Đề bài: Phân tích tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân
Bài làm
Chữ người tử tù là một trong những thiên truyện xuất sắc nhất của Nguyễn Tuân và tiêu biểu nhất cho tư tưởng cũng như phong cách nghệ thuật của ông trước Cách mạng tháng Tám 1945.
Tác phẩm ra mắt lần đầu trên tạp chí Tao đàn, số 1 (1938) lấy tên Giòng chữ cuối cung, với lời đề từ : ""Ngày xưa có một tử tù viết chữ đại tự rất đẹp" - Truyện cổ nước Nam".
Năm 1940, tác phẩm được in lại trong tập Vang bóng một thời và đổi tên là Chữ người tử tù.
1. Nguyễn Tuân là một cây bút có phong cách nghệ thuật rất độc đáo và sâu sắc. Ông luôn luôn tiếp cận thế giới, tiếp cận sự vật nghiêng về phương diện văn hoá nghệ thuật, phương diện thẩm mĩ, và tiếp cận con người nghiêng về phương diện tài hoa nghệ sĩ. Thế giới nhân vật của ông cũng có hai hạng chính diện và phản diện, nhưng có tiêu chí phân loại riêng (cũng nghiêng về phương diện thẩm mĩ) : đấy là những con người, hoặc tạo ra cái đẹp và say mê cái đẹp, hoặc đối lập với cái đẹp, chà đạp lên cái đẹp. Đặc điểm này thấy rất rõ trong Chữ người tử tù.
Nhân vật chính diện ở đây là Huấn Cao, quán ngục và viên thơ lại. Huấn Cao là một nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật thư pháp : "Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm [...] có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu vật trên đời". Quản ngục và viên thơ lại không tạo ra được cái đẹp, nhưng say mê cái đẹp đến mức "lo mai mốt đây, ông Huấn Cao bị hành hình mà không kịp xin được mấy chữ, thì ân hận suốt đời”. Còn nhân vật phản diện là tất cả đám nhân sự còn lại của nhà ngục "sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc”.
2. Một trong những khâu quan trọng nhất của nghệ thuật truyện ngắn là sáng tạo tình huống truyện độc đáo. Mỗi truyện ngắn thường dược kết cấu xoay quanh một tình huống. Đặt vào tình huống ấy, tâm lí, tính cách nhân vật tự bộc lô rõ nét, đồng thời chủ đề tác phẩm cũng thể hiện sâu sắc. Ngoài ra, tình huống truyện còn có tác động tới kịch tính của tác phẩm, tạo thêm sức hấp dẫn cho thiên truyện.
Tình huống truyện của Chử người tử tù là gì ? Ấy là một tình huống khá éo le : những nhân vật sau này sẽ là tri âm tri kỉ (ông Huấn Cao, quản ngục và viên thơ lại) lại bị đặt vào hai vị thế đối địch : tử tù và cai ngục.
Nhưng phải có tình huống này thì tính cách các nhân vật mới bộc lộ rõ.
Không có tình huống đó thì làm sao biết được tinh thần hiên ngang, bất khuất của Huấn Cao. Khi coi viên quản ngục chỉ như mọi tên cai ngục khác, nghĩa là kẻ đại diện trực tiếp cho chính quyền phi nghĩa, bất lương, ông đã cố tình tỏ thái độ khinh bạc : đối lại thái độ mềm mỏng của quản ngục, ông đã ném ra những lời lẽ rất khó chịu :
" - Ngươi hỏi ta muốn gì ? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây".
Khi ném ra câu nói đầy tính chất gây sự ấy, ông Huấn sẵn sàng "đợi một trận lôi đình báo thù và những thủ đoạn tàn bạo của quan ngục bị sỉ nhục". Nhưng chính do thái độ ấy mà quản ngục vốn đã kính nể ông Huấn, lại càng cảm phục tinh thần bất khuất của vị thủ lĩnh nghĩa quân : "những người chọc trời quấy nước, đến trên đầu người ta, người ta cũng còn chẳng biết có ai nữa, huống chi cái thứ mình chỉ là một kẻ tiểu lại giữ tù".
