Đề 1:
Đọc bài văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Tôi mê ca dao từ những ngày còn nhỏ. Trước khi biết Xuân Diệu nói “Ca dao là máu của Tổ quốc”, trước khi nghe Tế Hanh nói “ Tôi lớn lên bằng ca dao và sữa mẹ”, tôi đã sững sờ trước những lời ru của má tôi. Mỗi lần ru con, bà cầm hai tao nôi, hoặc một tay chụm cả bốn tao nôi vừa đưa vừa hát. Lạ thay, má tôi làm lụng suốt ngày đầu tắt mặt tối mà khi chạm vào tao nôi của con thì ca dao tuôn ra như suối, bài nọ nối bài kia tưởng chừng như vô tận. Tràn ngập trong âm thanh du dương huyền hoặc là cả một thế giới lạ lùng, thế giới của mồ hôi nước mắt, thế giới của tình thương, của tình yêu, của cái thiện, của sự huyền ảo mộng mơ…
( Trích Lời ngỏ Vẻ đẹp trong ca dao- Nguyễn Đức Quyền)
1/ Xác định câu chủ đề của văn bản. Người viết sử dụng thao tác diễn dịch hay quy nạp?
2/ Tế Hanh nói “ Tôi lớn lên bằng ca dao và sữa mẹ”. Ý nghĩa của câu nói này là gì?
3/Xác định biện pháp tu từ về từ trong câu ca dao tuôn ra như suối, bài nọ nối bài kia tưởng chừng như vô tận. Nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ đó.
4/ Viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về ý nghĩa lời ru của mẹ.
Trả lời:
1/ Câu chủ đề của văn bản: Tôi mê ca dao từ những ngày còn nhỏ.
Người viết sử dụng thao tác diễn dịch .
2/ Tế Hanh nói “ Tôi lớn lên bằng ca dao và sữa mẹ”. Ý nghĩa của câu nói này là bên cạnh sữa mẹ nuôi lớn phần xác thì ca dao cũng là nguồn sữa ngọt ngào nuôi lớn tinh thần của con người trong cả cuộc đời. Qua đó, câu nói ca ngợi vẻ đẹp của ca dao, của tình mẫu tử thiêng liêng.
3/ Câu ca dao tuôn ra như suối, bài nọ nối bài kia tưởng chừng như vô tận sử dụng biện pháp tu từ so sánh. Hiệu quả nghệ thuật : ca dao có sức lan toả, thấm vào máu thịt của mỗi người dân Việt Nam. Tác giả thể hiện lòng biết ơn ca dao và mẹ vì đã đem lại niềm đam mê ngây ngất trong tâm hồn mình.
4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu:
-Hình thức : đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thành ;
-Nội dung: Đoạn văn phải làm rõ các ý : lời ru của mẹ không chỉ vỗ về con thơ vào giấc ngủ mà còn chất chứa nhiều yêu thương; là tri thức sơ khai góp phần định hình tính cách, tâm hồn trẻ thơ. Qua lời ru, lòng nhân ái được hình thành, trẻ thơ biết thương yêu ông bà, cha mẹ, anh chị và những người thân trong gia đình. Cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi nhưng lời ru của mẹ vẫn sống mãi với thời gian.
Đề 2:
Đọc bài ca dao sau và trả lời câu hỏi:
“Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.”
1/ Xác định biện pháp tu từ về từ và biện pháp nghệ thuật đối lập và nêu ý nghĩa hiệu quả nghệ thuật của biện pháp đó trong bài ca dao.
2/ Phân tích những nhân tố giao tiếp trong bài ca dao
3/Tác giả dân gian chọn thời điểm ban trưa là có dụng ý gì ?
4/ Viết bài văn ngắn ( khoảng 400 từ) bày tỏ suy nghĩ về lòng biết ơn trong cuộc sống.
Trả lời:
1/ a/ Biện pháp tu từ so sánh: như mưa ruộng cày
-Hiệu quả: Gợi hình ảnh và biểu cảm về nỗi vất vả của người nông dân.
b/ Biện pháp nghệ thuật đối lập: Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần
-Hiệu quả: ca ngợi giá trị của bông lúa, hạt gạo cũng là công lao của người nông dân làm ra, đồng thời nhắc nhở mọi người không bao giờ quên họ. Phải biết nâng niu, quý trọng thành quả lao động và người lao động.
2/ Bài ca dao là một hoạt động giao tiếp:
– Nhân vật giao tiếp: Người nông dân đang cày ruộng nói với những người khác (Đại từ “Ai”: chỉ tất cả mọi người)
– Hoàn cảnh giao tiếp: Người nông dân cày ruộng vất vả giữa buổi trưa nóng nực.
– Nội dung giao tiếp: Nói về mối quan hệ giữa bát cơm đầy, dẻo thơm và sự làm việc vất vả, đắng cay.
– Mục đích: Nhắc nhở mọi người phải có ý thức trân trọng, nâng niu thành quả lao động mà mình đã đổ ra biết bao nhiêu công sức để có được thành quả đó.
=> Cách nói cụ thể, có hình ảnh nên hấp dẫn và có sức thuyết phục.
3/ Tác giả dân gian chọn thời điểm ban trưa là có dụng ý gợi sự khắc nghiệt của thời tiết. Ban trưa đáng lẽ con người phải được nghỉ ngơi nhưng phải tiếp tục lao động. Qua đó, ta thấy nỗi vất vả của người nông dân, đồng thời cảm thông, chia sẻ với công việc nặng nhọc của họ.
4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu:
-Hình thức : đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thành ;
-Nội dung :
I/ Mở bài : Nêu ý có liên quan ( từ ý bài ca dao) để dẫn vào vấn đề ( lòng biết ơn) và nhận định lòng biết ơn có ý nghĩa sâu sắc. |
II/ Thân bài : |
1/ Giải thích : -“Lòng biết ơn ” là ghi nhớ công lao của người có công với mình, giúp đỡ mình, làm ra thành quả cho mình hưởng thụ. – Biểu hiện : bằng lời “ cảm ơn” , bằng tư tưởng, tình cảm, bằng hành vi đền đáp. |
2/ Bàn luận : a/Phân tích ý nghĩa của lòng biết ơn : – Cần phải có lòng biết ơn vì không có cái gì tự nhiên mà có: biết ơn cha mẹ, thầy cô, người có công với nước, người làm ra sản phẩm cho ta hưởng thụ…. – Lòng biết ơn biểu hiện bằng việc làm góp phần làm cho xã hội tốt đẹp( trở thành con ngoan trò giỏi, có năng lực cống hiến cho xã hội…). – Có lòng biết ơn là có nhân cách tốt được quí trọng, được giúp đỡ. – Là giữ gìn và phát huy đạo lí “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. b/ Phê phán : Kẻ vô ơn, sẽ không được giúp đỡ…. |
3/ Bài học nhận thức và hành động : – Nhận thức lòng biết ơn là phẩm chất tốt, cần phải có lòng biết ơn. – Phải có lời “cám ơn” khi được người khác giúp đỡ mình. – Phải rèn luyện đạo đức, học tập tốt để đáp lại công ơn của cha mẹ, thầy cô. – Học tập tốt, có kiến thức để cống hiến cho xã hội, để đền đáp công lao người có công với nước. |
III. Kết bài : Lòng biết ơn có ý nghĩa quan trọng. Học sinh THPT cần ý thức và thực hiện lòng biết ơn bằng lời nói và hành động cụ thể. |
Đề 3:
Đọc bài ca dao sau và trả lời câu hỏi:
Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen.
Ai ơi, nếm thử mà xem!
Nếm ra, mới biết rằng em ngọt bùi.
1/ Chủ thể than thân trong bài ca dao là ai? Người đó tự so sánh mình với cái gì ?
2/ Xác định phép đối, phép lặp cú pháp và nêu ý nghĩa hiệu quả nghệ thuật của các phép tu từ đó trong bài ca dao.
3/Tác giả dân gian dùng động từ nếm có dụng ý gì ?
4/ Viết đoạn văn ngắn ( khoảng 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về cái đẹp của con người trong cuộc sống.
Trả lời:
1/ Chủ thể than thân trong bài ca dao là cô gái. Cô tự so sánh mình với củ ấu gai, một loại củ có sừng nhọn, ruột trắng, vỏ đen nhẻm.
2/ Phép đối, phép lặp cú pháp: Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen.
Hiệu quả nghệ thuật: nhấn mạnh cô gái tự ý thức về vẻ đẹp tâm hồn của mình
3/ Tác giả dân gian dùng động từ nếm có dụng ý thể hiện tiếng than của cô gái, đó là thân phận bị phụ thuộc, chỉ có giá trị sử dụng mà thôi. Nhưng đằng sau đó, cô gái đã tự hào về vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của mình: ngọt bùi .
4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu:
-Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thành ;
-Nội dung : Từ tiếng than và tự ý thức của cô gái trong bài ca dao, thí sinh trình bày suy nghĩ về cái đẹp của con người trong cuộc sống. Đó là cái đẹp quý nhất là đẹp ở tâm hồn, nhân cách, đúng như tục ngữ dân gian cái nết đánh chết cái đẹp. Từ đó, bản thân rút ra bài học nhận thức và hành động trong việc rèn luyện đạo đức, nhân cách để làm giàu vẻ đẹp tâm hồn.
Đề 4:
Đọc bài ca dao sau và trả lời câu hỏi:
Trèo lên cây khế nửa ngày
Ai làm chua xót lòng này, khế ơi !
Mặt trăng sánh với mặt trời
Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng .
Mình ơi ! Có nhớ ta chăng ?
Ta như sao Vượt chờ chăng giữa trời .
1/ Nhân vật trữ tình trong bài ca dao là ai? Vì đâu mà nhân vật trữ tình có tâm trạng chua xót?
2/ Xác định biện pháp tu từ về từ, điệp ngữ và nêu ý nghĩa hiệu quả nghệ thuật của biện pháp đó trong bài ca dao.
3/Các hình ảnh Mặt trăng, Mặt trời, Sao Hôm, sao Mai, sao Vượt đạt hiệu quả nghệ thuật như thế nào trong việc bộc lộ tâm trạng của nhân vật trữ tình?
4/ Viết đoạn văn ngắn ( khoảng 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về chữ chờ trong bài ca dao.
Trả lời:
1/ Nhân vật trữ tình trong bài ca dao là chàng trai. Nhân vật trữ tình chàng trai có tâm trạng chua xót vi sự cách trở trong tình yêu của anh với một người con gái..
2/ a/Biện pháp tu từ về từ:
– Ẩn dụ: Mặt trời,sao Vượt ( chàng trai); Mặt trăng ( cô gái);
– So sánh: như sao Vượt
b/Điệp ngữ: sánh với
Hiệu quả nghệ thuật: Diễn tả tiếng hát than thân cất lên vì sự chờ đợi vô vọng nhưng vẫn thể hiện tình yêu thuỷ chung của con người.
3/ Các hình ảnh Mặt trăng, Mặt trời, Sao Hôm, sao Mai, sao Vượt đạt hiệu quả nghệ thuật trong việc bộc lộ tâm trạng của nhân vật trữ tình: Người bình dân đã lấy hình ảnh thiên nhiên, vũ trụ là cái to lớn, vĩnh hằng để nói lên tình nghĩa con người bền vững, thuỷ chung.
4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu:
-Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thành ;
-Nội dung : chữ chờ khép bài ca dao đã toả sáng vẻ đẹp nhân văn trong tình yêu, tình nghĩa con người. Đó là sự chờ đợi dù trong vô vọng. Duyên kiếp có thể và đã dở dang, không thành nhưng tình yêu thì mãi mãi vẫn còn, không thể đổi thay. Qua đó, tác giả dân gian để lại cho chúng ta bài học về văn hoá trong tình yêu.
Đề 5:
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai
Khăn thương nhớ ai
Khăn chùi nước mắt…
1/ Nỗi nhớ người yêu của cô gái được gửi vào hình ảnh nào? Hình ảnh đó có ý nghĩa gì với cô gái?
2/ Xác định biện pháp tu từ về từ, điệp từ, điệp cú pháp và nêu ý nghĩa hiệu quả nghệ thuật của biện pháp đó trong đoạn trích bài ca dao.
3/ So sánh số lượng thanh bằng, thanh trắc được sử dụng trong văn bản? Ý nghĩa của việc dùng thanh bằng đó là gì?
4/ Viết đoạn văn ngắn ( khoảng 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về chữ nhớ trong văn bản trên.
Trả lời:
1/ Nỗi nhớ người yêu của cô gái được gửi vào hình ảnh cái khăn. Hình ảnh đó có ý nghĩa như người bạn, luôn bên cạnh cô gái, đồng thời là vật trao duyên, vật kỉ niệm gợi nhớ người yêu.
2/ a/Biện pháp tu từ về từ: nhân hoá : thương nhớ ai
b/Điệp từ : khăn 6 lần; điệp cú pháp: Khăn thương nhớ ai 3 lần.
Hiệu quả nghệ thuật: Diễn tả tâm trạng nhớ thương kín đáo, da diết, triền miên trong tâm hồn cô gái đang yêu.
3/ So sánh số lượng thanh bằng, thanh trắc được sử dụng trong văn bản: sáu câu thơ hỏi cái khăn, gồm 24 tiếng thì đã có đến 16 thanh bằng mà hầu hết là thanh không.
Ý nghĩa của việc dùng nhiều thanh bằng đó là làm cho nỗi nhớ càng thêm bâng khuâng mà vẫn man mác, nhẹ nhàng.
4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu:
-Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thành ;
-Nội dung : chữ nhớ được lặp lại 3 lần trong văn bản đã thể hiện tâm trạng nhớ thương sâu lắng trong tình yêu của người con gái. Đó là nỗi nhớ có không gian, trải ra trên nhiều chiều, thể hiện tâm trạng ngổn ngang trăm mối tơ vò. Nỗi nhớ ấy đã dẫn đến cảnh khóc thầm của biết bao cô gái xưa. Nỗi nhớ ấy cũng chính là vẻ đẹp của lòng chung thuỷ trong tình yêu đôi lứa.
Đề 6:
Đọc bài ca dao sau và trả lời câu hỏi:
(1)Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi.
(2)Ước gì dải yếm em to,
Để em buộc lấy mũi đò kéo lên,
Ước gì dải yếm em bền,
Để em buộc lấy kéo lên trên bờ.
(3)Kiếp sau đừng hóa ra người
Hóa ra dải yếm buộc người tình nhân
1/ Hình ảnh nào được lặp lại trong 3 bài ca dao trên ? Nêu ý nghĩa của hình ảnh đó?
2/ So sánh điểm giống nhau và khác nhau trong việc sử dụng hình ảnh để thể hiện tâm trạng của cô gái trong bài (1) và (2) ?.
3/ Các từ ngữ kiếp sau, hoá ra, buộc người tình nhân ở bài (3) đạt hiệu quả nghệ thuật như thế nào trong việc bộc lộ tâm trạng của nhân vật trữ tình?
4/ Viết đoạn văn ngắn ( khoảng 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về vẻ đẹp tình yêu đôi lứa qua 3 bài ca dao.
Trả lời:
1/ Hình ảnh dải yếm được lặp lại trong 3 bài ca dao trên.
Ý nghĩa của hình ảnh đó: dải yếm là vật dụng trang sức gần gũi, thân thiết không chỉ có chức năng che chắn, bảo vệ mà còn góp phần tôn lên vẻ đẹp của người con gái. Thông qua dải yếm, tác giả dân gian gửi gắm nỗi lòng, tâm tư, khát vọng tình yêu của người con gái .
2/ Điểm giống nhau và khác nhau trong việc sử dụng hình ảnh để thể hiện tâm trạng của cô gái trong bài (1) và (2) :
3/ Các từ ngữ kiếp sau, hoá ra, buộc người tình nhân ở bài (3) đạt hiệu quả nghệ thuật trong việc bộc lộ tâm trạng của nhân vật trữ tình: diễn tả ước mơ càng kì diệu, đẹp đẽ về một mối tình chung thuỷ kể cả khi đã chết.
4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu:
-Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thành ;
-Nội dung : Qua ba bài ca dao, tác giả dân gian ca ngợi ước mơ trong tình yêu của con người, nhất là với các cô gái ngày xưa. Họ ước ao chủ động bắc nhịp cầu tình yêu, muốn rút ngắn khoảng cách để được gần nhau. Họ ước mơ vượt qua mọ thử thách của cuộc đời để được hạnh phúc bên nhau. Đặc biệt, dù sang thế giới bên kia, họ vẫn ước mơ về một tình yêu thuỷ chung. Tất cả đều gửi gắm qua hình ảnh dải yếm – chính là hiện thân của cô gái, là máu thịt, cuộc đời, trái tim rạo rực yêu đương.
Đề 7:
Đọc bài ca dao sau và trả lời câu hỏi:
Vẳng nghe chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ, chín chiều ruột đau
1/ Nêu nội dung chính và thể thơ của bài ca dao.
2/ Tại sao tiếng chim vịt lại gợi nhớ mẹ ?
3/ Người con nhớ mẹ vì những lí do gì ? Từ ngữ nào tả tâm trạng, từ ngữ nào cụ thể hoá nỗi nhớ ?
4/ Viết đoạn văn ngắn ( khoảng 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về vẻ đẹp của tình mẫu tử.
Trả lời:
1/ Nêu nội dung chính : Từ âm thanh của tiếng chim vịt vào buổi chiều, bài ca dao gợi nỗ nhớ mẹ da diết của người con.
Thể thơ : lục bát
2/ Tiếng chim vịt lại gợi nhớ mẹ, bởi vì chim vịt là loài chim hữu sinh vô dưỡng. Chim vịt thường ăn trứng chim sâu( không ăn hết) rồi đẻ trứng vào tổ chim sâu. Ở đồng quê thường thấy cảnh chim sâu mớm mồi cho chim vịt con. Chim vịt cứ lớn lên trong sự nuôi dưỡng của chim sâu. Cho nên trong âm thanh của chim vịt có mang theo nỗi buồn của kẻ hữu sinh vô dưỡng. Vì thế, âm thanh của tiếng chim vịt nhớ mẹ của nó đã gợi nỗi nhớ mẹ của người con.
3/ Người con nhớ mẹ vì những lí do :
Từ ngữ bâng khuâng tả tâm trạng, từ ngữ ruột đau cụ thể hoá nỗi nhớ.
4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu:
-Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thành ;
-Nội dung : Từ nỗi nhớ mẹ qua bài ca dao, thí sinh suy nghĩ tình mẫu tử là gì ? Ý nghĩa của tình mẫu tử ? Phê phán những đứa con bất hiếu. Rút ra bài học nhận thức và hành động.
Đề 8:
Đọc bài ca dao sau và trả lời câu hỏi:
Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đôi ta nghĩa nặng tình dày
Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa
1/ Nêu nội dung chính của bài ca dao.
2/ Tại sao tác giả dân gian dùng biểu tượng muối và gừng ?
3/ Hai câu sau của bài ca dao sử dụng thể lục bát biến thể hay nguyên thể ? Nêu hiệu quả nghệ thuật của thể ca dao đó.
4/ Viết đoạn văn ngắn ( khoảng 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về tình và nghĩa trong cuộc sống hôm nay.
Trả lời:
1/ Nội dung chính : Bài ca dao nói về tình cảm vợ chồng đã chung sống lâu năm, thấm thía tình nghĩa sâu đậm, son sắt, thuỷ chung.
2/ Tác giả dân gian dùng biểu tượng muối và gừng :
+ Gừng-muối là những gia vị của các món ăn, còn là vị thuốc để chữa bệnh ;
+ Gừng cay-muối mặn biểu trưng cho sự gắn bó thuỷ chung của con người, dành cho những cặp vợ chồng, bởi vợ chồng đã từng chung sống với nhau thì mới trải qua những ngày gừng cay-muối mặn, mới thấm thía nghĩa tình thuỷ chung
3/ Hai câu sau của bài ca dao sử dụng thể lục bát biến thể vì câu bát được kéo dài thành 13 tiếng với cách nói đặc sắc gây sự chú ý cho người nghe.
Hiệu quả nghệ thuật : Hình thức câu bát kéo dài gợi liên tưởng nghĩa tình càng bền chặt theo thời gian ba vạn sáu ngàn ngày.
4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu:
-Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thành ;
-Nội dung : Từ ý ca dao nghĩa nặng tình dày, thí sinh suy nghĩ về mối quan hệ giữa tình và nghĩa trong cuộc sống. Tình nghĩa luôn đi đôi gắn bó với nhau, làm nên hạnh phúc gia đình. Nghĩa nặng hơn tình. Phê phán lối sống bạc tình, bạc nghĩa. Rút ra bài học nhận thức và hành động.