I. NHỮNG BẰNG CHỨNG VỀ NGUỒN GỐC CỦA LOÀI NGƯỜI TỪ ĐỘNG VẬT
1. Bằng chứng giải phẫu so sánh:
- Cấu tạo cơ thể người rất giống thể thức cấu tạo chung của động vật có xương sống như các thành phần của bộ xương, vị trí sắp xếp các nội quan...
- Người có 1 số đặc điểm chung của động vật có vú như lông mao, tuyến sữa, bộ răng phân hóa, đẻ con....
- Trên cơ thể người có những cơ quan thoái hóa là di tích của những cơ quan xưa kia phát triển ở động vật như ruột thừa, xương cụt,...
2. Bằng chứng phôi sinh học:
- Sự phát triển của phôi người lặp lại những giai đoạn lịch sử mà động vật đã trải qua như khe mang của cá, đuôi của bò sát, nhiều đôi vú của thú...
- Hiện tượng lại giống tái hiện một số đặc điểm của tổ tiên động vật, như người có đuôi, có lông rậm khắp mình...
→ Những đặc điểm giống nhau trên đây chứng tỏ người và vượn người có nguồn gốc chung và có quan hệ họ hàng rất thân thuộc.
- Các đặc điểm thích nghi nổi bật của người:
- Kích thước não bộ tăng dần (từ 450 cm ở vượn người tăng lên 1350 cm ở người hiện đại) làm tăng khả năng tư duy, ngôn ngữ và tiếng nói.
- Xương hàm ngắn dần cùng với biến đổi về răng, thích nghi với việc ăn tạp.
- Đứng thẳng bằng 2 chân cùng với sự tiêu giảm bộ lông trên bề mặt cơ thể.
- Giảm dần sự khác biệt về kích thước giữa 2 giới đực và cái (loài gôrila con đực gấp 2 lần con cái; tinh tinh gấp 1,3 lần; người còn 1,2 lần).
- Xuất hiện cấu trúc gia đình, xã hội và sự tiến hóa văn hóa.
II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH LOÀI NGƯỜI
Tổ tiên chung của người và các loài vượn hiện nay là loài vượn người sống trên cây (Các bằng chứng hóa thạch cho thấy người và các loài linh trưởng châu Phi (tinh tinh) có chung tổ tiên cách đây khoảng 5 - 7 triệu năm).
Khi rừng thu hẹp, loài vượn cổ đại chuyển xuống sống trên các đồng cỏ → khả năng đi thẳng là có lợi vì có thể phát hiện kẻ thù từ xa. Đi thẳng bằng chân đã giải phóng 2 tay khỏi chức năng di chuyển → tay trở thành cơ quan sử dụng và chế tạo công cụ lao động, vũ khí …
Từ loài vượn người cổ đại Australopithecus đã phân hóa thành nhiều loài khác nhau, trong đó có nhánh tiến hóa thành loài Homo habilis (người khéo léo, có bộ não khá phát triển 575 cm; biết sử dụng công cụ bằng đá); từ loài này hình thành nên nhiều loài khác trong đó có loài Homo erectus (người đứng thẳng) và tiếp đến là người hiện đại Homo sapiens và loài gần gũi với loài người hiện đại là Homo neanderthalensis (đã bị loài hiện đại cạnh tranh và làm tuyệt chủng cách đây khoảng 30.000 năm).
III. NGƯỜI HIỆN ĐẠI VÀ SỰ TIẾN HOÁ VĂN HOÁ
So sánh bộ não của Homo sapiens và người ngày nay không có sai khác về kích thước.
Khi tiến hóa sinh học đem lại cho con người 1 số đặc điểm thích nghi như: bộ não lớn với các vùng ngôn ngữ và tiếng nói phát triển; bàn tay linh hoạt từ chỗ chỉ biết sử dụng những công cụ bằng đá thô sơ để tự vệ và bắt thú rừng đến biết sử dụng lửa để nấu chín thức ăn, biết chế tạo quần áo, lều trại trú ẩn đến hình thành làng mạc, đô thị: đó là tiến hóa văn hóa. Vậy tiến hóa văn hóa là sản phẩm của tiến hóa sinh học.
Nhờ có tiến hóa văn hóa mà con người có thể dạy nhau cách sử dụng và sáng tạo ra công cụ, không còn trông đợi vào những biến đổi về mặt sinh học.
Con người đã nhanh chóng trở thành loài thống trị trong tự nhiên, có ảnh hưởng rất lớn đến sự tiến hóa của loài khác và có khả năng điều chỉnh chiều hướng tiến hoá của chính mình.