Mục Lục

  • 1 Tổng hợp những mở bài cho các tác phẩm lớp 12 ( phần 1 )
  • 1.1 Một số mở bài cho bài Tuyên ngôn Độc Lập –Hồ Chí Minh
  • 1.2 Một số mở bài cho bài thơ Tây tiến -Quang Dũng
  • 1.3 Một số mở bài cho Người lái đò sông Đà– Nguyễn Tuân
  • 1.4 Một số mở bài cho bài thơ Việt Bắc– Tố Hữu
  • 1.5 Một số mở bài cho bài thơ Sóng -Xuân Quỳnh
  • 1.6 Một số mở bài cho tác phẩm Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành
  • 1.7 Một số mở bài cho tác phẩm Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Thi
  • 1.8 Một số mở bài cho bài Đất nước- Nguyễn Khoa Điềm
  • 1.9 Một số mở bài cho bài thơ Đàn ghi ta của Lor-Ca – Thanh Thảo
  • 1.10 Một số mở bài cho tác phẩm Người lái đò Sông Đà – Nguyễn Tuân (trích)
  • 1.11 Một số mở bài cho bài Ký Ai đã đặt tên cho dòng sông – Hoàng Phủ Ngọc Tường (trích)
  • 1.12 Một số mở bài cho tác phẩm Vợ chồng A – Phủ – Tô Hoài (trích)
  • 1.13 Một số mở bài cho tác phẩm Vợ nhặt – Kim Lân
  • Tổng hợp những mở bài cho các tác phẩm lớp 12 ( phần 1 )

    Xem phần lí thuyết tại đây
    Cách viết phần mở bài trong bài văn nghị luận
    Các em lưu ý : mỗi đề thi sẽ có một mở bài khác nhau,không thể có một mở bài chung cho nhiều đề thi. Bởi vậy những mở bài dưới đây chỉ mang tính tham khảo. Khi làm bài, tuỳ yêu cầu của đề, các em có thể chỉnh sửa đôi chút cho phù hợp .

    Một số mở bài cho bài Tuyên ngôn Độc Lập –Hồ Chí Minh

    MB 1.
    Theo chiều dài bốn ngàn năm của lịch sử dân tộc có nhiều dấu mốc đáng ghi nhớ gắn với sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm. Một trong những mốc lịch sử trọng đại ấy là sự kiện Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, khai sinh ra nước VNDCCH. Để tuyên bố với nhân dân cả nước và thế giới biết nước Việt Nam từ nay độc lập, Hồ Chí Minh đã viết tuyên ngôn độc lập. Một văn kiện đặc biệt vừa tính văn học, vừa mang tính lịch sử.( dẫn dắt nêu vấn đề nghị luận. Hoặc trích đoạn văn cần phân tích )
    MB 2.
    Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, dân tộc ta phải đương đầu với đủ loại ngoại xâm: Từ Bắc xuống, từ Nam lên, tứ Tây sang, từ Đông vào cho nên cùng với những chiến công hiển hách: phá Tống, bình Nguyên, diệt Minh, đuổi Thanh; nền văn học chúng ta cũng đã có những áng văn kiệt tác khẳng định đanh thép chủ quyền độc lập của dân tộc. Bên cạnh bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt sang sảng ngâm trên sông Như Nguyệt, Bình Ngô đại cáo một thiên cổ hùng văn của Nguyễn Trãi, ngày nay chúng ta có Tuyến ngôn Độc lập y một áng văn chính luận mẫu mực, nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh hoa của dân tộc, khí phách của non sông. .( dẫn dắt nêu vấn đề nghị luận. Hoặc trích đoạn văn cần phân tích )
    MB 3.
    Em hãy phân tích nghệ thuật Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hồ Chí Minh để thấy rõ nghệ thuật lập luận đặc sắc của Bác Hồ?
    Hồ Chí Minh (1890 – 1969) là một tác gia lớn của nền văn học dân tộc Việt Nam. Người đã viết thành công trên nhiều thể loại văn chính luận, truyện ký, thơ ca và ở thể loại nào cũng có những tác phẩm xuất sắc mẫu mực. Riêng ở thể loại văn chính luận Hồ Chí Minh đã chứng tỏ mình là một cây bút xuất sắc, mẫu mực mà dẫn chứng hùng hồn là tác phẩm “Tuyên ngôn độc lập” 1945. “Tuyên ngôn độc lập” là một bản tuyên bố lịch sử được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại vườn hoa Ba Đình vào ngày 2 tháng 9 năm 1945. Bản “Tuyên ngôn độc lập” vừa tuyên bố nền độc lập của dân tộc vừa bác bỏ luận điểm xâm lược của kẻ thù. “Tuyên ngôn độc lập” là một áng văn chính luận vừa có giá trị pháp lí, giá trị lịch sử, giá trị nhân văn và giá trị nghệ thuật cao. Cái tạo nên giá trị nghệ thuật cao chính là ở bút pháp lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, dẫn chứng hùng hồn, văn phong xúc tích trong sáng.

    MB 4.
    Sinh thời Hồ Chí Minh không bao giờ nhận mình là nhà văn nhà thơ mà chỉ là người bạn của văn nghệ người yêu văn nghệ. Nhưng trên bước đường hoạt động cách mạng Người nhận thấy văn chương có thể phụng sự đắc lực cho tuyên truyền. Cộng với một tài năng nghệ thuật và một tinh thần nghệ sĩ chan chứa cảm xúc nên người đã sáng tác nên nhiều tác phẩm có giá trị. Tiêu biểu trong số nhưng tác phẩm đó phải kể đến tác phẩm tuyên ngôn độc lập. Nó không chỉ áng văn chính luận hay sắc sảo với những lập luận chặt chẽ mà nó còn mang ý nghĩa như tuyên ngôn khẳng định cho một đất nước – đó chính là nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. .( dẫn dắt nêu vấn đề nghị luận. Hoặc trích đoạn văn cần phân tích )
    MB 5:Bàn về sức thuyết phục của bản Tuyên ngôn độc lập
    TNĐL là một tác phẩm chứa nhiều giá trị. Nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, giá trị nào của tác phẩm này cũng , thật sâu sắc. Về mặt thể loại văn học, Tuyên Ngôn Độc Lập là một áng văn chính luận hào hùng, mẫu mực, đáng lưu truyền muôn thuở. Một trong những nét nổi bật của bản Tuyên Ngôn Độc Lập là lập luận sắc sảo, chặt chẽ tạo nên một sức thuyết phục rất lớn. Xuất phát từ quan điểm sáng tác và đặc trưng thể loại của tác phẩm này, chúng ta sẽ thấy được cội nguồn của sức thuyết phục ấy.

    Một số mở bài cho bài thơ Tây tiến -Quang Dũng

    MB 1 :
    Đề bài : Cảm nhận về đoạn thơ
    Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
    …..Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

    Ai đã từng đi qua một thời trận mạc chắc hẳn trong lòng thường lưu giữ những kỉ niệm khó quên. Quang Dũng cũng vậy, những năm tháng gắn bó với binh đoàn Tây tiến đã để lại ấn tượng không thể phai mờ trong trái tim ông. Nỗi nhớ Tây Tiến, nhớ đồng đội , nhớ núi rừng thôi thúc ông viết Tây tiến – bài thơ với những vần thơ đậm chất anh hùng ca bay lên từ hiện thực tàn khốc. Đoạn đầu bài thơ chính là đoạn ghi lại những kỉ niệm những kỉ niệm đầy ắp và nỗi nhớ của nhà thơ về những ngày tháng gắn bó cùng binh đoàn:
    Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
    …..Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.
    MB 2:
    Đề bài : Chứng minh chất hiện thực và lãng mạn của bài thơ Tây tiến thông qua đoạn thơ sau :
    Tây tiến đoàn binh không mọc tóc…..
    Chín năm kháng chiến chống Pháp với bao gian khổ, hi sinh, mất mát nhưng đã để lại một dấu son chói lọi trong lịch sử dân lộc. Những năm tháng đáng nhớ ấy là nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca. Nhiều bài thơ ra đời ngay từ những ngày đầu kháng chiến và tạo nên sức mạnh cho người lính đi tới thắng lợi cuối cùng . Trong những bài thơ đặc sắc , chúng ta phải kể đến Tây Tiến của Quang Dũng. Bài thơ giàu chất hiện thực nhưng lại dạt dào cảm hứng lãng mạn. Đoạn thơ sau dù chỉ là trích đoạn, cũng cho thấy rất rõ đặc điểm ấy:
    ( Trích dẫn đoạn thơ )
    MB3 :
    Cảm nhận của anh/ chị về hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ sau
    Tây tiến đoàn binh không mọc tóc…

    Bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng được xem là một trong những tác phẩm xuất sác của thơ ca Việt Nam giai đoạn sau 1945. Bài thơ cho chúng ta cảm nhận một cách rõ nét, sinh động vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của thiên nhiên miền Tây. Đặc biệt bài thơ đã khắc sâu trong tâm trí người đọc vẻ đẹp hình tượng người lính, vẻ đẹp ấy được thể hiện tập trung ở đoạn thơ:
    Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
    Quăn xanh màu lá dữ oai hùm
    Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
    Rải rác biên cương mồ viễn xứ
    Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
    Áo bào thay chiếu anh về đất
    Sông Mã gầm lên khúc độc hành!
    Đề bài :Cùng tái hiện vẻ đẹp của những đoàn quân ra trận, mỗi nhà thơ lại có cách khám phá thể hiện riêng. Trong bài Tây Tiến, Quang Dũng viết:
    “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
    Quân xanh màu lá dữ oai hùm
    Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
    Trong Việt Bắc, Tố Hữu viết:
    “Những đường Việt Bắc của ta
    Đêm đêm rầm rập như là đất rung
    Quân đi điệp điệp trùng trùng
    Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”
    Bài làm:
    “Súng nổ rung trời giận dữ
    Người lên như nước vỡ bờ
    Nước Việt Nam từ máu lửa
    Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”
    Đã có những tháng ngày như thế, những tháng ngày đất nước hừng hực sục sôi trong khí thế của cuộc kháng chiến gian khổ mà anh hùng. Đã có những con người như thế, những con người nhỏ bé nhưng tạo sức mạnh của những đoàn quân một thời làm khiếp sợ kẻ thù, ra trận với ý chí “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh” để giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Cùng tái hiện vẻ đẹp của những đoàn quân ra trận, mỗi nhà thơ lại có cách khám phá và thể hiện riêng. Trong bài Tây Tiến, Quang Dũng viết:
    “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
    Quân xanh màu lá dữ oai hùm
    Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
    Trong Việt Bắc, Tố Hữu viết:
    “Những đường Việt Bắc của ta
    Đêm đêm rầm rập như là đất rung
    Quân đi điệp điệp trùng trùng
    Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”.

    Một số mở bài cho Người lái đò sông Đà– Nguyễn Tuân

    MB 1 :
    Nói đến Nguyễn Tuân, người ta thường nghĩ ngay đến “chủ nghĩa xê dịch”. Ông tới miền Tây Bắc rộng lớn, xa xôi không chỉ để thoả mãn cái thú tìm đến miền đất lạ cho thoả niềm khát khao “Xê dịch” mà chủ yếu để tìm kiếm chất vàng của thiên nhiên và ở tâm hồn của người lao động. Những trang viết hay nhất của ông thường là những trang tả đèo cao, vực sâu, thác nước dữ dội hoặc những cảnh thiên nhiên đẹp một cách tuyệt đỉnh, tuyệt vời. “Người lái đò sông Đà” là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách của nhà văn. Tác phẩm là những trang văn miêu tả rất tinh tế vẻ đẹp hình tượng con sông Đà vừa hùng vĩ, dữ dội nhưng cũng rất trữ tình và lãng mạn.
    MB 2 :Đề bài: Cảm nhận của em về hình tượng người lái đò trong tác phẩm Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân
    Tuỳ bút “Người lái đò sông Đà” là một trong những tác phẩm đặc sắc của Nguyễn Tuân được in trong tập sông Đà (1960). Viết tuỳ bút này, Nguyễn Tuân tự coi mình là người đi tìm cái thứ vàng mười của núi rừng Tây Bắc và nhất là cái thứ vàng mười trong những con người đang nhiệt tình gắn bó với công cuộc xây dựng quê hương. Chất vàng mười i ấy chính là vẻ đẹp người lái đò sông Đà. Dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân người lái đò vừa là người anh hùng vừa là người nghệ sỹ tài hoa trong nghề của mình.
    MB3 : Cảm nhận về một đoạn văn trong tác phẩm Người lái đò sông Đà
    Nguyễn Tuân là cây bút tài hoa , uyên bác , cả đời say mê tìm kiếm vẻ đẹp của cuộc sống . Ông có sở trường về thể loại tuỳ bút . Một trong những sáng tác tiêu biểu của ông là tuỳ bút “ Người lái đò sông Đà” . Tác phẩm đã khắc hoạ vẻ đẹp đa dạng vừa hung bạo vừa trữ tình của con sông Đà và ca ngợi người lái đò giản dị mà kì vĩ trên dòng sông . Đoạn trích dưới đây là đoạn tiêu biểu của thiên tuỳ bút này: ( trích dẫn đoạn văn trong đề bài. Các em không cần chép đoạn trích vào bài thi nhé ! chỉ chép câu đầu và chấm chấm (…) câu cuối của đoạn )
    MB 4 : Phân tích nét độc đáo trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân qua tuỳ bút “Người lái đò sông Đà”
    Nguyễn Tuân là một trong những cây bút xuất sắc của văn xuôi hiện đại Việt Nam. Mỗi tác phẩm của ông là một bài ca về cái đẹp của cuộc sống, của con người, đặc biệt là những người lao động bình dị mà tài hoa. Bên cạnh đó, tác phẩm của ông được người đọc đặc biệt chú ý về phong cách nghệ thuật rất riêng và rất độc đáo . “Người lái đò Sông Đà ” là một bài tùy bút tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của ông.

    Một số mở bài cho bài thơ Việt Bắc– Tố Hữu

    MB 1 :
    Đề bài: Cảm nhận của em về hai đoạn thơ sau:

    “Ta với mình, mình với ta
    …Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu.”

    “Dẫu xuôi về phương bắc
    …Hướng về anh một phương.”

