Chùa Một Cột có tên chữ là Diên Hựu (phúc lành dài lâu) được xây dựng vào năm 1049 thời vua Lý Thái Tông. Tương truyền khi ấy vua Lý Thái Tông đã cao tuổi mà chưa có con trai nên nhà vua thường đến các chùa để cầu tự. Một đêm ông chiêm bao thấy Đức Phật Quan Âm hiện lên đài hoa sen ở một hồ nước hình vuông phía tây thành Thăng Long, tay bế đứa con trai trao cho nhà vua. Ít lâu sau hoàng hậu sinh con trai. Nhà vua cho dựng chùa Một Cột có dáng dấp như đã thấy trong giấc mơ để thờ Phật Quan Âm.
Chùa Một Cột là một Quốc tự, liên quan tới vua sáng lập triều Lý, được xây dựng gần khu vực Tử Cấm thành, hàng tháng cứ rằm, mồng một vua đến đặt lễ cầu phúc.
Theo sử sách, chùa được xây lần thứ nhất năm 1049: "Mùa đông tháng 10 dựng chùa Diên Hựu. Trước đây vua chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên toà sen, dắt vua lên toà. Khi tỉnh dậy vua nói với bề tôi, có người cho là điềm không lành. Có nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa đất, làm toà sen của phật Quan Âm như đã thấy ở trong mộng. Cho các nhà sư đi xung quanh tụng kinh cầu nhà vua sống lâu. Vì thế gọi là chùa Diên Hựu (phúc lành dài lâu). Năm 1070 mùa xuân tháng giêng năm Thần Võ thứ 2, vua viết chữ Phật dài 1 trượng 6 thước khắc vào phiến đá".
Lần xây dựng thứ hai vào năm 1105, vua tu bổ chùa Diên Hựu: "Mùa thu tháng 9 làm hai ngọn tháp chỏm trắng ở chùa Diên Hựu... Bấy giờ vua chữa lại chùa đẹp hơn chùa cũ, đào hồ Liên Hoa Ðài gọi là hồ Linh Chiểu. Ngoài hồ có hành lang chạm vẽ chung quanh, ngoài hành lang lại đào hồ". Bích trì đều bắc cầu vồng để đi qua. Trước sân chùa xây Bảo Tháp. Trước khi vào chùa còn có một phương đình bằng đá xanh cao 8 trượng (khoảng 26m) trước cổng chùa. Chùa là một cụm kiến trúc bề thế, có ý tưởng độc đáo và thẩm mỹ đẹp đã bị chiến tranh tàn phá, trở thành um tùm rậm rạp thời giặc Minh”.
Thông qua nhiều tài liệu cổ cho biết chiếc cột thần kỳ cao tới 20m, trong đó có bia Sùng Diện Linh ở chùa Long Ðọi Nam Hà do Binh bộ thượng thư Nguyễn Công Bật viết đã mô tả và ghi chép tỷ mỷ việc xây tiếp chùa Một Cột: "Mở cửa chùa Diên Hựu tại vườn tây. Dấu vết theo quy mô thủa trước, lo toan Thánh ý ngày nay. Ðảo hồ thơm Linh Chiểu, giữa hồ trồi lên cột đá. Trên cột đá có một cánh hoa sen ngàn cánh xoè ra. Trên hoa dựng ngôi đền đỏ sẫm. Trong đền đặt pho tượng sắc vàng, ngoài hồ có hành lang bao bọc. Ngoài hành lang lại có hồ Bích Trì, bắc cầu cong đi lại, ở sân trước hai cầu bên tả hữu xây bảo tháp lưu ly...".Đây là một công trình kiến trúc sáng tạo kết hợp không gian kiến trúc có nhịp điệu cao thấp gồm điêu khắc đá, hội hoạ, chạm vẽ hành lang, mặt nước là biểu tượng văn hoá, nghệ thuật cao, tính dân tộc đậm nét. Chùa đã bị huỷ hoại, xây dựng lại nhỏ hơn so với nguyên mẫu, nhắc lại ở đây một thời đã có một cụm kiến trúc độc đáo.
Hiện nay chùa Một Cột được khách thập phương trong và ngoài nước tới cầu nguyện và tham quan.