I. Hiểu bài

1. Chú thích

Sa Pa: một huyện thuộc tỉnh Lào Cai

Rừng cây âm âm: rừng cây rậm rạp, hơi tối và tĩnh mịch.

Hmông, Tu Dí, Phù Lá: tên gọi của ba dân tộc thiểu số ở vùng núi cao.

Hoàng hôn: lúc mặt trời lặn.

Áp phiên: hôm trước phiên chợ.

2. Ý nghĩa bài học

Ca ngợi vẻ đẹp độc đáo của Sa Pa, thể hiện tình cảm yêu mến thiết tha của tác giả đối với cảnh đẹp của đất nước.

3. Nội dung bài học

Câu 1: Mỗi đoạn trong bài là một bức tranh đẹp về cảnh, về người. Hãy miêu tả điều em hình dung được về mỗi bức tranh.

Trả lời:

- Đoạn 1: Du khách đi lên Sa Pa có cảm giác như đi trong những đám mây trắng bồng bềnh, huyền ảo, đi giữa những thác trắng xoá tựa mây trời, đi giữa những rừng cây âm âm, giữa những cảnh vật rực rỡ sắc màu: những bông hoa chuối rực lên như ngọn lửa; những con ngựa ăn cỏ trong vườn đào: con đen, con trắng, con đỏ son, chùm đuôi cong lướt thướt liễu rủ.

- Đoạn 2: Cảnh phố huyện rất vui mắt, rực rỡ sắc màu: nắng vàng hoe; những em bé Hmông, Tu Dí, Phù Lá cổ đeo móng hổ, quần áo sặc sỡ, đang chơi đùa; người ngựa dập dìu đi chợ trong sương núi tím nhạt.

- Đoạn 3: Ngày liên tục đổi mùa, tạo nên bức tranh phong cảnh rất lạ: Thoắt cái, lá vàng rơi trong khoảnh khắc mùa thu. Thoắt cái, trắng long lanh một cơn mưa tuyết trên những cành đào, lê, mận. Thoắt cái, gió xuân hây hẩy nồng nàn với những bông lay ơn màu đen nhung quý hiếm.

Câu 2: Những bức tranh bằng lời trong bài thể hiện sự quan sát rất tinh tế của tác giả. Hãy nêu một số chi tiết thể hiện sự quan sát tinh tế ấy.

Trả lời:

Có thể nêu một số chi tiết như sau:

- Những đám mây trắng nhỏ sà xuống cửa kính ô tô tạo nên cảm giác bồng bềnh huyền ảo.

- Những bông hoa chuối rực lên như ngọn lửa.

- Những con ngựa nhiều sắc màu khác nhau, với đôi chân dịu dàng, chùm đuôi cong lướt thướt liễu rủ.

- Nắng phố huyện vàng hoe

- Sương núi tím nhạt

- Sự thay đổi mùa ở Sa Pa: Thoắt cái, lá vàng rơi trong khoảnh khắc mùa thu. Thoắt cái, trắng long lanh một cơn mưa tuyết trên những cành đào, lê, mận. Thoắt  cái, gió xuân hây hẩy nồng nàn.

Câu 3: Vì sao tác giả gọi Sa Pa là “món quà tặng diệu kì” của thiên nhiên?

Trả lời:

Vì phong  cảnh Sa Pa rất đẹp. Vì sự đổi mùa trong  một ngày ở Sa Pa rất lạ lùng, hiếm có.

Câu 4: Bài văn thể hiện tình  cảm của tác giả đối với cảnh đẹp Sa Pa như thế nào?

Trả lời:

Tác giả ngưỡng mộ, háo hức trước cảnh đẹp Sa Pa. Ca ngợi: Sa Pa quả là món quà diệu kì của thiên nhiên dành cho đất nước ta.

III. Hướng dẫn đọc diễn cảm

- Đọc lưu loát toàn bài

- Đọc diễn cảm bài văn với giọng nhẹ nhàng, thể hiện sự ngưỡng mộ, niềm vui, sự háo hức của du khách trước vẻ đẹp của đường lên Sa Pa, phong cảnh Sa Pa.

Bài viết gợi ý: