BÀI LÀM 
      Phạm Tiến Duật là một trong những nhà thơ trẻ tiêu biểu trong những năm kháng chiến chống Mĩ. Với phong cách trẻ sôi nổi, hồn nhiên mà sâu sắc, những bài thơ viết về hình ảnh thế hệ trẻ Việt Nam qua hình tượng những cô gái thanh niên xung phong và những anh bộ đội trên tuyến đường Trường Sơn trong thời kỳ kháng chiến đã để lại trong người đọc ấn tượng sâu đậm. Bài thơ về tiểu đội xe không kính là một bài thơ như thế. 
      Những chiếc xe không có kính - hình ảnh thơ độc đáo đã khiến cho nhan đề bài thơ trở nên hết sức đặc biệt - tưởng chừng như tác giả sắp viết một câu truyện dài vậy. Hình ảnh ấy đã làm nổi bật lên hình tượng những người lính trẻ, những người lái xe ở thời kỳ đó: trẻ trung, sôi nổi và có gì đó ngang tàng, hóm hỉnh. Không biết nhà thơ đã bao giờ ngồi trong buồng lái hay trực tiếp cầm vô lăng chưa mà giọng thơ lại sôi động, tự nhiên và đầy hứng khởi đến vậy? 
Không có kính không phải vì xe không có kính 
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi

Từ ngôn từ, phong cách, nội dung đến nhịp điệu thơ đều rất tự nhiên, mộc mạc, có sức gợi tả, gợi cảm. Câu thơ làm hiện lên trước mắt người đọc một hình ảnh lạ lùng: những chiếc xe không kính. Mặt khác, lời giải thích của tác giả về những chiếc xe đặc biệt ấy cũng rất đỗi chân thực đến gần như là lột trần ra một chiếc xe đã bị phá huỷ bởi "bom giật, bom rung" - những động từ mạnh làm nổi bật hình ảnh và ý thơ. Hai câu thơ thật tự nhiên, không có hình ảnh hoa mĩ, tráng lệ, không có hình ảnh tượng trưng, giọng thơ có chút gì đó ngang tàng tạo nên điểm khởi đầu đầy ấn tượng cho bài thơ. Rồi ở khổ cuối cùng của bài thơ, Phạm Tiến Duật lại một lần nữa tái hiện lại hình ảnh chiếc xe: 
Không có kính rồi xe không có đèn 
Không có mui xe, thùng xe có xước.

Những chiếc xe ấy bị biến dạng, bị phá huỷ gần như là toàn bộ. Bom đạn, chiến tranh mới khốc liệt làm sao: sắt thép còn như thế nữa thì huống chi con người. Vậy mà, những chiếc xe ấy, dưới con mắt của Phạm Tiến Duật, vẫn hiện lên một cách rất độc đáo, rất có hồn, rất ngang tàng. Và vô hình trung, chúng đã trở thành biểu tượng đặc trưng của cuộc kháng chiến chống Mĩ. Và có lẽ vì thế, mà chúng đã làm nổi bật lên hình ảnh những người lính lái xe - thế hệ trẻ Việt Nam hiện lên trong cuộc kháng chiến trường kì. Thơ như lời nói, lời kể chân tình: 
Ung dung buồng lái ta ngồi 
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng

Nhịp thơ ngắn, nhanh, điệp từ "nhìn" lặp lại tạo nên tiết tấu hết sức sinh động cho câu thơ. Rồi sau đó, lại là lời kể về những sự vật được nhìn thấy trên đường. 
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim 

Như sa như ùa vào buồng lái.

Những người lính lái xe vẫn "ung dụng", vẫn "nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng". Lời thơ mà nhịp nhàng, sôi nổi như lời ca, tiếng hát, khiến không khí bài thơ thật vui tươi, sôi động. Khi chiếc xe đã bị phá huỷ, nát tan đến như vậy thì biết bao khó khăn đã nảy sinh cũng chỉ vì "không có kính": 
Không có kính, từ thì có bụi

Bụi phun tóc trắng như người già 

Không có kính, ừ thì ướt áo 

Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời.

Thế nhưng, "không có kính" thì tác giả lại "có bụi" rồi có "mưa tuôn, mưa xối". Cấu trúc thợ lặp đi lặp lại - Từ thì" - đã làm toát lên thái độ bất chấp, không hề run sợ, coi thường mọi khó khăn - Câu thơ như vang lên tiếng cười vui vẻ - cười để lạc quan yêu đời - để phớt lờ mọi khó khăn - cười để động viên mình, và động viên đồng đội. Và niềm lạc quan ấy còn được thể hiện bằng hành động. 
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc

Nhìn nhai mặt lấm cười ha ha 
Và: 
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa 
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi

Giọng thơ âm vang rộn rã, tràn đầy sức sống sôi nổi của tuổi mười tám, đôi mươi. Những người lính trẻ ấy thật kiên cường và trẻ trung, hóm hỉnh. Không chỉ vậy, họ còn là những người đồng chí gắn bó keo sơn, khăng khít: Sự tụ họp lại của những chiếc xe "đồng cảnh ngộ" đã gắn kết những người lính lại với nhau - và qua của kính vỡ họ làm quen với nhau: 
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi

Chao ôi! Kỳ lạ làm sao! Những con người ấy, vốn dĩ không hề quen biết! Vậy mà giờ đây, trong gian khổ, họ thân thiết gắn bó, chào nhau như những người bạn đã quen. Và rồi, kỉ niệm như ùa về trong tâm trí nhà thơ. Có lẽ vì ông cũng là một người lính nên ông thấu hiểu, đồng cảm tình đồng đội, đồng chí: 
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy

"Gia đình" - hai tiếng thân thương gợi hình ảnh những con người cùng huyết thống. Họ, những người lính Trường Sơn ấy, cũng mang trong mình dòng máu nóng - dòng máu sôi sục khát vọng giải phóng miền Nam, giải phóng đất nước. 
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước 
Chỉ cần trong xe có một trái tim

Tuy chiếc xe có bị phá huỷ, nát tan đến mức nào, dù gian khổ khó khăn bao nhiều, nhưng "Chỉ cần trong xe có một trái tim" - Đúng vậy! Chính tình yêu Tổ quốc đã cầm lái, đã là động lực thúc đẩy, giúp những người lính có thêm sức mạnh trước mỗi khó khăn. Lời thơ nhẹ nhàng như một lời khẳng định chắc nịch, gọn ghẽ. Câu thơ kết của bài thơ có lẽ là câu thơ hay nhất, vừa kết lại sức mạnh của con người chính là ở tình yêu, tình yêu Tổ quốc, tình thương đồng bào và tình yêu hoá thành ý chí - kiên cường và vững bền. Nhưng đồng thời, nó cũng mở ra, gợi ra cánh của ánh sáng: Miền Nam, nơi mà người dân đang trông ngóng cách mạng trong từng khoảnh khắc. 
        Phạm Tiến Duật với lời thơ, chất thơ trẻ trung, ngang tàng, nghịch ngợm, có phân tếu táo đã làm cho bài thơ trở nên thật đặc biệt, rất có hồn, Ngôn từ giản dị, thơ mà có nhạc, trong nhạc có thơ, hình ảnh sáng tạo mà vẫn đầy chân thực... Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên dấu ấn đặc trưng cho tác phẩm - in sâu trong tâm trí người đọc một thế hệ trẻ anh hùng. Trong những năm kháng chiến chống Mĩ gian khổ, ác liệt. 

Bài viết gợi ý: