Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về đoạn trích Nỗi oan hại chồng (trích vở chèo Quan Âm Thị Kính)
Bài làm
Trong kho tàng văn hoá truyền thống Việt Nam, chèo là một loại hình quan trọng và độc đáo. Chèo tổng hợp trong nó cả văn học, vũ đạo, hội hoạ, ca nhạc, diễn xướng,... dân gian. Trong kịch, mục sân khấu chèo, Quan Âm Thị Kính là vở diễn nổi tiếng, được phổ biến rộng rãi trên mọi miền Tổ quốc, được nhiều nước trên thế giới ca ngợi. Vỡ diễn này tiêu biểu cho sân khấu chèo về : tích truyện, kịch tính, nhân vật, các làn điệu dân ca, các điệu dân vũ,... Trong Quan Âm Thị Kính, đoạn Nỗi oan hại chồng giúp chúng ta hiểu những nét dặc sắc của cả tác phẩm, nhất là về mặt kịch bản văn học. Nỗi oan hại chồng là bi kịch đầu tiên của cuộc đời Thị Kính - nhân vật chính của vở chèo. Đoạn trích diễn tả cụ thể, sinh động tình cảnh bi thảm, bế tắc của người phụ nữ trong xã hội phong kiến ngày xưa.
Đoạn trích Nỗi oan hại chồng có năm nhân vật : Thiện Sĩ, Thị Kính, Sùng ông, Sùng bà, Mãng ông. Các nhân vật đều tham gia vào quá trình tạo nên xung đột kịch. Câu chuyện được kể theo ba tình huống (còn gọi là ba cảnh) chính:
1. Vợ chồng Thiện Sĩ và Thị Kính chung hường hạnh phúc gia đình. Chồng đọc sách, vợ khâu vá, chăm sóc chồng (Từ đầu đến chi tiết Thiện Sĩ choàng dậy, hốt hoảng nắm lấy dao kêu lên).
2. Sùng bà vu oan giáng hoạ cho Thị Kính, đánh đuổi nàng dâu. Thị Kính kêu oan, nhưng không được. Xung đột nổ ra, mỗi lúc một căng thẳng, không thể dung hoà (Từ chi tiết Thiện Sĩ kêu "Hỡi cha ! Hỡi mẹ !..." đến chi tiết Sùng bà dúi tay đáy Thị Kính ngã, có tiếng Sùng ông nói từ ngoài cửa).
3. Đoạn còn lại : Cha con Thị Kính than thở về nổi oan. Cha dắt con về. Thị Kính không về nhà, mà quyết định xuống tóc đi tu để "cầu Phật chứng minh" cho oan tình của mình. Xung đột kịch lên đỉnh điểm và cách giải quyết xung đột.
Đoạn trích vừa mang tính kịch (biến diễn các xung đột) vừa tự sự, kể chuyện. Tất cả các chi tiết, tình huống xoay quanh mâu thuẫn giữa hai gia đình, tiêu biểu cho hai tầng lớp, hai giai cấp giàu và nghèo trong xã hội xưa. Trong đó nổi bật và tập trung vào xung đột giữa hai nhân vật: Sùng bà và Thị Kính. Do đó, tìm hiểu và suy ngẫm về đoạn trích Nỗi oan hại chồng chúng ta có thể kết hợp xung đột kịch và những dặc điểm số phận, tính cách của hai nhân vật chính ấy.
Sùng bà dại diện cho tầng lớp địa chủ phong kiến, là một con người tàn nhẫn, thô bạo trong hành động ; ngoa ngoắt, hợm hĩnh, vu khống trong lời nói, ý nghĩ. Vừa nghe con trai kêu ''thấy dao kia kề cổ", không cần hỏi han, tra xét cụ thể, Sùng bà đã buộc tội cho Thị Kính là "mày định giết con bà à", rồi tiếp sau, dồn dập bao nhiêu lời cáo buộc, vu khống trắng trợn. Nào là "Mày trót say hoa đắm nguyệt", nào là "Gái say trai lập chí giết chồng". Chao ôi, toàn là những tội tày đình mà người mẹ chồng ấy đã suy đoán hồ đồ, để cố tình buộc tội con dâu, gieo xuống số phận Thị Kính một cái án, một nỗi oan thê thảm. Từ những ý nghĩ lạnh lùng, vô căn cứ đó, Sùng bà đã đối xử với Thị Kính bằng những cử chỉ, hành động rất tàn nhẫn, thô bạo. Mụ "dúi đầu Thị Kính xuống", rồi "bắt Thị Kính ngửa mặt lên". Không cho Thị Kính phân bua, giải thích, mụ lấp liếm vừa nói vừa hát bằng một giọng diệu cay độc, khinh ghét. Cuối cùng, mụ "dúi tay, đẩy Thị Kính ngã khuỵu xuống", rồi bỏ vào nhà. Người mẹ chồng ấy đã đuổi con dâu một cách tàn nhẫn. Trong lời nói, điệu hát, Sùng bà liên tục đay nghiến, nhiếc mắng Thị Kính. Dường như mỗi lần mụ cất lời, Thị Kính lại thêm một tội. Đặc biệt là khi nói, Sùng bà luôn cố ý so sánh, đối chiếu để phân biệt đẳng cấp giữa hai gia đình :
— Giống nhà bà đây giống phượng giống công.
— Mày là con nhà cua Ốc.
— Nhà bà đây cao môn lệnh tộc.
— Tuồng bay mèo ma, gà đồng.
— Trứng rồng lại nở ra rồng.
Liu diu lại nở ra dòng liu diu.
Các tác giả dân gian ngày xưa đã sử dụng nghệ thuật ẩn dụ thật sinh động. Lời nói, bài ca của người mẹ chồng ấy đã dựng nên một loạt hình ảnh tạo vật trái ngược nhau, tô đậm thêm sự đối lập, tính xung đột của câu chuyện. Lời lẽ của mụ Sùng thật phong phú, đa dạng, nhưng đều tập trung ở một tư tưởng : sự phân biệt "cao - thấp", "giàu - nghèo". Trong lời lẽ ấy vừa chứa đựng thói kiêu căng của tầng lớp địa chủ phong kiến vừa bộc lộ quan hệ đối lập mẹ chồng, nàng dâu vốn là quan hệ căng thẳng trong xã hội xưa, những kẻ giàu có thuộc tầng lớp địa chủ phong kiến luôn luôn khinh rẻ những người thuộc tầng lớp lao động, nghèo khó. Thị Kính tuy có đủ đức hạnh như lễ giáo phong kiến quy định nhưng vẫn không được Sùng bà chấp nhận bởi vì nàng không thuộc nguồn gốc "con nhà giống phượng, giống công". Mâu thuẫn giữa Sùng bà (và cả gia đình) với Thị Kính (kể cả Mãng ông) tuy chí là mâu thuẫn trong hôn nhân, gia đình nhưng có ý nghĩa phản ánh mâu thuẫn giai cấp trong xã hội phong kiến. Nhân vật Sùng bà chỉ ra trò, xuất hiện trong một lớp kịch, một tình huống truyện nhưng rất tiêu biểu cho một loại vai trong chèo cổ : vai mụ ác. Ở nhân vật này tập trung cao độ tính cách của kẻ hợm của, khoe dòng giống, tàn nhẫn, độc đoán, cả vú lấp miệng em. Lúc nào mụ Sùng cũng lấy mình làm chuẩn để tỏ rõ phép nhà. Mụ là kẻ tạo ra "luật lệ" trong gia đình, chỉ huy tất cả, bắt tất cả từ chồng, đến con trai và con dâu phải theo ý mình, phải nể sợ, tôn trọng lời nói và hành động của mình. Trong đoạn chèo Nỗi oan hại chồng, nhân vật Sùng bà hiện lên thật sống động, gây cho người đọc, người xem cảm xúc ghê sợ, khinh ghét, cần phải phê phán.
Đối lập với nhân vật Sùng bà là nhân vật Thị Kính. Thị Kính thuộc loại nhân vật nữ chính trong chèo. Nàng đại diện cho người phụ nữ lao động, những người dân bình thường, lương thiện. Cảnh ngộ của nàng thật thảm thương.
Năm lần Thị Kính kêu oan. Trong năm lần ấy thì bốn lần tiếng kêu oan hướng về mẹ chồng và chồng : "Giời ơi ! Mẹ ơi, oan con lắm mẹ ơi", "Oan cho con lắm mẹ ơi"... "Oan thiếp lắm chàng ơi"... "Mẹ xét tình cho con, oan con lắm mẹ ơi !". Thị Kính kêu oan với mẹ chồng, nhưng vô ích. Đối với Sùng bà, những lời ấy như đổ thêm dầu vào lửa, càng làm bùng lên ngọn lửa khinh ghét, càng nối dài thêm những lời đay nghiến vô lí, tức tối. Thị Kính càng kêu oan, nỗi oan càng dày thêm. Còn với Thiện Sĩ thì... đó là một người chồng đớn hèn, bạc nhược. Thiện Sĩ hoàn toàn bỏ mặc người vợ đã từng yêu thương, chăm chút gắn bó với mình, bỏ mặc nàng cho mẹ hành hạ. Trong cảnh ngộ thê thảm của Thị Kính, Thiện Sĩ là một người... thừa. Khi Thị Kính cầu cứu chồng "Oan thiếp lắm chàng ơi", Thiện Sĩ vẫn im lặng như vô cảm, thật đáng trách. Xem chèo hoặc đọc kịch bản đến tình huống này, không ai không xúc động. Xúc động vì tức giận mẹ con Thiện Sĩ và xúc động vì xót thương Thị Kính. Nàng là người vợ hiền dâu thảo, chăm chỉ và thương yêu chồng đến như thế mà bị hàm oan, bị hắt hủi. Chỉ đến lần cuối cùng, lần thứ năm, kêu oan với cha (Mãng ông), người đàn bà bất hạnh ấy mới nhận được sự cảm thông. Nhưng đó là sự cảm thông đau khổ và bất lực. Càng đến cuối, xung đột của lớp kịch, cảnh ngộ của Thị Kính càng thê thảm. Nàng bị đuổi ra khỏi nhà chồng. Trước khi ra khỏi nhà, nàng còn cố níu lại chút kỉ niệm hạnh phúc ngắn ngủi với chồng. Đi theo cha được vài bước, nàng quay vào nhìn từ cái kỉ sách, thúng khâu, rồi cầm lấy chiếc áo đang khâu dở bóp chặt trong tay, thở than một mình:
Thương ôi ! Bấy lâu sắt cầm tịnh hảo Bổng ai làm chăn gối lẻ loi.
Những từ chỉ thời gian "bấy lâu" và "bỗng", những hình ảnh tạo vật "sắt cầm tịnh hảo", "chăn gối lẻ loi" đối lập với nhau, xung đột nhau cùng cất lên tiếng than thống thiết về sự tan vỡ hạnh phúc lứa đôi, dự cảm về một ngày mai đơn độc. Từ lời than, Thị Kính hờn trách:
Trách lòng ai nỡ phụ lòng
Đang tay nỡ bẻ phím đồng làm dôi...
Tuy là lời "trách ai" đấy, nhưng chỉ là những lời "tự bạch", tự giãi bày, than thở mà thôi. Nói khác đi, câu hát cuối cùng đó của Thị Kính - nạn nhân trong vụ "án oan" này - chỉ có ý nghĩa nhấn mạnh thêm cảnh ngộ đau khổ của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến ngày xưa.
Trước cảnh ngộ đau khổ ấy, Thị Kính đã làm gì ? Nếu là người phụ nữ khác, hẳn sẽ có suy nghi khác và ứng xử khác. Nhưng, Thị Kính lại buông xuôi, chỉ đành ngửa mặt than với trời, mong "Nhật nguyệt rạng soi - Thấu tình chăng nhẽ". Sau đó, nàng tạm biệt gia đình, cha mẹ, xuống tóc, giả trai vào chùa đi tu. Hành động này của Thị Kính có mặt tích cực là ước muốn được sống nơi trong sạch để tỏ rõ người đoan chính, nhưng mặt tiêu cực là nàng đổ tại số phận và tìm cách giải thoát bằng sự khổ hạnh, tu tâm, nhẫn nhục, chịu đựng. Cả sau này, khi bị hàm oan trong vụ án hoang thai của Thị Mầu, Kính Tâm - cuộc đời thứ hai của người đàn bà bất hạnh, Thị Kính - vẫn buông xuôi, nhẫn nhục đợi chờ "Nhật nguyệt rạng soi". So với một vài nhân vật phụ nữ khác trong truyện cổ tích như nàng Tiên Dung (truyện Chữ Đồng Tử), cô Tấm (truyện Tấm Cám), hoặc trong các vở chèo như Thị Phương (chèo Trương Viên), Thị Kính chưa có đủ bản lĩnh vượt trên hoàn cảnh, chưa có nghị lực cứng cỏi đứng lên chống lại những oan trái bất còng trong xã hội bấy giờ. Nàng là người phụ nữ nêu tấm gương đoan chính, lương thiện, nhẫn nhục để tu tâm tích đức.
Tóm lại, vở chèo Quan Âm Thị Kính nói chung, đoạn trích Nỗi oan hại chồng nói riêng là vở diễn và trích đoạn chèo tiêu biểu của sân khâu chèo truyền thống, một loại hình văn hoá, văn học dân gian đặc sắc của Việt Nam. Vở chèo và trích đoạn này thể hiện được những phẩm chất tốt đẹp cùng nỗi oan bi thảm, bế tắc của người phụ nữ và những đối lập giai cấp thông qua xung đột hôn nhân, gia đình trong xã hội phong kiến ngày xưa...