YÊU CẦU

- Đề bài thuộc kiểu hỗn hợp. Cụ thể là kết hợp giữa phân tích và bình luận tư tưởng “Đất nước của nhân dân” – tư tưởng cốt lõi trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm. 
- Phải phân tích những biểu hiện cụ thể của tư tưởng đất nước của nhân dân được thể hiện trong đoạn thơ Đất nước. Đồng thời, phải tiến hành bình luận (nhận xét, đánh giá) tư tưởng cũng như cách thể hiện tư tưởng đó. 

GỢI Ý LÀM BÀI

1. MỞ BÀI 
Chương Đất nước trích trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm là sự cảm nhận của tác giả về vai trò và những hi sinh to lớn của nhân dân trong công cuộc dựng nước và giữ nước lâu dài của dân tộc. Cũng như những nhà thơ trẻ tiêu biểu của thời kì chống Mĩ, Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện những suy ngẫm của mình về nhân dân thông qua những trải nghiệm của chính bản thân mình. Tư tưởng “Đất nước của nhân dân” là tư tưởng chủ đạo, chi phối cả nội dung và hình thức chương V của bản trường ca này. 
2. THÂN BÀI

a) Tư tưởng “Đất nước của nhân dân” được thể hiện qua cái nhìn về thời gian - lịch sử của đất nước. 
- Nói về sự hình thành của đất nước, tác giả không nhắc tới những sử liệu mà gợi lên những cái gần gũi, thân thuộc, bình dị trong đời sống hằng ngày của nhân dân. 
Đất nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa”... mẹ thường hay kể: 
Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn 
Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc.

Suy ngẫm về lịch sử bốn nghìn năm của đất nước “thời gian đằng đẵng”, nhà thơ không kể đến những anh hùng lừng danh trong sử sách mà nhắc tới những lớp người bình thường, vô danh: 

Có biết bao người con gái con trai

Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi 

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên 

Nhưng họ đã làm ra Đất nước

Chính những con người vô danh đó đã tạo dựng lên đất nước này từ những giá trị vật chất đến những giá trị tinh thần: “Họ truyền cho ta hạt thóc lúa ta trồng. Họ truyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cái. Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói”... Họ mang chính máu xương của mình gìn giữ non sông, đất nước này: “Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm, có nội thù thì dùng lên đánh giặc”...

b) Đất nước còn được nhìn nhận trong chiều rộng của không gian – lãnh thổ – địa lí “không gian mênh mông”. Non sông tươi đẹp ấy, qua cái nhìn của nhà thơ, cũng được tạo nên từ công sức, mồ hôi, máu thịt của nhân dân: 

Những người vợ nhớ chông còn góp cho đất nước những núi Vọng Phu 

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống mái

Người học trò nghèo góp cho đất nước mình núi Bút non Nghiên.

Từ những phát hiện trên, nhà thơ đã “qui nạp”, nâng lên thành một khái quát sâu sắc:

Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

Ôi Đất nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy 

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta.

c) Tư tưởng “Đất nước của nhân dân” còn được thể hiện ở phương diện chiều sâu của văn hóa, phong tục, của tâm hồn, tính cách dân tộc. Tâm hồn dân tộc được thể hiện sâu sắc nhất trong văn hóa, văn học dân gian. Vì thế, “Đất nước của Nhân dân” cũng chính là “Đất nước của ca dao, thần thoại”. 
d) Đề xuất nhận định, đánh giá 
– Tư tưởng “Đất nước của nhân dân” là tư tưởng thấm nhuần tinh thần của thời đại chống Mĩ. Tư tưởng đó được Nguyễn Khoa Điềm thể hiện bằng một hình thức thơ trữ tình - chính luận. Cái lí lẽ mà tác giả đưa ra nhằm thuyết phục người đọc thật giản dị: không ai khác mà chính nhân dân - những con người vô danh - đã kiến tạo và bảo vệ, gìn giữ đất nước, đã xây dựng nên những truyền thống văn hóa, lịch sử hàng ngàn đời của dân tộc. Thông qua những vần thơ kết hợp giữa cảm xúc và suy nghĩ, trữ tình và chính luận, Nguyễn Khoa Điềm muốn thức tỉnh ý thức, tinh thần dân tộc, tình cảm gắn bó với nhân dân, đất nước của thế hệ trẻ những năm chống Mĩ. 
- Trong đoạn thơ Đất nước, Nguyễn Khoa Điềm đã vận dụng rộng rãi và có sáng tạo các chất liệu văn hóa dân gian - từ ca dao tục ngữ đến truyền thuyết, cổ tích và cả những phong tục, tập quán sinh hoạt. Điều đó không đơn thuần chỉ là một thủ pháp nghệ thuật mà còn là sự thấm nhuần sâu sắc tư tưởng “Đất nước của nhân dân” trong cảm hứng sáng tạo của nhà thơ.

3. KẾT BÀI

Tư tưởng “Đất nước của nhân dân” là một tư tưởng lớn, và thực ra đã có từ lâu trong lịch sử xa xưa của dân tộc. Những nhà tư tưởng lớn của dân tộc như Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu vv... đã từng phát biểu về vai trò to lớn của nhân dân trong lịch sử. 
Đến giai đoạn chống Mĩ, tư tưởng ấy đã được những nhà thơ trẻ phát biểu một cách chân thành và thấm thía qua sự trải nghiệm của chính mình với tư cách là một con người cùng chung số phận với nhân dân, cùng chia sẻ với nhân dân mọi hi sinh, gian khổ. Nguyễn Khoa Điềm, trong trường ca Mặt đường khát vọng đã góp thêm một tiếng nói cho dòng thơ về đất nước, làm sâu sắc và phong phú thêm nhận thức về nhân dân và đất nước. 

Bài viết gợi ý:

1. Phân tích chương Đất nước trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm để làm nổi bật độc đáo của tác giả về tư tưởng “Đất nước này là Đất nước nhân dân”

2. Lập dàn ý để phân tích truyện Mùa lạc của Nguyễn Khải.

3. Phân tích nhân vật Đào trong truyện ngắn Mùa lạc của Nguyễn Khải.

4. Phân tích nhân vật Đào trong truyện ngắn Mùa lạc, qua đó làm rõ vai trò của hình tượng này trong việc thể hiện chủ đề chung của toàn thiên truyện

5. Đề 1: Phân tích nhân vật Đào trong truyện ngắn Mùa lạc của nhà văn Nguyễn Khải. Đề 2: Trong truyện ngắn Mùa lạc, Nguyễn Khải viết: “Sự sống này sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hi sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. Qua nhân vật Đào, em hãy làm sáng tỏ điều đó.

6. Phân tích tổng quát truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng (1970) của Nguyễn Minh Châu để định hướng giải quyết các đề bài sau: Đề 1: Phân tích nhân vật Nguyệt trong Mảnh trăng cuối rừng. Đề 2: Phân tích nhân vật Lãm trong Mảnh trăng cuối rừng. Đề 3: Phân tích hình ảnh thiên nhiên trong Mảnh trăng cuối rừng. Đề 4: Phân tích vẻ đẹp của các nhân vật trong Mảnh trăng cuối rừng.

7. Vẻ đẹp của trăng và của nhân vật Nguyệt hòa quyện, bổ sung cho nhau khiến truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu trở thành một khúc trữ tình xúc động về sự bất diệt của cuộc sống, tình yêu, tuổi trẻ giữa đạn bom tàn phá trong những năm tháng chiến tranh. Hãy phân tích hình tượng trăng và nhân vật Nguyệt trong tác phẩm để làm sáng tỏ ý kiến trên