Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên

Bài làm

Theo một nét đẹp văn hoá cổ truyền, các dân tộc trên thế giới thường sáng tác những truyện thần thoại, những truyền thuyết nhằm giải thích cội nguồn, tổ tiên của dân tộc mình. Mỗi dân tộc lấy một con vật nào đó làm vật tổ, gọi là "tôtem". Có tôtem là một con rắn, một con đại bàng, một con bò, một "gấu mẹ", hoặc một "gà trống",... Riêng ở nước ta, tổ tiên dân tộc Việt Nam chúng ta đã giải thích cội nguồn của mình bằng một "tôtem" độc đáo trong một truyền thống đẫm chất thần thoại, chất thơ. Đó là truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên.

Chúng ta biết rằng : truyền thuyết là loại truyện dân gian kể về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ, thường có yếu tô tưởng tượng, kì ảo. Truyền thuyết thể hiện thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với các sự kiện và nhân vật được kể. Trong kho tàng truyền thuyết Việt Nam, truyện Còn Rồng cháu Tiên là trang đầu vàng son óng ánh để mở tiếp những trang sau lung linh kì ảo. Nghe kể lại, hoặc được đọc trên văn bản (do các nhà sưu tầm ghi chép) về áng văn chương cổ xưa này, chúng ta hiểu và rung động về biết bao điều thú vị.

1. Cha mẹ là thần tiên kì lạ, lớn lao, đẹp đẽ, phi thường

Đó là nguồn gốc và hình dạng của tổ tiên - bố Rồng, mẹ Tiên với hai cái tên thật là đẹp: Lạc Long Quân, Âu Cơ. Cả hai người đều là "thần". Lạc Long Quân là thần nòi rồng, ở dưới nước, con thần Long Nữ. Âu Cơ là thần nòi Tiên, ở trên núi, thuộc dòng họ Thần Nông - vị thần chuyên trách nghề nông, dạy loài người trồng trọt và cày cấy. Lạc Long Quân "sức khoẻ vô địch, có nhiều phép lạ", còn Âu Cơ thì "xinh đẹp tuyệt trần". Cả hại đều là trai tài, gái sắc, xứng đôi vừa lứa nên đã tìm đến nhau thành duyên chồng vợ. Mối duyên tình ấy đẹp đẽ biết bao!

Đẹp đẽ và cao quý hơn nữa là sự nghiệp khai mở đất nước, tạo lập gia đình của hai người. Lạc Long Quân "giúp dân diệt trừ Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh" - những loại yêu quái làm hại dân ở vùng biển, đồng bằng, rừng núi, tức những nơi dân ta thuở ấy khai phá, ổn định cuộc sống. Thần còn "dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi và cách ăn ở". Còn Âu Cơ vốn là dòng Thần Nông - rất giỏi về nông nghiệp đã tìm đến vùng đất Lạc - đất tổ Việt Nam có nhiều hoa thơm cỏ lạ. Nàng đã cùng Long Quân lập cung điện Long Trang, xây dựng gia đình hạnh phúc. Điều kì lạ, khác thường là đến kì sinh nở, nàng "sinh ra một cái bọc trăm trứng", rồi "trăm trứng nở ra một trăm người con...".

Điều thú vị thứ nhất của câu chuyện Con Rồng cháu Tiên là : bằng nhiều chi tiết tưởng tượng, kì ảo, thần tiên hoá nguồn gốc, nòi giống dân tộc, cha ông ta đã ca ngợi cội nguồn, tổ tiên người Việt chúng ta. Nói khác đi, ta có thể hiểu rằng dân tộc Việt Nam bắt nguồn từ một nòi giống thần tiên, tài ba, xinh đẹp, rất đáng tự hào. Mỗi người Việt Nam ngày nay vinh dự là con cháu thần tiên hãy tin yêu, tôn kính tổ tiên dân tộc mình.

2. Điều thú vị nữa toát ra từ truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên là gì ?

Phải chăng đó là hình ảnh những người con và cuộc phân chia gia đình của Lạc Long Quân và Âu Cơ ? Muốn hiểu rõ điều này, ta hãy bắt đầu từ những chi tiết thánh thần, kì ảo. Chỉ một lần sinh mà Âu Cơ cho ra đời những... một trăm con. Những người con ấy không ra đời từ bụng mẹ mà "nở ra" từ những quả trứng, vừa nở ra thì "một trăm người con" đều "hồng hào, đẹp đẽ lạ thường". Đúng là con của Thần dưới biển và Tiên trên trời ! Điều kì lạ, kì diệu hơn nữa là những người con thần tiên ấy "không cần bú mớm mà tự lớn lên như thổi, mặt mũi khôi ngô, khoẻ mạnh như thần". Một gia đình có tới một trăm con, thật là đông đúc, vui vầy ! Trăm người con ấy ai cũng "tự lớn lên, mặt mũi khôi ngô, khoẻ mạnh...", đúng là nòi giống Rồng, Tiên, cùng một bọc nên giống nhau cả về dáng hình, sức sống và bản lĩnh làm người.

Khi trăm người con ấy trưởng thành thì cha mẹ phân chia gia đình để sinh sống và cai quản đất đai. Cuộc phân chia ấy giản dị và hợp nghĩa tình biết bao. Năm mươi con theo cha xuống biển, năm mươi con theo mẹ lên núi. Biển là biểu tượng của Nước. Núi là biểu tượng của Đất. Chính nhờ sự khai phá mở mang của một trăm người con Long Quân và Âu Cơ mà Đất Nước Văn Lang xưa, Tổ quốc Việt Nam ngày nay của chúng ta hình thành, tồn tại và phát triển.

Điều cần ghi nhớ là lời căn dặn của cha Rồng trước khi chia tay : "Kẻ miền núi, người miền biển, khi có việc gì thì giúp đỡ lẫn nhau, đừng quên lời hẹn".

Rõ ràng, cùng với ý nghĩa tôn vinh, ca ngợi nguồn gốc dân tộc, truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên còn thể hiện một ước mơ, cũng chính là lời nhắn gửi của cha ông đối với con cháu rằng : là dòng dõi Thần Tiên, con cháu đông vui, khoẻ mạnh, giàu bản lĩnh, phải biết yêu thương nhau như anh em ruột thịt, phải luôn luôn đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Hình ảnh "bọc trăm trứng, nở trăm người con" là một chi tiết kì ảo, lãng mạn, giàu chất thơ, gợi cho chúng ta nhớ tới từ "đồng bào" - một từ gốc Hán, nghĩa là người cùng một bọc. "Ý niệm về giống nòi cũng bắt đầu từ đó và mở rộng ra thành tình cảm của dân tộc lớn đoàn kết nhiều nhóm người lại với nhau như anh em ruột thịt - dù người miền núi hay miền xuôi, người vùng biển hay trên đất liền. Hình tượng "sinh ra trong cùng một bọc" là cội nguồn của hai tiếng "đồng bào" mãi mãi nghe rất thân thương...".

Cùng với truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên như ta đang tìm hiểu, suy ngẫm, một số dân tộc khác ở Việt Nam cũng sáng tác những truyền thuyết nhằm giải thích nguồn gốc dân tộc, ước mơ và khẳng định tình đoàn kết các cư dân trên lãnh thổ Việt Nam như truyện Quả trứng to nở ra con người của dân tộc Mường, truyện Quả bầu mẹ của người Khơ-mú,... Tình anh em ruột thịt, nghĩa đồng bào gắn bó keo sơn trong đại gia đình Việt Nam, dưới một mái nhà Tổ quốc, chung một cội nguồn cha mẹ,... thiêng liêng, cao quý mà rất đỗi gần gũi, giản dị xiết bao.

"Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"

(Ca dao)

Tình đồng bào, tình đoàn kết dân tộc là một nét đẹp trong bản sắc văn hoá, cũng là đạo lí lớn lao của dân tộc chúng ta, luôn nhắc nhở thế hộ trẻ chúng ta phải thấu hiểu để thêm tự hào, tin yêu, ghi nhớ và thực hiên.

Tóm lại, truyện Con Rồng cháu Tiên với nhiều chi tiết tưởng tượng, kì ảo là một truyền thuyết mở đầu cho các truyền thuyết Việt Nam về thời đại Hùng Vương, vừa giải thích vừa ngợi ca nguồn gốc, giống nòi và thể hiện ý nguyện đoàn kết thống nhất cộng đồng người Việt chúng ta. Nghe kể, hay được đọc văn bản ghi lại truyền thuyết này, ấn tượng không thể mờ phai trong chúng ta như một lời tâm niêm, lời răn dạy về nét văn hoá truyền thống dân tộc: Cha mẹ là thần Tiên, con cháu khoẻ mạnh, đông vui, đoàn kết...

Bài viết gợi ý: