Tập làm văn lớp 5: Tả bác nông dân đang cày ruộng.
Bài làm
Nói đến bác nông dân đang cày ruộng, em nhớ đến bác Tám ở quê ngoại. Đó là một nông dân cần cù chất phác, bác chuyên đi cày thuê kiếm cơm, nên bác là người sử dụng cày rất thành thạo. Em biết được bác là nhờ hôm trung thu về thăm quê ngoại. Nói đên bác nông dân đang cày ruộng, em nhớ đến bác Tám ở quê ngoại. Bác là một nông dân cần cù chất phát, bác chuyên đi cày thuê kiếm cơm, nên bác là người sử dụng cày rất thành thạo. Em biết được bác là nhờ hôm Trung thu về thăm quê ngoại.
Hôm ấy, trên đường em phải qua một cánh đồng rộng mênh mông. Em đang ngồi trên xe mà lòng cứ nôn nao mong chóng về gặp ngoại. Nhưng mà oái ăm thay, giữa đường xe bị hỏng nên em phải đi bộ qua con đường khá dài. Chính trên con đường này, em được làm quen với bác Tám cày ruộng. Tiếng “ví tá” của bác làm em chú ý và tìm cách làm quen. Bác trạc năm mươi tuổi. Khác với những người ở phố, bác có một thân hình cường tráng, vạm vỡ rắn chắc làm sao. Gương mặt bác trông hơi khắc khổ: da sạm nắng, tay chân chắc nịch bị phủ một lớp bùn đất vì bác đang cày. Quần bác xắn cao, đôi tay nhanh nhẹn chỉ lái cặp trâu. Một tay bác nắm sợi dây đang mắc vào mũi trâu, còn tay kia thì nắm cái roi dài để phết vào mông trâu khi nào trâu lười biếng không đi. Mồ hôi bác đang đầm đìa nhỏ giọt, miệng bác luôn “ví thá, tá ví” làm em thấy lạ tai. Hai con trâu đi chậm chạp vì phải kéo cá lưỡi cày lật bao nhiêu lớp bùn đất. Lúc ấy trong ruộng có nước, khi lưỡi cày đi qua, nó đê lại trong nước những hình xoắn tròn to, rồi nhỏ dần dần. Bác cày rất kĩ. Không để sót khoảnh đất nào. Nhìn cách làm, em thấy được đức tính kĩ lưỡng của bác.
Khi cày gần nửa đám ruộng, bác nghỉ giải lao. Lúc đó, bác đến một gốc cây đa, nằm gác chăn lên rễ cây để nghỉ, mắt bác lim dim như muốn ngủ. Lúc này hai con trâu đang vẫy đuôi gặm cỏ. Khi bác tiếp tục công việc, trời đã nắng gắt. người và vật bắt đầu thấm mệt, mồ hôi nhễ nhại. Em thấy thương và cảm phục bác làm sao. Nhìn những hàng đất cày thành luống trông rất đẹp dưới nắng trưa, em nhớ đến câu tục ngữ: Ăn một bát cơm, nhớ người cày ruộng.
Hình ảnh vất vả trên đồng ruộng của bác Tám theo em mãi về thành phố đến hôm nay.
Lương Nguyễn Tuấn - Long An
Nhận xét
1. Những ưu điểm cần học tập
Bạn dẫn dắt khá kỹ người đọc đến hoàn cảnh mà bạn được làm quen với bác nông dân cày ruộng - bác Tám. Cách mở bài theo kiểu “hồi tưởng” này khá đặc biệt, tạo ấn tượng cho người đọc chú ý tới bài văn của bạn.
Miêu tả ngoại hình của bác nông dân - bạn đã lựa chọn được một số nét tiêu biểu “thân hình cường tráng, vạm vỡ rắn chắc", “gương mặt bác trông hơi khắc khổ: da sạm nắng, tay chân chắc nịch”, “quần xắn cao", “đôi tay nhanh nhẹn chỉ lái cặp trâu” làm hiện rõ hình ảnh một bác nông dân khoẻ mạnh, nhiều năm lao động vất vả trên đồng ruộng.
Bạn cũng đã thể hiện được sự cảm thông với những vất vả của bác nông dân cũng như thể hiện rõ được tình cảm cùa bạn đối với bác: “Em thấy thương và cảm phục bác làm sao” “Nhìn những hàng đất cày thành luống trông rất đẹp dưới nắng trưa, em nhớ đến câu tục ngữ “Ăn một bát cơm, nhớ người cày ruộng".
2. Những hạn chế cần rút kinh nghiệm
- Bài viết còn mắc lỗi dùng từ và lỗi viết câu.
- Bạn miêu tả “những hàng đất cày thành luống trông rất đẹp dưới nắng trưa” nhưng chưa miêu tả kỹ những luống cày được lật trên mặt ruộng như thế nào?
Bài luyện tập:
1. Em hãy cho biết những câu văn nào trong bài miêu tả một số nét tiêu biểu về ngoại hình của bác nông dân?
2. Câu: “Một tay bác nắm sợi dây đang mắc vào mũi trâu, còn tay kia thì
Cầm cái roi dài để phết vào mông trâu khi nào trâu lười biếng không đi” vì sao : nội dung không hợp lý? Hãy chữa lại giúp bạn.
3. Viết 1 - 2 câu văn gợi tả hình ảnh những luống đất cày trong bài?
4. Lập dàn ý cho bài văn miêu tả một người lao động mà em biết.