Kinh nghiệm ôn thi THPT Quốc gia 2017
Mười hai năm học phổ thông như một cuộc chạy việt dã, kì thi THPT Quốc gia chẳng khác gì một đỉnh núi mà chúng ta cần vượt qua. Mặc dù đỉnh núi đó không hứa hẹn nhiều “hoa thơm, cỏ lạ” nhưng chúng ta cần phải chinh phục nó để mở rộng tầm quan sát, để nhìn thấy những đỉnh núi cao hơn, những chân trời xa hơn, thậm chí để trượt xuống và đi vững vàng trên mặt đất.Thầy mong các em cố gắng hết mình trong tuần học cuối để tự tin đối mặt và chinh phục kì thi một cách đầy ấn tượng.
Sau đây là một số lưu ý nhỏ của thầy. Hi vọng nó có thể góp giúp các em tự tin hơn!
1. Lưu ý về phạm vi kiến thức:
* Nghị luận văn học:
– Mức độ 3 (Chỉ nắm ý cơ bản, rất ít khả năng ra):
+ Đàn ghi ta của Lor – ca; Những đứa con trong gia đình (tác phẩm Đọc thêm của hệ GDTX)
+ Vợ Nhặt (đã ra 2016)
– Mức độ 2 (Xây dựng được dàn ý chi tiết)
+ Tự sự: Tuyên ngôn Độc Lập; Chiếc thuyền ngoài xa; Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Rừng xà nu.
+ Trữ tình: Việt Bắc
– Mức độ 1 (Ôn luyện chuyên sâu, chi tiết, có liên hệ, so sánh)
+ Trữ tình: Sóng, Đất Nước, Tây Tiến
+ Tự sự: Người lái đò Sông Đà; Ai đã đặt tên cho dòng sông, Vợ chồng A Phủ
* Đọc hiểu
– Xuất phát từ yêu cầu NLXH tích hợp Đọc hiểu nên ngữ liệu đọc hiểu chủ yếu thuộc phương thức biểu đạt (biểu cảm/nghị luận) và phong cách ngôn ngữ chức năng (báo chí/chính luận). Sẽ không có khả năng ra phong cách ngôn ngữ sinh hoạt + Hành chính công vụ. Ít khả năng ra phong cách nghệ thuật + Khoa học.
* Nghị luận xã hội
– Theo dõi 3 đề thi minh họa môn Ngữ văn (2017) của Bộ, chúng ta nhận thấy người ra đề đặc biệt quan tâm đến những vấn đề liên quan trực tiếp đến giới trẻ như: Ý chí, nghị lực; niềm tin, khát vọng; bản lĩnh, tài năng; đam mê, nhiệt huyết…
2. Lưu ý về cấu trúc:
– Cấu trúc 3 phần: Đọc hiểu – NLXH – NLVH (trong đó NLXH tích hợp Đọc hiểu) sẽ không thay đổi
+ Đọc hiểu sẽ dao động từ 4 – 5 câu hỏi nhỏ
+ NLXH viết đoạn văn 200 chữ
+ NLVH viết bài văn hoàn chỉnh.
3. Lưu ý về cách hỏi và cách trả lời
3.1. Phần Đọc hiểu: Có 4 câu hỏi nhỏ theo 4 mức độ (Nhận biết – Thông hiểu – Vận dụng – Vận dụng cao). Câu nào biết trước thì trả lời trước, câu nào chưa biết thì căn dung lượng câu chữ vừa đủ và để cách ra, tránh mất thời gian.
– Câu 1, 2 (Nhận biết – thông hiểu): Thường yêu cầu HS tìm kiếm một thông tin nào đó trong ngữ liệu và trả lời 1 đơn vị kiến thức tiếng Việt/Tập làm văn (Phong cách ngôn ngữ; Thao tác lập luận; Cách trình bày đoạn văn (Hình thức nghị luận/Kết cấu đoạn văn) Phương thức biểu đạt; Biện pháp tu từ (hiệu quả); Chủ đề/nội dung chính văn bản, …)
+ Câu 3,4 (Vận dụng – vận dụng cao): Yêu cầu giải thích một ý kiến, quan điểm nào đó trong ngữ liệu + trình bày ngắn gọn suy nghĩ cá nhân.
+ Nếu đề yêu cầu xác định thao tác lập luận/phương thức biểu đạt chính (chỉ trả lời 1 thao tác/phương thức). Khi xác định thao tác lập luận/phương thức biểu đạt (không có từ “chính”) thì có thể trả lời 2 đến 3 (thông thường 1 đoạn văn ngắn không có đến 4-5 thao tác/phương thức…)
+ Nếu đề yêu cầu nêu hiệu quả biện pháp tu từ thì trước tiên phải xác định được biện pháp (chỉ rõ từ ngữ, hình ảnh liên quan) rồi mới phân tích hiệu quả. Khi phân tích hiệu quả chú ý nêu hiệu quả chung chung (mang tính công thức) của biện pháp, sau đó nói đến hiệu quả cụ thể gắn với ngữ liệu.
+ Nếu đề yêu cầu xác định nội dung của văn bản thì cần nêu ngắn gọn, chính xác nội dung khách quan (vấn đề mà ngữ liệu nói tới). Không cần phân tích, bình luận dài dòng.
+ Nếu đề yêu cầu giải thích ý nghĩa câu thơ/câu văn thì phải chú ý đến những từ ngữ/hình ảnh then chốt, sau đó đặt câu đó vào ngữ cảnh để có thể hiểu được logic ý nghĩa của nó.
+ Nếu đề yêu cầu viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ, ý kiến của mình về vấn đề nào đó đã được nêu trong ngữ liệu thì cần phải trả lời thật chính xác ngắn gọn, nổi bật được vấn đề. Nên tham khảo kết cấu (Câu 1: Dẫn dắt vấn đề – Câu 2,3 nêu rõ suy nghĩ, quan điểm về vấn đề – Câu 4: Khái quát lại suy nghĩ, cảm xúc về ý nghĩa của vấn đề)
+ Khi trả lời có thể GẠCH ĐẦU DÒNG để các ý được tách bạch, rõ ràng (trừ đoạn văn – câu 4)
3.2. Phần NLXH: Yêu cầu viết đoạn văn (khoảng 200 từ) trình bày quan điểm về một vấn đề xã hội nào đó được “lẩy” ra từ ngữ liệu Đọc hiểu. Để trả lời ngắn gọn mà vẫn đủ ý, đảm bảo cấu trúc, thí sinh nên dựa vào kết cấu của một bài văn hoàn chỉnh, bao gồm các bước:
– Dẫn dắt vấn đề (Dùng 1 – 2 câu văn để dẫn dắt vấn đề đã được nhắc đến trong câu hỏi)
– Giải thích vấn đề (giải thích ý nghĩa cụ thể của các một số từ ngữ, khái niệm được diễn đạt theo cách hàm ẩn hoặc chưa rõ nghĩa)
– Phân tích, chứng minh vấn đề (lí giải vấn đề trên các phương diện cơ bản bằng cách đặt ra các câu hỏi và trả lời. Đưa ra dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc)
– Bình luận, đánh giá, mở rộng vấn đề (Đưa ra quan điểm, ý kiến cá nhân về vấn đề; đánh giá ý nghĩa vấn đề: đúng/sai – phù hợp/chưa phù hợp/ – tốt/xấu…; mở rộng vấn đề theo hướng tự đưa ra câu hỏi phản biện hoặc tự đề cập đến những mặt trái/biểu hiện đối lập của vấn đề)
– Khái quát lại ý nghĩa vấn đề (Khẳng định lại vai trò, ý nghĩa của vấn đề đối với đời sống cá nhân và xã hội)
3.3. Phần NLVH: Vì thời gian dành cho phần này chỉ có 60 – 70 phút nên đề thường yêu cầu nghị luận về một khía cạnh/phương diện/hình tượng…nào đó của tác phẩm chứ không hỏi toàn bộ tác phẩm. Vậy làm thế nào để có thể viết đủ dài, mạch lạc và sâu sắc về ý? Chúng ta nên lưu ý mấy điểm sau:
– Đặt vấn đề vào chỉnh thể (nghĩa là nên khái quát phần phía trước và nối kết với phần phía sau nếu đề yêu cầu ta phân tích 1 đoạn thơ không phải là đoạn đầu và đoạn cuối.
– Khi phân tích/cảm nhận phải biết cách kết hợp những kiến thức lí luận và văn học sử với mức độ vừa phải để tạo nên điểm tựa lí thuyết vững chắc cho vấn đề
– Phải biết cách so sánh liên hệ với các tác phẩm cùng tác giả/chủ đề/giai đoạn… để bài viết được dài và sâu sắc…
4. Lưu ý về cách trình bày
* Dung lượng bài làm trong thời gian 120 phút: (tối thiểu) 6 – tối đa (10 trang) là phù hợp
– Phần Đọc hiểu:
+ Câu 1, 2: Tùy yêu cầu của đề mà có thể viết ngắn/dài. Tuy nhiên càng ngắn gọn càng tốt (tối đa 6 dòng)
+ Câu 3,4: Không viết dài hơn 1/2 phần NLXH (tức là <100 chữ)
– Phần NLXH: Đề yêu cầu viết 200 chữ (mỗi dòng nên viết từ 10 – 12 chữ), tương đường 20 – 24 dòng.
Lưu ý: Nếu có viết dài hơn thì tối đa cả đoạn chỉ đến 30 dòng.
– Phần NLVH: Dung lượng 5 – 7 trang là phù hợp.
5. Lưu ý về việc phân bổ thời gian
– Tổng thời gian của bài thi là 120 phút đòi hỏi thi sinh không chỉ có kĩ năng xử lí vấn đề mà còn phải biết cách phân chia thời gian một cách phù hợp, đảm bảo phương châm “xấu đều còn hơn tốt lõi” (hiểu nôm na là làm đều, làm đủ tất cả các câu còn hơn là làm thật hay một câu/phần, còn những câu/phần khác lại dở dang)
– Việc phân chia thời gian nên căn cứ bởi 2 yếu tố: Cơ cấu điểm và đặc thù từng phần.
+ Phần đọc hiểu (3 điểm): đặc thù là trả lời ngắn nên thời gian làm bài tối đa là: 25 – 30 phút
+ Phần NLXH (2 điểm): viết đoạn văn nên thời gian tối đa là 20 – 25 phút
+ Phần NLVH (5 điểm): yêu cầu viết bài văn vì vậy cần thời gian: 70 – 75 phút
Trên đây là toàn bộ những điều thầy muốn lưu ý với các em. Còn 1 ý nữa thầy muốn tách riêng ra để chúng ta không bao giờ được phép quên:
“ĐÃ VIẾT VĂN THÌ PHẢI CÓ CẢM XÚC – HÃY VIẾT VỚI TẤT CẢ SỰ RUNG CẢM, NIỀM VUI SƯỚNG VÀ CẢ SỰ ĐAU ĐỚN CỦA MỘT CON NGƯỜI KHI ĐƯỢC CẤT TIẾNG NÓI, ĐƯỢC TRÌNH BÀY QUAN ĐIỂM – HÃY VIẾT NHƯ MỘT CÁCH KHẲNG ĐỊNH SỰ TỒN TẠI – HIỆN DIỆN (Cho dù tiếng nói quan điểm đó có thể còn non nớt, vụng dại và sự hiện diện – tồn tại đó có thể chẳng khiến ai bận tâm). HÃY NHỚ CHỈ KHI CÁC EM “THỔI” ĐƯỢC ÍT NHIỀU CẢM XÚC VÀO BÀI VĂN CỦA MÌNH THÌ NÓ MỚI CÓ THỂ “CHẠM” ĐẾN ĐƯỢC TRÁI TIM CỦA NGƯỜI CHẤM BÀI VÀ LÀM DỊU ĐI NHỮNG ĐÒI HỎI KHẮT KHE, CỨNG NHẮC.
Cảm ơn các em đã chia sẻ! Chúc các em thành công!
Thầy Đặng Khương
Xem thêm :Những bài viết chia sẻ phương pháp học văn hiệu quả :
Tải trọn bộ tài liệu ôn thi môn Văn :

Bài viết gợi ý: