BÀI LÀM GỢI Ý

Sau khi thấy các biện pháp giáo dục, răn đe người chồng không có kết quả, Đấu – với tư cách thẩm phán huyện - đã khuyên người vợ nên li hôn để khỏi bị hành hạ, ngược đãi. Anh mời người đàn bà đến công sở để trao đổi về vấn đề này. Có lẽ Đẩu đã tin rằng giải pháp mình chọn cho bà ta là đúng đắn. Nhưng sau buổi nói chuyện thì mọi lí lẽ của anh đều bị người đàn bà chất phác, lam lũ “bác bỏ”. Hóa ra lòng tốt của anh là lòng tốt phi thực tế. Anh bảo vệ luật pháp bằng sự thông hiểu sách vở nên trước cuộc sống đích thực anh trở thành kẻ nông nổi, ngây thơ. Người đàn bà làng chài thất học, quê mùa nhưng thật sâu sắc khi “nhìn suốt cả đời mình” đã khiến “Một cái gì mới vừa vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển”. Có thể anh vừa “ngộ” ra những nghịch lí của đời sống - những nghịch lí con người buộc phải chấp nhận, phải “rút một tiếng thở dài đầy chua chát”: “trên thuyền phải có một người đàn ông... dù hắn man rợ, tàn bạo”. Cũng có thể, anh bắt đầu hiểu ra rằng muốn con người thoát khỏi cảnh đau khổ, tăm tối, man rợ cần có những giải pháp thiết thực chứ không phải chỉ là thiện chí hoặc các lí thuyết đẹp đẽ nhưng xa rời thực tiễn. Đây cũng là sự “vỡ ra” của người thợ chụp ảnh về “độ chênh” giữa “cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh” mà anh vừa hân hoan thu vào ống kính với cuộc sống nhọc nhằn chẳng thi vị chút nào của cái gia đình dân chài trên con thuyền mà anh lấy làm tâm điểm cho bức ảnh nghệ thuật.

Bài viết gợi ý: