Soạn bài miêu tả và biểu cảm trong bài văn tự sự
I. Gợi ý trả lời câu hỏi.
Mục I.
1. Khái niệm miêu tả và biểu cảm :
- Miêu tả là dùng ngôn ngữ hoặc một phương tiện nghệ thuật nào đó làm cho người nghe, người đọc có thể hình dung sự vật, hiện tượng, con người như đang hiện ra trước mắt.
- Biểu cảm là bộc lộ tình cảm chủ quan của bản thân trước sự vật, sự việc, hiện tượng, con người trong đời sống.
2. Miêu tả trong văn bản tự sự có hoàn toàn giống với miêu tả trong văn bản miêu tả hay không ? Giữa biểu cảm trong văn bản tự sự với biểu cảm trong văn bản biểu cảm có những nét giống nhau và khác nhau cụ thể nào ?
Gợi ý :
Sự phân biệt miêu tả trong văn miêu tả, biểu cảm trong văn biểu cảm với miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự không phải ở số lượng câu chữ mà là ở mục đích. Một bài văn tự sự sử dụng yếu tố miêu tả hay biểu cảm chỉ để làm cho bài văn hay hơn, giàu sức truyền cảm hơn chứ không nhằm biến bài văn tự sự thành bài văn miêu tả hay bài văn biểu cảm. Có nghĩa là, dù có yếu tố miêu tả hay biểu cảm thì cái cốt lõi mà bài văn hướng tới là câu chuyện kể, mục đích chính của văn tự sự là kể chứ không phải là miêu tả hay biểu cảm. Cũng có thể nói tương tự vậy về biểu cảm.
3. Cần căn cứ vào đâu để đánh giá hiệu quả của miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự ?
Căn cứ để đánh giá hiệu quả của miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự là ở chỗ miêu tả và biểu cảm đã phục vụ đắc lực cho mục đích tự sự đến mức độ nào, nó làm cho bài văn tự sự giàu sức truyền cảm ra sao.
4. Giải thích vì sao đoạn trích ở mục I.4 rất thành công trong việc sử dụng các yếu tố và biểu cảm ?
Học sinh dựa vào phần gợi ý của SGK để tự làm.
Mục II.
1. Chọn và điền từ (quan sát, liên tưởng, tưởng tượng) thích hợp vào mỗi chỗ trống.
a. Liên tưởng : từ sự việc, hiện tượng nào đó mà nghĩ đến sự việc hiện tượng có liên quan.
b. Quan sát : xem xét để nhìn rõ, biết rõ sự vật hay hiện tượng.
c. Tưởng tượng : tạo ra trong tâm trí hình ảnh của cái không hề có ở trước mắt, hoặc chưa hề gặp.
2. Để làm tốt việc miêu tả trong văn tự sự, người làm văn cần và chỉ quan sát đối tượng một cách kĩ càng mà không cần liên tưởng, tưởng tượng được không ? Vì sao ? Tìm trong đoạn trích ở mục I.4 những dẫn chứng để chứng minh cho quan điểm của anh (chị).
Để làm tốt việc miêu tả trong văn tự sự, người làm văn không những phải có sự quan sát kĩ lưỡng, tinh tế đối tượng mà còn phải có sự liên tưởng, tưởng tượng phong phú. Có như vậy sự việc tả mới chân thực, cụ thể, sinh động và hấp dẫn người đọc.
Cụ thể, nếu không có sự quan sát kĩ lưỡng, sự cảm nhận tinh tế sẽ không thấy được “trong đêm, tiếng suối reo nghe rõ hơn, đầm ao nhen lên những đốm lửa nhỏ, những tiếng sột soạt văng vẳng trong không gian’’. Nếu không có sự quan sát kết hợp với tưởng tượng sẽ không thấy được “cô gái trông như một chú mục đồng của nhà trời, nơi có những đám cưới sao’’ và nếu không có sự liên tưởng sẽ không viết được “cuộc hành trình thầm lặng, ngoan ngoãn của ngàn sao gợi nghĩ đến đàn cừu lớn’’.
3. Ý nêu ở mục (d) là ý không chính xác.
Học sinh căn cứ vào bài tập mục II.2 để giải thích.
II. Luyện tập.
Bài tập 1. Hãy nhận xét về vai trò của các yếu tố miêu tả và biểu cảm trong :
a. Một đoạn văn tự sự đã học.
Hướng dẫn :
Nhận xét vai trò của yếu tố miêu tả và yếu tố tự sự trong đoạn văn được trích từ đoạn Ra-ma buộc tội sau.
Nghe những lời đó, Gia-na-ki mở tròn đôi mắt đẫm lệ. Thấy người đẹp khuôn mặt bông sen với những cuộn tóc lượn sóng đứng trước mặt mình, lòng Ra-ma đau như dao cắt. Nhưng vì sợ tai tiếng, chàng bèn nói với nàng, trước mắt những người khác : “…’’
Yếu tố miêu tả có trong đoạn trích trên là : “Gia-na-ki mở tròn đôi mắt đẫm lệ’’ ; “người đẹp khuôn mặt bông sen với những cuộn tóc lượn sóng’’.
Yếu tố biểu cảm sử dụng trong đoạn trích này đã làm nổi bật lên tâm trạng, tính cách của nhân vật. Chi tiết miêu tả Xi-ta cho ta thấy nàng rất đau đớn, đồng thời giúp người đọc hình dung được vẻ đẹp vô cùng thánh thiện của nàng. Yếu tố biểu cảm cho thấy tâm trạng khó xử của Ra-ma. Chàng phải đứng trên tư cách của một vị vua anh hùng, đồng thời là trên tư cách một người chồng, do đó phải lựa chọn một cách ứng xử phù hợp.
b. Đoạn trích “Lẵng quả thông’’ của nhà văn C.Pau-tốp-xki :
- Yếu tố miêu tả và biểu cảm : “em bé có đôi bím tóc nhỏ xíu’’, “Trời đang thu … run rẩy’’.
- Yếu tố miêu tả và biểu cảm đã làm cho đoạn văn tự sự được trích trở nên sinh động và hấp dẫn.
Bài tập 2. Viết một bài văn tự sự có sử dụng các yếu tố miêu tả và biểu cảm kể về một chuyến đi đem đến cho anh (chị) nhiều cảm xúc (một lần về quê, một chuyến tham quan du lịch).
Học sinh tự làm.
Chú ý :
- Học sinh không nên sa đà vào miêu tả và biểu cảm mà quên nhiệm vụ chính là phải viết một bài văn tự sự theo đề tài mà SGK yêu cầu.
- Đây là một đề tài gần gũi. Học sinh nên cố gắng khai thác vốn sống của bản thân để viết cho chân thật.