Soạn bài phong cách ngôn ngữ khoa học
I. Văn bản khoa học và ngôn ngữ khoa học
1. Văn bản khoa học
Tuy đều sử dụng ngôn ngữ khoa học và phục vụ giao tiếp trong lĩnh vực khoa học, nhưng các văn bản khoa học có thể phân chia thành ba loại:
a. Các văn bản chuyên sâu, bao gồm chuyên khảo, luận án, luận văn, tiểu luận, báo cáo khoa học, dự án… Những văn bản này đòi hỏi phải chính xác về thông tin, logic trong lập luận, chặt chẽ nghiêm ngặt trong kiến giải. Loại văn bản này thường giới hạn trong những chuyên ngành khoa học (văn bản a).
b. Các văn bản văn bản dùng để giảng dạy các môn khoa học, bao gồm: giáo trình, giáo án… giảng dạy các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn. Những văn bản này ngoài yêu cầu về khoa học còn có yêu cầu về sư phạm, tức là phải trình bày nội dung dễ đến khó, từ thấp đến cao, phù hợp với trình độ học sinh theo từng cấp, từng lớp, cố định lượng kiến thức từng tiết, từng bài (văn bản b).
c. Các văn bản phố biến khoa học (khoa học đại chúng), bao gồm: sách phổ biến khoa học, các bài báo, bút kí khoa học, phê bình, điểm sách, nhằm phổ biến rộng rãi kiến thức khoa học đến đông đảo bạn đọc. Loại văn bản này yêu cầu viết cho dễ hiểu, hấp dẫn. Vì vậy có thể dùng lối miêu tả, bút kí, dùng cách ví von so sánh và các biện pháp tu từ, sao cho ai cũng có thể hiểu được và có thể đưa khoa học và cuộc sống (văn bản c).
2. Ngôn ngữ khoa học
- Ngôn ngữ khoa học là ngôn ngữ được dùng trong các loại văn bản khoa học, phạm vi giao tiếp và truyền thụ kiến thức khoa học như khoa học tự nhiên (Toán, Lí, Hóa, Sinh…) và khoa học xã hội nhân văn (Triết học, Xã hội học, Giáo dục học, Tâm sinh lí học, Sử học, Chính trị học…)
- Ngôn ngữ khoa học phần lớn sử dụng dạng viết, cũng có thể sử dụng ở dạng nói (hội thảo, thuyết trình, nói chuyện…) nhưng dù ở dạng nào cũng có những đặc trưng của phong cách ngôn ngữ khoa học.
II. Đặc trưng của phong cách ngôn ngữ khoa học
Ngôn ngữ khoa học khác ngôn ngữ thuộc các phong cách khác về mặt từ ngữ và cú pháp, đặc biệt là cách trình bày, lập luận trong một văn bản khoa học.
1. Nhận xét về từ ngữ và câu văn trong văn bản khoa học
a. Từ ngữ trong các văn bản khoa học phần lớn cũng là những từ ngữ thông thường. Ví dụ: Ta hãy, Thế nào là, và luôn thể… (đoạn văn của Hoài Thanh). Nhưng những từ nữ này chỉ có một nghĩa. Văn bản khoa học không dùng đa nghĩa, không dùng từ theo nghĩa bóng và ít dùng các biện pháp tu từ.
b. Văn bản khoa học có một số lượng nhất định các thuật ngữ khoa học.
Ví dụ: Vec tơ, đoạn thẳng (hình học); thơ, thơ cũ, thơ mới, thơ tự do… (nghiên cứu văn học). Thuật ngữ khoa học là những từ chứa đựng khái niệm cơ bản của chuyên ngành khoa học, là công cụ để tư duy khoa học. Những thuật ngữ đó có thể được xây dựng từ ngữ thông thường, ví dụ trong hình học có: điểm, đường, đoạn thẳng, góc… cũng có thể vay mượn từ hệ thống ngôn ngữ khoa học nước ngoài như: ôxi, hiđrô, cacbonat canxi (hóa học).
Thuật ngữ về lớp từ vựng khoa học chuyên ngàng mang tính khái quát, tình trừu tượng và tính hệ thống, không giống với từ ngữ thông thường mà người dân sử dụng khi giao tiếp hằng ngày.
c. Ngoài ra, trong văn bản khoa học còn sử dụng các kí hiệu bằng chữ số Ả Rập (1, 2, 3…), chữ La Mã (I, II, III…), những con chữ (a, b, c…), những biểu đồ, công thức trừu tượng. Như vậy, tính trừu tượng là một đặc trưng khái quát của ngôn ngữ khoa học.
d. Câu văn trong văn bản khoa học là một đơn vị thông tin, đơn vị phán đoán, logic, được xây dựng từ hai khái niệm khoa học trở lên theo một quan hệ nhất định. Ví dụ: Quả đất là một hành tinh quay chung quanh mặt trời.
Câu văn trong văn bản khoa học đòi hỏi tính chính xác không phải bằng cảm nhận mà bằng phán đoán lí trí chặt chẽ, đúng đắn. Câu phải dựa trên cú pháp chuẩn, không dùng câu đặc biệt, không dùng biện pháp tu từ cú pháp. Văn bản khoa học phải chính xác (xem các ví dụ về cách viết sai của học sinh trong SGK). Như vậy, tính lí trí là một đặc trưng của phong cách ngôn ngữ khoa học.
e. Nét chung nhất của ngôn ngữ khoa học là thứ ngôn ngữ phi cá thể: ít mang màu sắc cá thể. Tính phi cá thể trong sử dụng ngôn ngữ là đặc trưng thứ ba của ngôn ngữ khoa học, trái với phong cách ngôn ngữ sinh hoạt và phong cách ngôn ngữ nghệ thuật mang dấu ấn cá thể của người dùng.
2. Định nghĩa phong cách ngôn ngữ khoa học
Phong cách ngôn ngữ khoa học là phong cách ngôn ngữ trong các văn bản khoa học mang các đặc trưng cơ bản là tính trừu tượng, tính lí trí và tính phi cá thể, thể hiện ở những yêu cầu dùng từ, đặt câu và tạo văn bản.
III. Luyện tập
1. Đọc lại bài Khái quát văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX để trả lời ba câu hỏi trong bài tập.
2. Giải thích và phân biệt những từ ngữ khoa học với những từ ngữ thông thường qua các ví dụ trong môn HÌnh học: điểm, đường thẳng, đoạn thẳng, mặt thẳng, góc, đường tròn, góc vuông…
(Gợi ý: Căn cứ vào đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ khoa học ở lĩnh vực hình học để phân biệt với từ ngữ thông thường tương ứng).