Soạn bài đây thôn vĩ dạ của Hàn Mặc Tử
I. Gợi ý trả lời câu hỏi
Câu 1. Tâm trạng tác giả trong khổ thơ đầu (qua hồi tưởng về Cảnh và người thôn Vĩ)
- Bao trùm khổ thơ là niềm thích thú, say sưa, lòng yêu mến, tán thưởng vẻ đẹp của cảnh và người thôn Vĩ. Có lẽ tấm thiếp của người thôn Vĩ là một tìn hiệu tình cảm tác động mạnh tới vùng kỉ niệm đẹp trong tâm hồn Hàn Mặc Tử. Vì vậy mà hàng loạt hình ảnh, về thôn Vĩ hiện lên rất rõ và thực, tưởng như thi sĩ đang đứng trước cảnh sắc thôn Vĩ mà nhìn ngắm, nâng niu.
+ Hình ảnh “nắng hàng cau nắng mới lên” ở thôn Vĩ mang một vẻ đẹp lấp lánh, tinh khiết. Được nhìn nắng mới, trên những lá cau non là khoảnh khắc khó quên.
+ Cảnh vườn tược “mướt”, “xanh như ngọc” cũng là một nét độc đáo của những khu biệt thự nhà vườn thôn Vĩ. Cây cảnh nên được chăm sóc kĩ càng, không chỉ xanh mà còn mỡ màng, óng ả. Lại thêm một vẻ đẹp thanh khiết.
Từ cảm thán “mướt quá” bộc lộ trực tiếp sự trầm trồ của thi sĩ. Chứng tỏ Hàn Mặc Tử đang say sưa trong dòng hồi tưởng. Vậy mới biết, xa thôn Vĩ nhưng tình đối với thôn Vĩ vẫn tràn đầy. Đại từ “ai” (vườn ai) phiếm chỉ nhưng vẫn mang ý nghĩa hướng về một “ai” đó xác định trong tâm tưởng của nhà thơ.
+ Người thôn Vĩ chỉ hiện lên chưa đầy nửa câu thơ, không trực diện, nguyên hình mà chi một nét thấp thoáng lá trúc. Khuôn mặt chữ điền phúc hậu càng có ấn tượng trong sự kín đáo, duyên dáng.
- > Cảnh và người thôn Vĩ thật đẹp nhưng cũng chỉ là hoài niệm.
Câu 2. Hình ảnh gió, mây, sông, trăng vẫn là những vẻ đẹp của cảnh sắc xứ Huế nhưng đã nhuốm màu sắc tâm trạng của chủ thể trữ tình. Ý thức về sự ngăn cách giữa số phận bất hạnh của mình với người thôn Vĩ khiến ý thơ từ vui chuyển sang buồn, từ thực bay tới mộng. Phải từ logic tâm trạng của nhà thơ mà hiểu ý nghĩa tượng trưng trong khổ thơ này.
- Thường thì gió thổi mây bay, cùng chung một hướng nhưng ở đây “Gió theo lối gió, mây đường mây”, chia lìa đôi ngả. Phải chăng Hàn Mặc Tử đang nghĩ đến mình ở Quy Nhơn và người thôn Vĩ giờ cũng đôi ngả chia lìa. Trước đây chưa đồng điệu, giờ lại khó tương phùng.
- Sông Hương thơ mộng giờ cũng “buồn thiu” hoa bắp lay càng tăng sự hắt hiu.
Hình ảnh thơ không còn thực mà nghiêng về gợi nỗi buồn man mác, xa cách chia li.
+ Đẹp nhưng khó cảm thụ là hai câu thơ:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Trăng là bạn cố tri của Hàn Mặc Tử, trăng cũng là giai nhân. Nơi Hàn Mặc Tử điều trị bệnh là thế giới của cõi âm, chẳng có “niềm trăng và ý nhạc”. Thế giới bên ngoài lại tràn ngập sắc màu, nhất là vẻ đẹp của xứ Huế. Khát khao thành mộng ảo. Hình dung sông Hương thành sông Trăng. Mong có phép màu nhiệm nào đó để “ai” “chở trăng về kịp” cho Hàn Mặc Tử ở Quy Nhơn. Hình ảnh đẹp nhưng đầy mộng ảo, khát khao mãnh liệt nhưng đầy khắc khoải, tuyệt vọng. Tất cả đều ý thức của con người đang chạy đua với thời gian, với căn bệnh hiểm nghèo.
Câu 3. Tâm trạng của Hàn Mặc Tử ở khổ thơ thứ 3.
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
- Thiết tha hướng về người thôn Vĩ nhưng cảm thấy xa vời, khó tiếp cận.
+ Điệp ngữ “khách đường xa” (Huế và Quy Nhơn không quá xa về không gian địa lí. Đây là không gian tâm trạng. Đối với Hàn Mặc Tử, Huế và Quy Nhơn là hai thế giới cách biệt).
+ Các từ: Xa, trắng quá, sương khó, mờ, ảnh… càng tăng cảm giác khó nắm bắt.
- Chỉ còn biết mơ tưởng.
- Lòng đầy hoài nghi (Làm sao biết “tình ai có đậm đà”).
Câu 4. Tứ thơ và bút pháp của bài thơ.
- Tứ thơ: Mở dầu là niềm vui say, chuyển sang buồn bã,khắc khoải, cuối cùng là sự hoài nghi. Tất cả trạng thái tâm hồn đó đều xuất phát từ lòng yêu đời, niềm thiết tha với cuộc sống và tình yên của một số phận bất hạnh.
- Bút pháp lãng mạn, tượng trưng, siêu thực.
II. Luyện tập
Câu 1. Tìm hiểu ý nghĩa các câu hỏi trong bài thơ.
- Đây không phải là những câu hỏi vấn đáp. Hỏi đề bày tỏ tâm trạng. Các câu hỏi xuất hiện ở cả ba khổ thơ kết nối cảm xúc toàn bài thơ. Cụ thể.
+ Khổ 1: Câu hỏi” Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”. Tác giả đang tự phân thân để hỏi chính mình nhằm diễn tả nỗi ước ao tha thiết được về thăm thôn Vĩ nhưng không biết còn cơ hội nữa không.
+ Khổ 2: Câu hỏi
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Toát lên niềm hi vọng đầy khắc khoải.
+ Khổ 3. Câu hỏi “Ai biết tình ai có đậm đà?” hỏi “Khách đường xa” hay cũng là tự hỏi mình, thể hiện tâm trạng hoài nghi.
Câu 2. Đây là bài thơ về tình yêu hay tình quê?
Hai tình cảm này có trong từng khổ thơ mang mức độ khác nhau.
- Bài thơ này làm hiện lên những vẻ đẹp về cảnh và người xứ Huế qua đó cho thấy được tình yêu thiết tha, đằm thắm của tác giả đối với quê hương đất nước.
- Ẩn trong lớp câu ngữ, bài thơ còn thể hiện tình cảm của Hàn Mặc Tử hướng về người thôn Vĩ: nhớ mong, khắc khoải, hoài nghi, vô vọng.