Nhưng đứng về phía viên quản ngục cũng vậy. Không có tình huống kia, làm sao ta biết được nhân vật này say mê nghệ thuật, yêu quý người tài, kính trọng người có nghĩa khí như thế nào. Chỉ vì mong mỏi xin được chữ ông Huấn, Quản ngục đã vứt bỏ trách nhiệm cai ngục của mình khi đối xử với tù nhân. Mà sự biệt đãi một tên tù trọng tội như Huấn Cao đâu phải không có thể bị trả giá rất đắt, nếu sự việc bị bại lộ ; đã thế lại còn phải chịu đựng nỗi oan ức bị ông Huấn khinh bỉ và sỉ nhục. Vì làm sao một người như Huấn Cao lại có thể dễ dàng hiểu được "thiên lương" ở một viên quản ngục !
3. Tình huống truyện nói trên còn tạo ra cho tác phẩm một mâu thuẫn có tính kịch khá hấp dẫn, và thiên truyện diễn ra tựa như cách trình bày, khai đoan, đĩnh điểm, thắt nút, mở nút của một vở kịch vậy.
Căn cứ vào mạch truyện, có thể phân chia tác phẩm làm ba đoạn. Từ đoạn đầu đến đoạn cuối, tính cách nhân vật ngày càng bộc lộ rõ hơn, sâu hơn, trong khi mâu thuẫn kịch cũng ngày càng phát triển mạnh để di đến đỉnh điểm và mở nút.
Mâu thuẫn "kịch" ở đây là gì ? Ấy là sự đối lập giữa niềm khát khao của viên quản ngục nóng lòng muốn xin dược chữ của ông Huấn Cao, với thái độ khinh bỉ của ông Huấn đối với ngục quan.
a) Đoạn một : Quản ngục được lệnh tiếp nhận sáu tử tù, trong đó có Huấn Cao và tính cách hai nhân vật chính bước dầu được giới thiệu : Huấn Cao chẳng những "viết chữ rất nhanh rất đẹp" mà "văn võ đều có tài cả". Còn quản ngục là một người "biết kính mến khí phách [...] biết trọng người có tài" nhưng bị đày ải vào "một đống cặn bã" ví như "một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ".
Ở đoạn thứ nhất này, mâu thuẫn "kịch" bắt đầu phát tín hiệu khi quản ngục tỏ ý sửa soạn tiếp đón Huấn Cao một cách khác thường : Ông ta lệnh cho viên thơ lại : "Thầy bảo ngục tốt nó quét dọn lại cái buồng trong cùng. Có việc dùng đến".
b) Đoạn hai : Huấn Cao nhập ngục. Sự biệt đãi của quản ngục đối với ông Huấn trước sự ngạc nhiên của bọn lính giải tù. Tính cách hiên ngang, bất khuất của vị thủ lĩnh nghĩa quân bộc lộ đậm nét. Mâu thuẫn "kịch" càng trở nên căng thẳng khi ông Huấn cố tình sỉ nhục viên quản ngục. Còn quản ngục thì vừa khổ tâm, vừa nóng lòng sốt ruột : "có một ông Huấn Cao trong tay mình, dưới quyền minh mà không biết làm thế nào mà xin được chữ. Không can đảm giáp lại mặt một người cách xa y nhiều quá, y chỉ lo mai mốt đây, ông Huấn bị hành hình mà không kịp xin được mấy chữ, thì ân hận suốt đời".
c) Đoạn ba : Mâu thuẫn "kịch" đạt tới đỉnh điểm : Lệnh trên truyền xuống giải Huấn Cao vào kinh chịu tội khiến quản ngục "tái nhợt người”. Nhưng liền đó, kịch mở nút và mâu thuẫn triệt tiêu : Huấn Cao hiểu rõ lòng quản ngục và quyết định cho chữ : "Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy Quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ".
Ở đoạn kết thúc này, tính cách các nhân vật cũng bộc lộ đầy đủ, toàn vẹn. Té ra, trái tim Huấn Cao không phải chỉ đúc bằng sắt thép. Đúng là con người này, không vàng ngọc hay quyền thế nào có được, thậm chí đến "chết chém ông còn chẳng sợ", thế mà hoá ra cũng dễ mềm lòng trước những tâm hồn tri kỉ, nghĩa là cũng như ông, biết quý trọng cái tài, cái đẹp và chất thiên lương của con người. Ôi, trên đi mà không biết quý trọng ba cái đó thì là loài quỷ sứ chứ đâu phải giống người. Đánh giá vẻ đẹp của Huấn Cao mà chỉ thấy cái phía sắt thép, cái phía "vô uý" không biết sợ của ông, là một cách đánh giá phiến diện. Đây là một nhân cách toàn diện, là con người của một chủ nghĩa nhân văn cao quý.
Nhân vật quản ngục cũng vậy - rất xứng đáng là tri âm tri kỉ của Huấn Cao : dám biệt đãi một thù lĩnh phiến loạn, thì quả là cũng không thiếu chất thép ; nhưng đồng thời lại sẵn sàng cúi đầu vái lạy Huấn Cao, có nghĩa là biết kính trọng cái tài, cái đẹp và chất thiên lương cao đẹp ớ người tử tù : Sau khi cúi đầu lắng nghe mấy lời khuyên răn của người tù "Ngục quan cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt ri vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào : "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh"".
Đúng là có những cái cúi đầu làm cho con người trở nên hèn hạ, có những cái vái lạy làm cho con người đê tiện. Nhưng cũng có những cái cúi đầu làm cho con người bỗng trở nên cao cả hơn, lớn lao hơn, lẫm liệt hơn, sang trọng hơn. Đấy là cái cúi đầu trước cái tài, cái đẹp, cái thiên lương.
Chính Cao Chu Thần, nguyên mẫu của nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù từng có một câu thơ thật đẹp, thật sang :
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.
(Một đời chỉ biết cúi đầu vái lạy hoa mai).
Cái cúi đầu của thầy quản ngục vái lạy Huấn Cao chính là cái cúi đầu của Cao Bá Quát trước hoa mai vậy.
4. Chữ người tử tù kết thúc bằng một bức tranh đầy ấn tương. Người ta thường đặt cho Nguyễn Tuân danh hiệu : "Người đi tìm cải đẹp". Nhưng thế nào là đẹp ? Đối với Nguyễn Tuân, cái đẹp phải là những gì đập mạnh vào giác quan nghệ sĩ. Bức tranh kết thúc Chữ người tử tù quả là đã gây được ấn tượng mãnh liệt đúng như yêu cầu thẩm mĩ của Nguyễn Tuân. Thủ pháp đối lập được nhà văn khai thác triệt để đã tạo ra ấn tượng đó : đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, đối lập giữa cái đẹp và sự nhơ bẩn, nhem nhuốc, đối lập giữa thiên lương và tội ác.
Ba con người ở vị trí đối địch được cái đẹp của nghệ thuật tập hợp lại, tạo nên một cảnh tượng thật cảm động : "Trong một không khí khói toả như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hổ".
Tác giả gọi đây là "một cảnh tượng xưa nay chưa từng có". Đúng là một cảnh tượng hết sức kì lạ ở một trại tù, trong đó mọi trật tự thông thường đều bị đảo ngược : nơi ngục thất tăm tối bỗng rực rỡ lửa hồng, chốn trại giam bẩn thỉu "tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phản gián" bỗng trở thành nơi sáng tạo nghệ thuật ; lạ hơn nữa là nhà tù lại là nơi tù nhân làm chủ : một tử tù, tư thế hiên ngang lồng lộng, đường hoàng dõng dạc răn dạy ngục quan. Còn ngục quan thì cúi đầu khúm núm : "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh",...
Đây là cảnh tượng thể hiện sâu sắc tư tưởng của tác phẩm : ca ngợi ánh sáng chiến thắng bổng tối, cái đẹp chiến thắng sự thô bỉ, thiên lương chiên thắng tội ác.
Cảnh tượng này cũng minh chứng cho tư tưởng thẩm mĩ của Nguyễn Tuân : ông đâu phải là cây bút duy mĩ, chủ trương đặt nghệ thuật lên trên mọi thiện ác ở đời. Nguyễn Tuân quả đã có lúc phát biểu như vậy, nhưng xét ra đó chẳng qua chỉ là cách nói ngông, nói phẫn ném vào cái xã hội mà ông cho là thù địch với cái đẹp, chà đạp lên cái đẹp. Qua hình tượng Huấn Cao, ai dám bảo Nguyễn Tuân đối lập tài với tâm, cái đẹp với thiên lương ! Đấy là chưa nói, ông còn đường hoàng ca ngợi Huấn Cao mà ai cũng biết nguyên mẫu là Cao Bá Quát, một thủ lĩnh nông dân nổi loạn chống lại triều đình.
5. Chữ người tử tù rút từ tập truyện Vang bóng một thời, ra đời trước Cách mạng tháng Tám 1945. Hồi ấy, ông quan niệm cái đẹp, sự tài hoa chỉ có thể có ở thời xưa, nay còn vương sót lại ở một số ít người ông gọi là "sinh lầm thế kỉ". Ông cho rằng, thời hiện đại là thời của văn minh vật chất, văn minh cơ khí, làm cho đầu óc con người trở nên máy móc, thời của đồng tiền phàm tục, vì thế cái đẹp không thể tồn tại được. Ông phải tìm về quá khứ, cố gắng dựng lại vẻ đẹp của cảnh cũ, người xưa. Mọi sự vật ông đều gọi bằng cái tên của thời ấy. Mọi nhân vật đều được ông mô tả theo tính cách, tâm lí, theo tập quán, cách ăn nói của người xưa. Ông cố dựng lại cả cái không khí trầm lặng, yên tĩnh và cái nhịp sống từ tốn khoan thai của con người thời ấy,...
Ông đã làm được như vậy nhờ am hiểu sâu sắc xã hội, văn hoá và con người thời ấy ; và quan trọng hơn nữa, nhờ yêu mến thật sự những điều mình thuật kể, khiến cho mỗi nét vẽ, mỗi câu văn đều có linh hồn ông gửi lại.
Nhưng cần chú ý điều này : tất cả từ cảnh vật, con người đến nhịp sống nói trên, sở dĩ Nguyễn Tuân "phục chế" được thành công chính là nhờ ông đã sử dụng thành thạo kĩ thuật của văn chương hiện đại. Đó là cách thuật kể gắn liền với bút pháp tá thực ; đó là con mắt quan sát tinh tường, kết hợp với óc phân tích sắc sảo,...
"Tiếng trống thành phủ gần đấy đã bắt đầu thu không. Trên bốn chòi canh, ngục tốt cũng bắt đầu điểm vào cái quạnh quẽ của trời tối mịt, những tiếng kiểng và mõ đều đặn thưa thớt. Lướt qua cái thăm thẳm của nội cỏ đẫm sương, vẳng từ một làng xa đưa lại mấy tiếng chó sủa ma. Trong khung cửa sổ có nhiều con song kẻ những nét đen thẳng lên nền trời lốm đốm tinh tú, một ngôi sao Hôm nhấp nháy như muốn trụt xuống phía chân giời không định".
"Sáu người đều quỳ cả xuống đất, hai tay ôm lấy thành gông đầu cúi cả về phía trước [...].
"Huấn Cao, lạnh lùng, chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thang gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái. Then ngang chiếc gông bị giật mạnh, đập vào cổ năm người sau, làm họ nhăn mặt. Một trận mưa rộp đã làm nền đá xanh nhạt lấm tấm những điểm nâu đen".
Không có kĩ thuật hiện đại làm sao có thể viết được những câu văn nổi hình nổi khối lên như thế !