Cách đây 65 năm, dưới sự lãnh của Đảng, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, đập tan ý đồ của thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Sự phối hợp tác chiến của quân dân ba nước Đông Dương đã tạo điều kiện thuận lợi cho trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ giành thắng lợi. Trong ảnh: Lực lượng Pa thét Lào vào giải phóng Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn. Ảnh tư liệu
Thắng lợi đó bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó phải kể đến sức mạnh của thời đại, sự ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn quốc tế đối với nhân dân Việt Nam. Trong giai đoạn đẩy mạnh hội nhập quốc tế hiện nay, việc tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè tiến bộ quốc tế vẫn vẹn nguyên ý nghĩa thời sự.
Thắng lợi của quân dân ta tại Điện Biên Phủ trước hết là do có sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân Lào và Campuchia anh em. Là những nước láng giềng gần gũi, có truyền thống đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong suốt chiều dài lịch sử, khi chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 mở ra, phối hợp với chiến trường Bắc Bộ, liên quân Lào - Việt đẩy mạnh tiến công trên chiến trường Lào, phân tán, xé lẻ khối cơ động chiến lược của quân Pháp, giải phóng hầu hết Trung Lào, phát triển xuống Hạ Lào, giải phóng cao nguyên Bôlôven.
Đồng thời với đó, quân tình nguyện Việt Nam cùng Quân giải phóng Ítxarắc đã phối hợp tiến công, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, nối liền căn cứ địa Đông và Đông Bắc Campuchia với vùng giải phóng của Lào. Sự phối hợp tác chiến của quân dân ba nước Đông Dương đã tạo điều kiện thuận lợi cho trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ (từ ngày 13-3 đến ngày 7-5-1954) giành thắng lợi giòn giã, kết thúc chiến tranh, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (21-7-1954).
Không chỉ Lào và Campuchia, trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều sự ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau. Chuẩn bị cho Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Ðoàn cố vấn quân sự Trung Quốc đã tích cực tham gia cùng các tướng lĩnh Việt Nam trong việc khảo sát, lên kế hoạch và chuẩn bị chiến trường. Đặc biệt, bước vào chiến dịch, Việt Nam đề nghị Trung Quốc giúp đỡ và Trung Quốc lập tức đáp ứng trên tinh thần "toàn lực chi viện, chiến trường cần thứ gì, cần bao nhiêu, đều cố gắng cung cấp nhanh nhất".
Về phía Liên Xô, từ năm 1950, sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Liên Xô đã viện trợ Việt Nam một số mặt hàng có ý nghĩa chiến lược về quân sự, kinh tế. Trong đợt ba của Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định bổ sung 12 dàn hỏa tiễn H6 (trong tổng số 14 dàn) do Liên Xô viện trợ tham gia chiến đấu, trực tiếp tác chiến tại khu vực Bắc Him Lam. Hỏa tiễn H6 đã phát huy uy lực, khiến đối phương vô cùng hoảng loạn, góp phần làm cho quân đội Pháp suy sụp tinh thần nhanh chóng, tê liệt ý chí chiến đấu và thất bại.
Bên cạnh sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ còn phải kể tới sự ủng hộ, giúp đỡ của các dân tộc bị áp bức ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh và phong trào đấu tranh của nhân dân tiến bộ trên thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Pháp.
Đối với thực dân Pháp, cuộc chiến tranh ở Đông Dương được nhân dân Pháp gọi là “Cuộc chiến tranh bẩn thỉu, phi chính nghĩa, phản động, chống lại tự do của nhân dân Việt Nam”. Do đó, đến tháng 8-1953, 82% người Pháp đồng tình chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược đó. Để hiện thực hóa trào lưu này, Đảng Cộng sản Pháp đã cử sang Việt Nam một số đảng viên giúp làm công tác binh vận trong hàng ngũ quân đội Pháp.
Cùng với hành động can đảm của nữ công nhân Raymông Điêng, nằm chắn ngang đoàn tàu chở vũ khí sang Việt Nam, trên các diễn đàn quốc tế, các đại hội học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ… các bạn Pháp đều chủ động gặp gỡ các đại biểu Việt Nam, nhờ họ mang về Việt Nam nhiều tặng phẩm, quà, báo chí, thư từ, tiền bạc.
Ngoài ra, các tổ chức của nước Pháp như Tổng Công đoàn, Liên đoàn Phụ nữ, Liên đoàn Thanh niên đã có nhiều hình thức đấu tranh khác nhau rất sáng tạo, lấy chữ ký đòi hòa bình ở Việt Nam để trao cho các ủy viên hội đồng thành phố, trao cho các nghị sĩ, bộ trưởng, tổng thống…; mít tinh biểu tình trong khắp nước; tổ chức những buổi họp mặt mang tên “Vì Việt Nam”; tổ chức các hòm phiếu đòi hòa bình ở Việt Nam…
Sự lớn mạnh của phong trào phản đối chiến tranh ở Pháp đã khơi dậy phong trào đấu tranh ủng hộ Việt Nam ở các nước Bắc Phi. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và các tổ chức công đoàn, công nhân bến cảng đấu tranh liên tục trong vòng 5 năm liền tẩy chay không chịu vận chuyển hàng hóa, vũ khí cho tàu Pháp sang Việt Nam. Chỉ riêng ở Angiêri, trong 5 năm đấu tranh ủng hộ Việt Nam, công nhân các bến cảng phải chịu thiệt hại lên đến 4,6 tỷ phrăng tiền lương.
Sau khi Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh, một loạt cuộc biểu tình của nhân dân các nước Bắc Phi nổ ra nhằm chống lại việc đưa lính sang Việt Nam làm bia đỡ đạn. Chính các cuộc biểu tình này đã khiến đề nghị của tướng H.Nava về việc bổ sung 2.699 lính Bắc Phi không được chấp nhận. Ngày 19-12-1953, dưới sự lãnh đạo của các Đảng Cộng sản, nhân dân Bắc Phi tổ chức ngày đoàn kết với nhân dân Việt Nam và ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Sự ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn quốc tế là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Với thắng lợi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Nhân dân Việt Nam hiểu rõ rằng: Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi, cho nên muốn giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh vĩ đại ấy, điều kiện quan trọng là sự đoàn kết nhất trí giữa các lực lượng tiến bộ trên thế giới, trước hết là sự đoàn kết nhất trí trong phe xã hội chủ nghĩa, trong phong trào cộng sản quốc tế”.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, tuy hòa bình, hợp tác, phát triển đang là xu thế chủ đạo, nhưng dự báo tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Các nước lớn điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, đấu tranh kiềm chế lẫn nhau, tác động mạnh đến cục diện thế giới và khu vực…
Vì vậy, phát huy sức mạnh của thời đại, sức mạnh của tinh thần đoàn kết quốc tế trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 65 năm về trước, hơn lúc nào hết chúng ta cần tiếp tục quán triệt và thực hiện sâu sắc phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế”; thực hiện tốt Nghị quyết số 22-NQ/TƯ ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 06 ngày 5-11-2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Chỉ thị số 25-CT/TƯ ngày 8-8-2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030...
Trên cơ sở đó, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại cả trên bình diện song phương và đa phương, bảo đảm sự hợp tác hiệu quả trên các lĩnh vực để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước. Đó là cách thiết thực nhất để tôn vinh, tri ân những thế hệ cha anh đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.