    Bài làm
    Trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng có ít nhất một niềm thương, nỗi nhớ. Niềm thương, nỗi nhớ ấy luôn thường trực trong ta tạo nên những rung động mãnh liệt trong cảm xúc. Với các thi nhân , cảm xúc lại là yếu tố vô cùng quan trọng. Nó giúp cho các nhà thơ làm nên những thi phẩm say đắm lòng người. Tiếng nói từ trái tim sẽ đến được với trái tim. Đoạn thơ:
    ” Ta với mình, mình với ta
    Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
    Mình đi, mình lại nhớ mình
    Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu.”
    trích trong bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu và đoạn thơ:
    “Dẫu xuôi về phương bắc
    Dẫu ngược về phương nam
    Nơi nào em cũng nghĩ
    Hướng về anh một phương.”
    trích trong bài thơ “Sóng của Xuân Quỳnh là những vần thơ dạt dào cảm xúc như thế.
    ( Bài viết của học sinh)
    MB 2 :
    Đề bài : Cảm nhận của anh/ chị về đoạn thơ sau….
    Bài làm:
    Có thể nói Tố Hữu là nhà thơ vĩ đại của nền văn học Việt Nam. Tác phẩm của ông ghi dấu các sự kiện, các dấu mốc của lịch sử quan trọng ở nước ta suốt hơn nửa thế kỉ. Việt Bắc là một trong số những bài thơ tiêu biểu. Tác phẩm ghi lại sự kiện Đảng và Nhà nước chuẩn bị rời Việt Bắc về Hà Nội sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Trong bài thơ của mình, Tố Hữu đã thể hiện những tình cảm tha thiết của người đi – kẻ ờ, thể hiện những cảm nhận sâu sắc của tác giả về thiên nhiên và con người Việt Bắc. Điều này được thể hiện rõ nét qua đoạn thơ:
    Ta về mình có nhớ ta,
    ….Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung
    MB 3 :
    Đề bài:
    ”Việt Bắc” tiêu biểu cho giọng thơ tâm tình ngọt ngào tha thiết của Tố Hữu và nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc của thơ ông.Hãy chứng minh điều đó qua đoạn trích hai mươi câu thơ đầu của bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu.
    Bài làm:
    Việt Bắc – Một sáng tác thành công của nhà thơ Tố Hữu được viết ra như một bản anh hùng ca , ca ngợi cuộc kháng chiến và con người kháng chiến. Bải thơ như lời hát tâm tình của mối tình tha thiết và day dứt giữa đồng bào Việt Bắc với người cán bộ về xuôi. Tác phẩm không chỉ hấp dẫn người đọc ở nội dung sâu sắc mà còn bởi giọng thơ tâm tình ngọt ngào cùng nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc.
    MB 4 : Cảm nhận về đoạn thơ :
    “Mình về mình có nhớ ta

    Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”
    Bài làm :
    Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị, là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ Tố Hữu thể hiện lẽ sống lớn, tình cảm lớn của con người Cách mạng. Thơ ông đậm đà tính dân tộc trong nội dung và hình thức thể hiện. Bài thơ “Việt Bắc” là đỉnh cao của thơ Tố Hữu và cũng là đỉnh cao của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Bài thơ Việt Bắc có nhiều đoạn thơ hay mà tiêu biểu là đoạn thơ sau:
    “Mình về mình có nhớ ta

    Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”
    MB5 :

    Việt Bắc là đỉnh cao của thơ ca kháng chiến chống Pháp và cũng là đỉnh cao của thơ Tố Hữu là bài thơ tiêu biểu cho phong cách này. Bằng cấu từ đầy màu sắc trữ tình dân gian, 1 thứ ngôn ngữ ngọt ngào tha thiết, những hình ảnh rất giàu chất thơ Tố Hữu đã từ cuộc chia tay giữa những người kháng chiến đối với đồng bào Việt Bắc mà tái hiện lại một Việt Bắc trong kháng chiến đầy gian khổ hy sinh nhưng thấm đẫm nghĩa tình quần chúng giữa cách mạng với nhân dân, lãnh tụ với dân tộc, miền ngược với miền xuôi, quá khứ, hiện tại, tương lai như hoà quyện vào nhau. Điều đó đã được thể hiện ngay trong 8 câu thơ mở đầu bài thơ.

    Một số mở bài cho bài thơ Sóng -Xuân Quỳnh

    MB1 : Cảm nhận của anh/ chị về đoạn thơ sau :

    “Dữ dội và dịu êm
    Ồn ào và lặng lẽ
    Sông không hiểu nổi mình
    Sóng tìm ra tận bể

    Ôi con sóng ngày xưa
    Và ngày sau vẫn thế
    Nỗi khát vọng tình yêu
    Bồi hồi trong ngực trẻ”

    Bài làm :

    Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ trẻ xuất sắc trưởng thành từ kháng chiến chống Mỹ và là một trong số ít những nhà thơ nữ viết rất nhiều và rất thành công về đề tài tình yêu. Một trong những thành công xuất sắc về đề tài này của nữ sĩ là bài thơ “Sóng”, hai khổ thơ đầu bài thơ tác giả viết:

    “Dữ dội và dịu êm
    Ồn ào và lặng lẽ
    Sông không hiểu nổi mình
    Sóng tìm ra tận bể

    Ôi con sóng ngày xưa
    Và ngày sau vẫn thế
    Nỗi khát vọng tình yêu
    Bồi hồi trong ngực trẻ”

    MB2 :

    Từ xa xưa, tình yêu luôn là điều bí ẩn đối với con người. Có lẽ cũng vì thế mà mỗi nhà thơ đều có cách lí giải và cảm nhận riêng về tình yêu. Ta bắt gặp một Xuân Diệu say đắm, nồng nàn, khao khát được yêu đương mãnh liệt, một Nguyễn Bính chân chất của tình yêu đồng nội, gần gũi với thôn quê. Và có lẽ chắc chắn người đọc sẽ không quên được Xuân Quỳnh với nhiều trạng thái cảm xúc vừa gần gũi, giản dị, vừa ồn ào, mãnh liệt. Bài thơ “sóng” là tiếng lòng chân chất, mộc mạc và cũng đầy những bất an về tình yêu đôi lứa.. Bài thơ mở đầu bằng những cảm xúc khi yêu:

    Theo yêu cầu, cô viết tiếp mở bài tham khảo cho Rừng Xà nu và Những đứa con trong gia đình

    Một số mở bài cho tác phẩm Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành

    MB1 . Dùng cho nhân vật T Nú :

    Rừng xà nu là bản anh hùng ca về cuộc chiến đấu anh hùng của đồng bào Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mĩ. Tái hiện chân thực cuộc chiến đâu kiên cường của nhân dân Tây Nguyên trong những ngày đánh Mỹ, nhà văn tập trung miêu tả hình thành của một thê hệ tiếp nối, phát huy truyền thống anh hùng của cha ông, và qua đó nhà văn cũng phản ánh sự trưởng thành của nhân dân Tây Nguyên trong cuộc đấu tranh một mất một còn với kẻ thù mới là đế quốc Mỹ. Tiêu biểu cho thế hệ thanh niên đó là Tnú.

    MB 2 : Dùng cho đề bài : cảm nhận của anh/ chị về đoạn văn sau :

    Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc. Chúng nó bắn đã thành lệ, mỗi ngày hai lần, hoặc buổi sáng sớm và xế chiều, hoặc đứng bóng và sẩm tối….Đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa, đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời.
    Bài làm:
    Rừng xà nu được Nguyễn Trung Thành viết vào mùa hè 1965 khi đến quốc Mỹ bắt đầu đổ quân ào ạt vào miền Nam nước ta. Tác phẩm rất thành công trong việc khắc hoạ hình ảnh rừng xà nu- một loài cây hùng vĩ, cao thượng, man dại, trong sáng cũng là hình ảnh ẩn dụ cho người dân Tây Nguyên nói riêng, con người Việt Nam nói chung. Ngay ở đoạn văn mở đầu truyện, ta bắt gặp hình ảnh rừng xà nu hùng vĩ, để lại ất tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

    Mở bài khác :

    Mỗi nhà văn dường như đều gắn bó với một vùng quê nhất định . Nếu như Nguyên Hồng tha thiết với Hải Phòng –thành phố hoa phượng đỏ, Nam Cao gắn bó cả cuộc đời với làng Vũ Đại qua những trang văn sắc lạnh mà thấm đẫm nước mắt, thì Nguyễn Trung Thành dường như có một niềm yêu thiết tha và mối giao cảm kì lạ với Tây Nguyên. Trong suốt hai cuộc kháng chiến, chính mảnh đất và con người nơi đây là nguồn cảm hứng lớn lao cho sáng tác của ông, làm nên tác phẩm “Rừng xà nu”- một bản anh hùng ca thời hiện đại. Đến với “Rừng xà nu”, ngay ở đoạn văn mở đầu truyện, ta bắt gặp hình ảnh rừng xà nu hùng vĩ, để lại ất tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

    Một số mở bài cho tác phẩm Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Thi

    MB 1 : Cảm nhận về đoạn văn trong tác phẩm: “Cúng mẹ và cơm nước xong, mấy chị em, chú cháu thu xếp đồ đạc dời nhà. …. Lần đầu tiên Việt mới thấy lòng mình rõ như thế. Còn mối thù thằng Mĩ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng ở trên vai”.
    Nhắc tới Nguyễn Thi, người đọc không thể không nhắc tới ” Người mẹ cầm súng, ” Khi mẹ vắng nhà”, và đặc biệt là truyện ngắn ” Những đứa con trong gia đình” . Trong tác phẩm, cảm động nhất là đoạn văn kể chuyện chị em Chiến, Việt làm cơm cúng má rồi dời bàn thờ má sang nhà chú Năm. Đoạn truyện đã đem lại những rung động sâu xa cho người đọc trước vẻ đẹp tâm hồn của con người Việt Nam trong kháng chiến: ” Cúng mẹ và cơm nước xong….”
    MB 2 : So sánh Việt và Tnú

    Truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành và Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi là 2 tác phẩm xuất sắc, phản ánh cuộc chiến đấu của con người Việt Nam trong kháng chiến. Tnú và Việt là hai nhân vật chính , tiêu biểu cho phẩm chất người cộng sản kiên cường. Qua hai nhân vật, tác giả Nguyễn Trung Thành và Nguyễn Thi đã khắc họa thành công vẻ đẹp con người Việt Nam trong kháng chiến. Ở mỗi nhân vật đều có những vẻ đẹp riêng, hấp dẫn người đọc.

