Đáp án: Này là chị làm theo đề "tuổi trẻ và tương lai đất nước" nha em
Giải thích các bước giải:
Trong mọi thời đại, tuổi trẻ chính là niềm tự hào và sức mạnh của dân tộc. Thuở xưa tuổi trẻ đã làm cả thế giới phải khâm phục vì sự anh dũng, tài trí thì ngày nay cả thế giới cũng đã biết đến một thế hệ trẻ đầy năng động, nhiệt huyết. Vì thế, tuổi trẻ chính là tương lai của đất nước.
Tuổi trẻ chính là tuổi đẹp nhất đời người - cái tuổi biết bao ước mơ, hoài bão và lòng nhiệt huyết căng tràn, không chịu khuất phục trước khó khăn, luôn khao khát và dễ dàng tiếp cận cái mới. Tuổi trẻ chính là hành trang bước vào tương lai, vậy tương lai là gì? Đó là những điều sẽ xảy đến với mỗi chúng ta, là những điều đang đợi ta ở phía trước trên con đường đời. Tương lai mỗi con người thuộc thế hệ trẻ không chỉ là tương lai của họ, mà chính là tương lai của đất nước. Đất nước chính là nơi mà mỗi người chúng ta được sinh ra, lớn lên và phát triển chính bản thân cũng như xây dựng đất nước phồn thịnh. Như vậy, ta thấy được rằng tương lai của mỗi đất nước đều phụ thuộc hoàn toàn vào công dân, đặc biệt là thế hệ trẻ: Tuổi trẻ ngày nay chính là tương lai thế giới ngày mai.
Thật vậy, từ xưa đến nay, tuổi trẻ luôn là người nắm giữ tương lai, vận mệnh đất nước. Ngay từ thời xa xưa khi đất nước lâm nguy, có biết bao người trẻ tuổi đã đóng góp sức lực, thậm chí là tính mạng để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Ta có Thánh Gióng suốt 3 năm không nói, không cười, thế mà vừa nghe tiếng gọi người tài của đất nước liền vươn vai trở thành một tráng sĩ, tiêu diệt giặc Ân đang hoành hành. Chính vì điều này mà Thánh Gióng đã được đi vào huyền thoại của Việt Nam ta, đại diện cho tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm và sức mạnh tuổi trẻ.
Hay như Trần Quốc Toản, người đã có công tham gia kháng chiến chống quân Nguyên và hi sinh anh dũng khi tuổi đời còn rất trẻ. Không được tham gia vào hội nghị Bình Than để bàn việc nước vì tuổi đời còn nhỏ, chàng thanh niên yêu nước đã uất ức đến mức bóp nát quả cam mà vua ban cho mình. Ở cái tuổi đôi tám, Quốc Toản đã lập ra đội quân nhân nghĩa, mục đích bảo vệ đất nước. Hình ảnh Trần Quốc Toản với lá cờ thêu 6 chữ vàng "Phá cường địch, báo hoàng ân" đã đi vào lịch sử Việt Nam.
Còn có Nguyễn Trãi, từ khi sinh ra đã được cha kì vọng sẽ rửa nhục cho nước, trả thù cho cha. Mới 28 tuổi, ông đã phải li biệt cha nơi ải Bắc khi Nguyễn Phi Khanh bị giặc bắt đày sang Tàu. Dù rằng có lòng hiếu thảo với cha, nhưng trong hoàn cảnh đất nước lâm nguy, Nguyễn Trãi đã chọn lấy vận nước đặt lên vận nhà, dâng cho Lê Lợi "Bình Ngô sách" và giúp vua diệt sạch quân Minh. Để rồi sau này, ông đã thay Lê Lợi làm nên "bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của nước Việt Nam" - Bình Ngô đại cáo.
Không chỉ ngày xưa, tuổi trẻ Việt Nam trong kháng chiến cũng không hiếm người tài đức vẹn toàn, hiến dâng cả tuổi xuân để đánh đuổi thực dân Pháp, đế quốc Mĩ, gìn giữ độc lập tự do dân tộc. Đầu tiên phải kể đến đó là Lý Tự Trọng, cậu trai chỉ mới 15 tuổi đã thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương. Dù bị tra tấn khắc nghiệt nhưng cậu vẫn giữ trọn lòng yêu nước, đến mức cai ngục cũng phải kính nể gọi là "ông nhỏ". Còn có chị Võ Thị Sáu, một nữ du kích trẻ tuổi tham gia vào kháng chiến chống thực dân Pháp. Bị bắt và xử tử ở độ tuổi 16 - 1 độ tuổi vô cùng trẻ, nhưng khi đứng trước nòng súng của địch, chị không hề sợ hãi mà hô vang những lời cuối cùng: "Đả đảo thực dân Pháp! Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ chủ tịch muôn năm!"
Ngoài ra còn có rất nhiều những thanh niên xung phong, du kích hay những bác sĩ, y sĩ vào Nam ra Bắc tham gia kháng chiến. Đó là chàng thanh niên trẻ tuổi với cái tên Nguyễn Văn Trỗi, dù bị giặc xử tử vẫn dũng cảm hô to: "Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo đế quốc Mĩ! Đả đảo Nguyễn Khánh! Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam muôn năm!" Hay liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, một bác sĩ trẻ đã xung phong vào Nam, gắn bó với nghiệp cứu chữa bệnh cho chiến sĩ, để rồi lại bị phục kích và hi sinh khi chưa đầy 28 tuổi đời, để lại cho bạn bè vô vàn tiếc thương. Cuốn nhật kí của Trâm được mọi người lưu giữ đến tận ngày nay, vì nó chứa đựng một ngọn lửa nhiệt tình của tuổi trẻ, và cũng là ngọn lửa yêu nước, thù giặc luôn cháy bỏng trong trái tim cô gái nhỏ. Sau này, cuốn nhật kí "lửa" của Thùy Trâm đã được in thành sách và được đạo diễn Đặng Nhật Minh chuyển thể thành bộ phim "Đừng đốt" Ngoài ra còn có lớp lớp thanh niên xung phong với màu áo xanh đi khắp mọi miền, làm xanh thêm màu xanh của đất nước. Lòng nhiệt huyết và quyết tâm của họ có thể bắt sỏi đá trở thành cơm gạo, biến hố bom trở thành trường học.
Trong thời bình, tuổi trẻ vẫn đóng vai trò rất quan trọng, nhất là thế hệ thanh niên với màu áo xanh tình nguyện, mang kiến thức đến cho bản mường, mang ánh sáng đến mọi miền đất nước. Không chỉ có thể, dù là trong bất kì lĩnh vực nào, tuổi trẻ Việt Nam vẫn mang màu cờ sắc áo đến với bạn bè quốc tế. Từ năm 2002 đến năm 2018, tuổi trẻ Việt Nam đã 7 lần giành chức vô địch tại cuộc thi Robocon dành cho các nước châu Á và Thái Bình Dương, giúp nước ta trở thành nước có nhiều lần vô địch nhất trong lịch sử cuộc thi này. Hay như thần đồng Tiếng Anh Đỗ Nhật Nam, mới 8 tuổi đã đạt 940/990 TOEIC, lên 11 tuổi đạt 8.0 IELTSt với điểm Reading tuyệt đối là 9.0, đã làm rạng danh tuổi trẻ nước nhà. Còn có nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn - người châu Á đầu tiên đạt giải Nhất cuộc thi Chopin ở Ba Lan khi mới ở cái tuổi 22. Cũng không thể không nhắc đến đội tuyển U22 Việt Nam - đội tuyển đã giành chức vô địch SEA Games 30, đem lại hãnh diện cho nước nhà sau 60 năm chờ đợi.
Tuổi trẻ là tuổi đầy nhiệt huyết, vì vậy hãy sống thật có ích những tháng năm tuổi trẻ, như những con người vĩ đại Các-mác và Lê-nin. Các - mác lên 18 đã vùi đầu vào nghiên cứu luật học, sử học và đi sâu vào các vấn đề về triết học. Sau này, ông đã hoạt động cách mạng rất sôi nổi và đã cùng Ăng - ghen sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học. Về phần Lê - nin, từ cái tuổi 17, ông đã liên hệ với các nhà cách mạng và là người hoạt động tích cực nhất trong phong trào sinh viên. Chính vì thế mà sau này, Lê - nin đã tìm được con đường mới để chống lại chế độ chuyên chế và được người đời gọi là "người thầy của cách mạng vô sản thế giới". Và ta không thể không nhắc đến một nhân vật của Việt Nam, đã hi sinh cả tuổi xuân để giải phóng đất nước - chủ tịch HCM. Khi mới ở cái tuổi 20, Người đã rời quê hương bôn ba đi tìm đường cứu nước. Chính nhờ lòng nhiệt huyết ấy mà Người đã đưa đất nước ta đến với độc lập tự do.
"Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội". Vì vậy, thế hệ sau, cũng chính là tuổi trẻ chúng ta phải tiếp tục và phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước, đưa dân tộc Việt Nam ta "bước tới đài vinh quanh để sánh vai với các cường quốc năm châu" như lời Bác Hồ mong mỏi.