Phân tích bài thơ Vội Vàng
Bài làm :
Xuân Diệu, “Ông Hoàng của thơ tình yêu” – thi sĩ đã làm say mê bao bạn đọc trẻ tuổi. Sức hấp dẫn của thơ Xuân Diệu đối với tuổi trẻ chính là cái náo nức, cái xôn xao, cái đắm say với cuộc đời, với tình yêu của một tâm hồn trẻ trung khát khao sống trọn vẹn. Ngay từ khi xuất hiện trên thi đàn Việt Nam những năm 30 của thế kỷ XX, Xuân Diệu đã được lớp trẻ hoan nghênh và say mê. Nhà nghiên cứu Hoài Thanh đã nhận xét: “Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới – nên những người lòng còn trẻ mới thích đọc Xuân Diệu, mà đã thích thì phải mê…”. Đọc thơ Xuân Diệu, ta bắt gặp một nguồn sống dạt dào, chính cái náo nức dạt dào ấy là biểu tượng cho cái chất trẻ – sức xuân của một hồn thơ.
Tuổi trẻ – Mùa xuân – Tình yêu – Thời gian – Cuộc đời là những đề tài có sức hấp dẫn lớn trong thơ Xuân Diệu. Vội vàng là một trong những bài thơ tiêu biểu của Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám. Đó là tiếng nói của một tâm hồn yêu đời, ham sống đến cuồng nhiệt, và chính vì thế mà không thể dửng dưng trước thời gian. Trong Vội vàng có một nỗi lo sợ, hốt hoảng của cái tôi khát khao giao cảm với đời trước sự trôi chảy của thời gian.
Mở đầu Vội vàng là những câu thơ đầy khao khát:
Tôi muốn tắt nắng đi…
Tôi muốn buộc gió lại…
Chỉ với một tâm hồn yêu đời đến mãnh liệt, muốn giữ lấy tất cả những hương sắc trần gian mới có một niềm khao khát táo bạo đến thế. Nhà thơ muốn giữ lại tất cả những điều kỳ diệu của cuộc sống:
Cho màu dừng nhạt mất…
Cho hương đừng bay đi…
Ở đây, ta nhận ra nét quen thuộc trong thơ Xuân Diệu, một tâm hồn rất nhạy cảm với thanh âm, hương sắc. Thế giới của cái đẹp, của sự sống có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với tấm lòng thiết tha yêu đời ấy, là nguồn cảm hứng vô tận cho thơ Xuân Diệu.
Tiếp theo những câu thơ ngắn diễn tả cái ý muốn táo bạo và quyết liệt ấy là những dòng thơ như tuôn theo một cảm xúc dạt dào của một tấm lòng say sưa với những thanh sắc của cuộc đời. Nhà thơ hăm hở đi tìm những những nơi sự sống dồi dào tụ lại. Và nơi đâu hơn Mùa Xuân? Thi sĩ thả hồn mình bơi trong ánh nắng, say sưa với ong bướm, rung động với thanh sắc của cỏ cây hoa lá, ngất ngây với thanh âm của tiếng chim mùa xuân… Những từ điệp ngữ “này đây” như gọi mời, như cuốn hút chúng ta vào cái thế giới đầy thanh âm, hương sắc mà thi sĩ đã diễn tả bằng tất cả niềm say sưa, sôi nổi. Với mùa xuân, thơ Xuân Diệu bao giờ cũng có cái đắm say, nồng nhiệt như thế. Với một lòng yêu đời, ham sống đến cuồng nhiệt của một hồn thơ thiết tha, rạo rực, nhà thơ nhìn cuộc sống, cảm nhận mùa xuân rất trần thế:
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần…
Thế giới thơ Xuân Diệu là một thế giới đầy xuân sắc và xuân tình. Ta bắt gặp một một hình ảnh so sánh thật mới mẻ, độc đáo và khỏe khoắn và đầy sức xuân. Cách ví von ấy thật hợp với dòng cảm xúc nồng nhiệt đang dâng đầy trong một tâm hồn thật trẻ trước mùa xuân – cuộc đời! Có điều nồng nhiệt như thế, say đắm là vậy nhưng vẫn có một nỗi hoài nghi, lo sợ ám ảnh:
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Cái dấu chấm giữa dòng, lại thêm từ “Nhưng” cắt đôi dòng thơ, tạo một cảm giác hụt hẫng, bâng khuâng cho người đọc. Yêu đời, ham sống đến cuống quýt, đến “vội vàng” là đúng với một Xuân Diệu say sưa, bồng bột. Nhưng sao lại “vội vàng một nửa”? Nếu ở trên, ta đã cảm nhận được cái “tôi” khát khao giao cảm với đời bằng tất cả niềm dạt dào, náo nức thì đến đây ta lại bắt gặp cái “tôi” nhỏ bé, cô đơn trước cuộc đời, trước thời gian:
Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Âm điệu câu thơ không còn cái xôn xao, rạo rực như ở trên mà bỗng dưng trầm ngâm, nuối tiếc. Đấy phải chăng là tâm trạng của con người khi khát khao tận hưởng cuộc sống, muốn vươn lên đỉnh cao nhất của sự sống nhưng bất lực trước thời gian? Cuộc đời cứ trôi chảy nên có gì tồn tại bền lâu đâu?
Hoa nở để mà tàn
Trăng tròn để mà khuyết
Bèo hợp để chia tan…
Người gần để ly biệt…
(Hoa nở để mà tàn)
Đó là qui luật tuần hoàn của vạn vật trước thời gian. Những câu thơ tiếp theo đầy ắp nỗi lo âu, tiếc nuối: Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Đúng như nhà thơ Thế Lữ nhận xét: “Xuân Diệu là nhà thơ của cuộc đời, một người ở giữa loài người. Lầu thơ thi sĩ xây dựng trên đất của một tấm lòng trần gian luôn quyến luyến cõi đời, khát khao bám lấy cuộc đời đầy hương hoa thanh sắc”. Nhà thơ tha thiết yêu đời, ham sống, sợ thời gian qua nhanh, lo sợ tuổi trẻ sẽ qua đi:
Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài thời trẻ của nhân gian
Nói làm chi xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!
Bởi thế thi sĩ vội vàng. Vội vàng – nhưng lại lo âu:
Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?
Qua hình ảnh thiên nhiên được nhân hóa, nhà thơ đã diễn tả những rung động rất tế nhị của một nội tâm khá phức tạp. Lo sợ tất cả sẽ qua mau, ngắn ngủi, nhà thơ nuối tiếc, rồi giục giã:
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm
Giọng thơ vừa thảng thốt vừa cuống quýt diễn tả nỗi niềm của nhà thơ cũng như cả một thế hệ bấy giờ – con người thật nhỏ bé, cô đơn và bất lực trước cuộc đời – nên bao giờ cũng vội vàng – giục giã!
Đến cuối bài thơ, ta bắt gặp lại cái mạch cảm xúc dạt dào, cuồng nhiệt ở đầu bài thơ, nhưng dòng cảm xúc ấy dâng đến cao trào:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu tro ng một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây. Và cỏ rạng…
Vì lo sợ, nuối tiếc cuộc đời ngắn ngủi mà con người khao khát được “ôm” lấy tất cả trong đối tay quấn riết; nào là mây đưa, gió lượn, cánh bướm với tình yêu, nào là một cái hôn nhiều, non nước, cỏ cây, ánh sáng… khát khao tận hưởng những thanh sắc của chốn vườn trần. Tất cả: cả cái sự sống mơn mởn ấy, thi nhân muốn giơ tay với lấy tất cả, bám lấy bầu xuân hồng mà tận hưởng: Cho chuếnh choáng…cho đã đầy…cho no nê… Mạch thơ cứ dâng lên, dâng lên đến độ cao trào để diễn tả tận cùng cái tứ “Vội vàng” trong cả bài thơ. Thật bất ngờ nhưng cũng thật nhất quán với cảm xúc trong toàn bài thơ, thi sĩ đã đi đến tận cùng nỗi si mê và cuồng bạo: Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!
Cũng là sử dụng biện pháp tu từ nhưng chỉ có một tâm hồn thật cuồng si mới có thể viết một câu thơ táo bạo gây ấn tượng mạnh mẽ đến như vậy!
Bài thơ là tiếng nói của một cá nhân có nhu cầu giao cảm với cuộc đời, khao khát sống, khao khát yêu đến mãnh liệt. Vội vàng là bài ca tình yêu cuộc sống giàu ý nghĩa nhân bản. Thi phẩm thể hiện một quan niệm nhân sinh tích cực. Mùa xuân – Tình yêu – Tuổi trẻ – Cuộc đời trong Vội vàng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Thơ Xuân Diệu vì thế mà vẫn trẻ mãi với nhân gian.
(Tài liệu sưu tầm )
Tuyển tập những bài văn mẫu hay nhất về bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu, đề và đáp án chi tiết, hướng dẫn ôn tập bài Vội Vàng : :Vội vàng -Xuân Diệu