    Một số mở bài cho bài Đất nước- Nguyễn Khoa Điềm

    MB 1 :
    Đề bài yêu cầu cảm nhận 9 câu thơ đầu trong bài Đất Nước, ta có thể tham khảo mở bài sau:
    “Đất Nước” từ lâu đã là nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca nói riêng và văn học nói chung. Nếu như các nhà thơ cùng thời thường chọn điểm nhìn về Đất Nước bằng những hình ảnh kỳ vĩ, mỹ lệ hay cảm hững về lịch sử qua các triều đại thì Nguyễn Khoa Điềm lại chọn điểm nhìn gần gũi, quen thuộc bình dị để miêu tả về Đất Nước. Đến với bài thơ “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm ta như đứng trước muôn màu văn hóa, truyền thống, phong tục tươi đẹp vô ngần. Vẻ đẹp ấy được hiện lên sâu sắc nhất qua chín câu thơ đầu. (trích thơ)
    MB2 : So sánh Đất nước của Nguyễn Đình Thi và Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm
    Trải suốt chiều dài lịch sử văn học, hình tượng đất nước đã bắt nhịp trái tim của không biết bao nhiêu nghệ sĩ để đi vào thơ với vẻ đẹp thiêng liêng và niềm tin yêu sâu sắc. Hồn thiêng đất nước, tinh thần dân tộc hào hùng được bắt nguồn từ “Nam quốc sơn hà”, “Hịch tướng sĩ”, “Tuyên ngôn Độc lập”… và tiếp nối bền vững qua mỗi thời kì. “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi và “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm gặp gỡ nhau ở đề tài ấy. Hai đoan thơ tiêu biểu ở hai bài thơ đã góp phần thể hiện rõ….
    MB 3 :Đề bài: Nhận xét về chương V Đất Nước cuả Nguyễn Khoa Điềm có ý kiến cho rằng:” Tác giả đã phát biểu tư tưởng “Đất Nước của Nhân Dân, ĐN của ca dao thần thoại” và tư tưởng này chi phối cả nội dung và hình thức nghệ thuật của bản trường ca”.Từ đoạn trích ĐN anh chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
    Bài làm
    Nhắc đến lối thơ trữ tình chính luận ta không thể không nhắc đến Nguyễn Khoa Điềm- một nhà thơ xuất sắc của nền thơ ca hiện đại trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. “Mặt đường khát vọng” được viết năm 1971 là tác phẩm tiêu biểu nhất của ông. Trong đó chương V là chương trung tâm kết nối mạch ngầm của văn bản bằng hình tượng nghệ thuật trung tâm là Đất Nước. Nhận xét về chương này có ý kiến cho rằng: “Tác giả đã phát biểu tư tưởng “Đất Nước của Nhân Dân, ĐN của ca dao thần thoại” và tư tưởng này chi cả nội dung và hình thức nghệ thuật của bản trường ca”.

    Một số mở bài cho bài thơ Đàn ghi ta của Lor-Ca – Thanh Thảo

    1. Đề bài: ” Phân tích hình tượng nhân vật Lor-ca trong bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” của Thanh Thảo.
    Bài làm:
    Cùng với Xuân Quỳnh, Thanh Thảo cùng thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ nhưng trang thơ Thanh Thảo lại có dấu ấn rất riêng. Ông là người đi đầu trong phong trào cách tân thơ Việt, con đường mà ông lựa chọn để cách tân thơ Việt là việc đào sâu cái tôi nội cảm, tìm kiếm những cách biểu đạt mới qua hình thức những câu thơ tự do, phá bỏ mọi ràng buộc, khuôn sáo. Thanh Thảo đi theo trường phái thơ tượng trưng siêu thực có nguồn gốc từ phương Tây mà Lor-ca là một đại biểu đi đầu trong trường phái thơ đó. Bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” được rút ra từ tập “Khối vuông ru bích”, bài thơ đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Lor-ca.
    2. Đề Bài:
    Phân tích hình tương nhân vật Lor-ca trong bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” của nhà thơ Thanh Thảo.
    Bài Làm:
    Bài viết của Mơ Cao, học sinh trường THPT Bình Minh, Kim Sơn Ninh Bình
    Thanh Thảo là một nhà thơ khoác áo lính, ông sinh ra tại Quảng Ngãi, tốt nghiệp khoa văn trường Đại Học Tổng Hợp nhưng sau đó vào chiến trường miền Nam công tác. Thanh Thảo luôn nỗ lực tìm tòi hướng để cách tân thơ Việt. Ông đi theo trường phái thơ tượng trưng siêu thực có nguồn gốc từ phương Tây mà Lor-ca là một trong những người đi đầu trong trường phái thơ đó. Bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” đã xây dựng thành công hình tượng nghệ sĩ Lor-ca.

    Một số mở bài cho tác phẩm Người lái đò Sông Đà – Nguyễn Tuân (trích)
    1. Đề bài:Phân tích hình tượng sông Đà trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân

    Bài làm
    Nguyễn Tuân là bậc thầy về ngôn ngữ trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Những tác phẩm của ông viết bằng cái “ngông” và bằng tình yêu tha thiết. “Người lái đò sông Đà” là bài tùy bút lấy cảm hứng từ chuyến đi thực tế. Hình ảnh con sông Đà được nhìn qua lăng kính tâm hồn nghệ sỹ với nhiều vẻ đẹp khác nhau mang lại ấn tượng độc đáo đối với người đọc. Nguyễn Tuân đã rất thành công khi xây dựng hình tượng sông Đà bằng chất liệu ngôn ngữ và tình cảm tha thiết.
    ( Sưu tầm)
    2. cảm nhận đoạn : “Thuyền tôi trôi trên sông Đà… trên dòng trên”.

    Nói đến Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám, người ta phải nhắc Vang bóng một thời cũng như sau cách mạng tháng Tám, nhắc đến Nguyễn Tuân người ta không thể quên tập tùy bút Sông Đà của ông. Thông qua Sông Đà, bằng ngòi bút tài hoa, già dặn của mình, Nguyễn Tuân không chỉ phác họa được bức chân dung ông lái đò trên sông Đà, bức chân dung người lao động trên sông nước được nâng lên ngang tầm nghệ sĩ, mà còn đem đến con sông Đà một cái hồn người thực sự: cũng biết vui, buồn, giận dỗi, phẫn nộ, nhớ thương… Nhưng, gấp lại trang sách, đọng lại trong tôi vẫn là đoạn này: “Thuyền tôi trôi trên sông Đà… trên dòng trên”.
    ( sưu tầm)

    3.

    Về đoạn trích tuỳ bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, có ý kiến cho rằng: Đó là một công trình khảo cứu công phu. Nhưng ý kiến khác lại nhấn mạnh: Đó là một áng văn giàu tính thẩm mĩ.
    Từ việc phân tích đoạn trích tuỳ bút, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên
    Nguyễn Tuân là nhà văn tài hoa, am hiểu sâu rộng về nhiều lĩnh vực và là người nghệ sĩ đặc biệt giàu cảm hứng trước những vẻ đẹp kì vĩ, phi thường, dữ dội . NLĐSĐ là tác phẩm được rút từ tập truyện Tây Bắc (1960), là kết quả nhiều lần lên Tây Bắc và trong chuyến đi thực tế 1958 của Nguyễn Tuân.Về tác phẩm này ,có ý kiến cho rằng “đó là một công trình khảo cứu công phu”, ý kiến khác lại cho rằng “đó là một áng văn giàu tính thẩm mĩ”. Phải chăng đó là hai ý kiến trái ngược nhau?

    Một số mở bài cho bài Ký Ai đã đặt tên cho dòng sông – Hoàng Phủ Ngọc Tường (trích)

    Cảm nhận về hình tượng sông Hương trong bài :Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường

    Con sông Hương thơ mộng của xứ Huế đã làm ngẩn ngơ không ít những tâm hồn nhạy cảm và cũng làm “khổ” không ít bậc nghệ sĩ tài hoa. Ta bắt gặp sông Hương ở muôn mặt của nghệ thuật: thơ, ca, nhạc, hoạ. Đến với bút kí Ai đã dặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường một lần nữa ta cảm nhận vẻ đẹp sông Hương và sự đam mê của tác giả khi viết về dòng sông.
    ( sưu tầm)

    Một số mở bài cho tác phẩm Vợ chồng A – Phủ – Tô Hoài (trích)

