A. KIẾN THỨC CƠ BẢN:

I. Giới thiệu tác giả: Nguyễn Đình Chiểu

 -  Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) sinh tại Tân Thới - Gia Định.

 -  Có 1 cuộc đời đầy bất hạnh: mù loà, công danh không thành, tình duyên trắc trở, gặp buổi loạn li.

 -  Vẫn ngẩng cao đầu mà sống, sống có ích cho đến hơi thở cuối cùng.

 -  Là một thầy giáo danh tiếng vang khắp miền Lục Tỉnh.

 -  Là một thầy thuốc không tiếc sức cứu nhân độ thế.

 -  Là một nhà thơ để lại bao trang thơ bất hủ: Lục Vân Tiên, Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.

 -  Luôn nêu cao lòng yêu nước, tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm.

=> Một nhân cách lớn khiến “kẻ thù cũng phải kính nể”.

II. Tìm hiểu về thể loại và kết cấu đoạn trích

1. Hoàn cảnh sáng tác: khoảng đầu thập kỷ 50 của thế kỷ 19 (1850)

2. Thể loại: Truyện thơ Nôm - 2082 câu thơ lục bát.

Mang tính chất để kể nhiều hơn để đọc, để xem nên chú trọng đến hành động của nhân vật hơn là miêu tả nội tâm, tính cách nhân vật cũng được bộc lộ chủ yếu qua việc làm, lời nói, cử chỉ.

3. Kết cấu: theo kiểu truyền thống của loại truyện phương Đông, nghĩa là theo từng chương hồi, xoay quanh cuộc đời các nhân vật chính.

Kiểu kết cấu ước lệ: Người tốt thường gặp nhiều gian truân, trắc trở trên đường đời, bị kẻ xấu hãm hại nhưng vẫn được phù trợ, cưu mang để rồi cuối cùng tai qua nạn khỏi, được đền trả xứng đáng. Kẻ xấu bị trừng trị.

Với mục đích truyện truyền đạo đức thì kiểu kết cấu đó vừa phản ánh chân thực cuộc đời đầy rẫy bất công, vừa nói lên khát vọng ngàn đời của nhân dân ta: ở hiền gặp lành, cái thiện bao giờ cũng chiến thắng cái ác, chính nghĩa thắng gian tà.

4. Mục đích:

* Truyện được viết ra nhằm mục đích trực tiếp là truyền dạy đạo lý làm người.

* Tác phẩm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, cho nên ngay từ khi mới ra đời đã được nhân dân nam bộ tiếp nhận nồng nhiệt, được lưu truyền rộng rãi, có sức sống mạnh mẽ, lâu bền trong lòng dân.

5. Tóm tắt: SGK/113

6. Giá trị của tác phẩm:

a. Giá trị nội dung:

* Giá trị hiện thực: Vạch trần cái ác, cái xấu trong XH. Chửi thói gian ác, bất công, chửi những kẻ tráo trở, bội bạc, phản phúc như cha con Võ Công, chửi những kẻ bất nghĩa, bất nhân như Trịnh Hâm, Bùi Kiệm, chửi bọn người làm ăn bất lương chuyên nghề lừa bịp, bóp nặn nhân dân (bọn thầy bói, thầy pháp, bọn lang băm).

* Giá trị nhân đạo: Đề cao đạo lý làm người:

 -  Xem trọng tình nghĩa giữa con người với con người trong xã hội: tình cha con, mẹ con, nghĩa vợ chồng, tình bè bạn, tình yêu thương cưu mang những người gặp cơn hoạn nạn.

 -  Đề cao tinh thần nghĩa hiệp, sẵn sàng cứu khổ phò nguy.

 -  Thể hiện khát vọng của nhân dân hướng tới lẽ công bằng và những điều tốt đẹp trong cuộc đời (kết thúc có hậu của truyện; thiện thắng ác, chính nghĩa thắng gian tà).

Lục Vân Tiên là một tiếng chửi, một lời ca, một ước mơ” - Hoài Thanh.

b. Giá trị nghệ thuật:

 -  Lục Vân Tiên là một truyện thơ Nôm mang tính chất là một truyện kể dân gian: chú ý đến cốt truyện, còn nhân vật chủ yếu thể hiện bằng hành động hơn là miêu tả nội tâm. Nhân vật của Nguyễn Đình Chiểu còn là hoá thân cho lý tưởng hoặc thái độ yêu ghét của ông.

 -  Truyện mang màu sắc Nam Bộ cả về tính cách con người, cả về ngôn ngữ địa phương.

ĐOẠN TRÍCH: LỤC VÂN TIÊN CỨU KIỀU NGUYỆT NGA

A. KIẾN THỨC CƠ BẢN:

1. Vị trí đoạn trích: Đoạn trích nằm ở phần đầu truyện “Lục Vân Tiên”. Trên đường trở về nhà thăm cha mẹ trước khi lên kinh đô thi, gặp bọn cướp đang hoành hành, Lục Vân Tiên đã một mình làm gậy xông vào đánh tan bọn cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga và cô hầu Kim Liên.

2. Bố cục: 2 phần

 -  Phần 1: Lục Vân Tiên đánh cướp.

 -  Phần 2: Lục Vân Tiên gặp Kiều Nguyệt Nga

B. PHÂN TÍCH:

1. Nêu cảm nhận của em về nhân vật Lục Vân Tiên trong đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”.

Gợi ý trả lời

 -  Hình ảnh Lục Vân Tiên được khắc hoạ qua mô típ ở truyện Nôm truyền thống: Một chàng trai tài giỏi cứu một cô gái thoát hiểm nghèo, từ ân nghĩa đến tình yêu.

 -  Lục Vân Tiên là một nhân vật lý tưởng và mơ ước của Nguyễn Đình Chiểu. Đây là một chàng trai vừa rời trường học bước vào đời, lòng đầy hăm hở muốn lập công danh, mong thi thố tài năng cứu người, giúp đời. Tình huống đánh cướp là thử thách đầu tiên, là cơ hội hành động cho chàng.

 -  Hành động đánh cướp, trước hết bộc lộ tính cách anh hùng, tài năng và tấm lòng vị nghĩa của Lục Vân Tiên. Vẻ đẹp của Lục Vân Tiên là vẻ đẹp riêng của con người dũng tướng. Thấy bọn cướp hại người, kẻ khác có thể né tránh, giữ mình, còn Vân Tiên coi đó là tình huống, cơ hội đầu tiên để hành động. Chàng chỉ có một mình, trong khi bọn cướp đông người, gươm giáo đầy đủ, thanh thế lẫy lừng: “Người đều sợ nó, có tài không đương”. Vậy mà Vân Tiên vẫn can đảm “bẻ cây làm gậy” xông vào đánh cướp. Hình ảnh của chàng trong trận đánh được miêu tả thật đẹp: “tả đột hữu xung, khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang”, được so sánh với hình mẫu Triệu Tử Long trong Tam quốc. Hành động của Vân Tiên chứng tỏ cái đức của con ngườivị nghĩa vong thân”, “cái tài của bậc anh hùng và sức mạnh bênh vực kẻ yếu, chiến thắng nhiều thế lực bạo tàn”.

 -  Thái độ cư xử với Kiều Nguyệt Nga sau khi đánh cướp lại bộc lộ tư cách con người chính trực, hào hiệp, khiêm tốn, giản dị, trọng nghĩa khinh tài và cũng rất từ tâm nhân hậu. Thấy hai cô gái còn chưa hết hãi hùng, Vân Tiên “động lòng” tìm cách an ủi họ: “Ta đã trừ dòng lâu la” và ân cần hỏi han, cho thấy chàng rất đàng hoàng, chững chạc. Khi nghe họ nói muốn được lạy tạ ơn, Vân Tiên đã gạt đi ngay, từ chối cả lời mời về thăm nhà Nguyệt Nga để cha nàng đền đáp: “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”. Dường như với Vân Tiên, làm việc nghĩa là một bổn phận, một lẽ tự nhiên của một con người chân chính: “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi - Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”. Lời Vân Tiên chắc nịch vừa để đối chứng, phê phán những kẻ tầm thường, vừa khẳng định việc mình làm là hiển nhiên, thuộc căn cốt, gốc rễ trong lẽ sống của mình.

Với những nét tính cách đó, hình ảnh Lục Vân Tiên là một hình ảnh đẹp, là hình ảnh lý tưởng mà Nguyễn Đình Chiểu gửi gắm niềm tin và ước vọng của mình.

2. Nêu cảm nhận của em về nhân vật Kiều Nguyệt Nga trong đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”.

Với tư cách là người chịu ơn, Kiều Nguyệt Nga cũng bộc lộ nhiều nét đẹp tâm hồn:

 -  Một cô gái thuỳ mị, nết na, có học thức, cách xưng hô khiêm nhường (quân tử - tiện thiếp), cách nói năng văn vẻ, mực thước, khuôn phép (làm con đâu dám cãi cha, chút tôi yếu liễu đào tơ…), cách trình bày vấn đề rõ ràng, khúc triết vừa đáp ứng đầy đủ những lời thăm hỏi ân cần của Vân Tiên, vừa bộc lộ chân thành niềm cảm kích, xúc động của mình.

 -  Một con người đằm thắm, ân tình, cư xử có trước có sau. Với nàng, Vân Tiên không chỉ cứu mạng, mà còn cứu cả cuộc đời trong trắng của nàng: “Lâm nguy chẳng gặp giải nguy - Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi”. Nàng coi đó là ơn trọng và áy náy, băn khoăn tìm cách trả ơn dù biết rằng có đền đáp bao nhiêu cũng chưa đủ: “Lấy chi cho phải tấm lòng cùng ngươi”. Bởi thế, cuối cùng nàng đã tự nguyện gắn bó cuộc đời với chàng trai hào hiệp ấy, dám liều mình để giữ trọn ân tình thuỷ chung với chàng.

3. Chép chính xác câu thơ nói lên quan điểm về người anh hùng của nhân vật “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”. Em hiểu câu thơ ấy như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Câu thơ nói rõ nhất quan niệm này của Nguyễn Đình Chiểu là:

Nhớ câu kiến ngãi bất vi

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng

 -  Nội dung câu thơ: Thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải là anh hùng.

 - Qua đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” ta nhận thấy Vân Tiên thấy Nguyệt Nga bị nạn đã khẩn trương mau lẹ đánh tan bọn cướp. Và chàng đã đánh chúng bằng sự quả cảm giải nguy cho Kiều Nguyệt Nga. Đến khi Nguyệt Nga tỏ ý muốn được trả ơn thì chàng lại khẳng khái từ chối, đến một cái lạy của Nguyệt Nga, Vân Tiên cũng không nhận. Rõ ràng Vân Tiên đã xả thân vì nghĩa, không chút so đo tính toán. Từ hành động đó của Vân Tiên, ta hiểu được quan niệm anh hùng của Nguyễn Đình Chiểu: phải có tài trí phi thường để thấy hoạn nạn thì sẵn sàng cứu giúp vô tư đem lại điều tốt đẹp cho mọi người, người anh hùng phải là người hành động vì nghĩa, vì lẽ phải, vì lẽ công bằng.

4. Nhận xét về nghệ thuật xây dựng nhân vật, ngôn ngữ, giọng điệu đoạn trích:

 -  Xây dựng nhân vật theo phương thức 3: qua hành động, cử chỉ, lời nói, ít khắc hoạ ngoại hình, lại càng ít đi sâu vào nội tâm. Tác giả chỉ kể về nhân vật để nhân vật tự bộc lộ tính cách, chiếm cảm tình - ghét nơi người đọc.

 -  Ngôn ngữ: mộc mạc, bình dị, gần với lời nói thông thường và mang màu sắc địa phương Nam bộ. Nó có phần thiếu chau chuốt, uyển chuyển nhưng phù hợp với ngôn ngữ người kể chuyện, rất tự nhiên, dễ đi vào quần chúng. Ngôn ngữ đa dạng, phù hợp với diễn biến tình tiết.

 -  Giọng điệu: thay đổi linh hoạt, phù hợp với tình tiết truyện và tính cách nhân vật, đoạn đầu tên tướng cướp kiêu căng, hống hách, giọng Lục Vân Tiên đanh thép, căm giận; đoạn sau Lục Vân Tiên ân cần, Kiều Nguyệt Nga mềm mỏng, ân tình.

 

ĐOẠN TRÍCH: LỤC VÂN TIÊN GẶP NẠN

A. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Vị trí đoạn trích: Đoạn trích nằm ở phần thứ hai của truyện. Vân Tiên và Tiểu đồng đang bơ vơ nơi đất khách quê người thì gặp Trịnh Hâm đi thi trở về. Vốn đã có lòng đố kị, ganh ghét tài năng của Lục Vân Tiên, Trịnh Hâm lợi dụng cơ hội để hãm hại chàng. Hắn lừa tiểu đồng vào rừng trói lại rồi giả bộ đưa Vân Tiên xuống thuyền, hứa sẽ dẫn về nhà. Đợi đến đêm khuya vắng vẻ, hắn mới thực hiện hành động tội ác của mình.

2. Kết cấu đoạn trích: 2 phần

 -  8 câu đầu: hành động tội ác của Trịnh Hâm.

 -  32 câu còn lại: Việc làm nhân đức cùng cuộc sống trong sạch, nhân cách cao cả.

3. Chủ đề đoạn trích: sự đối lập giữa cái thiện và cái ấc, giữa nhân cách cao cả và những toan tính thấp hèn, đồng thời thể hiện thái độ quý trọng và niềm tin của tác giả đối với nhân dân lao động.

B. PHÂN TÍCH

1. Phân tích tâm địa độc ác của Trịnh Hâm qua hành động hãm hại bạn mình là Lục Vân Tiên.

* Hoàn cảnh Vân Tiên: bơ vơ, tội nghiệp tiền hết, mắt đã bị mù, có chú tiểu đồng theo hầu cũng bị Trịnh Hâm bắt trói trong rừng.

 -  Động cơ: quyết tìm hãm hại Lục Vân Tiên là vì tính đố kị, ganh ghét tài năng, lo cho con đường tiến thân của tương lai mình.

 -  Hành động độc ác, bất nhân, bất nghĩa.

+ Độc ác, bất nhân: vì hắn đang tâm hãm hại một con người tội nghiệp, đang cơn hoạn nạn, không nơi nương tựa, không có gì chống đỡ.

+ Bất nghĩa: vì Vân Tiên vốn là bạn của hắn, từng “trà rượu” và làm thơ với nhau, lại đã có lời nhờ cậy.

 -  Hành động có toan tính, có âm mưu, kế hoạch sắp đặt khá kỹ lưỡng, chặt chẽ:

+ Thời gian gây tội ác: Giữa đêm khuya.

+ Không gian: giữa khoảng trời nước mênh mông.

+ Đẩy Vân Tiên xuống, đến lúc biết không ai có thể cứu hắn mới “giả tiếng kêu trời”, la lối um tùm lên rồi “lấy lời phui pha” kể lể, bịa đặt, che lấp tội ác của mình. => Kẻ tội phạm gian ngoan xảo quyệt đã phủi sạch tay, không mảy may cắn rứt lương tâm.

* Trịnh Hâm hiện lên là một kẻ độc ác, bất nhân, bất nghĩa.

Nguyễn Đình Chiểu đã thành công ở cách sắp xếp các tình tiết hợp lý, diễn biến hành động nhanh gọn, lời thơ vẫn giữ được vẻ mộc mạc, giản dị vốn có của tác phẩm mà lột tả được tâm địa độc ác của một kẻ bất nghĩa, bất nhân.

 

2. Phân tích hình ảnh Ngư Ông trong đoạn trích“Lục Vân Tiên gặp nạn”.

Gợi ý trả lời:

a. Ông Ngư là một người có những việc làm nhân đức và nhân cách vô cùng cao đẹp:

 -  Thấy người bị nạn, ông Ngư nhanh nhẹn “vớt ngay lên bờ”, rồi:

“Hối con vẩy lửa một giờ

Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt  mày”

 - > Hành động hết sức gấp gáp, khẩn trương, hết mình vì sự sống của nạn nhân đã gợi tả được mối chân tình của gia đình ông Ngư đối với người bị nạn. Việc làm này thật đẹp đẽ vì chưa biết nạn nhân là ai, chưa rõ nguyên cớ thế nào nhưng thấy việc là làm, thấy người là cứu ân cần chu đáo. Đó là bản tính của con người lương thiện, những người lao động bình thường.

 -  Sau khi cứu sống Vân Tiên, biết tình cảnh khốn khổ của chàng, ông Ngư sẵn lòng cưu mang chàng, dù chỉ là chia sẻ một cuộc sống đói nghèohẩm hút”, tương rau, những chắc chắn đầm ấm tình người “hôm mai hẩm hút với già cho vui”. Tấm lòng của Ngư quả là bao dung, nhân ái, hào hiệp.

 -  Ông cũng không hề tính toán đến cái ơn cứu mạng và Vân Tiên chẳng thể báo đáp. “Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn”, “Lòng lão chẳng mơ” là ông không ham muốn, ước mơ chút nào về tiền bạc, của cải, ông chỉ “dốc lòng nhân nghĩa” là thương người, cố hết sức mình cứu giúp con người, luôn tìm việc nghĩa, hướng về điều thiện, thật hào hiệp, vô tư.

b. Cuộc sống đẹp của ông Ngư:

 -  Ông Ngư đã sống một cuộc sống và suy nghĩ, quan niệm về cách sống thật lương thiện, thật đẹp đẽ. Lời nói của ông Ngư về cuộc sống của mình chính là những tiếng lòng của Nguyễn Đình Chiểu, những khát vọng về cuộc sống tốt đẹp, về một lối sống đáng mơ đối với con người. Cảm xúc chủ quan của nhà thơ là làm cho cuộc sống của người dân chài bình thường trên sống nước có vẻ như được thi vị hoá, trở nên thơ mộng hơn, nhưng cốt lõi vẫn là trung thực.

 -  Đoạn thơ cuối là một đoạn thơ hay của tác phẩm: ý tứ phóng khoáng sâu xa, lời lẽ thanh thoát, uyển chuyển, hình ảnh thơ đẹp, gợi cảm. Một khoảng thiên nhiên cao rộng, khoáng đạt mở ra với những doi, vịnh, chích, đầm, bầu trời, đất, gió trăngCon người hoà nhập vào trong cái thế giới thiên nhiên ấy, không chút cách biệt: hứng gió, chơi trăng, tắm mưa, chải gió… niềm vui sống cũng dường như đầy ắp cái cõi thế của con người ấy (tác giả dùng nhiều từ chỉ trạng thái tâm hồn thanh thản, vui sống ấy: vui vầy, thong thả, nghêu ngao, vui thầm, thung dung, vui say…). Có cảm giác như chính tác giả đang nhập thân vào nhân vạt để nói lên khát vọng và niềm tin yêu cuộc đời.

 -  Rũ bỏ mọi danh lợi, tìm về với sông nước để “rửa ruột sạch trơn”, nay vào vịnh, mai ra khơi, ngày hứng gió mát, đêm bè bạn với trăng thanh. Ngư Ông đã chọn được một phong cách sống thật phóng khoáng, tự do. Tấm lòng ông trong sạch, gia đình, nhà cửa, cả hình hài, thể xác lẫn tâm hồn như hoà nhập với biển trời, sông nước. Cặp từ “hứng gió”, “chơi trăng” cho ta thấy hình ảnh một con người đang mơ mộng, hệt như một thi sĩ vậy. Mơ mộng nhưng không mơ hồ, tuỳ tiện, mà rất chủ động, ung dung, ứng phó với mọi tình thế.

“Một mình thong thả làm ăn

Khoẻ quơ chài kéo, mệt quăng câu dầm”

 -  Đây là một cuộc sống trong sạch, ngoài vòng danh lợi ô trọc: một cuộc sống tự do, phóng khoáng giữa đất trời cao rộng, hoà nhập, bầu bạn với thiên nhiên, thảnh thơi giữa sông nước, gió trăng và vì thế cũng đầy ắp niềm vui.

 -  Cuộc sống ấy thật hạnh phúc, hoàn toàn xa lạ với những toan tính nhỏ nhen, ích kỷ, mưu danh, trục lợi, sẵn sàng chà đạp lên cả đạo đức, nhân nghĩ… Cuộc sống ấy thật đáng kính, đáng trọng!

* Đoạn thơ gửi gắm khát vọng của Nguyễn Đình Chiểu vào niềm tin về cái thiện, vào con người lao động bình thường. Ông đã bộc lộ quan điểm nhân dân rất tiến bộ. Từng trải cuộc đời, NĐC hiểu rất rõ rằng cái xấu, cái ác thường lẩn khuất sau những mũ cao, áo dài của bọn người có địa vị cao sang (như thái sư đương triều, Võ Công, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm…), nhưng vẫn còn những cái tốt đẹp, đáng kính trọng, đáng khao khát, tồn tại bền vững nơi những con người lao động nghèo khổ mà nhân hậu, vị tha, trọng nghĩa khinh tài (những ông Ngư, ông Tiều, chú tiểu đồng, bà lão dệt vải trong rừng…). Nhà thơ Xuân Diệu đã nói đúng: “Cái ưu ái đối với người lao động, sự kính mến họ là một đặc điểm trong tâm hồn Đồ Chiểu”.

3. Quan niệm sống của nhân vật Lục Vân Tiên và nhân vật ông Ngư trong truyện “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu có những nét giống nhau đó và nêu rõ đó là quan niệm sống như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Quan niệm sống của nhân vật Lục Vân Tiên và nhân vật ông Ngư trong truyện “Lục Vân Tiên” có những nét giống nhau. Đó là không ham muốn, ước mơ về tiền bạc, của cải, chỉ dốc sức mình cứu giúp con người, luôn tìm việc nghĩa, hướng về điều thiện một cách hào hiệp, vô tư.

Những câu thơ nói rõ quan niệm sống đó là:

   “Vân Tiên nghe nói liền cười

Làm ơn há dễ trông người trả ơn”

(Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga)

“Ngư rằng lòng lão chẳng mơ

Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn”.

(Lục Vân Tiên gặp nạn)

Bài viết gợi ý: