TUẦN 21: TẬP ĐỌC
SOẠN BÀI BÈ XUÔI SÔNG LA
A - KĨ NĂNG ĐỌC:
Bài thơ được sáng tác theo thể 5 chữ quen thuộc, âm điệu êm dịu nhẹ nhàng phong vị của làn điệu dân ca Nghệ - Tĩnh đằm thắm thiết tha. Khi đọc, em cần căn cứ vào đặc trưng của thơ về dòng, nhịp, vần và thể thơ để sử dụng ngữ điệu phù hợp góp phần nêu bật không khí êm ả của dòng sông La và những nét tươi vui của cảnh vật ở hai bên bờ sông. Mỗi dòng là một nhịp. Giữa các dòng thơ cần căn cứ vào ý biểu đạt để ngắt nghỉ đúng chỗ. Nhấn giọng ở những từ ngữ diễn tả đặc điểm cảnh vật và những nét tươi vui ở hai bên bờ sông La.
B - TÌM HIỂU BÀI:
Câu 1. Sông La đẹp như thế nào?
Gợi ý: Sông La rất đẹp và rất thơ mộng: Nước trong veo như ánh mắt. Hai bờ hàng me xanh mướt như đôi hàng mi, sóng nước được nắng chiếu long lanh như vảy cá. Trên bờ tiếng chim hót rộn vang.
Câu 2. Chiếc bè gỗ được ví với cái gì? Cách nói ấy có gì hay?
Gợi ý: Chiếc bè gỗ được ví với đàn trâu đằm mình lim dim mắt, thong thả trôi êm đềm trên dòng sông: “Bè đi chiều thầm thì; Gỗ lượn đàn thong thả; Như bầy trâu lim dim; Đằm mình trong êm ả”. Cách nói theo lối so sánh như thế làm hiện lên cánh bè gỗ trôi trên sông vừa cụ thể vừa sinh động.
Câu 3. Vì sao đi trên bè, tác giả lại nghĩ đến mùi vôi xông mùi lán cưa và những mái ngói hồng?
Gợi ý: Vì tác giả nghĩ đến ngày mai những chiếc bè gỗ chở về xuôi sẽ góp phần xây dựng quê hương làm cho quê hương ngày một đổi mới tươi đẹp hơn sau chiến tranh.
Câu 4. Hình ảnh “Trong đạn bom đổ nát; Bừng tươi nụ ngói hồng” nói lên điều gì?
Gợi ý: Hình ảnh ấy nói lên: Băng sức lực, trí tuệ và tài năng của con người, vượt lên trên đạn bom ác liệt để tiếp tục xây dựng cuộc sống của mình ngày một tươi đẹp hơn.
* Đại ý: Ca ngợi vẻ đẹp của dòng sông La và ý chí nghị lực của con người bất chấp đạn bom quyết tâm xây dựng quê hương, đât nước mình ngày một tươi đẹp hơn.