Đề bài: Phân tích - Bình luận bài thơ Đi đường của Hồ Chí Minh

Bài làm

Đi đường là một trong số những bài thơ tiêu biểu của tập Nhật kí trong tù. Bởi vì cùng với bao nỗi khổ vì đói, rét, ốm, đau,... mà mọi người tù phải chịu, còn một sự hành hạ là bị giải đi hết nhà lao này đến nhà lao khác, thì riêng Bác chịu nỗi đoạ đày. Tuy nhiên, chính trong cảnh phải chịu một thứ hình phạt vô lí và điển hình này, phẩm chất của người tù (là Bác) càng rạng rỡ lên. Bác đã giành được một kỉ lục mới: chiến thắng hoàn cảnh, chiến thắng bản thân và như thế không còn gì đáng sợ nữa. Đó là chiến thắng của ý chí, một ý chí phi thường để con người đáng được gọi là Con Người, Con Người viết hoa theo ý của Go-rơ-ki như một vầng hào quang thần thánh.

Bài thơ, nếu theo cách phân đoạn tự nhiên thì gồm có hai phần : hai câu đầu tả cảnh, hai câu cuối tả tình. Nhưng hình thức phân chia này với trường hợp Đi đường hơi có phần máy móc. Phương pháp tả cảnh ngụ tình như tiếng hát bè đôi chạy dọc bài thơ, không có câu nào chỉ là tả cảnh. Tinh đã lẫn vào trong cảnh và qua cả bài thơ tả cảnh ta nhận ra hoàn chỉnh một gương mặt con người, một con người chưa có trong văn học phương Đông, nhất là sự hiện diện ấy trong thể thơ tứ tuyệt:

Đi đường mới biết gian lao,

Đọc câu thơ tưởng như nhẹ nhõm này ta thấy một sức mạnh ngàn cân. Ý thơ, lời thơ không mới, nhưng nếu đặt nó vào trong một hoàn cảnh đi đường cụ thể của Bác trong hơn một năm bị xiềng xích tù đày, ta mới cảm thông, thấu hiểu. Đi đường ở đây là đi trong mọi điều kiện thời tiết, địa hình. Thời tiết thì mưa nhiều hơn nắng, đường là đường núi nên khấp khểnh, gồ ghề, nhất là lại ra đi từ khi trời còn tối, có khi một, hai giờ sáng đã phải ra đi. Đã có lần sự nguy hiểm không còn là tưởng tượng: "Trượt chân lỡ bước sa vào hố - May nhảy ra ngoài suýt nữa nguy" (Trượt ngã). Một chữ gian lao mà Bác "biết" là như thế. Nó chứa đựng bao nhiêu thử thách, nó đối mặt với ý chí con người mà chỉ có những người "đi đường" mới biết. Bằng thể thơ nhật kí, không một chút đẽo gọt, khoa trương, nhất là trong bức tranh tự hoạ, câu thơ đọc lên có một độ ngân rung từ nỗi niềm có thật. Cái có thật ấy với cách nói đơn sơ không khỏi làm người đọc rùng mình. Ấn tượng gian nan trong nguyên bản được khắc hoạ hơn bản dịch vì nó có một tiết tấu riêng, một cách láy đi láy lại riêng như một tứ thơ tự thoại :

Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan

Hai chữ "tẩu lộ" (đi đường) như những nốt nhấn đúng nhịp (nhịp 4/3) vừa như một nhận xét vừa như một nghiền ngẫm nghĩ suy chiêm nghiệm bằng chính máu thịt của mình. Sự truyền cảm không cố tình trong câu thơ hàm súc, dồn nén cứ tự nó bật ra mà đâu có nhiều lời. Cái giản dị trong thơ là như vậy, nói ít không phải là không có gì để nói, mà ngược lại: nội dung dồi dào, còn câu chữ cứ như không. Nguyên tắc kiệm lời trong thơ phải chăng là như thế ? Về ý câu thơ này, tục ngữ đã nói "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Bác cũng đang học, đang "biết" bằng cảnh ngộ của riêng mình, rút ra bài học cho chính mình : có đi đường mới biết việc đi đường là khó. Một chữ tri (biết) đơn giản vậy thôi mà có thể cả đời không học được, ví dụ như cái khổ của người làm đường rất xa lạ với kẻ đi đường:

Ngựa xe hành khách thường qua lại,

Biết cảm ơn anh được mấy người !

(Phu làm đường)

Câu thứ hai trong bài Đi đường như phát triển ý, minh hoạ cho câu thơ thứ nhất :

Núi cao rồi lại núi cao trập trùng

Cảnh ở đây là cảnh núi, chỉ có núi và núi mà thối. Núi kết hợp với sông trong cổ hoạ là những bức tranh sơn thuỷ hữu tình. Nhưng núi ở đây không nằm trong hộ thống nghệ thuật ấy. Nó trần trụi những gian lao mà người đi đường ngần ngại. Ngần ngại cũng phải. Đây là một chi tiết tâm tình rất thực, thể hiện trong tiết tấu "Trùng san chi ngoại hựu trùng san". Giữa hai chữ trùng san bố trí ở đầu câu và cuối câu như một sự vây bọc bịt bùng là một chữ hựu (lại). Vừa mới vượt được một dãy núi cao nạy chưa kịp nghỉ ngơi, một dãy núi cao khác lại hiện ra, hỏi ai có thể bình tĩnh mà thư thái trong lòng. Một chữ hựu đơn giản vậy thôi mà bao nhiêu chất chứa, nó rất nặng nề trong tâm trí của kẻ chinh nhân. Núi ở đây không đồng nghĩa với cái đẹp, cái hào hùng. Thậm chí, có khi qua một thắng cảnh hẳn hoi mà lòng người chưa yên, cái bứt rứt ấy trong thơ vẫn hiện ra rõ rệt :

Quế Lâm không quế, không rừng,

Sông sâu thâm thẳm, trập trùng núi cao.

(Đến Quế Lâm)

Lộ trình trong bài thơ đến câu thứ ba vẫn còn chưa chấm dứt, thậm chí còn phải vượt một đĩnh cao khác hơn mọi thứ "trùng san" :

Núi cao lên đến tận cùng,

Trong thơ tứ tuyệt truyền thống phương Đông, câu thứ ba là câu chuyển: chuyển cảnh, chuyển tình. Ý thức được vị trí đặc biệt của nó như một thứ cầu nối của mạch thơ, câu thơ nói về núi cao ấy một mặt như là tiếp tục của hai câu trước nó, tiếp tục và phát triển cao hơn. Cảm nhận từ sự lấy đà ấy từ nhịp thơ. Ta chú ý hai chữ trùng san trong hai câu hai và ba đầy dụng ý :

Trùng san chi ngoại hựu trùng san ;

Trùng san đăng đáo cao phong hậu

Mật độ của nó vốn đã dày, lúc này càng dày hơn. Cũng là điệp ngữ nhưng trùng san ở cuối câu hai và trùng san ở đầu câu ba là điệp nối tiếp, lặp vòng. Tiết tấu của thơ không còn chậm rãi, đều đều. Nó khẩn trương hơn, có phần thanh thoát hơn như một cuộc chuẩn bị. Phảng phất trong câu thơ một thứ âm nhạc tâm hồn khác, xốn xang. Vậy cái gì xảy ra sau đó ? Một sự gục ngã ư ? Một chiến thắng ư ?

Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non

Với người đọc, có thể là một tiếng thở phào nhẹ nhõm, bởi trong lòng cất đi được gánh nặng ngàn cân. Còn với người đi đường thì khác. Chỉ trong một chớp mắt, tình thế đã đổi thay, tâm trạng đã đổi thay, cán cân lực lượng về mặt tinh thần giữa người đi đường và những gian truân trên con đường đèo dốc đã thay đổi theo chiểu ngược lại. vẫn là những điệp trùng núi ấy nhưng bây giờ chúng không đơn điệu nữa mà tươi đẹp hẳn lên. Không vô cảm mà như có hồn. Điệp trùng núi đã trở lên "muôn trùng nước non". Tập hợp tất cả mọi thứ "trùng san" lại, bằng một cái nhìn khác, chúng trở thành "vạn lí dư đồ" lộng lẫy, hoành tráng, mĩ lệ biết bao! Tư thế của người đi đường - từ vị trí nạn nhân đã trở thành chủ nhân - đã tạo cho núi non một gương mặt khác. Người đi đường chủ động đã thu vào đôi mắt tất cả núi non trùng điệp với niềm vui vô hạn. Niềm hạnh phúc dạt dào không gì so sánh được, ấy là niềm vui vì chiến thắng được hoàn cảnh - một hoàn cảnh đầy rẫy những núi cao thử thách, nhất là vì chiến thắng được bản thân. Người tù thi sĩ ấy đến lúc này mới xuất hiện. Dấu hiệu của thi nhân là thổi hồn vào cảnh vật, làm bừng lên một sức sống diệu kì từ một thiên nhiên vô cảm. Niềm hạnh phúc ấy ở đây không tự nhiên mà có. Phải chăng là cái điều tâm niệm của Người khi mới bước vào chốn lao lung chí là một mơ ước, một quyết tâm, nay đã trở thành sự thật :

Thân thể ở trong lao,

Tinh thần ở ngoài lao ;

Muốn nên sự nghiệp lớn,

Tinh thần càng phải cao.

Quả thật tinh thẩn của người tù đã cao hơn núi cao. Chính Bác đã tự chứng thực cho mình, bằng con người mình. Một sự thể nghiệm lặng lẽ mà kiên trì, đúng là "Kiên trì và nhẫn nại - Không chịu lùi một phân". Chính vì không chịu lùi, dù chỉ một phân, nên Người đã chiến thắng.

Như ta biết, trong thơ Hồ Chí Minh ít sử dụng cách nói đại ngôn, tránh cách nói ồn ào. Ấy thế mà bao nhiêu suy nghĩ tinh kết lại từ cách sống của một nhà hiền triết có tầm nhìn rộng, sâu trên nhiều mặt về con người, về cả bản thân. "Tất cả những gì thuộc về con người đều không xa lạ với tôi", một bậc hiền giả, triết nhân nói thế. Bác cũng làm như thế, đã chứng minh cho chân lí đó bàng một bài thơ nhỏ, một nhật kí đi đường.

Bài viết gợi ý: