Thấy rõ vị trí lợi hại của đồn Mộc Lỵ, liên quan đến việc triển khai toàn bộ tuyến hậu cần phục vụ cho chiến dịch Tây Bắc, bộ đội ta quyết định tấn công tiêu diệt đồn Mộc Lỵ trong đợt hai của chiến dịch. Nhiệm vụ quan trọng này được giao cho một trong những đơn vị thiện chiến nhất của Đại đoàn 316, đó là Trung đoàn 174.
Tuy nhiên, do đồn Mộc Lỵ nằm ở vị trí hiểm yếu, quân chủ lực của ta khó cơ động chiếm lĩnh xây dựng trận địa, tầm quan sát bị hạn chế nên phải mất nhiều tháng trinh sát, lên phương án tối ưu, chập tối 19/11/1952, bộ đội ta mới tổ chức tấn công. Địch lợi dụng công sự, lô cốt và các ụ súng điên cuồng chống trả, ta và địch giành giật nhau từng công sự, lô cốt, ụ súng, từng mét hào.
Trận đánh ác liệt đã diễn ra nhiều giờ đồng hồ, gần sáng, bộ đội ta làm chủ hoàn toàn đồn Mộc Lỵ; tiêu diệt và bắt sống 350 tên địch, trong đó có tên quan ba Vzanh đờ xăng; thu hơn 500 súng các loại, cùng toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng khác; giải phóng hơn 1.000 dân. Trong trận đánh bi hùng đêm hôm đó, 53 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 174 đã anh dũng hy sinh…
"Của tin còn một chút này…"
Sau năm 1954, cả nước phải bận rộn dồn sức người sức của cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cũng như nhiều di tích chiến trường khác, di tích đồn Mộc Lỵ bị rơi vào quên lãng!
Năm 1996, tức là sau 44 năm trận đánh đồn Mộc Lỵ, lần đầu tiên, Sở Văn hóa - Thông tin (VH-TT) Sơn La mới lần đầu tiên lập bản đồ qui định khu vực bảo vệ di tích. Sau nhiều nỗ lực giải quyết các thủ tục hành chính, ngày 24/1/1998, di tích đồn Mộc Lỵ chính thức được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, theo Quyết định 95/1998-QĐ/BVHTT của Bộ VH-TT.
Nhưng qui hoạch chưa được duyệt nên việc quản lý di tích không được phân định rõ ràng, không có đơn vị chủ trì chính, di tích đồn Mộc Lỵ tiếp tục rơi vào quên lãng. Mãi đến năm 2002, Ban Thường vụ Huyện ủy Mộc Châu mới có chủ trương lập dự án tổng thể cho phép lập dự án quy hoạch di tích lịch sử đồn Mộc Lỵ!
Nhưng rồi do thiếu kinh phí, cùng nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, đến nay mới chỉ kịp xây một nhà bia tưởng niệm tại di tích này vào dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng huyện Mộc Châu, rồi để đó đến tận bây giờ!
Hiện tại, khu di tích quốc gia này được bao quanh bởi một trường trung học cơ sở, bệnh viện đa khoa, công ty đường bộ và khu dân cư đông đúc. Du khách lên đến Mộc Châu hầu như rất ít biết đến sự tồn tại của di tích này.
Ngay cả một số người dân ở quanh khu vực, khi chúng tôi hỏi chuyện, đều ngạc nhiên về "giá trị" của nó. Thậm chí có người còn hồn nhiên thừa nhận, đã từng mang xà beng lên cạy một ít đá hộc của các lô cốt về xây chuồng lợn!
Ông Phạm Việt Hùng, Phó trưởng Phòng VH-TT&DL Mộc Châu ngậm ngùi: "Chúng tôi cũng lực bất tòng tâm, hiện nay cả phòng chỉ có 10 cán bộ, nhưng cũng chưa có biên chế làm công tác bảo tàng hay du lịch". Sự quan tâm của các cơ quan chức năng (trong đó có huyện Mộc Châu) đối với di tích cấp quốc gia này là giao cho trường THCS 3/2 quản lý, trồng hoa và quét dọn!?
Với tư cách là di tích quốc gia, di tích lịch sử đồn Mộc Lỵ rất cần các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, mở hướng để trùng tu, tôn tạo, nhằm phát triển, khai thác di tích một cách hiệu quả