"Thân em vừa trắng lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son".
Bài thơ "bánh trôi nước " là một trong những bài thơ tiêu biểu của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương. Trong bài thơ, nữ thi sĩ đã vô cùng khéo léo khi mượn hình ảnh chiếc bánh trôi để ẩn dụ cho cuộc sống của những người phụ nữ phong kiến. Ngay câu thơ đầu với việc sử dụng đại từ "thân em" với hai tính từ "trắng, tròn" đã cho người đọc thấy rõ được vẻ đẹp đầy đặn, tràn đầy sức sống của người phụ nữ. Nhưng "hồng nhan" thì "bạc phận", những người phụ nữ phong kiến cũng như vậy. Họ có vẻ đẹp nhưng cuộc sống của họ thì trôi dạt, bấp bênh như cách nổi, chìm của bánh trôi. Hơn cả thế,số phận của họ còn bị trói buộc, không được làm chủ bản thân mà phải để mặc "tay kẻ nặn", thật đúng cho câu " tam tòng tứ đức" ngày xưa. Mặc cuộc sống khổ cực như vậy nhưng họ vẫn luôn luôn mặc định và giữ gìn tấm lòng son sắt của mình. Qua đây ta phần nào hiểu rõ được cuộc sống bi ai, trôi dạt, không nương tựa của những người phụ nữ phong kiến "hồng nhan bạc phận ".