I. Hiểu bài
1. Từ khó
- Tranh luận: Bàn cãi để tìm ra lẽ phải.
- Phân giải: Giải thích cho thấy rõ đúng sai, phải trái, lợi hại
2. Ý nghĩa câu chuyện
Người lao động là quý nhất
3. Nội dung bài học
Câu 1: Theo Hùng, Quý, Nam, cái quý nhất trên đời là gì?
- Hùng: Quý nhất là lúa gạo.
- Quý: Quý nhất là vàng
- Nam: Quý nhất là thì giờ
Câu 2: Mỗi bạn đưa ra lý lẽ như thế nào để bảo vệ ý kiến của mình?
- Hùng: Quý nhất là lúa gạo vì ai cũng cần lúa, gạo để ăn uống, duy trì sự sống.
- Quý: Quý nhất là vàng vì mọi người đều nói quý như vàng, có vàng là có tiền sẽ mua được lúa gạo.
Nam: Quý nhất là thì giờ vì thầy giáo thường nói thì giờ quý hơn vàng bạc, có thì giờ mới làm ra được lúa gạo, vàng bạc.
Câu 3: Vì sao thầy giáo cho rằng người lao động mới là quý nhất?
Thầy giáo cho rằng người lao động là quý nhất vì không có người lao động thì không có lúa gạo, vàng bạc và thì giờ cũng trôi qua một cách vô vị.
Câu 4: Chọn tên gọi khác cho bài văn và nêu lý do vì sao em chọn tên gọi đó?
Gợi ý: Có thể lựa chọn các nhan đề sau:
- “Ai có lí?” Vì câu chuyện trong bài cuối cùng là hướng tới tìm được một lập luận giàu sức thuyết phục nhất.
- “Cuộc tranh luận thú vị” Vì bài văn kể lại cuộc tranh luận thú vị của ba bạn nhỏ và có sự tham gia góp ý, nêu ý kiến của thầy giáo.
II. Hướng dẫn đọc
- Đọc lưu loát, diễn cảm toàn bài.
- Chú ý phân biệt lời người dẫn chuyện và lời của nhân vật (Hùng, Quý, Nam, thầy giáo)
+Giọng tranh luận sôi nổi của Nam, Hùng, Quý
+Giọng giảng giải ôn tồn, chân tình, giàu sức thuyết phục của thầy giáo.