trở thành biểu tượng của sự thử thách đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi để càng đậm đà tình nghĩa. Những cặp từ sóng đôi như gừng cay - muối mặn, ba năm - chín tháng, tình nặng - nghĩa dày với sự đối thanh đối ý hài hoà, có sắc thái thành ngữ dân gian như lời ăn tiếng nói hằng ngày của những người lao động bình dị. Nếu ca dao tình yêu thề, nguyền, ước hẹn bằng những hình tượng lãng mạn như trong bài 3, bài 4 thì bài ca dao này với biểu tượng muối, gừng biểu trưng cho tình nghĩa vợ chồng chung thuỷ, đã qua thử thách gian nan, cam khổ của cuộc đời. Ca dao nói về tình nghĩa vợ chồng thường nhắc đến tình và nghĩa. Đạo lí của con người Việt Nam nói chung, tình cảm vợ chồng nói riêng luôn đề cao cả tình và nghĩa : “Củi than nhem nhuốc với tình - Ghi lời vàng đá xin mình chớ quên”.
Nói về gừng cay, muối mặn cũng để tạo tiền đề cho lời thề nguyền ước hẹn :
Đôi ta tình nặng nghĩa dày
Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa.
"Ba vạn sáu ngàn ngày" là một trăm năm, lối nói mới lạ biểu đạt thời gian trọn vẹn của một đời người. Một lời thề nguyền tạo ấn tượng sâu sắc cho người nghe về sự bình dị, chân tình nhưng son sắt.
Thể thơ lục bát có sự biến thể, kéo dài câu bát thành 13 chữ họp với sự khẳng định thời gian trăm năm trong lời thề ước.
2. Đặc điểm về nghệ thuật
- Sử dụng các công thức truyền thống "Thân em như", "Trèo lên", "Ước gì", các điệp từ, điệp ngữ.
- Biện pháp so sánh tu từ là biện pháp nghệ thuật nổi bật được sử dụng trong bài ca dao 1, 2. Hình ảnh so sánh sinh động, chính xác, có giá trị biểu cảm.
- Biện pháp nhân cách hoá, sử dụng các hình ảnh ẩn dụ, biểu tượng nghệ thuật được chọn lọc : khăn, đèn ở bài 4, để khắc hoạ rõ nét tâm trạng của nhân vật trữ tình ; biểu tượng mặt trăng, mặt tròi ; sao Hôm, sao Mai, sao Vượt ở bài 3 ; biểu tượng muối, gừng ở bài 6.
- Ngôn ngữ nghệ thuật chọn lọc, giàu giá trị biểu cảm song rất giản dị, gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân.
Chú ý một số đại từ nhân xưng quen thuộc trong ca dao như mình - ta ; anh - em ; đại từ phiếm chỉ ai ; một số tính từ chỉ đặc điểm, tính chất "ngọt bùi", "chua xót", "chằng chằng".
- Thể thơ lục bát là thể thơ chủ đạo với nhịp chẵn 2/2/2 êm ái, nhịp nhàng với cách gieo vần chân phù họp trong sự diễn tả tâm trạng nhân vật trữ tình ở các bài 1, 2,3, 5, 6. Bài 6 có dòng cuối kéo dài (lục bát biến thể). Bài 4 với thể thơ 4 chữ, dùng nhiều vần trắc : đất, mắt, vắt,... diễn tả tâm trạng bồn chồn, bất ổn của cô gái.