Thao tác chứng minh đòi hỏi chúng ta phải làm sáng tỏ chân lí bằng các dẫn chứng và lí lẽ. Khi  ta chấp nhận cái chân lí thể hiện tròn một lời phát ngôn nào đó (tục ngữ, một lời nhận định...) ta sẽ phải thuyết phục người khác cùng chấp nhận. Phương tiện của ta là những dẫn chứng rút ra từ thực tế cuộc sống xưa và nay, từ lịch sử, từ văn học (nếu đề bài yêu cầu) và kèm theo dẫn chứng là những lí lẽ dẫn dắt, phân  tích tạo ra những lập luận vững chắc, mang đến niềm tin cho người đọc.
Đi sâu vào thao tác chứng minh, bước đầu tiên là tìm hiểu “điều cần phải chứng minh”, không những bản thân mình hiểu mà còn phải làm sao cho người khác thống nhất với mình cách hiểu đúng nhất. Tiếp theo là việc tìm và lựa chọn dẫn chứng. Thực tế cuộc sống rộng lớn, tư liệu lịch sử và văn học rất phong phú, chúng ta phải tìm và lựa chọn từ trong đó những dẫn chứng nào xác đáng nhất, tiêu biểu và toàn diện nhất. Biết lựa chọn thì chỉ nêu lên vài ba dẫn chứng cũng đủ làm sáng tỏ điều cần chứng minh, không biết lựa chọn thì nêu hàng chục dẫn chứng vẫn chưa có sức thuyết phục. Dẫn chứng phải thật sát với điều chúng ta muốn làm sáng tỏ và kèm theo dẫn chứng bao giờ cũng có lí lẽ phân tích – chỉ ra những nét, những điểm ta đang cần làm nổi bật trong các dẫn chứng kia.
Bản thân dẫn chứng và lí lẽ phân tích chưa có sức thuyết phục cao, nếu như người viết không biết cách sắp xếp tạo thành một hệ thống mạch lạc và chặt chẽ. Có thể sắp xếp dẫn chứng theo trình tự thời gian, không gian, từ xưa đến naym từ xa đến gần, từ ngoài vào trong hoặc ngược lại...
Đọc đoạn văn sau đây, chúng ta sẽ thấy thao tác chứng minh đạt hiệu quả cao khi người viết nắm chắc vấn đề cần chứng minh, biết lựa chọn sắp xếp, phân tích dẫn chứng.
“Hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng hẳn trái với nhân đạo và chính nghĩa.
Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành luật pháp dã man. Chúng lập chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để cho nòi giống ta suy nhược.
Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều.
Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.
Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.
Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng.
Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”.
Trong đoạn văn trên, tác giả đã nêu lên những dẫn chứng cụ thể không thể chối cãi, khéo lại sắp xếp – đi từ chính trị đến kinh tế, từ tội ác đối với toàn dân đến tội ác đối với mỗi tầng lớp đồng bào...Tất cả tạo ra một lời tố cáo đam thép, một lời buộc tội hùng hồn.
Điều không nên quên là nếu như trong việc giải thích, chúng ta không dừng lại ở cách hiểu vấn đề thì trong thao tác chứng minh chúng ta cũng không dừng lại sau khi đã sử dụng hàng loạt dẫn chứng và lí lẽ để khẳng định vấn đề. Bước kết thúc vẫn là bước vận dụng, đặt vấn đề vào giữa thực tiến cuộc sống hôm nay để đề xuất phương hướng nỗ lực. chân lí chỉ có giá trị khi nó soi rọi cho ta sống và làm việc tốt hơn, vấn đề là ta cần tránh công thức rút ra những kết luận cho thỏa đáng, thích hợp với từng con người, hoàn cảnh, sự việc.
Có thể xác định các nội dung trong một bài nghị luận chứng minh:
Làm rõ điều cần chứng minh trong luận đề được nêu lên.
Lần lượt đưa ra các dẫn chứng và lí lẽ để làm sáng tỏ điều cần chứng minh.
Rút ra kết luận về phương hướng nỗ lực.

Bài viết gợi ý:

1. Dựa vào các bài ca dao đã học ở Ngữ Văn 7 và thơ ca em biết (ít nhất năm dẫn chứng), hãy chứng minh: Thơ ca Việt Nam (nói chung) và ca dao (nói riêng) đã biểu hiện đa dạng tình yêu quê hương, đất nước của người Việt Nam.

2. Qua hai văn bản: “Một thứ quà của lúa non: Cốm” của Thạch Lam và “Mùa Xuân của tôi” của Vũ Bằng, hãy chứng minh rằng: “Dù viết về một thứ quà bình dị hay viết về kỉ niệm của một kẻ xa quê thì chỗ hay nhất của những áng văn xuôi ấy là tâm tình sâu nặng thiết tha với quê hương, đất nước”.

3. Hãy làm rõ bản chất xấu xa của bọn thực dân phong kiến dưới chế độ cũ (những năm đầu thế kỉ XX), qua hai văn bản : Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn và Những trò lố hay và Va – ren và Phan Bội Châu (Ngữ văn 7, tập hai).

4. Hồ Chủ Tịch có nói: “Dân ta có một lòng yêu nước”. Bằng thơ văn giai đoạn thế kỉ XI-XV, em hãy làm sáng tỏ nhận định trên

5. Bộ mặt thật của bọn quan lại phong kiến, cường hào, địa chủ và tay sai được thể hiện khá sâu sắc trong tác phẩm “Sống chết mặc bay”, “Đông hào có ma” và “Tắt đèn”. Hãy chứng minh.

6. Hãy chứng minh câu tục ngữ: “Hợp quần gây sức mạnh”.

7. Trong một bức thư gửi các cháu thiếu niên nhi đồng, Bác Hồ viết: Ai yêu các nhi đồng Bằng Bác Hồ Chí Minh. Dựa vào những hiểu biết của mình về cuộc đời Bác và thơ văn của Người, em hãy làm sáng tỏ ý thơ trên