    1.Phân tích giá trị nhân đạo của truyện Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài
    BÀI LÀM
    Có ai đó đã từng nhận xét: suy cho cùng thì ý nghĩa thực sự của văn học là góp phần nhân đạo hoá con người. Tác phẩm văn học là sản phẩm tinh thần của con người, do con người làm ra để đáp ứng nhu cầu của nó. Vì vậy tác phẩm văn học chỉ thực sự cóđ giá trị khi nó lên tiếng vì con người, ca ngợi và bảo vệ con người. Với ý nghĩa đó một tác phẩm lớn trước hết phải là một tác phẩm có giá trị nhân đạo sâu sắc. Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài là một tác phẩm như thế.
    2. Đề bài :
    Cảm nhận của anh/ chị về đoạn văn trích sau đây trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài:
    “Ngày Tết, MỊ cũng uống rượu, Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng MỊ thì đang sống về ngày trước…..
    Chó sủa xa xa. Chừng đã khuya. Lúc này là lúc trai làng đến bên vách làm hiệu, rủ người yêu dỡ vách ra rừng chơi, Mị nín khóc. Mị lại bồi hồi.”
    BÀI LÀM
    Vợ chồng A Phủ là một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách Tô Hoài sau Cách mạng tháng Tám. Hiện thực và nhân đạo là nội dung nổi bật của thiên truyện này. Nội dung ấy lại được thể hiện bằng giọng văn trần thuật, miêu tả và thể hiện tâm trạng, tính cách nhân vật hết sức tinh vi và sâu sắc. Đoạn vân trên thể hiện rất rõ tài năng của Tô Hoài trong việc mô tả và khắc họạ tâm trạng nhân vật Mị, một nhân vật trung tâm của thiên truyện Vợ chồng A Phủ.

    Một số mở bài cho tác phẩm Vợ nhặt – Kim Lân

    1, Đề bài :
    Truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao kết thúc bằng hình ảnh:
    Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa, và vắng người lại qua…
    (Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011, tr.155)
    Truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân kết thúc bằng hình ảnh:
    Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới…
    (Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011, tr.32)
    Cảm nhận của anh/chị về ý nghĩa của những kết thúc trên.
    Mở bài tham khảo nhé :
    Dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam thường khai thác một khía cạnh phổ biến đó là tình cảnh bi thảm của người nông dân trước cách mạng tháng Tám .Trong số những trang văn cảm động về người nông dân phải kể đến hai truyện ngắn nổi bật : Chí Phèo của nhà văn Nam Cao và Vợ nhặt của Kim Lân .Mỗi truyện đều có một cách kết thúc riêng ,song mỗi cách kết thúc đều mang những giá trị riêng. Truyện ngắn Chí Phèo kết thúc bằng hình ảnh:
    Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa, và vắng người lại qua…Truyện ngắn Vợ nhặt kết thúc bằng hình ảnh:
    Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới
    2. Đề bài : cảm nhận của anh / chị về cảnh gặp gỡ đầu tiên giữa mẹ Tràng với nàng con dáu qua đoạn ván trích sau đây trong tác phẩm Vợ nhặtt của Kim Lân:
    “Tràng nhắc mẹ:
    Kia nhà tôi nó chào u….
    … Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau!”
    Bài làm :
    Đã rất nhiều lầ n đọc truyện Vợ nhặt của Kim Lân nhưng lần nào cũng thế, cứ đọc đến đoạn miêu tả cảnh gặp gỡ đầu tiên giữa bà cụ Tứ (mẹ Tràng) với người “con dâu mới” mà con trai bà vừa “nhặt” được về là tôi lại thấy lòng mình rưng rưng cảm động. Với những lời văn trần thuật giản dị và mộc mạc, tác giả đã dựng được lại rất sinh động những diễn biến tâm lý tinh vi và phức tạp đang diễn ra trong tâm trạng của một bà mẹ nghèo, trước một tình huống éo le không hiểu nên mừng hay lo, là hạnh phúc hay tai họa.
    3.Phân tích tình huống truyện Vợ Nhặt- Kim Lân
    BÀI LÀM
    Nói đến nghệ thuật truyện ngắn, người ta thường coi ba yếu tố sau đây là cơ bản nhất: tình huống truyện, nhân vật truyện và cách trần thuật. Có nhiều truyện ngắn, sự sáng , tạo tình huống đóng vai trò then chốt. Đặt vào tình huống ấy, nhân vật truyện bộc lộ sâu sắc tâm lý, tính cách. Tư tưởng của thiên truyện cũng nhờ thế mà được thể hiện đậm đà. Và xoay quanh tình huống ấy, các tình tiết cũng trở nên hấp dẫn.Truyện Vợ nhặt của Kim Lân thuộc loại tác phẩm như thế.
    4. Đề bài : Cảm nhận của anh/ chị về chi tiết bát cháo hành trong truyện Chí Phèo ( Nam Cao) và bát cháo cám trong truyện Vợ nhặt ( Kim Lân).
    Mở bài tham khảo:
    Nam cao và Kim Lân đều là những cây bút có sở trường truyện ngắn, có nhiều trang viết cảm động về đề tài nông thôn và người nông dân. Điểm chung của hai nhà văn là họ đều có những truyện ngắn giản dị nhưng chứa chan tinh thần nhân đạo.Hình ảnh bát cháo hành trong Chí Phèo và bát cháo cám trong Vợ nhặt đều là những hình ảnh đặc sắc, góp phần thể hiện rõ nét nội dung tư tường của các tác phẩm và tài năng của các nhà văn.
    Xem thêm bài viết phần 2 :

    Bài viết gợi ý: